“Vấn đề của chúng tôi là có quá nhiều cơ hội tăng trưởng. Chúng tôi phải giải quyết câu hỏi nên đổ tiền vào đâu, nên đưa nguồn nhân lực của mình đến nơi nào”, ông Cordes, 58 tuổi, lãnh đạo tập đoàn bán lẻ lớn thứ tư thế giới, sau các tập đoàn Wal-Mart (Mỹ), Carrefour (Pháp) và Tesco (Anh), tâm sự.
Giữa lúc cơn bão tài chính hoành hành khắp toàn cầu, Tổng giám đốc điều hành tập đoàn Metro, ông Eckhard Cordes, có một nỗi băn khoăn mà nhiều nhà quản trị doanh nghiệp hàng đầu phải ghen tị.
Đối với Metro - tập đoàn bán lẻ Đức có trụ sở chính tại thành phố Düsseldorf nhưng hoạt động trên toàn cầu, cả ở Việt Nam - địa điểm tránh bão tốt nhất là châu Á.
Từ ngày lên cầm lái tập đoàn Metro tháng 11-2007 đến nay, ông Cordes đã khai trương 2 cửa hàng bán sỉ “cash and carry” (trả tiền và mang đi) ở Ấn Độ, 2 cửa hàng ở Pakistan. Những cửa hàng khổng lồ này bán mọi thứ, từ chai dầu ô-liu đến những bao gạo lớn, cung cấp chủ yếu cho khách hàng doanh nghiệp như các tiệm ăn và các công ty sản xuất suất ăn công nghiệp.
Hồi tháng 12-2008, Metro mở cửa hàng thứ 38 ở Trung Quốc tại thành phố Vô Tích. Hồi tháng 3, Metro công bố kế hoạch xây dựng một dây chuyền kinh doanh mới ở Trung Quốc: chuỗi cửa hàng MediaMarkt chuyên bán hàng điện tử tiêu dùng.
Châu Á chỉ mới đóng góp khoảng 3,3% trong tổng doanh số 96,1 tỉ đô la Mỹ của Metro năm ngoái, nhưng tốc độ tăng doanh số ở khu vực này đã lên tới 18,6%/năm, vượt xa tốc độ tăng trưởng bình quân toàn cầu của tập đoàn Metro.
Sự bành trướng của Metro ở châu Á là ví dụ điển hình về những gì mà nhiều công ty Âu Mỹ - ít nhất là các công ty có tiềm lực tài chính vững mạnh - đang làm giữa lúc cuộc suy thoái ở khu vực đồng euro và Mỹ tiếp tục kéo dài: gia tăng sự hiện diện ở khu vực duy nhất trên thế giới còn duy trì được đà tăng trưởng kinh tế đáng kể.
Niềm hứng khởi ở châu Á trái ngược hoàn toàn với tình trạng u ám ở châu Âu. Hồi tháng 2, Metro công bố cắt giảm 15.000 nhân viên, tương đương 5% lực lượng lao động, do doanh số và lợi nhuận đều tăng chậm. Đầu tháng 6 này, một nhà bán lẻ hàng đầu khác của Đức, Công ty Arcandor, đã xin phá sản và Metro đang đề nghị tiếp quản 60% số cửa hàng của Arcandor tại Đức, sáp nhập chúng vào bộ phận kinh doanh nội địa của mình.
Tuy nhiên, để mở rộng hoạt động ở châu Á, Metro có những chiến lược riêng mà không phải tập đoàn phương Tây nào cũng chú ý. Để khởi sự chuỗi cửa hàng điện tử gia dụng ở Trung Quốc, Metro hợp tác với tập đoàn công nghệ Hồng Hải (Foxconn Technology Group) - một công ty chuyên gia công điện thoại di động và nhiều sản phẩm điện tử khác cho những tập đoàn điện tử và công nghệ lớn nhất thế giới. Tập đoàn Đài Loan này có nhiều cơ sở sản xuất rất lớn ở Trung Quốc và Metro hy vọng sẽ tận dụng sự hiểu biết địa bàn của Foxconn cho sự mở rộng của chính mình tại Trung Quốc. Vài chục cửa hàng cung cấp đủ loại sản phẩm điện tử, từ máy chơi game đến tủ lạnh và máy sấy tóc dự kiến sẽ được khai trương ở Thượng Hải vào năm tới.
Theo luật sư Richard Ho thuộc Công ty tư vấn Bain & Co ở Thượng Hải, kinh doanh bán lẻ ở châu Á đòi hỏi phải có tính sáng tạo và linh hoạt; nhà bán lẻ rất khó thu thập dữ liệu về khách hàng và phải sẵn sàng thử nghiệm nhiều cách tiếp cận khác nhau trong hoạt động quảng cáo, khuyến mãi và thiết kế quy mô cửa hàng.
Chính sách và cơ chế điều hành ở từng địa phương cũng có thể gây nhức đầu, như Metro từng gặp ở Ấn Độ - nơi hiện nay tập đoàn có 5 cửa hàng. “Ở một vài bang chính quyền có những quy định cấm bán một vài loại hàng hóa nào đó, chẳng hạn như rau củ và đậu - những mặt hàng thiết yếu ở cửa hàng Metro”, ông Cordes nói.
Cách tiếp cận của Metro ở châu Á còn liên quan tới những nỗ lực bền bĩ nhằm huấn luyện và phát triển mạng lưới các nhà cung cấp địa phương; chẳng hạn như công ty có chương trình huấn luyện cho nông dân cách thức đóng gói và tích trữ rau quả sao cho tốt nhất nhằm giảm hư hỏng trên đường vận chuyển tới cửa hàng. Nhưng những chương trình như vậy cũng cho phép Metro bỏ qua lớp thương lái trung gian, giúp công ty biết rõ những sản phẩm mà mình nhận được từ nông dân và ngư dân.
Theo ông Cordes, những dự án như vậy còn tạo thuận lợi cho các cuộc thương lượng giữa công ty với chính quyền địa phương. “Chúng tôi nhận được nhiều sự hỗ trợ về chính trị. Chúng tôi phát triển việc kinh doanh của mình và đồng thời làm những điều tốt cho đất nước nơi chúng tôi hoạt động”, ông Cordes nói.
(Theo New York Times/TBKTSG))
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com