Minh họa: Khều |
Được cung cấp ra thị trường trong nước đã vài năm nhưng theo thống kê từ các ngân hàng, dịch vụ ngân hàng qua điện thoại di động (mobile banking) vẫn còn ít người tiêu dùng ở Việt Nam chấp nhận sử dụng. Tuy nhiên, các ngân hàng vẫn đang đẩy mạnh việc đầu tư và phát triển mảng dịch vụ này để đón đầu xu hướng phát triển trong tương lai.
Trong giai đoạn đầu, nhiều ngân hàng đã cung cấp dịch vụ SMS banking, nghĩa là thực hiện các giao dịch ngân hàng thông qua tin nhắn trên điện thoại di động. Tuy nhiên hiệu quả của dịch vụ này mang lại cho khách hàng không cao, xuất phát từ lý do khó sử dụng. Ngân hàng yêu cầu khách phải ghi nhớ cú pháp tin nhắn theo quy định của họ, số lượng ký tự truyền đi trên một bản tin lại bị giới hạn. Bên cạnh đó, tính bảo mật lại kém do nội dung tin nhắn thường được lưu trữ trong hộp thư gửi đi của máy điện thoại, dữ liệu gửi từ máy điện thoại đến ngân hàng không được mã hóa và ký điện tử nên độ an toàn không cao.
Vì vẫn tồn tại các điểm hạn chế về tính bảo mật nói trên nên để kiểm soát rủi ro đối với các giao dịch tài chính sử dụng phương thức nhắn tin, các ngân hàng chỉ dừng lại ở việc cung cấp thông tin hoặc thực hiện giao dịch tài chính với hạn mức rất thấp.
Lợi nhưng chưa tiện
Việc triển khai ứng dụng mobile banking được các ngân hàng xem như một giải pháp để khắc phục những điểm yếu nói trên. Cũng là thao tác trên điện thoại di động nhưng khách hàng buộc phải cài đặt phần mềm do ngân hàng cung cấp vào điện thoại của mình, khi thực hiện giao dịch khách sẽ kết nối với hệ thống ngân hàng thông qua GPRS hoặc mạng Wi-Fi.
Với ứng dụng này, khách có thể sử dụng các dịch vụ từ đơn giản như tra cứu số dư tài khoản, thanh toán hóa đơn điện tử, mua các loại thẻ trả trước như thẻ điện thoại di động cho đến các giao dịch phức tạp như chuyển khoản trong cùng một hệ thống ngân hàng. Các giao dịch này có thể thực hiện bất cứ lúc nào, kể cả ngày ngân hàng không làm việc, miễn là người sử dụng mang theo điện thoại của mình.
Giao diện ứng dụng được thiết kế theo dạng menu, chỉ cần chọn menu tương ứng để thực hiện dịch vụ và người sử dụng không cần phải nhớ cú pháp như ở dịch vụ SMS banking. Về mặt an ninh, mobile banking đảm bảo an toàn hơn vì các thông tin về giao dịch được mã hóa và ký điện tử bởi ngân hàng.
Ông Thái Nguyễn Hoàng Nhã, Giám đốc Trung tâm điện toán của Ngân hàng Đông Á, cho biết để một giao dịch qua mobile banking thành công cần bảo đảm ba yếu tố, đó là thẻ SIM điện thoại – chính là thiết bị để nhận dạng khách hàng, mật khẩu (password) do ngân hàng cung cấp mà khách phải ghi nhớ, và thẻ xác thực chứa các thông tin ngẫu nhiên ngân hàng sẽ cung cấp khi phát sinh giao dịch chuyển khoản và khách cần điền đúng thông tin được yêu cầu. Do vậy, về mặt kỹ thuật, khi sử dụng mobile banking thì độ bảo mật gần như là 100%, ông Nhã nói.Tuy nhiên, dù số lượng khách thuê bao điện thoại di động tại Việt Nam ngày càng tăng nhưng không nhiều người hiểu biết rõ tất cả các chức năng của chiếc điện thoại mình đang sở hữu. Do đó, việc người sử dụng truy cập vào trang web của các ngân hàng để tải ứng dụng mobile banking về cài vào điện thoại, đồng thời bảo quản thẻ xác thực an toàn trong một thời gian dài là một việc tương đối khó khăn và phức tạp.
