Đã có nhiều yếu tố thuận lợi làm nền tảng để khẳng định, năm 2011, ngành bán lẻ Việt Nam sẽ bùng nổ.
Kinh tế thế giới hồi phục, tập quán đi siêu thị đã được thiết lập, kênh phân phối hiện đại tại VN vẫn còn rất khiêm tốn so với các quốc gia láng giềng... chính những yếu tố này đã giúp cho ngành bán lẻ ở Việt Nam sẵn sàng bùng nổ.
Quyết liệt cuộc đua trong nước
Nếu như cách đây 3 năm, nỗi lo của các doanh nghiệp (DN) bán lẻ trong nước là các đại gia bán lẻ nước ngoài tràn vào VN khi chúng ta mở cửa lĩnh vực này, thì hiện nay, cạnh tranh gay gắt nhất lại chính là với các công ty nước ngoài đã có mặt tại Việt Nam. Với ưu thế về tài chính, kinh nghiệm... các thương hiệu như Big C, Lotte Mart, Metro, Parson... đang khiến các nhà bán lẻ trong nước lo ngại. Thời gian vừa qua, các thương hiệu này rất quyết liệt trong việc mở rộng quy mô, chiếm lĩnh thị trường.
Đơn cử như Big C, trong năm 2010 thương hiệu này đã khai trương 5 siêu thị nâng tổng số siêu thị Big C tại VN lên 14 siêu thị trên toàn quốc. Không nói cụ thể về kế hoạch trong năm 2011 nhưng bà Dương Quỳnh Trang, Giám đốc đối ngoại hệ thống siêu thị Big C cho biết, mục tiêu của Big C trong thời gian tới là mở rộng ra các tỉnh, thành để phục vụ người tiêu dùng. Tương tự, chỉ trong vòng khoảng 2 năm có mặt tại VN, Tập đoàn Lotte đã sở hữu 2 siêu thị lớn tại VN và đang quyết liệt săn lùng mặt bằng để thực hiện kế hoạch 30 siêu thị tại VN cho đến năm 2018. Ở loại hình trung tâm thương mại có Parkson, Metro - bán sỉ... cũng ráo riết khai trương điểm mới để cạnh tranh quyết liệt với các DN bán lẻ trong nước.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT hệ thống siêu thị Co-op Mart nhận xét, mặc dù chúng ta có quy định ENT (nhà đầu tư nước ngoài muốn mở chuỗi siêu thị thì vẫn phải xin giấy phép riêng biệt cho mỗi siêu thị. Sở Công thương tại các địa phương sẽ căn cứ vào rất nhiều tiêu chí để quyết định có cấp phép cho từng siêu thị hay không...) nhưng các nhà đầu tư nước ngoài vẫn sử dụng nhiều cách như liên doanh với DN trong nước, nhượng quyền thương mại để nhân nhanh, nhân rộng mạng lưới tại thị trường nội địa. Vì vậy, các DN trong nước đang chịu áp lực rất lớn trước sự cạnh tranh gay gắt này.
Bên trong cạnh tranh quyết liệt, bên ngoài đối mặt với sức ép chuẩn bị thâm nhập thị trường nội địa của hàng loạt các tập đoàn bán lẻ trên thế giới. Có thể nói, DN trong nước đang chịu áp lực rất lớn trong việc giữ vững sân nhà.
Giải pháp nào cho VN?
Để giữ thị trường nội địa, không có con đường nào khác ngoài việc cấp thiết mở rộng quy mô, nâng cấp dịch vụ, nâng cao vấn đề quản trị, nhân lực và công nghệ. Nhưng vốn nhỏ, kinh nghiệm thiếu, công nghệ lạc hậu... có thể nói, bài toán cạnh tranh của các DN Việt Nam vẫn còn khá mơ hồ. Một chuyên gia thuộc Hiệp hội Bán lẻ VN thừa nhận, rất khó để đối đầu trực tiếp với các đại gia bán lẻ thế giới với hàng trăm năm kinh nghiệm, vốn lớn, công nghệ hiện đại... Theo vị này, cách tốt nhất đối với DN trong nước là phương án liên doanh “đôi bên cùng có lợi” với các DN nước ngoài. "Lợi thế của các DN trong nước là sân nhà; am hiểu văn hóa tiêu dùng bản địa; đã có sẵn một hệ thống siêu thị dù không lớn; biết trước các chủ trương, chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực này... Đây là điểm yếu của các tập đoàn bán lẻ nước ngoài. Nhìn tổng quan có thể nói, điểm mạnh của ta là điểm yếu của họ và ngược lại. Vì vậy, liên doanh và cách tốt nhất giúp hai bên cùng có lợi" - chuyên gia này phân tích.
Trên thực tế, mô hình liên doanh hợp tác giữa đôi bên đã được triển khai khá nhiều. Đó là trường hợp của G7Mart hợp tác với Ministop (Nhật); Family Mart (Nhật) hợp tác với Tập đoàn Phú Thái; Lotte liên doanh với một công ty tư nhân của VN mở siêu thị Lotte thứ 2 tại quận 11... Tuy nhiên, liên doanh như thế nào để vừa cạnh tranh, vừa phát triển, vừa là kênh phân phối cho hàng Việt lại là vấn đề phải suy tính thận trọng.
Thực tế đã chứng minh, ngay cả những nhà sản xuất đa quốc gia cũng gặp khó khăn khi sân chơi thuộc về các đại gia phân phối, những người có truyền thống “siết” các nhà sản xuất. Hay nói một cách dễ hiểu, chắc chắn các tập đoàn bán lẻ nước ngoài sẽ ưu ái hàng hóa nước mình trên quầy kệ trong chuỗi siêu thị mà họ liên doanh với DN trong nước nếu chúng ta không tính tới điều này ngay từ khi đặt bút ký. Cách thôn tính thị trường kiểu này đang trở thành xu hướng ở nhiều quốc gia và VN cũng sẽ phải đối mặt trong thời gian tới. Đó là lý do vì sao G7Mart đã mất rất nhiều thời gian đàm phán để đảm bảo mục tiêu hàng đầu "ưu tiên hàng hóa Việt Nam" trong hệ thống G7Mart - Ministop sắp tới trước khi ký kết liên doanh. Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT hệ thống siêu thị Co-op Mart thì cho rằng, lựa chọn mô hình nào để cạnh tranh tùy thuộc vào chiến lược của mỗi DN. Với Co-op Mart, việc mở rộng quy mô ra các tỉnh, thành đang được quyết liệt thực hiện dù hiệu quả ở những nơi này chưa có ngay. "Chúng tôi chấp nhận lỗ 2-3 năm đầu trong chiến dịch hướng ra các tỉnh, thành xa để chiếm lĩnh thị trường trước" - ông Hòa nói.
Có thể nói, năm 2011 không chỉ là năm bùng nổ cạnh tranh trên thị trường bán lẻ mà sẽ là năm bùng nổ của các DN bán lẻ trong nước trong cuộc cạnh tranh giữ sân nhà đã được báo trước.
(Thanh niên)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com