Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Kinh doanh thời nhân dân tệ tăng giá

Mua bán trái cây Trung Quốc tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức. Ảnh: LÊ TOÀN.

Khi nhân dân tệ tăng giá, hàng hóa của Trung Quốc cũng sẽ tăng theo, khó cạnh tranh hơn. Liệu đây có là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam giành lại thị trường trong nước, cũng như đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường đông dân nhất thế giới này.

Mỗi người một kiểu

Chợ đầu mối Tam Bình, Thủ Đức, đã quá nửa đêm vẫn nhộn nhịp kẻ mua người bán. Xe container, xe tải ra vào tấp nập. Trong chợ, ba người đàn ông Trung Quốc lặng lẽ rảo bước qua các chành, vựa trái cây. Họ vừa chào hàng, vừa giám sát giá cả. Đây là những thương lái đi theo các chuyến hàng xuất phát từ Hà Nội hay các tỉnh biên giới phía Bắc. Họ sống ba tháng ở TPHCM, ba tháng ở miền Bắc. Sau đó họ về lại Trung Quốc để những người khác sang thay thế.

Ly, chủ chành Hồng Huế, một cô gái chỉ mới 21 tuổi đời nhưng đã có hơn chục tuổi nghề, cho biết việc mua bán ở đây chủ yếu theo hình thức mua đứt bán đoạn. Trái cây từ Trung Quốc nhập về TPHCM được các công ty của Việt Nam và Trung Quốc đóng ở khu vực biên giới trực tiếp chuyển vào, thỉnh thoảng qua một số công ty trung gian ở Hà Nội. Thông thường các chủ chành chỉ giao dịch qua điện thoại, nhưng đôi khi phải ra tận biên giới, cửa khẩu để mua hàng.

Ly kể: làm ăn với người Trung Quốc trước vốn đã không dễ, nay lại càng khó hơn, một phần do tỷ giá biến động, dẫn đến giá cả tăng. Trong khoảng một năm nay, giá các mặt hàng trái cây nói chung đã tăng gấp đôi. Theo Ly, mua bán trái cây Trung Quốc hiện lời không nhiều, các chành ở đây không ai bán một loại trái cây Trung Quốc, mà bán đủ loại trái cây nhập từ Mỹ, Úc, Thái Lan, Chile, Hàn Quốc… Khi hàng Trung Quốc về, các chủ chành thường chọn cách bán nhanh, chấp nhận lãi ít. Có khi chỉ trong vòng 15 phút, cả một container trái cây bán hết veo, chủ chành lãi khoảng 7-8 triệu đồng/container.

Ở miền Trung, ông Trần Văn Lĩnh, Giám đốc Công ty Thủy sản Thuận Phước, Đà Nẵng, chứng kiến cảnh các thương lái Trung Quốc và một số doanh nghiệp ở ĐBSCL tranh nhau mua nguyên liệu thủy sản, nhất là tôm thẻ chân trắng công nghiệp. Các thương lái Trung Quốc mua nguyên liệu, sơ chế rồi chất lên xe chở thẳng sang biên giới. “Thương lái Trung Quốc chấp nhận mua đắt hơn vài ngàn đồng một ki lô gam tôm nguyên liệu. Doanh nghiệp Trung Quốc dùng số nguyên liệu này để chế biến xuất khẩu, tính ra vẫn rẻ hơn so với việc mua trong nước họ”, ông Lĩnh nói.

Khi nhân dân tệ tăng giá, cả ông Lĩnh lẫn cô Ly đều biết rằng giá cả hàng hóa Trung Quốc sẽ tăng theo. Thông thường, các doanh nghiệp Việt Nam làm ăn với Trung Quốc thường sử dụng đô la Mỹ làm đồng tiền chính thức. Một phần không nhỏ các doanh nghiệp Việt Nam, như chủ chành trái cây Hồng Huế, chọn giao dịch bằng cách gửi tiền đồng trực tiếp đến ngân hàng Việt Nam ở biên giới. Ngân hàng Việt Nam sẽ trực tiếp giao dịch với ngân hàng Trung Quốc để đổi sang nhân dân tệ. Thường những người này phải chịu mức phí từ 1-2%.

Theo Tân Hoa Xã, từ tháng 6 đến nay, nhân dân tệ đã tăng gần 2% so với đô la Mỹ.

Một nghiên cứu của Phòng Thương mại Trung Quốc đối với lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng dệt may nước này cho thấy nếu đồng tiền nước này tăng giá 1% thì lợi nhuận doanh nghiệp giảm 1%, trong trường hợp các chi phí đầu tư khác không thay đổi.

Cuộc khảo sát của Phòng Thương mại Trung Quốc về các sản phẩm cơ khí điện tử chỉ ra rằng nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực này hầu như không có khả năng thích nghi với việc mất mát do hệ quả của nhân dân tệ tăng giá trong một thời gian ngắn. Và nếu nhân dân tệ tăng cao và nhanh chóng, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ có nguy cơ hủy bỏ đơn hàng hoặc phải phá sản.

