Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thương hiệu Ông Non

Danh tiếng tủ thờ Ông Non đã vượt ra khỏi thị xã Gò Công, khỏi tỉnh Tiền Giang. Cái nghề xa xưa hồi sinh mang lại ấm no, mang lại niềm tự hào cho miền đất nơi này.

Nếu bạn có điều kiện đi trên con đường quốc lộ 50, nếu bạn đã từng nghe đến tủ thờ Ông Non, bạn sẽ nhận ra nơi xuất xứ của thương hiệu này khi chứng kiến các trại đóng tủ thờ mọc lên san sát tại xã Tân Trung, thị xã Gò Công (Tiền Giang).

Cuộc tiếp sức nghề cổ

Không tìm thấy những tư liệu ghi chép về nguồn gốc làng nghề nên không ai dám khẳng định chính xác ông tổ làng nghề, về quá trình hình thành làng đóng tủ này. Chỉ biết rằng, các lão nghệ nhân trong xóm truyền lại, từ giữa thế kỷ XIX, bốn anh em ông Vương Văn Non từ miền Bắc trôi dạt về đây khai hoang lập ấp. Hành trang của các ông chỉ có chiếc tủ thờ gia tiên kiểu hai trụ và nghề thợ mộc. Bốn anh em vừa khai đất cất nhà, đóng tủ thờ, vừa truyền nghề cho bà con quanh vùng. Từ đó nghề đóng tủ được người dân lưu giữ và đến nay đã phát triển rực rỡ với danh tiếng tủ thờ Gò Công, thương hiệu Ông Non.

Tủ thờ càng nhiều trụ thì giá trị càng cao. Một tủ thờ 21 trụ toàn bằng gỗ quý, cẩn ốc xà cừ có giá lên tới vài chục triệu đồng

Nhưng làng nghề thịnh vượng hôm nay không phải không có những thăng trầm. Ông Nguyễn Văn Cho (Ba Răng, 76 tuổi), một lão nghệ nhân của xóm hồi tưởng: “Dạo ấy, do kinh tế khó khăn, cái nghề đóng tủ thờ gần như suy thoái. Anh em chúng tôi vẫn phải cắn răng giữ nghề. Thuở đói khổ, ai dám nghĩ đến việc mua chiếc tủ thờ đắt giá cho ông bà. Cho tới khi mở hợp tác xã (HTX) đóng tủ thờ…”. Khi HTX được thành lập, ông Ba Răng trở thành chủ nhiệm HTX và truyền nghề cho tất cả thanh niên, nam nữ trong địa phương. Thế là từ 6 gia đình, nghề đóng tủ thờ lan truyền khắp xã. Một chiếc tủ không đóng bởi một người mà nhiều người ở nhiều công đoạn khác nhau theo kiểu công nghiệp. Chính vì vậy, bây giờ chỉ có thợ đóng tủ chứ không còn nghệ nhân nữa.

Nhưng thương hiệu tủ thờ Ông Non giờ đây lan xa hơn cũng còn do sự dốc tâm, dốc sức của thế hệ sau này. Như một dòng chảy tự nhiên, như một sự truyền nối và tiếp sức, ngày nay, những chiếc tủ Ông Non không còn đơn giản hai trụ, ba trụ như ngày xưa. Giờ tủ thờ có thể có khoảng 19, 21 trụ đứng với nhiều bộ đũa trang trí cho tủ thêm hoa mỹ. Mặt tủ cẩn xà cừ, ngọc trai theo những điển tích xưa như Bát Tiên; cầm, kỳ, thi, họa; Long - Lân - Qui - Phụng, Nhị thập tứ hiếu… Nhưng, nét đặc sắc nhất và quyết định giá trị chiếc tủ thờ nằm ở các chi tiết như trụ (những thanh trang trí thẳng đứng được làm hoàn toàn bằng gỗ mun, chạm cẩn tinh vi), ốc, xà cừ và danh mộc.

Theo lão nghệ nhân Ngô Tấn Đức, 70 tuổi, chiếc tủ thờ Gò Công bao gồm 16 chi tiết và được 5 kíp thợ gồm cưa, mộc, cẩn, tiện, sơn ráp thành. Lúc chưa có máy móc hiện đại, đóng hoàn chỉnh một chiếc tủ mất 3 tháng. Bây giờ chỉ 10 ngày là có thể xuất xưởng. Cái hay là những người thợ ở đây biết kết hợp công nghệ hiện đại với cách làm thủ công. Nét độc đáo của chiếc tủ thờ thương hiệu Ông Non là tất cả các chi tiết được kết nối với nhau hoàn toàn bằng mộng, ngàm chứ không hề có đinh, vít. Hầu hết các tủ thờ đều làm bằng danh mộc như: mun, gõ, cẩm lai… để không bị mối mọt. Mỗi chiếc tủ thường có giá từ 5 triệu đồng - 10 triệu đồng, nhưng một chiếc tủ hoàn chỉnh có 21 trụ đóng toàn bằng danh mộc (thân tủ bằng gõ, trụ bằng mun, chân quỳ bằng cẩm lai và cẩn ốc - xà cừ sáng lóng lánh) có giá từ 30 triệu đồng trở lên, chỉ làm theo yêu cầu người mua.

