Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Khả năng sáng tạo của doanh nghiệp: Khi thế giới đảo ngược!

Người tiêu dùng tại các nền kinh tế mới nổi đang giàu lên với tốc độ nhanh hơn người tiêu dùng phương Tây - Ảnh: Getty.

Từ lâu, thế giới vẫn tin rằng, thế mạnh của các nền kinh tế mới nổi chỉ là lực lượng lao động giá rẻ. Tuy nhiên, một bài viết trên tờ Economist cho rằng, trên thực tế, các nền kinh tế mới nổi đang dần thay thế khu vực các nước phát triển ở vị trí đi đầu về khả năng sáng tạo của các doanh nghiệp.

Vào năm 1980, lãnh đạo các hãng xe Mỹ cảm thấy sốc khi biết tin Nhật Bản đã giành ngôi vị nước sản xuất ô tô số 1 thế giới của nước Mỹ và họ ngay lập tức tìm đến đất nước mặt trời mọc để tìm hiểu xem điều gì đang xảy ra. Làm thế nào mà xe Nhật vượt được xe Mỹ cả về mặt giá cả lẫn chất lượng? Và làm thế nào mà nước Nhật có thể sản xuất được những mẫu xe mới nhanh tới vậy?

Sau đó, người Mỹ phát hiện ra rằng, câu trả lời không nằm ở chính sách sản xuất công nghiệp hay các khoản trợ giá của Chính phủ Nhật như họ nghĩ tới trước đó, mà nằm ở khả năng sáng tạo của doanh nghiệp Nhật. Người Nhật đã phát minh ra một hệ thống sản xuất mới được biết đến với cái tên “sản xuất tinh gọn”.

Bài viết trên tờ Economist cho những gì đang xảy ra ở các nền kinh tế mới nổi lên cũng không khác là bao so với sáng kiến sản xuất tinh gọn trước kia của Nhật Bản. Khu vực kinh tế này đang trở thành nơi mà sức sáng tạo của doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ giống như ở Nhật Bản thời những năm 1950 và những thập niên sau đó.

Các nước đang phát triển đã tung ra được những sản phẩm và dịch vụ mới với mức giá rẻ hơn nhiều so với sản phẩm tương tự của các nước phương Tây: xe hơi giá 3.000 USD;, máy tính giá 300 USD, điện thoại 30 USD… Các quốc gia này cũng đang xây dựng lại hệ thống sản xuất và phân phối, đồng thời thử nghiệm những mô hình kinh doanh hoàn toàn mới. Mọi yếu tố của kinh doanh hiện đại, từ quản lý chuỗi cung cấp, tuyển dụng và giữ chân nhân sự, đều đang được cải thiện hoặc cải tổ ở các nền kinh tế mới nổi.

Vậy tại sao các quốc gia trước đây chỉ có thế mạnh ở nguồn nhân công rẻ lại có thể đi đầu trong sức sáng tạo của doanh nghiệp như hiện nay?

Lý do dễ nhận thấy nhất là các công ty ở khu vực quốc gia này đang nuôi những giấc mơ lớn. Với động lực là sự kết hợp giữa tham vọng vươn lên chiếm lĩnh thị trường thế giới và e ngại những đối thủ cạnh tranh có giá rẻ hơn, các nền kinh tế mới nổi đang không ngừng leo cao trên nấc thang giá trị. Doanh nghiệp đến từ các thị trường mới nổi không chỉ chứng tỏ được sức cạnh tranh cao ngay trên sân nhà mà còn đang vươn mạnh ra thị trường thế giới.

Báo cáo Đầu tư Thế giới của Liên hiệp quốc ước tính, hiện có khoảng 21.500 công ty đa quốc gia có trụ sở ở các nền kinh tế mới nổi. Trong số này, có nhiều gương mặt nổi trội và hoàn toàn có thể sánh ngang với các doanh nghiệp phương Tây như công ty luyện đúc kim loại Bharat Forge của Ấn Độ, công ty pin điện BYD của Trung Quốc, hay công ty máy bay Embraer của Brazil…

Số công ty từ Brazil, Ấn Độ và Trung Quốc góp mặt trong danh sách 500 công ty lớn nhất thế giới của tạp chí Financial Timess đã tăng hơn 4 lần trong thời gian 2006-2008, từ 15 lên 62 công ty. Riêng trong năm 2006, 20 công ty đa quốc gia hàng đầu của Brazil đã gia tăng gấp đôi giá trị tài sản ở nước ngoài.

