Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

“Tâm bão”: Trở về giá trị thực

Trên thị trường nội thất của Mỹ, các nhãn hiệu cao cấp buộc phải giảm giá bán đồng loạt

Trên thị trường nội thất của Mỹ, các nhãn hiệu cao cấp buộc phải giảm giá bán đồng loạt

Tổng giám đốc Công ty Hoàng Nam - Dương Quốc Nam vừa dành khoảng thời gian khá dài để trực tiếp tìm đến “tâm của cơn bão khủng hoảng”. Và anh đã chia sẻ những trải nghiệm của chuyến đi.
 
Mục sở thị


Chúng ta nghe nhiều và cũng nói nhiều về khủng hoảng, nhưng không phải tất cả đều hiểu bản chất thật của nó “ghê gớm” và có tác động mạnh mẽ đến mức độ nào. Những ngày đen tối này, kinh tế Việt Nam - không đến mức tiêu điều, nhưng đã mang màu sắc ảm đạm hẳn. Tuy nhiên, nền kinh tế của chúng ta mới ở trong vịnh, chưa ra biển, nên cũng chưa thực sự phải đối đầu với sóng to gió lớn như cường quốc kinh tế Mỹ.

Chưa lúc nào những bộ óc sáng tạo trong kinh doanh lại tuyệt vời như lúc này

Suốt thời gian dài “nằm vùng” ở Mỹ, không dám nói thấy hết bản chất, nhưng tôi đã chứng kiến sự sụt giảm trầm trọng của những chỉ số kinh tế Mỹ. Các công ty liên tục nộp đơn xin phá sản. Tại thủ đô bài bạc Las Vegas, Casino cũng đã nộp đơn xin phá sản. Tại trung tâm hội trợ triển lãm đồ nội thất ở Las Vegas - nơi được coi là biểu trưng của những phong cách nội thất thời trang nhất - luôn thu hút nhà đầu tư cũng như khách tham quan, thì lượng hàng triển lãm năm nay không còn dồi dào như những năm trước. Lượng khách đến tham quan cũng sụt giảm chỉ còn bằng 1/3 so với mọi năm. Với những tập đoàn nội thất hùng mạnh, cứ 10 công ty thì có 7 - 8 công ty đã đóng cửa, hoặc ngưng sản xuất. Tại Phố Wall, các nhà đầu tư liên tục có những động thái bán đổ bán tháo chứng khoán, khiến thị trường chứng khoán triền miên sụt giảm. Tại trung tâm mua sắm South Coast Plaza ở California - một trong 4 trung tâm mua sắm lớn nhất của Mỹ, cùng thời điểm tháng 10 năm trước, bạn phải xếp hàng dài mới mong mua được hàng. Chẳng thế mà, dòng người xếp hàng đợi tính tiền trở thành hình ảnh “kinh điển” của Sacot. Thời điểm này, là sự tương phản, South Coast Plaza vắng như “chùa Bà Đanh”. Ban đầu tôi tưởng, có lẽ do hôm tôi đến là thứ 5. Nhưng thứ 7 vào Sacot, tình hình vẫn không khá hơn!

Những sáng tạo tuyệt vời


Không chấp nhận ngồi yên chịu cơn bão khủng hoảng hoành hành, và cũng không chờ đợi những gói kích thích kinh tế được ban ra từ phía chính phủ. Từ các tập đoàn hùng mạnh đến các cửa hàng bán lẻ đã liên tục có những động thái kích cầu hết sức thông minh, bài bản và sáng tạo.

Khi khủng hoảng, việc đầu tiên người ta phải làm là tiết kiệm. Nắm vững tâm lí đó, nên chính sách đầu tiên được đưa ra là giảm giá. Ở Mỹ, thời điểm giảm giá mạnh nhất trong năm là Lễ Tạ Ơn. Nhưng hiện nay, hàng hóa của Mỹ còn giảm mạnh hơn cả mùa Lễ Tạ Ơn, và tất nhiên, người Mỹ không giảm giá một cách đơn thuần!