Ông Nhã thừa nhận rằng mặc dù mobile banking rất tiện lợi và bảo mật nhưng tỷ lệ khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ này rất thấp, còn thấp hơn nhiều so với số người sử dụng Internet banking của ngân hàng – một dịch vụ vốn đòi hỏi khách phải có một chiếc máy tính bên cạnh.
Vẫn còn là tiềm năng
Minh họa: Khều |
Vì những điểm hạn chế nêu trên, các ngân hàng cũng phải xác định rõ nhóm đối tượng khách sử dụng mobile banking và họ nhắm đến những người làm việc văn phòng, có kiến thức về công nghệ. “Do đó, nhóm đối tượng như các bà nội trợ sẽ là mục tiêu trong tương lai của chúng tôi”, ông Nhã nói.
Ngân hàng Đông Á cũng đang tìm nhiều giải pháp để tạo sự thuận tiện cho người sử dụng và một trong những cách thức mà ngân hàng này đang tiến hành là hợp tác với các đại lý điện thoại di động để hướng dẫn khách hàng một cách chi tiết hơn hoặc cài giúp ứng dụng mobile banking lên điện thoại cho họ. Bên cạnh đó, Đông Á đang đàm phán với các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông cung cấp thẻ SIM có cài đặt sẵn phần mềm ứng dụng mobile banking của ngân hàng. “Có thể trong vòng 2-3 tháng tới Đông Á sẽ đạt được kết quả trong việc hợp tác này với một nhà cung cấp dịch vụ điện thoại di động”, ông Nhã nói.
Một giải pháp khác cũng từng được nêu ra, đó là ngân hàng hợp tác với nhà sản xuất điện thoại di động để cài sẵn chương trình vào máy. Tuy nhiên, cách này rất khó thực hiện trong thời gian trước mắt vì thị trường Việt Nam có quy mô quá nhỏ.
Cũng nằm trong xu hướng đầu tư vào các dịch vụ ngân hàng điện tử, Ngân hàng Tiên Phong (TienPhongBank) với cổ đông sáng lập là Tập đoàn FPT cũng đang trong giai đoạn nâng cấp phiên bản mobile banking để đem tới cho khách hàng sự tiện lợi hơn khi sử dụng.
Ông Đinh Văn Chiến, Giám đốc khối bán lẻ của TienPhongBank, nói rằng ngân hàng phát triển phiên bản mới với mục đích nâng cao chất lượng của dịch vụ mobile banking và hướng tới việc phổ cập cho khách hàng cá nhân của mình. So với phiên bản cũ, phiên bản mới được thiết kế với ba điểm nổi trội, đó là tiện dụng và dễ dàng hơn cho khách hàng khi đăng ký, cài đặt và kích hoạt mobile banking; giao diện thân thiện hơn với người sử dụng, khi giao dịch trên máy điện thoại di động đòi hỏi ít thao tác… và bổ sung thêm nhiều tính năng mới. “Chúng tôi dự kiến sẽ triển khai phiên bản mới vào đầu tháng Ba năm nay”, ông Chiến nói.
Mặc dù tỷ lệ người sử dụng mobile banking hiện nay không nhiều nhưng các chuyên gia tài chính vẫn lạc quan rằng thị trường Việt Nam có tiềm năng rất lớn. “Vấn đề chỉ là thời gian, sự nỗ lực của ngân hàng và sự nhìn nhận đúng về tiềm năng thị trường của các nhà cung cấp dịch vụ điện thoại di động. Sự kết hợp này sẽ có lợi cho cả ba bên”, ông Nhã nói.
Chia sẻ quan điểm của ông Nhã, ông Chiến cho rằng chiếc điện thoại di động đã trở thành một thiết bị cá nhân rất phổ biến, và đây là cơ sở cho sự phát triển của nhiều ứng dụng trên thiết bị này, trong đó có mobile banking. “Với yếu tố bảo đảm được sự an toàn, bảo mật và tiện dụng cho người sử dụng, tôi tin tưởng rằng mobile banking sẽ được khách hàng sẽ tiếp nhận và sẽ trở nên phổ biến ở Việt Nam trong tương lai”, ông Chiến nhận định.
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com