Song song với sự phát triển của công ty đa quốc gia thuộc các nền kinh tế mới nổi, các công ty phương Tây cũng đầu tư nhiều hơn vào những thị trường mới nổi. Họ xem đây là nguồn tăng trưởng kinh tế và nhân lực chất lượng cao - hai yếu tố mà họ đang rất cần tới.

Các công ty đa quốc gia kỳ vọng khu vực kinh tế mới nổi sẽ đóng góp 70% vào tăng trưởng kinh tế thế giới trong vài năm tới, trong đó 40% đến từ Trung Quốc và Ấn Độ. Các doanh nghiệp này cũng nhấn mạnh rằng, Trung Quốc và Ấn Độ đã đầu tư lớn vào giáo dục trong vòng hai thập kỷ qua. Mỗi năm, Trung Quốc có thêm 75.000 người hoàn tất các chương trình sau đại học về kỹ thuật và công nghệ thông tin. Ở Ấn Độ, con số này là 60.000 người.

Các công ty đa quốc gia lớn nhất thế giới ngày càng thực hiện nhiều hơn công tác nghiên cứu và phát triển (R&D) ở các thị trường mới nổi. Các công ty trong danh sách 500 doanh nghiệp lớn nhất của Mỹ - Fortune 500 - có 98 cơ sở R&D tại Trung Quốc và 63 cơ sở R&D ở Ấn Độ. Một số công ty không chỉ có một cơ sở R&D tại các nước này.

Bộ phận y tế của tập đoàn General Electrict (GE) của Mỹ đã chi 50 triệu USD để xây dựng một trung tâm R&D lớn ở Bangalore, Ấn Độ. Tập đoàn công nghệ Cisco đang chi trên 1 tỷ USD để xây dựng một trụ sở toàn cầu thứ hai mang tên Cisco Eas ở Bangalore. Trung tâm R&D của Microsoft ở Bắc Kinh là địa chỉ nghiên cứu và phát triển lớn nhất của hãng phần mềm này ngoài trụ sở ở của tập đoàn ở Redmond, Mỹ.

Những doanh nghiệp có hàm lượng chất xám cao như các công ty công nghệ thông tin và tư vấn đã đẩy mạnh việc thu nạp nhân tài từ các quốc gia đang phát triển. Chẳng hạn, 1/4 số nhân viên của hãng công nghệ thông tin Accenture là người Ấn Độ.

Doanh nghiệp từ cả các nước phương Tây và đang phát triển đều đã nhận thức được rằng, họ cần nỗ lực nhiều hơn nếu muốn thành công ở các thị trường đang phát triển. Việc tập trung vào tầng lớp khách hàng thượng lưu tại các thị trường này là chưa đủ, mà họ cần phải tìm được cách thu hút hàng tỷ khách hàng bình dân ở đây. Mà điều này đồng nghĩa với việc điều chỉnh mọi thứ từ sản phẩm tới hệ thống phân phối.

Theo giáo sư Anil Gupta thuộc Đại học Maryland, Mỹ, các thị trường mới nổi có thể được xem là những nơi chứa đựng nhiều thách thức nhất trên thế giới. Hệ thống phân phối ở các thị trường này nhiều khi kém phát triển. Thêm vào đó, các dòng thu nhập của người tiêu dùng khó đoán định, tỷ lệ đói nghèo còn cao và những trở ngại khác như ô nhiễm môi trường, thủ tục hành chính phiền hà… Tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ có thể bào mòn lợi nhuận của các doanh nghiệp nước ngoài.

Những thách thức này đã khiến không ít doanh nghiệp phương Tây nản chí, như Yahoo và eBay đã rút lui khỏi thị trường Trung Quốc, Google mới đây cũng đã đóng cửa trang web ở Trung Quốc đại lục. Hay như Black&Decker, hãng sản xuất công cụ lớn nhất của Mỹ, gần như không có sự hiện diện nào ở Ấn Độ và Trung Quốc, nơi được xem là hai công trường xây dựng lớn nhất của thế giới.

Nhưng đồng hành với những thách thức đó là những cơ hội cũng lớn không kém. Thị trường tiềm năng ở các nền kinh tế mới nổi là khổng lồ. Dân số của các nền kinh tế này lớn hơn nhiều so với ở các nước phát triển và tiếp tục tăng trưởng với tốc độ nhanh chóng hơn. Trong vài thập kỷ tới đấy, cả Trung Quốc và Ấn Độ sẽ có thêm hàng trăm triệu người gia nhập vào tầng lớp trung lưu.

