Các DN VN phải chọn cho mình lối đi riêng, phù hợp, đồng thời khắc phục dần điểm yếu trong tiếp thị, phân phối |
Nhằm kêu gọi người Việt sử dụng mỹ phẩm Việt an toàn, gần 400 DN mỹ phẩm VN vừa tự tin tuyên bố sẽ cung ứng cho người tiêu dùng Việt các sản phẩm chất lượng - an toàn - giá cả hợp lý.
Trong khi giới trẻ lắc đầu quầy quậy khi được hỏi về mỹ phẩm Việt thì quý bà, quý cô U50 - 60 lại là minh chứng một thời vàng son của dòng sản phẩm mang thương hiệu Việt.
Chất lượng tốt, giá rẻ
Thorakao được gây dựng từ năm 1957 với dòng sản phẩm dưỡng da. Hơn 30 năm sau đó là thời kỳ Thorakao lên ngôi. Sản phẩm tốt, ít đối thủ cạnh tranh, Thorakao và sau đó là nước hoa Miss Saigon đã thống lĩnh thị trường, nhất là thị trường miền Nam suốt mấy chục năm. Thị trường mở cửa, sản phẩm nước ngoài ồ ạt tràn vào. Debon, E'Zup rồi đến Lacvert, Shishiedo, Oriflame, Avon... lần lượt hàng chục dòng sản phẩm nhập ngoại đã dễ dàng đẩy lùi Thorakao ra khỏi lãnh địa mà họ luôn ở vị trí số 1.
Thế nhưng, chất lượng và giá chính là hai yếu tố giúp Thorakao vượt "vũ môn" và ít nhiều vẫn được một bộ phận người tiêu dùng trong nước ưu ái. Sự phong phú về chủng loại bao gồm cả dầu gội, mỹ phẩm dưỡng da mặt, chăm sóc tóc, sữa tắm... với giá bán phổ biến vài chục ngàn đồng/tuýp khiến nhiều người thay đổi thói quen, bỏ hàng ngoại giá đắt chuyển sang dùng Thorakao.
Trong khi hầu hết các hãng mỹ phẩm nước ngoài vào VN đều tung hô, quảng cáo tiếp thị ầm ầm thì Thorakao vẫn đang lặng lẽ "tỏa hương" như... 30 năm trước. Cuộc cạnh tranh với hàng ngoại càng khiến Thorakao trở nên yếu thế. Theo thống kê của Cty nghiên cứu thị trường TNS, chi phí dành cho quảng cáo của gần 10.000 thương hiệu tại VN, trong khi Pond's dành hơn 6 triệu USD cho quảng cáo; Hazeline gần 670.000 USD; Essance là hơn 450.000 USD thì Thorakao vô cùng khiêm tốn chỉ với... 7.134 USD.
Đầu tư tổng lực
Trong bối cảnh xã hội đang chuyển động theo chủ trương người VN ưu tiên dùng hàng VN thì Thorakao hay bất kỳ thương hiệu mỹ phẩm Việt nào chưa hẳn đã hết hi vọng. Chỉ có điều, thành công tại thị trường nội địa không phải xảy ra trong chớp mắt nếu DN không tự nghiên cứu thị trường, hoạch định chiến lược và tự đối mặt với tất cả các thách thức. Thay vì đối đầu trực tiếp với các tập đoàn đa quốc gia, tiềm lực kinh tế mạnh, các DN VN phải chọn cho mình lối đi riêng, phù hợp, đồng thời khắc phục dần điểm yếu trong tiếp thị, phân phối và tiếp cận kỹ năng bán hàng hiện đại.
Ông Võ Văn Quyền - Vụ phó Vụ Chính sách thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cũng khẳng định, việc tổ chức phân phối thế nào, nghiên cứu thị trường ra sao, phát triển thương hiệu thế nào... là câu chuyện của DN. Nhà nước không thể làm thay DN mà chỉ có thể thúc đẩy tiến trình đó bằng các chính sách nhằm tạo động lực cho DN. Với ngành hàng mỹ phẩm, một trong những chính sách cần thiết nhất là tăng cường đấu tranh quyết liệt chống hàng lậu, hàng giả. Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu VN cho biết: hiếm có mặt hàng nào mà hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng lại xuất hiện nhanh, tràn lan và dùng kỹ thuật bán hàng hiện đại, quảng cáo hoa mỹ... như mỹ phẩm. Chưa giải quyết triệt để vấn nạn này, mỹ phẩm Việt còn bị "ngáng chân" - nhất là tại phân khúc thị trường bình dân và cấp thấp.
(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com