Bình thường, đặt khách sạn ở Las Vegas bạn phải trả 600 USD/phòng. Giờ giảm xuống còn 63 USD/phòng. Đưa ra mức giá đó, chủ đầu tư hy vọng bạn vào đó không chơi bài cũng mua sắm (hệ thống khách sạn này hội tụ đầy đủ những thương hiệu đắt đỏ nhất thế giới). Không mua sắm thì chí ít bạn cũng phải ăn, nghĩa là họ vẫn còn cơ hội để “móc túi” bạn.

Đồ hiệu - vốn được coi là niềm kiêu hãnh của nước Mỹ - đang giảm giá mạnh. Điều đặc biệt là chính sách giảm giá đó chỉ áp dụng từ sáng đến chiều, hoặc từ chiều đến tối, hoặc giảm trong vòng 4 tiếng. Từ trước đến nay, những nhãn hiệu lớn như Gucci chỉ áp dụng chính sách giảm giá theo mùa, nhưng giờ họ giảm theo tình trạng… suy thoái kinh tế. Trong 5 tiếng Gucci giảm giá, hết 5 tiếng đó sẽ trở về giá cũ. Khi đưa ra đề nghị như vậy, ai cũng lấy thẻ đợi sự giảm giá đầu tiên của Gucci!

Đồ ăn nhanh được coi là văn hóa ẩm thực Mỹ, thì bây giờ, dù người ta vẫn phải ăn, nhưng thị trường này không tránh khỏi bị chi phối bởi khủng hoảng. Nhãn hiệu Mc Donald đối phó bằng cách: cái bánh vẫn bán giá 2 USD, nhưng có chương trình đặc biệt: cái bánh có thêm miếng thịt và phần ăn nhẹ. Nhưng “cái bánh khuyến mãi” đó chỉ bán trong giờ ăn trưa. Ai cũng phải ăn trưa và người ta lựa chọn Mc Donald!

Trên thị trường nội thất, các nhãn hiệu cao cấp ít giảm giá, thì bây giờ buộc phải giảm giá đồng loạt với nhiều động tác khuyến mãi hấp dẫn. Ví dụ, bạn mua giường sẽ được tặng bàn phấn, mua tủ được tặng kệ ti vi… Các nhãn hiệu sẽ cho nhân viên đến tận nhà thiết kế không gian nội thất cho bạn. Bình thường, bạn phải tốn 10.000 USD để thiết kế không gian của mình, nhưng trong bối cảnh khủng hoảng, vẫn số lượng và chất liệu như vậy, bạn chỉ phải trả 4.000 USD.

Ngoài chính sách giảm giá là hàng loạt động thái kích hoạt người mua khác. Về nội thất, người ta không còn tập trung vào hàng cao cấp mắc tiền, mà chuyển hướng sang những dòng sản phẩm rẻ tiền, công dụng đa năng. Mọi năm, chủ đầu tư chỉ tiếp những người có nhu cầu, còn năm nay họ mời chào, giải thích, đưa ra những điều kiện mua bán rất dễ dàng, đơn giản. Có những công ty không bao giờ bán cho thị trường châu Á, thì giờ họ chuyển hướng sang phân khúc thị trường này. Điển hình là Natuzzi - tập đoàn sản xuất salon lớn nhất của Ý. Tập đoàn này có những nhà máy sản xuất lớn ở Trung Quốc, nhưng không bao giờ bán ở thị trường châu Á. Thị trường của họ là châu Âu, Mỹ, Canada, Úc… nhưng năm nay họ chuyển hướng sang châu Á đề tìm kiếm khách hàng với rất nhiều điều kiện tốt về giá cả và chất lượng. Điều kiện thanh toán cũng dễ dàng hơn.