Thêm vào đó, ở các nền kinh tế mới nổi, các công ty ít phải chịu những chi phí tốn kém do hệ thống máy móc, công nghệ đã cũ nhưng chưa được thay mới vốn khá phổ biến ở các nước phương Tây. Mặt khác, nguồn nhân lực có trí tuệ ở các nền kinh tế này cũng khá dồi dào và không mấy đắt đỏ: ở Trung Quốc mỗi năm có hơn 5 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học, ở Ấn Độ có khoảng 3 triệu sinh viên ra trước, nhiều gấp 4 lần và 3 lần ở thời điểm cách đây một thập kỷ.

Sự kết hợp của những thách thức và cơ hội này tạo ra một động lực lớn cho sự sáng tạo. Do tỷ lệ người tiêu dùng nghèo còn cao, các công ty phải cố gắng thúc đẩy phát triển số lượng. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm bản quyền lại khá phổ biến nên các công ty cũng buộc phải liên tục nâng cấp sản phẩm.

Vào thập niên 1980, do giá cả đắt đỏ của đất đai và nguyên vật liệu đầu vào, Toyota và Honda đã phát triển mô hình hàng tồn kho và quản lý chất lượng “just-in-time”, bao gồm các tiêu chí sản xuất đúng lúc, đúng nơi, đúng sản phẩm mà khách hàng cần, qua đó giảm thiểu sự dư thừa nguyên vật liệu và nhân công. Tương tự như vậy, doanh nghiệp của các nền kinh tế mới nổi cũng đang biến những khó khăn mà họ phải đối mặt thành lợi thế.

Từ trước tới giờ, nhiều người vẫn cho rằng, quá trình toàn cầu hóa là do phương Tây thúc đẩy và áp đặt với phần còn lại của thế giới. Theo những người có quan điểm này, các ông chủ ở New York, London và Paris kiểm soát quá trình toàn cầu hóa, và người tiêu dùng phương Tây sẽ là người hưởng phần lớn lợi ích của quá trình này. Nhưng thực tế này đang thay đổi nhanh chóng.

Những doanh nghiệp hùng mạnh đến từ các thị trường mới nổi như tập đoàn thép ArcelorMittal hay tập đoàn xi măng Cemex của Mexico đang thâu tóm nhiều công ty phương Tây. Các công ty công nghệ của Ấn Độ như Infosys và Wipro đang giành lấy thị phần ngày càng lớn trên thị trường công nghệ văn phòng.

Thêm vào đó, người tiêu dùng tại các nền kinh tế mới nổi cũng đang giàu lên với tốc độ nhanh hơn người tiêu dùng phương Tây. Thậm chí, trong một số trường hợp, chuỗi cung cấp toàn cầu truyền thống đã bị đảo ngược: doanh nghiệp mua nhiều linh kiện từ các nước phương Tây và thực hiện công việc lắp ráp ở Brazil.

Quan niệm cũ về sự sáng tạo cũng đang đứng trước đòi hỏi phải có sự thay đổi. Người phương Tây vẫn tin rằng, công ty của họ là nơi đưa ra những ý tưởng mới, và sau đó đưa các ý tưởng này đến với các nước đang phát triển. Ý nghĩ này giúp người phương Tây dễ dàng chấp nhận hơn thực tế họ bị mất việc trong ngành sản xuất. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện nay, suy nghĩ đó đã không còn đúng.

Các công ty phương Tây đang tập trung vào hình thức sáng tạo đa trung tâm (trong đó phối hợp nguồn nhân lực, vốn và ý tưởng trên phạm vi toàn thế giới để đáp ứng các nhu cầu của thị trường toàn cầu về sản phẩm và dịch vụ mới) thông qua việc mở rộng các trung tâm R&D ra khắp thế giới. Trong khi đó, các công ty đến từ các thị trường mới nổi đang đi đầu trong việc sáng tạo ra mọi loại hình sản phẩm từ viễn thông tới máy tính.

Vì vậy, thế giới đã đến lúc phải có cách nhìn khác về bản chất của sự sáng tạo. Phần lớn người phương Tây đều đánh đồng sự sáng tạo với những đột phá về công nghệ, với những sản phẩm mới mang tính công nghệ ban đầu dành cho tầng lớp thượng lưu rồi về sau mới lan tỏa xuống tầng lớp bình dân.