Ngày nay, toàn xã Tân Trung có hơn 80% hộ có người hành nghề đóng tủ thờ. Xã còn có hẳn một nghiệp đoàn đóng tủ thờ do ông Phạm Văn Nam làm chủ tịch. Xóm đóng tủ thờ Ông Non đã được UBND tỉnh cho chuyển đổi thành làng nghề đóng tủ truyền thống và có thương hiệu riêng. Hiện nay, Hiệp hội làng nghề Ông Non có khoảng 70 đại diện các gia đình là hội viên.

Làm thương hiệu kiểu làng nghề

Nhờ cách làm chuyên nghiệp, biết giữ uy tín và kết hợp giữa truyền thống và hiện đại trong việc đóng tủ nên danh tiếng của tủ thờ Gò Công ngày càng lan xa. Chưa từng quảng cáo trên ti vi, báo đài nhưng thương hiệu của họ nổi tiếng nhờ sự truyền miệng, rỉ tai nhau của những khách hàng từng đến đây mua tủ thờ. Nhờ đó, làng nghề đóng tủ thờ xóm Ông Non làm ăn ngày càng phát đạt. Sản phẩm không chỉ được tiêu thụ mạnh trong nước mà còn xuất khẩu sang các nước Tây Âu phục vụ chủ yếu cho đối tượng là Việt Kiều.

Dù nghề mộc ngày nay đã chuyển hướng sản xuất theo dây chuyền máy móc hiện đại, nhưng những người thợ xóm Ông Non vẫn giữ nguyên được sự tinh xảo, độc đáo với kỹ thuật thủ công. Sản phẩm tủ thờ Gò Công đã được bài trí rực rỡ và tôn nghiêm tại đền thờ các Vua Hùng ở tỉnh Phú Thọ và đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại quê của Người ở làng Sen, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Chính vì vậy, để bảo vệ danh tiếng làng nghề, thợ cẩn ốc - xà cừ vẫn kỳ công ngồi hàng giờ để chỉnh sửa từng chi tiết, o bế từng nét vẽ phác thảo, từng đường đục, cưa lộng, cẩn, mài… cho đến khi nào thật sự ưng ý mới thôi. Theo nghệ nhân Ba Đức, hiện nay các loại danh mộc và ốc - xà cừ làm nguyên liệu ngày càng hiếm hoi và đắt đỏ, nhưng nhờ chủ động tìm kiếm nguyên liệu (như gia đình ông Đức đã sang Lào lập xưởng chế biến gỗ), mỗi cơ sở sản xuất ở đây vẫn có thể tung ra thị trường hàng trăm chiếc tủ một năm. Cách bán buôn, tìm đầu ra cho sản phẩm cũng được xóm tổ chức rất bài bản. Khách hàng có nhu cầu, dù ở xa, các nghệ nhân xóm Ông Non đều sẵn sàng giao hàng tận nơi và đích thân lắp ráp để đảm bảo chất lượng chiếc tủ.

Sản phẩm tủ thờ Gò Công bây giờ đã nghiễm nhiên “ngự” trong những phòng khách sang trọng của gia đình giàu có, danh giá tại các đô thị lớn chứ không chỉ nằm khiêm tốn ở những vùng quê. Điều đáng nói là chính nghề đóng tủ thờ đã giúp giải quyết việc làm cho không ít thanh niên ở địa phương. Nhờ làm ăn phát đạt từ nghề đóng tủ thờ mà hầu hết hộ dân ở xóm Ông Non đều có nhà cửa khang trang, xe cộ đủ đầy. Nổi bật nhất là đại gia đình nghệ nhân Ngô Tấn Đức (8 người con) hiện có một hệ thống 9 cơ sở đóng tủ thờ nằm trải dài dọc quốc lộ 50 trên địa phận xã Tân Trung. Ngoài ra gia đình ông Đức còn có khách sạn ở Mỹ Tho, có xe du lịch cho thuê và xưởng chế biến danh mộc ở Lào.

Cuộc sống nơi mảnh đất này ngày một thịnh vượng. Hẳn những người con, người cháu Ông Non bây giờ vẫn chưa bằng lòng. Có thể, cuộc tiếp sức cho nghề cổ sẽ còn tiếp nối, và thương hiệu tủ thờ Ông Non còn vươn xa!

(Theo báo diễn đàn doanh nghiệp)

  • Về tay người Thái, dấu chấm hết cho hàng Việt ở Metro?
  • Dịch vụ lạ cho giới siêu giàu
  • Sản phẩm “Cơm 3 phút” hút dân công sở
  • Thành công với sản phẩm chế từ... phụ tùng xe đạp
  • Gieo cảm xúc vào chocolate
  • Ước mơ tạo vườn lan lớn nhất Việt Nam
  • Công thức thành công của ALDI
  • Chiêu vượt khủng hoảng
  • Làm gì trong thời suy thoái?
  • Thu nhập của giới CEO Mỹ giảm mạnh
  • “Hàng độc” chưa chắc đã là hàng bán chạy
  • Khủng hoảng không có chỗ cho người chao đảo
  • Các công ty Nhật hướng tới sản xuất đồ giá rẻ
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com