Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Kinh doanh ảo, kiếm tiền thật

Một khách hàng truy cập mạng xã hội Qzone ở Trung Quốc.

Xuất hiện sau nhưng không có nghĩa là phải chịu thiệt thòi hay yếu kém, những mạng xã hội ở châu Á chú trọng vào người sử dụng đang trở thành tiêu điểm học hỏi của các mạng tương tự ở phương Tây.

Bằng cách bán sản phẩm ảo, các mạng xã hội ở các quốc gia châu Á có vẻ như đã giải quyết được bài toán nan giải là làm sao tìm kiếm lợi nhuận từ thành viên. Họ cho biết lời giải thật đơn giản: tiền có thể là ảo, nhưng lợi nhuận là thật.

Kiếm lời từ bạc lẻ

Tan Shengrong, một sinh viên đại học ở Trung Quốc, mỗi tháng chi khoảng 20 nhân dân tệ để mua quần áo cho nhân vật chim cánh cụt ảo của mình hoặc để chơi trò chơi điện tử trên QQ, một cổng tin nhắn tức thì trên mạng xã hội phổ biến nhất nước này Qzone. Số tiền này có vẻ không nhiều, nhưng mỗi đồng tiền lẻ đã góp phần giúp lợi nhuận trong quý 2 năm nay của Tencent Holdings, công ty sở hữu Qzone, tăng 85% so với cùng kỳ năm ngoái, bất chấp tình hình kinh tế khó khăn.

Benjamin Joffe, Giám đốc công ty tư vấn về Internet Plus Eight Star, nhận định: “Các mạng xã hội ở châu Á vẫn tiếp tục tăng trưởng dù tình trạng kinh tế không được tốt. Lý do là họ đang thu về những khoản tiền nhỏ từ hàng triệu triệu người sử dụng”.

Theo Plus Eight Star, người châu Á mỗi năm chi khoảng 5 tỷ đô-la Mỹ cho các sản phẩm ảo, từ quần áo ảo cho đến thú nuôi điện tử, thông qua các trang web như Qzone, Cyworld (Hàn Quốc) hay mạng xã hội trên điện thoại di động Gree (Nhật). Con số này chiếm khoảng 80% thị trường sản phẩm ảo toàn cầu.

Ông Joffe nói thêm: “Mạng xã hội chỉ là một nơi để kết nối người sử dụng với nhau. Vì thế, nếu bạn muốn có doanh thu, bạn phải bán cho họ thứ gì đó. Những gì họ phát hiện được là người ta sẵn sàng chi tiền cho những nội dung liên quan đến cảm xúc, trạng thái và sự giải trí”. Đối với doanh số sản phẩm ảo ở châu Á, khoảng 80% đến từ những món hàng trên trò chơi trực tuyến. Phần còn lại đến từ việc mua sắm cho những nhân vật ảo trên mạng xã hội.

Sự phát triển của tiền ảo trên mạng xã hội châu Á phần nào xuất phát từ việc thị trường quảng cáo trực tuyến ở châu lục này kém phát triển, buộc doanh nghiệp tìm kiếm những cách thức sinh lợi mới. Các yếu tố văn hóa cũng đóng vai trò quan trọng. Việc chơi game thu hút không ít người lớn ở châu Á, trong khi tại phương Tây game thường có xu hướng chỉ dành cho trẻ em. Một lý do khác là xã hội Đông Á rất chú trọng đến vấn đề địa vị. Người chơi muốn những nhân vật hóa thân trên mạng của mình lúc nào cũng phải có những món đồ mới nhất. Vì thế, họ sẵn sàng bỏ nhiều tiền hơn để nâng cấp cho nhân vật ảo của mình so với người sử dụng phương Tây.

Mạng xã hội phương Tây noi gương

Các mạng xã hội ở châu Á thường chỉ hoạt động trong phạm vi một nước, nhưng vẫn thu hút đông đảo người sử dụng. Chẳng hạn như Qzone có 228 triệu thành viên hoạt động trong quý 2 năm nay. Trong khi đó, Cyworld có 23 triệu người đăng nhập mỗi tháng vào cuối quý 1. Mạng này cho biết 90% người Hàn Quốc trong độ tuổi 20 là thành viên của họ.  

Giống như các mạng xã hội ở phương Tây, mạng xã hội ở châu Á cho phép thành viên trò chuyện, chơi điện tử và chia sẻ hình ảnh. Các mạng này cũng có một số quảng cáo, nhưng phần lớn doanh thu của họ đến từ người sử dụng. Các thành viên được đại diện bởi những nhân vật ảo, và họ dùng tiền ảo để mua hàng ảo cho chúng.

Mô hình kinh doanh sản phẩm ảo đang bắt đầu phát triển ở bên ngoài châu Á. Habbo, một mạng xã hội cho thanh thiếu niên thuộc sở hữu của công ty Sulake Corporation (Phần Lan), đang bán quần áo và đồ nội thất ảo. Trong khi đó, những trò chơi trực tuyến như Pet Society trên Facebook cho phép người sử dụng nuôi thú ảo và bán những hàng hóa như đồ phụ trang và thực phẩm cho thú ảo. Playfish, tác giả của Pet Society và những trò chơi tương tác xã hội khác, cho biết có khoảng 47 triệu thành viên đang chơi trò này mỗi tháng. Riêng thế giới ảo Second Life cung cấp một loạt hàng hóa ảo có thể mua bán bằng đồng đô-la Linden cho khoảng 7 triệu cư dân của mình.

Sự thành công nói trên của mạng xã hội châu Á tương phản mạnh với tình cảnh của các mạng xã hội phương Tây. Ngay cả hai mạng xã hội hàng đầu thế giới là MySpace và Facebook cũng đang vật lộn với việc tìm kiếm lợi nhuận. Vì thế, không có gì khó hiểu khi cả Facebook lẫn MySpace đang để mắt đến tiềm năng của tiền ảo. Facebook vào tháng Ba vừa qua cho biết đang xem xét khả năng đưa ra một loại tiền ảo cho các nhà phát triển ứng dụng của bên thứ ba.

Trong khi đó, MySpace cũng từng tiết lộ rằng họ đang tìm cách phát triển một hệ thống hàng hóa ảo và thanh toán. Dù vậy, sẽ mất không ít thời gian để các mạng xã hội phương Tây có thể bắt kịp những “bậc đàn anh” ở châu Á trong việc kinh doanh hàng hóa ảo.

(Reuters)

(Theo H. Minh // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Về tay người Thái, dấu chấm hết cho hàng Việt ở Metro?
  • Dịch vụ lạ cho giới siêu giàu
  • Sản phẩm “Cơm 3 phút” hút dân công sở
  • Thành công với sản phẩm chế từ... phụ tùng xe đạp
  • Gieo cảm xúc vào chocolate
  • Intel và Qualcomm: Dòm ngó lãnh địa của nhau
  • Google chiêu dụ khách hàng doanh nghiệp của Microsoft
  • Nintendo đưa ra phiên bản DSi mới
  • Số lượng báo giấy bán ra tại Mỹ ngày một “trượt dốc”
  • Năm 2010: Chi tiêu công nghệ phục hồi mạnh mẽ
  • Kinh nghiệm mua bán trên eBay
  • Giá trị của một học vấn đại học tại Mỹ
  • Nhật Bản và thức ăn nhanh “zero hóa”
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com