Tuy nhiên, phần nhiều trong số những sáng tạo quan trọng nhất lại là sự cải tiến dần dần các sản phẩm và quy trình hướng tới tầng lớp thu nhập trung bình hoặc thấp, chẳng hạn như hệ thống cung cấp đáng được xem là hình mẫu của Wal-Mart hay việc Dell ứng dụng mô hình quản lý sản xuất “just-in-time” cho việc sản xuất máy tính cá nhân.

Các nền kinh tế mới nổi chắc chắn sẽ có đóng góp ngày càng lớn vào những sáng tạo mang tính đột phá của thế giới. Các nền kinh tế này đã vượt qua phương Tây trong một số lĩnh vực như thanh toán qua điện thoại di động và trò chơi trực tuyến. Cơ sở R&D của Microsoft ở Bắc Kinh đã sản xuất được những chương trình thông minh cho phép máy tính nhận dạng chữ viết tay hoặc biến các tấm ảnh chụp thành hình vẽ.

“Đại gia” viễn thông Huawei của Trung Quốc đã trở thành đơn vị xin cấp bằng sáng chế lớn thứ tư trên thế giới. Tuy nhiên, những sáng kiến thú vị nhất mà tác giả bài viết này tập trung vào là các sáng kiến của Wal-Mart và Dell. Đó là những sáng tạo tuyệt vời trong thiết kế sản phẩm và tổ chức quy trình để tiếp cận với hàng tỷ người tiêu dùng vừa mới đặt chân vào thị trường toàn cầu.

Tới các nền kinh tế mới nổi vào thời điểm hiện nay, bất kỳ du khách phương Tây nào cũng cảm thấy ấn tượng, đặc biệt là những ai đến từ một quốc gia vừa trải qua suy thoái.

Theo tổ chức Pew Global Attitudes, năm 2009, có khoảng 94% người Ấn Độ, 87% người Brazil, và 85% người Trung Quốc cho biết họ hài lòng với cuộc sống. Phần lớn người Trung Quốc và Ấn Độ tin rằng, tình hình kinh tế hiện tại của nước họ là tốt và kỳ vọng các điều kiện sống sẽ còn được cải thiện. Có thể nói, các nền kinh tế mới nổi là nơi mà người ta nhìn thấy cơ hội trong mọi khó khăn, thay vì nhìn thấy khó khăn trong mọi cơ hội.

Vậy tất cả những phân tích trên có ý nghĩa như thế nào với các nước giàu và sự cân bằng quyền lực kinh tế? Trong quá khứ, các nền kinh tế mới nổi có xu hướng theo đuổi những hệ thống quản lý mới, như việc nước Mỹ áp dụng quy trình sản xuất của Henry Ford, mô hình doanh nghiệp đa bộ phận của Alfred Sloan, và loại bỏ tất cả những mô hình đã tồn tại trước đó cho tới tận năm 1960. Nhật Bản đã phát minh ra phương pháp sản xuất tinh gọn và gần như làm điêu đứng ngành công nghiệp ôtô và điện tử của Mỹ.

Giờ đây, các nền kinh tế mới nổi cũng phát triển những ý tưởng quản lý khác biệt của riêng họ, còn các công ty phương Tây ngày càng học được nhiều thứ đến từ các nền kinh tế mới nổi. Những ai vẫn nghĩ các nền kinh tế mới nổi chỉ là nguồn lao động giá rẻ giờ đây cần phải công nhận thêm rằng, đây còn là một nguồn của những sáng tạo đột phá.

(Theo Vneconomy)

  • Về tay người Thái, dấu chấm hết cho hàng Việt ở Metro?
  • Dịch vụ lạ cho giới siêu giàu
  • Sản phẩm “Cơm 3 phút” hút dân công sở
  • Thành công với sản phẩm chế từ... phụ tùng xe đạp
  • Gieo cảm xúc vào chocolate
  • Nhà mạng phải cân nhắc nhập khẩu iPhone
  • Ford ngày càng lãi đậm
  • Microsoft thắng đậm nhờ Windows 7
  • Facebook ngậm ngùi xóa sổ Facebook Lite
  • Đại gia xe Hàn hốt bạc kỷ lục
  • Mối lương duyên Fiat và Chrysler vẫn trắc trở
  • GM trả nợ Mỹ và Canada gần 6 tỷ USD
  • Đầu tư mạo hiểm - Mạo hiểm chẳng đến đâu?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com