Minh họa: Khều. |
Trong một phản ứng không chính thức từ tập đoàn Dầu khí (PVN) sau bài viết: “Hết độc quyền ngành khí, được không” (TBKTSG số ra ngày 16-4-2009), phía PVN cho hay là thực tế họ cũng không muốn độc quyền đàm phán, mua bán và phân phối nguồn khí tự nhiên từ các nhà khai thác đến các hộ tiêu dùng, bởi đây là quá trình vấp phải vô số những khó khăn, trở ngại khó có thể kể ra hết.
Đặc biệt, trong lĩnh vực đàm phán giá khí bán cho các nhà máy điện chạy khí, cách đây mấy năm, Chính phủ đã có văn bản chuyển giao phần đàm phán giá mua bán khí từ PVN sang tập đoàn Điện lực (EVN) để bên này đàm phán trực tiếp.
Nhưng việc đàm phán giá khí của EVN đã không đạt kết quả như mong muốn, lý do lớn nhất là EVN bị các nhà khai thác nước ngoài ép. Bên bán muốn bán giá cao và bên mua là EVN muốn mua giá thấp vì ở thị trường nội địa, họ bị khống chế đầu ra là giá bán điện. Hai nhóm lợi ích đi ngược nhau nên kết quả của các cuộc đàm phán là phía EVN trả lại quyền mua khí cho PVN, rút lui khỏi phân khúc thị trường mua bán này.
PVN cho rằng, sự rút lui của EVN đã đẩy PVN phải trở lại sân chơi độc quyền, nhưng còn khó khăn hơn ngành điện do vừa trong vai trò là nhà đầu tư các dự án điện khí, mặt khác, lại giữ vai trò bên mua duy nhất các hợp đồng khai thác khí, họ phải ép các công ty nước ngoài không được bán khí giá cao để phân phối lại cho các nhà máy điện trong nước.
Nghĩa là nói gì đi chăng nữa, bản thân người trong cuộc cũng không thoải mái khi được khoác chiếc áo độc quyền, nơi mà những hạn chế của thị trường cạnh tranh thực sự đã đẩy nhiều cuộc đàm phán theo cơ chế thị trường vào chỗ lúng túng, chưa có lối thoát.
Vẫn PVN cho rằng, đáng lẽ trong một cuộc chơi mà EVN từng thấu hiểu những khó khăn như vậy và đã từng buộc phải rút lui, họ sẽ không gây sức ép với PVN theo cách thông báo rộng rãi về chuyện thiếu khí, không thể huy động các nhà máy điện chạy khí từ PVN, nhằm đổ lỗi cho PVN về chuyện có thể gây thiếu điện trong mùa khô sắp tới. Trong khi đó, thực tế tổng công suất các nhà máy điện của PVN trong toàn hệ thống hiện mới chỉ chiếm 15%.
Tuy nhiên, trước áp lực về vấn đề đảm bảo nguồn điện và nguồn khí, Tổng giám đốc PVN đã phải bay qua Malaysia đàm phán với Petronas (nhà khai thác mỏ khí phía Bắc) về việc khắc phục những sự cố kỹ thuật để không đóng các vỉa khai thác, đảm bảo tối đa công suất cấp khí cho các nhà máy điện mùa khô. Song, kể cả khi việc khai thác khí được thông suốt rồi, có thể PVN vẫn “ăn, ngủ” không yên, khi không thể bắt buộc EVN huy động hết công suất các nhà máy điện chạy khí. Lý do là khi mùa mưa đến, việc huy động nguồn điện từ các nhà máy thủy điện sẽ có giá thấp hơn huy động các nhà máy điện khí hay nhiệt điện.
Chỉ một câu chuyện về ngành khí thôi, đã thấy rõ nếu EVN đứng ở vị trí của người tiêu dùng, họ cũng cảm thấy bất lực đến đâu khi người bán khí không nhiều và người mua cũng không thể mua bằng mọi giá. Hoặc như PVN, khi ở địa vị của người bán điện, buộc phải bán cho chỉ một người mua thì cũng không thể đạt được mong muốn cuối cùng.
Vậy nên giải pháp hợp lý nhất cho những xung đột từ chính các tập đoàn độc quyền này trước khi các cuộc mua bán thực sự diễn ra theo cơ chế thị trường đầy đủ là liên kết, đàm phán với nhau trong một chừng mực hợp lý, tránh những mâu thuẫn như trong thời gian qua, vô tình có thể làm lợi cho các đối tác nước ngoài ép mua giá cao, còn người mua điện vẫn “khát” khí. Bởi Ngân hàng Thế giới dự báo nguồn cung khí của Việt Nam sẽ lệch cầu từ năm 2015. Theo dự báo của PVN thì khả năng thiếu khí có thể đến sớm hơn, trước thời hạn trên hai năm.
(Theo Ngọc Lan - Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com