Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Nhà đầu cơ đánh bạc với nhà nước

Đã có nhà đầu cơ nào sử dụng cả nhà nước, mà lại không chỉ ở một quốc gia, để đầu cơ? Đã có nhà đầu cơ nào được người đứng đầu Nhà thờ Thiên Chúa giáo dùng làm ví dụ để răn dạy con chiên của Chúa? Có đấy, nhưng đó chỉ có thể là Ivar Kreuger.

Trong thế giới đầu cơ có không ít tráng ca và cũng đầy bi kịch. Số phận của nhà đầu cơ người Thụy Điển Ivar Kreuger hội tụ đủ cả hai phần ấy. Trong nhân gian, con người tự tìm đến cái chết bởi nhiều động cơ khác nhau. Trong trường hợp Ivar Kreuger thì nguyên cớ xô đẩy đến cái chết liên quan mật thiết đến đầu cơ tới mức có thể coi đó là chuyện sinh nghề, tử nghiệp.

Que diêm làm nên sự nghiệp

Ivar Kreuger sinh ngày 2.3.1880 ở Kalmar (Thụy Điển). Thật ra thì dòng họ Kreuger từ Mecklenburg (nước Đức ngày nay) di cư sang Thụy Điển từ thế kỷ 17. Cha của Ivar là chủ một hãng sản xuất diêm. Ivar Kreuger học rất giỏi và trở thành kỹ sư xây dựng năm mới có 20 tuổi. Chàng thanh niên này bôn ba gần như khắp thế giới để chứng tỏ tài năng với việc xây dựng nhiều công trình khách sạn, nhà ở và công xưởng ở Mỹ, Nam Phi, Anh, Ấn Độ và Mexico.

Khoảng cuối thập kỷ đầu tiên của thế kỷ trước, Kreuger trở về Thụy Điển và cùng với người bạn là Paul Toll thành lập công ty xây dựng Kreuger & Toll. Năm 1913, Kreuger tiếp quản công ty của người cha. Sản xuất diêm khi ấy là một ngành rất phát triển. Cho tới thời điểm ấy, đầu cơ là khái niệm hoàn toàn xa lạ đối với anh chàng kỹ sư xây dựng này. Ivar Kreuger tiếp tục phát triển và bành trướng công ty sản xuất diêm của người cha. Nhưng nếu như chỉ có như vậy thôi thì Ivar Kreuger đâu có đến nỗi phải sinh nghề tử nghiệp.

Điều giúp Ivar Kreuger trở nên nổi tiếng thế giới và về sau cũng khiến con người này thân bại danh liệt là việc dấn thân vào thế giới tài chính. Không biết có phải vì tò mò hay bởi muốn thể hiện, không rõ có phải vì cầu danh hay cầu lợi mà Kreuger đã biến cuộc chơi trong thế giới tài chính thành cuộc chơi của cuộc đời mình. Mục tiêu của Kreuger rất rõ ràng: dùng tiền để mua về độc quyền sản xuất và tiêu thụ diêm ở các nước khác. Độc quyền đó sẽ đem lại cho Kreuger lợi nhuận khổng lồ, những mối quan hệ cần thiết phải có trong giới chính trị và kinh tế ở các nước khác để rồi tiền và quan hệ sẽ lại giúp củng cố độc quyền đã có. Nghe thì đơn giản như vậy, nhưng thực chất thì việc đó chẳng khác gì đầu cơ vào nhà nước, thao túng quyền lực của nhà nước. Bản chất toàn bộ hoạt động đầu cơ trong sự nghiệp của Ivar Kreuger là một cuộc chơi bạc với nhà nước. Xưa nay, chơi với nhà nước như vậy chẳng khác gì sử dụng con dao hai lưỡi và gần như chưa có khi nào thấy nhà nước bị thua. Không phải Kreuger không ý thức được điều đó, nhưng nhà đầu cơ này tin vào bản lĩnh của mình và dựa vào đánh giá của mình là nhà nước không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải dựa vào kế hoạch tài chính của Kreuger.

Không phải anh ta hoàn toàn không có lý. Sau chiến tranh thế giới thứ nhất, các quốc gia ở Châu Âu rất thiếu tiền trong khi ở bên kia Đại Tây Dương lại dư giả rất nhiều tiền. Nhưng cung và cầu không gặp được nhau vì khoảng cách địa lý, thiếu thông tin và thiếu trung gian môi giới đáng tin cậy. Kreuger phát hiện ra điều đó và hình thành một chiến lược kinh doanh rất đơn giản: Kreuger đứng ra vay tiền ở Mỹ dưới dạng tiền hoặc trái phiếu - vì là một doanh nhân thành đạt nên các ngân hàng ở Mỹ rất tin tưởng – rồi sau đó cho chính phủ ở nhiều quốc gia Châu Âu vay. Đổi lại, các chính phủ này dành cho Kreuger độc quyền về sản xuất và tiêu thụ diêm. Cứ như vậy, Kreuger vay được rất nhiều tiền và giành được độc quyền về diêm ở nhiều quốc gia Châu Âu, chiếm lĩnh ba phần tư thị trường diêm thế giới. Tổng số tiền Kreuger cho chính phủ các nước vay lên tới 387 triệu USD ngày ấy, tương đương với 30 tỷ euro ngày nay - bằng số tiền mà cả EU đang huy động để cứu trợ Hy Lạp, trong đó có nước Đức với 125 triệu USD, Pháp 75 triệu USD, Hungari với 36 triệu USD và Ba Lan với 32,4 triệu USD. Ở thời đỉnh điểm, tập đoàn của Kreuger có tới 400 công ty con, không chỉ trong ngành sản xuất diêm, mà còn cả trong xây dựng, sản xuất giấy, luyện kim. Kreuger có rất nhiều bất động sản và thậm chí còn sở hữu cả ngân hàng.

Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên

Xưa nay “chơi bạc” với nhà nước chẳng khác gì sử dụng con dao hai lưỡi và gần như chưa có khi nào thấy nhà nước bị thua.

Nhưng đúng ở đời này, người tính không bằng trời tính. Kreuger nắm bắt được nhu cầu cho vay tiền của các ngân hàng ở Mỹ và đầu cơ vào nhu cầu cần tiền của các chính phủ ở Châu Âu. Chiến lược của Kreuger tưởng rất hoàn hảo mà lại đầy rủi ro. Điều mà nhà đầu cơ này không tính được hết và không lường được trước là nhà nước rất muốn vay và có thể vay tiền bằng mọi giá nhưng nếu nhà nước không muốn trả lại hoặc không có khả năng trả lại thì Kreuger chẳng thể làm gì nhà nước được.

Cụ thể, các chính phủ muốn vay tiền, nhưng  lại không muốn mua số trái phiếu mà Kreuger phát hành  cho các ngân hàng ở Mỹ. Rồi cuộc đại khủng hoảng kinh tế trong những thập kỷ đầu của thế kỷ 20 cũng bất ngờ và rất tai hại. Trong bối cảnh ấy và dưới tác động của cuộc khủng hoảng ấy, độc quyền về sản xuất và tiêu thụ diêm mà Kreuger có được chẳng giúp Kreuger kiếm được nhiều lời lãi đến mức có thể trả được những khoản nợ mà lẽ ra các chính phủ phải trả.

Tình thế của Kreuger ngày càng thêm khó khăn. Kreuger buộc phải sử dụng phương cách cổ điển mà rất đắc dụng từ trước tới tận ngày nay để che giấu thua lỗ là gian lận sổ sách. Trong suốt thời gian khá dài, Kreuger đã lừa dối các chủ nợ của mình bằng cách ấy. Họ có chút nghi ngờ, nhưng chưa hẳn đã mất hết lòng tin vì dù sao ngành sản xuất diêm vẫn đang sinh lãi. Kreuger là khách hàng lớn của họ. Và Kreuger lại rất kín đáo và tế nhị, rất khôn khéo và biết cách thuyết phục. Một trong những triết lý kinh doanh của Kreuger mà ông ta biến thành câu cửa miệng là: “Im lặng, im lặng nhiều hơn, im lặng nhiều hơn nữa”. Nhưng nước dù có nhỏ từng giọt xuống thì rồi cũng sẽ đến lúc có giọt làm tràn cốc. Đầu tháng 3.1932, các chủ nợ của Kreuger tụ tập ở Paris và triệu Kreuger từ Mỹ sang Paris để làm rõ đen trắng mọi chuyện. Sáng ngày 12.3.1932, trong khi họ ngồi chờ Kreuger trong một khách sạn ở Paris thì người cộng sự thận cận nhất của Kreuger phát hiện ra Ivar Kreuger đã chết bởi một phát súng lục bắn từ dưới cằm lên. Khẩu súng còn ở ngay cạnh đó.

Kreuger tự tử hay bị sát hại - câu hỏi đó vẫn chưa ai trả lời nổi cả sau gần 80 năm. Nhiều giải thiết đã được đặt ra. Thị trường chứng khoán bị chấn động và dư luận đồn thổi đủ mọi chuyện khác nhau. Chỉ biết rằng khoản tiền mà Kreuger phải trả cho các chủ nợ ở thời điểm đó vào khoảng 1 tỷ USD. Những chính phủ nợ tiền của Kreuger đều im hơi lặng tiếng như thể chẳng dính líu gì. Tin tức về cái chết của Kreuger được bưng bít trong thời gian nửa ngày - đủ để đa số những cổ phiếu của tập đoàn này được bán đi trước khi chúng bị sụt giá thê thảm. Cái chết của Kreuger đồng nghĩa với sự sụp đổ của toàn bộ tập đoàn này. Con người được mệnh danh là “Vua diêm” hay “Nhà đầu cơ đánh bạc với nhà nước” này không có gia đình riêng, mất hết cả những gì người cha gây dựng nên được, lại còn bị tạp chí Time Magazine coi là “kẻ dối trá lớn nhất thế giới”. Trong một Enzyklika - tuyên cáo quan điểm và chính sách - , Giáo hoàng ngày ấy là Pius XI đã đề cập đến Ivar Kreuger với câu: “Tình yêu đồng tiền là gốc rễ của mọi cái xấu xa”. Không biết ở thế giới bên kia, nhà đầu cơ nổi tiếng và tai tiếng này ngẫm nghĩ như thế nào về câu đó.

(Theo Bắc Hà // Báo Doanh nhân)

  • Về tay người Thái, dấu chấm hết cho hàng Việt ở Metro?
  • Dịch vụ lạ cho giới siêu giàu
  • Sản phẩm “Cơm 3 phút” hút dân công sở
  • Thành công với sản phẩm chế từ... phụ tùng xe đạp
  • Gieo cảm xúc vào chocolate
  • Bài học từ phở
  • 7 bước chiếm lĩnh thị trường
  • GM lần đầu sinh lãi sau 3 năm
  • Tham vọng mới của Apple
  • Viva Macau nợ hơn 100.000 USD của khách hàng Việt Nam: Bao giờ khách hàng mới lấy được tiền?
  • Nhộn nhịp kinh doanh sân cỏ nhân tạo
  • Công nghiệp trò chơi: Hướng đến 3D
  • Lạm dụng quyền quản trị Facebook!
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com