Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Mác Việt, ruột ngoại

Nhiều thương hiệu hàng may mặc của Việt Nam gần đây đã chiếm được niềm tin của người tiêu dùng trong nước

Nhập khẩu để tiêu thụ trên thị trường nội địa nhiều loại hàng hóa mang nhãn mác Việt Nam nhưng được gia công, sản xuất ở Trung Quốc đang được nhiều doanh nghiệp nội địa xem như một giải pháp khôn ngoan (?).

Thực ra, cách đây 3 năm đã từng có một doanh nghiệp Việt “tiên phong” trong cách làm này, đó là Công ty cổ phần thép Việt - Ý (VIS).

Câu chuyện mang tên thép Việt - Ý

Đầu năm 2007, câu chuyện VIS thuê gia công 5.000 tấn thép tại Trung Quốc - mà thực chất là sản xuất toàn bộ ở Trung Quốc, kể cả phôi thép đầu vào và gắn mác của VIS rồi tiêu thụ tại Việt Nam (bởi lý do “làm ở Việt Nam đắt hơn”) đã khiến cho dư luận khi đó rất bức xúc.

Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) khi đó đã có phản ứng rất gay gắt đối với hành động này để ngăn chặn khả năng “đình đốn sản xuất mặt hàng cùng ngành, đe dọa việc làm của hàng vạn công nhân ngành thép trong nước, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư nước ngoài vào ngành này”. Thủ tướng Chính phủ phải có hẳn một cuộc họp với các bộ, ngành liên quan về vụ việc này và kết luận “việc thuê nước ngoài sản xuất hàng hóa mang nhãn hiệu Việt Nam sẽ ảnh hưởng không tốt đến sản xuất trong nước. Chính phủ không khuyến khích việc làm như trên của các doanh nghiệp. Bộ Thương mại, Bộ Công nghiệp và Hiệp hội Thép Việt Nam cần chấn chỉnh việc làm này để các doanh nghiệp trong hiệp hội nâng cao năng lực cạnh tranh và đạo đức, văn hóa trong kinh doanh”.

Vào thời điểm đó, chỉ tính riêng ở “cái nôi” của ngành thép là Công ty Gang thép Thái Nguyên có công suất khoảng 500 nghìn tấn/năm đang có cả chục nghìn lao động làm việc. Như vậy, nếu câu chuyện thép Việt Ý tái diễn với quy mô lớn và tần suất nhiều thì chắc chắn không chỉ những doanh nghiệp kém hiệu quả, đông lao động phải phá sản mà cả các doanh nghiệp kéo thép từ phôi thành phẩm cũng khó mà cạnh tranh được.

Dẫu vậy, các chuyên gia kinh tế, pháp luật và các cơ quan chức năng đều thừa nhận rằng, việc gia công thép của VIS tại Trung Quốc với thương hiệu Việt - Ý không vi phạm các quy định hiện hành. Tuy nhiên, sau lô hàng 5.000 tấn thép gia công tại Trung Quốc đó, VIS nói riêng và các doanh nghiệp sản xuất thép xây dựng nói chung đã không có thêm hành vi nào tương tự.

Khi lợi ích của DN được đặt lên hàng đầu

Giờ đây, việc làm của VIS không còn mới lạ gì. Báo Sài Gòn Tiếp thị ngày 30/7/2010 đăng tải bài viết “Hàng Việt sản xuất tại... Trung Quốc” cho hay, nhiều doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực dệt may, da giày, văn phòng phẩm đã phát triển việc đặt gia công ở nước ngoài để có hàng giá rẻ, mẫu mã đa dạng và tiết kiệm chi phí đầu tư ban đầu.