Trong khi đó bà Nguyễn Thị Hồng Thu, chủ doanh nghiệp xuất khẩu trái cây Chánh Thu ở tỉnh Bến Tre, cho biết kinh doanh với Trung Quốc ở thời điểm này đang khá thuận lợi vì hàng của bà bán được giá cao hơn. Bà chọn cách chuyển tiền qua hệ thống ngân hàng của hai nước đặt ở khu vực biên giới phía Bắc. Cũng có khi bà chọn cách giao dịch không chính thức, tiền sau khi quy đổi sẽ được “trừ phí”, ví dụ tỷ giá ở mức 3.000 đồng/nhân dân tệ thì sau khi trừ phí còn 2.975 đồng/nhân dân tệ.

Sức ép tăng giá

Dù chọn hình thức thanh toán nào đi nữa thì các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu cũng đang đối mặt với sức ép tăng giá khi mà tỷ giá nhân dân tệ và đô la Mỹ tăng. Đại diện một doanh nghiệp dệt may ở quận Tân Bình cho biết khoảng 70% nguyên liệu của công ty nhập từ Trung Quốc, qua trung gian ở Hồng Kông và thanh toán bằng đô la Mỹ. Việc lên giá của nhân dân tệ cũng khiến giá các loại nguyên liệu như khóa kéo, vải, sợi bông, xơ… tăng và doanh nghiệp này đã phải điều chỉnh giá bán một chiếc quần jeans từ 280.000 đồng lên 360.000 đồng.

Một số doanh nghiệp kinh doanh hàng điện tử, điện máy cũng cho biết chuyện đồng tiền Trung Quốc tăng giá đã phần nào ảnh hưởng đến công việc kinh doanh của họ. Nhưng giữa lúc sức mua của người dân chưa cao, việc điều chỉnh giá còn đang được cân nhắc. “Trong lúc ai cũng khuyến mãi, giảm giá để thu hút khách hàng mà chúng tôi tăng giá thì không phải là cách hay. Nhưng trong thời gian tới, khi vào mùa mua sắm, có thể phải điều chỉnh giá tăng”, đại diện một doanh nghiệp kinh doanh hàng kim khí điện máy ở quận 5 cho biết.

Còn giám đốc một doanh nghiệp giày dép ở Bình Tân cho biết: vẫn chưa thể tính đến chuyện vay ngân hàng mua trữ nguyên phụ liệu. Ông tin rằng Chính phủ Trung Quốc không để cho nhân dân tệ lên giá quá nhanh, vì như thế sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp của họ. Ông đang rất thận trọng trong việc mua trữ hàng hóa phòng trường hợp Trung Quốc giữ nguyên tỷ giá hay điều chỉnh xuống, thì doanh nghiệp sẽ phải chịu lỗ.

Ở Bình Dương, một nhà xuất khẩu đồ gỗ cho biết ông đã bắt đầu đón những khách hàng châu Âu tìm đến ký hợp đồng, bởi họ nhận thấy mức giá ở Việt Nam vẫn tốt hơn so với Trung Quốc trong bối cảnh sức ép bên ngoài về tỷ giá. Nhưng vị giám đốc này cũng lo ngại về một làn sóng tranh mua nguyên liệu của các thương nhân Trung Quốc, như đã xảy ra ở lĩnh vực thủy sản, nông sản. Vì thế, doanh nghiệp của ông đang phải tổ chức lại sản xuất, tiết giảm chi phí và có các kế hoạch mua dự trữ nguyên liệu trong nước.

Có thể thấy rằng, cơ hội về việc nhân dân tệ tăng giá đối với Việt Nam vẫn còn khá xa. Còn trước mắt, nhiều doanh nghiệp đang phải đối mặt với những khó khăn như chưa tìm được nguồn hàng mới thay thế, chưa thể tự chủ được nguồn nguyên liệu trong nước, chưa thể nắm bắt cơ hội giành lại thị trường trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu, còn người tiêu dùng có thể phải đối mặt với một đợt sóng tăng giá kép khi tỷ giá thay đổi kết hợp với xu hướng tăng giá dịp cuối năm.

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Về tay người Thái, dấu chấm hết cho hàng Việt ở Metro?
  • Dịch vụ lạ cho giới siêu giàu
  • Sản phẩm “Cơm 3 phút” hút dân công sở
  • Thành công với sản phẩm chế từ... phụ tùng xe đạp
  • Gieo cảm xúc vào chocolate
  • Mười cách tạo giá trị mới cho cổ đông
  • Sự quyết đoán - một tính cách của doanh nghiệp
  • Đế quốc Microsoft với cuộc chiến giữ ngôi chúa tể
  • Khoảng cách địa lý: Trở ngại trong mở rộng thị trường toàn cầu
  • Thoát khỏi khủng hoảng tăng trưởng?
  • Phá giá liên tục: 'cuộc chiến' trên thị trường điện máy
  • Hãng dược phẩm Pfizer mua lại King giá 3,6 tỷ USD
  • Cạnh tranh với các cường quốc trong kinh doanh
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com