Có người cho rằng muốn ổn định được giá thì phải tăng cường các biện pháp quản lý hành chính hoặc Nhà nước phải tăng lượng dự trữ trong kho để kịp thời ứng phó. Vậy đâu là nguyên nhân và giải pháp căn cơ cho vấn đề này đang là mối quan tâm của nhiều người.
Giảm chi phí trong khâu phân phối - cách nào ?
Nếu các nhà sản xuất và các nhà phân phối cũng như các nhà bán lẻ cùng một ngành hàng (như gạo, dầu ăn, dệt may, giầy dép, xi măng, sắt thép...) mà liên kết với nhau trong việc lập kế hoạch sản xuất và phân phối chung thì chi phí xây dựng kho bãi, chi phí vốn và chi phí lưu kho sẽ giảm đi rõ rệt do mỗi bên không phải dự trữ quá mức lượng nguyên vật liệu để sản xuất hay lượng hàng tồn để bán hàng. Mặt khác, do tổ chức phân phối chung nên mạng lưới vận tải sẽ được sử dụng hợp lý, nhờ đó giảm được chi phí vận tải mà chi phí này chiếm đến 35% chi phí lưu thông.
Như vậy mỗi thành viên trong mạng lưới phân phối đều được hưởng lợi từ việc cắt giảm các chi phí so với mức chi phí mà họ phải bỏ ra trước đây khi còn làm ăn riêng lẻ. Chính đây là tính ưu việt của sự liên kết mà người ta thường gọi là sự cộng sinh với công thức là 1+1 >2. Chẳng hạn trước đây 1 nhà cung ứng bán cho nhà bán lẻ 1 chiếc áo sơmi với gía là 100.000 đ, trong đó chi phí là 80.000 đ và lợi nhuận là 20.000 đ thì nay chi phí đã giảm nhờ giảm lượng hàng tồn kho, giảm được các chi phí vận tải, lưu kho... Chẳng hạn chi phí lúc này chỉ còn lại là 70.000 đ. Như vậy nhà cung ứng này được lợi thêm 10.000 đồng do sự liên kết mang lại. Đối với nhà sản xuất, nhà bán lẻ và vận tải cũng được hưởng các lợi ích tương tự như nhà cung ứng.
Ngoài ra sự liên kết còn tạo điều kiện để chuyên môn hóa hoạt động của các khâu như các nhà bán lẻ sẽ không phải quan tâm tới việc kiểm kê hàng tồn và hàng bổ sung mà công việc đó giao lại cho các nhà cung ứng đảm nhiệm...
Mặt khác nhờ sự liên kết chặt trẽ giữa các công đoạn nên mạng lưới phân phối sẽ cắt bỏ được các khâu trung gian không cần thiết (như các đại lý cấp 3 cấp 4 ) nhằm giảm chi phí lưu thông, xóa bỏ các biểu hiện tiêu cực trong hệ thống phân phối như đầu cơ, găm hàng, tung tin thất thiệt, gây sốt giá trên thị trường, góp phần ổn định giá cả và đảm bảo vệ sinh an toàn...
Để có được lợi ích nhờ cắt giảm các chi phí kể trên thì mọi người trong mạng lưới phải cùng nhau thực hiện 7 nội dung liên kết. Đó là: Thống nhất quy hoạch mạng lưới phân phối, thống nhất kế hoạch sản xuất kinh doanh, thống nhất tổ chức vận tải , thống nhất quản lý hàng tồn, thống nhất chiến lược phát triển sản phẩm mới, thống nhất chiến lược quảng cáo – khuyến mãi và thống nhất chiến lược cạnh tranh. Và tất nhiên vai trò của người đứng đầu trong mạng lưới phân phối là phải duy trì được sự tin cậy lẫn nhau cũng như bảo đảm sự công bằng trong liên kết... Như vậy không nên hiểu đơn giản mạng lưới phân phối chỉ là con số cộng cơ học các đơn vị lại với nhau mà thực sự phải có các nội dung liên kết chặt chẽ như trên.
Liên kết theo mô hình nào ?
Có hai mô hình liên kết, đó là liên kết dọc và liên kết ngang. Chẳng hạn TCty bán lẻ Co-Op mart Sài Gòn hiện có hơn 40 siêu thị trải dài trên 18 tỉnh thành có thể tổ chức một mạng lưới phân phối chung với các nhà cung ứng dựa theo 7 nội dung liên kết kể trên và qua đó có thể giảm 25% chi phí so với việc kinh doanh hiện nay. Hoặc các nhà sản xuất thuốc chữa bệnh, dầu ăn Tường An, giày dép Biti’s, thực phẩm Vissan, sơn Joton, sữa Vinamilk... có thể tổ chức một mạng lưới phân phối từ nhà máy đến khâu phân phối ở các tỉnh và cho đến khâu bán lẻ ở các địa phương trong toàn quốc theo một hệ thống dọc. Còn các TCty xi măng (hay TCty thép) mỗi ngành có đến hàng chục nhà máy rải rác ở khắp các vùng miền trong toàn quốc có thể tổ chức một mạng lưới phân phối chung (liên kết ngang giữa các nhà máy và các hộ tiêu thụ) và như vậy sẽ tiết kiệm được các chi phí xây dựng nhà máy, tổng kho, chi phí vốn, chi phí vận tải và chi phí quản lý khác.
(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com