Các doanh nghiệp được nhắc tới trong bài viết như Công ty Thời trang V.T, Công ty Văn phòng phẩm Hồng Hà, Tập đoàn Thiên Long… khi nói về vấn đề này đã cho rằng, nhập hàng có giá tốt hơn, tiết kiệm được chi phí đầu tư. Bên cạnh đó, với thực tế chi phí nhân công tại Việt Nam ngày càng tăng, việc thuê hoặc mua đất để mở nhà xưởng đòi hỏi đầu tư càng lớn. Do đó, họ chọn giải pháp hợp tác sản xuất với các đối tác trong nước hoặc tại Trung Quốc, Campuchia hay Lào. Đây cũng là cách làm của rất nhiều doanh nghiệp ở các nước phát triển.

Câu chuyện gia công ở Trung Quốc, đóng mác Việt Nam dường như đang trở thành một xu hướng khá phổ biến.

Lâu nay Trung Quốc được biết đến như một công xưởng sản xuất của thế giới với lợi thế về chi phí sản xuất và khả năng đáp ứng về qui mô của đơn hàng. Đặc biệt, nước này có nhiều ngành công nghiệp tự sản xuất được cả nguyên phụ liệu đầu vào lẫn máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất. Thực tế cho thấy, hầu như không có chuyện các doanh nghiệp Việt Nam mang nguyên phụ liệu đầu vào sang thuê các doanh nghiệp Trung Quốc gia công (giống như cách mà các nhà đặt hàng nước ngoài đang làm với ngành dệt may, da giày hay điện tử của Việt Nam). Doanh nghiệp Việt Nam chỉ có mỗi thương hiệu (mất nhiều năm xây dựng), đem gắn trên các sản phẩm được sản xuất ở Trung Quốc, khiến không ít người tiêu dùng do không xem kỹ xuất xứ hàng hóa đã lầm tưởng là đang mua hàng sản xuất ở Việt Nam. Với cách làm này, doanh nghiệp chỉ việc tập trung vào khâu thiết kế và phân phối sản phẩm, những công đoạn tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn nhiều so với công đoạn sản xuất, gia công. Vì vậy, xét về lợi ích của doanh nghiệp, đây là cách làm khôn ngoan.

Thế nhưng, xét trên bình diện lợi ích tổng thể của nền kinh tế, cách làm này vô hình trung lại làm hại các doanh nghiệp sản xuất trong nước và khiến nhiều ngành công nghiệp hỗ trợ không có cơ hội phát triển. Và đây cũng chính là một trong những nguyên nhân góp phần làm cho nhập siêu của Việt Nam ngày một gia tăng nhanh. Thế nhưng, tiên trách kỷ, hậu trách nhân. Các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ của ta đã không tận dụng được giai đoạn mà những chính sách bảo hộ sản xuất hàng trong nước còn đang có hiệu lực để thay đổi công nghệ, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm cả về chất lượng và giá cả.

Khác với câu chuyện VIS năm xưa - khi một người làm và hầu hết doanh nghiệp còn lại lên tiếng phản đối - câu chuyện gia công ở Trung Quốc, đóng mác Việt Nam dường như đang trở thành một xu hướng khá phổ biến. Còn cơ quan chức năng thì chưa có được đối sách nào để hóa giải tình huống này một cách hữu hiệu. Khó có thể hình dung được nhiều ngành sản xuất hiện có trong nước rồi sẽ đi về đâu?!

* Luật sư Trần Sơn – Trưởng Văn phòng Luật sư Trân Sơn và cộng sự:

Một quy luật quan trọng của kinh tế thị trường là ở đâu có nguồn lực phong phú nhất và lao động rẻ nhất thì các doanh nghiệp tất yếu sẽ tìm đến. Thậm chí, một công việc phức tạp cũng có thể tách ra nhiều phần và từng phần đó doanh nghiệp cũng có thể thuê làm ở nước ngoài, nếu có lợi hơn và khuôn khổ pháp luật cho phép. Chỉ có điều, trước thực tế này, câu hỏi đặt ra là, tại sao sản xuất ở Trung Quốc lại rẻ hơn ở Việt Nam đến thế? Nhân công của họ rẻ hơn, công nghiệp phụ trợ của họ tốt hơn hay là công tác tổ chức sản xuất của họ khoa học hơn, hiệu quả hơn? Phải trả lời chính xác được những câu hỏi này Việt Nam mới nâng cao được khả năng cạnh tranh của mình trên thị trường quốc tế.