Thị trường bán lẻ càng sinh động hơn. Đầu tiên, họ thiết kế phòng trưng bày sản phẩm thật bắt mắt, màu sắc trưng lên rực rỡ với gu thẩm mỹ cao, âm nhạc hay, khiến người xem “điên lên” (theo tiếng Mỹ là crazy), có cảm giác thèm và chỉ muốn… tiêu tiền . Trước đây, đồ trang trí nội thất được xếp thành từng khu: kệ ti vi một khu, bàn ăn một khu, tủ rượu một khu… thì bây giờ họ làm thành căn phòng hoàn hảo với từng món đồ được đặt hợp lí và tinh tế. Bạn bước vào sẽ thấy không gian đó giống nhà mình, nhưng phát hiện ra nhà mình thiếu một số thứ mới hoàn hảo, thế là bạn “móc ví” để cho căn nhà của mình hoàn hảo!

Bạn bước vào một cửa hàng. Họ sẽ cho nhân viên tiếp đón để cung cấp đầy đủ thông tin bạn cần, đồng thời cũng xin thông tin của bạn. Qua thông tin từ bạn, họ nắm được… lí lịch của bạn. Nếu có một lí lịch tốt, bạn sẽ thường xuyên nhận được điện thoại hay email, với những đề nghị đại loại: mua món đồ này, bạn sẽ được thiếu nợ trong 2 - 3 năm, không cần trả lãi suất hoặc chỉ phải trả với mức rất thấp. Nếu là khách hàng thường xuyên, bạn sẽ được giảm 20 - 30%. Thời gian giảm giá được áp dụng trong 2 - 3 năm, chứ không riêng trong thời kỳ khủng hoảng.

Bình thường, vào trung tâm mua sắm ở New York, bạn phải gửi xe và trả tiền. Còn hiện nay, bạn vào trung tâm và ra về tay không, chỉ cần đóng mộc, bạn sẽ không phải trả tiền gửi xe. Nếu mua trên 1.000 USD, đóng mộc, ra bạn sẽ được tặng 20 - 30 USD để đổ xăng. Với nhãn hiệu thời trang quyền lực như Louis Vuitton, bình thường mua đồ bạn phải xếp hàng đợi tính tiền. Chiếc áo bạn mua không có size, nếu muốn sửa phải trả thêm tiền, và đợi 1 tuần đến 2 tháng. Còn bây giờ, để bán được chiếc áo sơ mi, họ sẵn sàng giao cho thợ chuyên nghiệp của Louis Vuitton sửa lại đúng số đo của bạn, và sẽ giao đến tận địa chỉ/khách sạn bạn ở chỉ trong 2 tiếng.
Chưa thể nói chính xác lúc nào cơn bão khủng hoảng sẽ đi qua. Có thể hết năm 2009, có thể kéo dài sang 2010, và có thể dài hơn nữa… Rõ ràng, màu sắc ảm đạm vẫn còn trải dài trên nền kinh tế toàn cầu, nhưng tính ưu việt của khủng hoảng là, tất cả những giá trị ảo sẽ được trả về với giá trị thực, và hơn lúc nào hết, đây là thời điểm chứng kiến sự tuyệt vời của những bộ óc sáng tạo trong kinh doanh!

(Theo Doanh nhân)

  • Về tay người Thái, dấu chấm hết cho hàng Việt ở Metro?
  • Dịch vụ lạ cho giới siêu giàu
  • Sản phẩm “Cơm 3 phút” hút dân công sở
  • Thành công với sản phẩm chế từ... phụ tùng xe đạp
  • Gieo cảm xúc vào chocolate
  • Thương hiệu Ông Non
  • Ước mơ tạo vườn lan lớn nhất Việt Nam
  • Công thức thành công của ALDI
  • Chiêu vượt khủng hoảng
  • Làm gì trong thời suy thoái?
  • Thu nhập của giới CEO Mỹ giảm mạnh
  • “Hàng độc” chưa chắc đã là hàng bán chạy
  • Khủng hoảng không có chỗ cho người chao đảo
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com