|
Được mệnh danh là “thủ phủ bài bạc” của thế giới, thành phố Las Vegas tọa lạc trên vùng đất cát của bang Nevada (Mỹ), là nơi có sức hút kỳ diệu. Mỗi năm, những khu giải trí kiêm sòng bạc ở đây đón tiếp hàng chục triệu du khách.
Tuy nhiên, khủng hoảng nổ ra đã khiến giá nhà và doanh thu của các sòng bạc ở Las Vegas lao dốc không phanh, đẩy thành phố này vào tình cảnh thê thảm. Chẳng mấy chốc, Las Vegas đã trở thành một trong những địa phương chịu hậu quả nghiêm trọng nhất từ khủng hoảng tài chính và suy thoái tại Mỹ.
Chỉ riêng trong năm ngoái, giá nhà ở Las Vegas đã giảm 1/3. Số vụ tịch biên nhà do con nợ không trả nổi khoản vay cho ngân hàng ở đây cao hơn bất kỳ tại thành phố lớn nào khác ở Mỹ. Cùng với đó, tỷ lệ thất nghiệp tại Las Vegas hiện đứng ở mức 13,1%, cao hơn nhiều so với mức bình quân toàn liên bang.
Anh Ed Leigh trước đây làm đầu bếp tại một sòng bạc ở Las Vegas. Đầu năm nay, anh mất việc, và không lâu sau, bị ngân hàng tịch biên nhà. “Cách đây một năm, ngành kinh doanh ăn uống còn phát triển mạnh. Bây giờ thì lĩnh vực này kém lắm rồi. Thị trường việc làm xuống dốc. Chẳng còn gì cả”, anh Leigh nói.
Với kinh nghiệm từng 6 năm phục vụ trong quân đội Mỹ, anh Leigh đang lần hồi sống qua ngày bằng cách dựng trại và rủ một số người đáng tin cậy tới sống chung. Ngoài ra, anh và những người cùng cảnh ngộ cũng được quỹ từ thiện Catholic Charities of Southern Nevada chuyên giúp đỡ những người vô gia cư và thất nghiệp hỗ trợ.
Ông Philip Hollon, Giám đốc của Catholic Charities cho biết, ảnh hưởng của suy thoái tới Las Vegas nghiêm trọng hơn ở những nơi khác là do thành phố này phụ thuộc nhiều vào lĩnh vực kinh doanh sòng bạc và du lịch.
“Giả sử anh làm công việc trông xe ở bãi đỗ xe. Bây giờ khách du lịch không tới đây nữa, vậy là anh chẳng có việc để làm”, ông Hollon nói. Ông Hollon cũng cho rằng, nhiều người trước đây làm việc trong sòng bạc, giờ mất việc nhưng không có các kỹ năng để xin việc trong ngành khác.
Phần lớn thời gian trong vòng 2 thập kỷ trở lại đây, Las Vegas trải qua sự phát triển bùng nổ. Đầu những năm 1990, thành phố này chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của hoạt động đầu tư mở sòng bạc mới. Đi đôi với đó là tham vọng xây dựng và quảng bá Las Vegas với tư cách là một địa chỉ có nhiều thứ để khám phá chứ không chỉ đơn thuần là một “thủ phủ sòng bạc”.
Lượng du khách tới Las Vegas nhờ đó đã tăng vọt, giúp các khu nghỉ dưỡng tạo thêm ngày càng nhiều việc làm cho người lao động. Mặt khác, mức giá tương đối rẻ và mức độ dồi dào của đất đai ở thành phố này đã kéo cư dân từ các bang khác trên khắp nước Mỹ đổ tới đây, dẫn tới sự gia tăng như vũ bão của hoạt động xây dựng và kinh doanh nhà cửa.
Những làn sóng phát triển trên càng dâng cao nhờ sự dễ dàng tiếp cận các khoản vay giá rẻ, bao gồm cả những khoản vay dưới chuẩn dành cho những người có điểm tín dụng thấp.
Bởi thế, khi giá cả bắt đầu đảo chiều, hậu quả mà Las Vegas phải hứng chịu là cực lớn. Giá nhà đất ở thành phố này đạt đỉnh vào năm 2006 và kể từ đó tới nay đã giảm tới 54,3%. Giữa lúc giá nhà tại nhiều khu vực khác của Mỹ đã bắt đầu thoát đáy, thì giá nhà ở Las Vegas vẫn giảm với tốc độ tương đối nhanh.
Ở thời kỳ đỉnh cao của khủng hoảng tài chính vào tháng 9/2008, những rắc rối ở thành phố này càng nghiêm trọng. Tất cả các tập đoàn sòng bạc lớn đều đồng loạt chứng kiến sự sụt giảm mạnh mẽ của số lượng du khách. Lo lắng cho tương lai, nhiều du khách không còn xem sòng bạc là một nơi hợp lý để viếng thăm. Những người vẫn ghé qua thì cắt giảm chi tiêu đi rất nhiều.
“Từ giữa tháng 9 năm ngoái, chúng tôi bắt đầu phải đối mặt với mức sụt giảm doanh thu 20%”, ông Gary Loveman, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của tập đoàn Harah’s, chủ sở hữu sòng bạc Caesar’s Palace và nhiều sòng bạc khác ở khu vực Strip nổi tiếng của Las Vegass, cho biết.
Sự sụt giảm doanh thu này đã khiến các sòng bạc phải mạnh tay cắt giảm hàng nghìn việc làm. Ngoài ra, họ còn phải ngừng thi công một số dự án xây dựng mới, khiến thị trường nhà đất ở Las Vegas càng thêm u ám.
Tuy nhiên, đúng như ở trong các ván bài, vận đen của người này luôn đồng nghĩa với vận đỏ của người khác. “Mọi người đổ tới chỗ tôi và bán đủ mọi thứ, từ đồ trang sức, các loại dụng cụ, tới tivi…” anh Glenn Parshall, chủ một hiệu cầm đồ ở Las Vegas cho biết. Anh Parshall thành thật cho biết thêm: “Công việc làm ăn của tôi đang diễn ra rất tốt đẹp”.
Anh Glenn không phải là người duy nhất ở Las Vegas đang có thái độ lạc quan về tương lai. Khi khủng hoảng nổ ra, cô Janice Birch đã mất cả công ty kinh doanh trang sức và ngôi nhà mà cô mua để đầu tư. Tuy nhiên, cô không bi quan vì tin rằng, xung quanh vẫn còn có những người kém may mắn hơn mình.
“Tôi muốn chuẩn bị sẵn sàng để chờ cơ hội tới. Quan trọng nhất là phải có quan điểm lạc quan”, cô Glenn nói.
(Theo Mai Phương // VnEconomy // BBC)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com