*Luật gia Trần Hữu Huỳnh – Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam:

Tôi cho rằng việc các doanh nghiệp đặt gia công ở nước ngoài rồi nhập về tiêu thụ trong nước là việc làm bình thường trong kinh doanh, miễn là họ tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về ghi nhãn mác, nơi sản xuất… Việt Nam và Trung Quốc đã thống nhất áp dụng thuế suất trong khuôn khổ các hiệp định thương mại đã ký giữa ASEAN và các nước đối tác, nên ở đây cũng không có sự gian lận về thuế. Vậy thì, doanh nghiệp có quyền giải bài toán kinh tế sao cho có lợi cho họ và không trái pháp luật. Trước đây vụ thép Việt - Ý đã được các cơ quan thẩm tra, kết luận không có gì sai, nhưng ở khía cạnh “người Việt dùng hàng Việt” thì đó là việc không nên khuyến khích.

* Nhà nghiên cứu kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong:

Trong một “thế giới phẳng” như hiện nay thì việc các doanh nghiệp từ nhiều nước khác nhau tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu là tất yếu. Cụ thể, đối với các mặt hàng như dệt may, giày dép, văn phòng phẩm…, Trung Quốc có lợi thế hơn ta là họ chủ động được phần lớn nguồn nguyên vật liệu, phụ kiện. Việc các doanh nghiệp Việt đặt sản xuất hàng tại Trung Quốc mang về bán có cả khía cạnh đáng mừng và khía cạnh đáng lo ngại. Đáng mừng là thương hiệu của doanh nghiệp Việt đã tạo được niềm tin đối với người tiêu dùng, các doanh nghiệp Việt cũng đã tỏ ra hết sức nhanh nhạy tận dụng được ưu thế đó.

Tuy nhiên, vấn đề đáng đặt ra ở đây là nhập khẩu thành phẩm về bán tại thị trường nội địa thực chất chỉ là tận dụng thương hiệu của mình để bán hàng kiếm chút lời lãi, chứ không tạo ra nhiều giá trị gia tăng. Mặt khác, nhất là với những doanh nghiệp nhỏ, việc tổ chức giám sát chặt chẽ khâu sản xuất ở nước ngoài để đảm bảo chất lượng sản phẩm đồng đều cũng là một thách thức. Ngoài ra, xét từ góc độ quản lý, đối với một số mặt hàng nhất định, ở những thời điểm nhất định (chẳng hạn như đang trong thời gian thực hiện các chương trình ưu đãi tín dụng để phát triển sản xuất), cần xác định xem ở đây có sự ỡm ờ để được “ưu đãi nhầm” không.

(Bịnh An)

(Theo Hồ An // Báo Doanh nhân)

  • Về tay người Thái, dấu chấm hết cho hàng Việt ở Metro?
  • Dịch vụ lạ cho giới siêu giàu
  • Sản phẩm “Cơm 3 phút” hút dân công sở
  • Thành công với sản phẩm chế từ... phụ tùng xe đạp
  • Gieo cảm xúc vào chocolate
  • Sở hữu kênh truyền hình xã hội hóa: Liệu có là miếng bánh ngon ăn?
  • 5 nguyên nhân khiến lợi nhuận VKP giảm 805%
  • “Không khuyến khích doanh nghiệp đi bán hàng lưu động”
  • Quy tắc đơn giản, liên minh thành công
  • Nhiêu khê kiếm tiền qua mạng
  • Tập đoàn của tỷ phú Warren Buffett: Quý I lãi lớn, quý II lao dốc
  • Hàng chục tỷ phú Mỹ hứa chi nửa tài sản làm từ thiện
  • Hướng đi của truyền hình trả tiền
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com