Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Kinh doanh bất cần khách trung thành

Những bất hợp lý về giá cước và cả về thái độ chăm sóc khách hàng của các nhà mạng đối với thuê bao trả sau khiến cho cơ cấu thuê bao trả sau của các nhà mạng di động Việt Nam ngày càng giảm.

Thông điệp gửi cho thị trường khá rõ: đừng nên trung thành. Ảnh: A.Q

Một chuyên gia trong ngành viễn thông nhận xét: “Nếu đầu năm 2008, tỷ lệ thuê bao trả sau còn ở con số 15% thì đến nay, tỷ lệ này chỉ còn 7% đối với các nhà mạng cũ. Còn nếu tính thêm số liệu của các nhà mạng mới ra đời thì con số chỉ ở mức 5%”.

Đại diện một nhà mạng cho biết: “Các nhà mạng hiểu rằng, muốn phát triển ổn định, tỷ lệ thuê bao càng cao càng tốt, ở mức lý tưởng là 30%”. Thừa nhận mức độ quan trọng như vậy, nhưng theo vị đại diện này, thuê bao trả sau phải chờ đến lúc thị trường bão hoà, các nhà mạng gia tăng nhiều dịch vụ mạng cao cấp và có thái độ tôn trọng khách hàng thuê bao trả sau. Công bằng mà nói, thuê bao trả sau gần đây có một số ưu đãi như thu cước tại nhà, thanh toán qua thẻ cào, có kênh thông tin riêng hay được miễn cước gọi taxi. Tuy vậy, sự cách biệt giữa hai loại hình thuê bao trả trước và trả sau vẫn nghiêng nhiều về phía trả trước.

Ông Thế Huy (Q.3, TP.HCM) là người đăng ký thuê bao trả sau của Mobifone từ năm 1998 nhưng đến tháng 6 năm nay đã chuyển sang dùng gói thuê bao trả trước. Ông Huy lý giải: “Cứ tới cuối tháng, nếu quên đóng cước, nhà mạng tự động cắt chiều gọi đi nên phải tốn thời gian tới các đại lý để đóng cước. Còn quà tặng, thường là những món quà không có giá trị, vào dịp sinh nhật cũng năm có năm không… Quan trọng hơn cả chính là số tiền tôi đóng cho thuê bao trả sau quá cao, mỗi tháng phải mất gần 700.000 đồng”. Từ ngày chuyển sang thuê bao trả trước, mỗi tháng ông Huy chỉ cần mua hai thẻ, mỗi cái mệnh giá 200.000đ.

Từ giữa năm 2009 trở lại đây, mỗi tháng các nhà mạng “đều đều” có ba ngày khuyến mãi: tặng thêm 100% mệnh giá thẻ, thậm chí có nhà mạng như Vietnamobile tặng thêm 200% cho những thẻ có mệnh giá từ 50.000đ trở lên. Thông thường, các đợt khuyến mãi đều tặng 100% so với mệnh giá thẻ, khiến cho giá cước thuê bao trả sau trở nên cao hơn 40% so với thuê bao trả trước. Về mặt lý thuyết, giá cước thực tế của gói thuê bao trả sau bình quân là 1.080đ/phút (gọi ngoại mạng) và 980đ/ phút (gọi nội mạng) thấp hơn 30% so với cước trả trước. Việc các nhà mạng thi nhau tặng cước cho thuê bao trả trước đã làm người tiêu dùng đua nhau nhảy qua gói trả trước.

Có thêm các nhà mạng mới khiến cho sức ép cạnh tranh càng lớn và để cạnh tranh giành thị phần, các nhà mạng di động đã đua nhau khuyến mãi, chủ yếu dành cho thuê bao trả trước. Kiểu kinh doanh này như một thông điệp rõ ràng cho thị trường: đừng nên gắn bó lâu dài. Chính vì vậy mà lượng thuê bao tăng vọt, nhưng mức chi tiêu bình quân trên mỗi thuê bao đã giảm gần 66% so với năm năm trước, với mức trung bình hiện nay khoảng 5 USD/thuê bao. Và một vòng luẩn quẩn mới xuất hiện trong phương án kinh doanh của nhà mạng, làm sao để nâng mức chi tiêu lên để có thể cung ứng các dịch vụ cao cấp hơn khi mạng 3G được triển khai.

( Theo Gia Vinh // SGTT Online)

  • Về tay người Thái, dấu chấm hết cho hàng Việt ở Metro?
  • Dịch vụ lạ cho giới siêu giàu
  • Sản phẩm “Cơm 3 phút” hút dân công sở
  • Thành công với sản phẩm chế từ... phụ tùng xe đạp
  • Gieo cảm xúc vào chocolate
  • Mê đầu tư cổ phiếu, dân Australia thiệt hại nặng
  • Cạnh tranh cũng không dễ
  • Nhà hàng Mỹ thời khủng hoảng
  • Nhật Bản: Hàng giá “bèo” gặp thời
  • Baidu và Google đọ sức trên điện thoại di động
  • Doanh số của Audi tăng mạnh trên toàn cầu
  • Nghịch lý tiền lương ở Mỹ đang quay trở lại
  • Nổi cộm vấn đề tiền thưởng
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com