Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Nhộn nhịp mua bán trực tuyến

Với ưu thế tiết kiệm thời gian, không giới hạn vị trí và giá thành sản phẩm thường thấp hơn thị trường từ 3% đến 5% (do không tốn nhiều chi phí cho mặt bằng, nhân sự,… ), thị trường mua bán trực tuyến tại Việt Nam ngày càng trở nên được ưa chuộng hơn.

Kinh doanh trực tuyến: cá thể lên ngôi

Chưa bao giờ, số lượng rao bán hàng hóa của các cá nhân lại xuất hiện trên mạng internet với tần xuất dày đặc như hiện nay. Đủ chủng loại, đủ mặt hàng và cũng đủ xuất xứ, thành phần người bán. Từ những mặt hàng nhỏ lẻ có giá chỉ vài ngàn đồng cho đến các mặt hàng có giá lên đến hàng trăm triệu đồng, từ những bạn còn là sinh viên cho đến các nhân viên - công chức, mỗi người đều đang góp phần mạnh mẽ cho sự nhộn nhịp của chợ online.

Trợ giúp cho sự sôi động của thị trường mua bán qua mạng là sự góp sức của nhiều trang web mua bán, rao vặt. vatgia.com của công ty cổ phần vật giá Việt Nam hiện là trang mua bán online có lượng truy cập đông đảo. Các công ty sở hữu thương hiệu mạnh trên internet như fpt, vinagame,… cũng đang ráo riết gia tăng thị phần trong lĩnh vực mua bán trực tuyến bằng việc đầu tư các kênh dành riêng cho mua bán như muaban.1280.com, 123mua.com.vn,…

Cùng với số lượng trang web mua bán nở rộ, mô hình các website mua bán cũng không kém phần đa dạng. Đa số các trang web mua bán đều đầu tư nghiên cứu tạo cho mình phong cách riêng để trình bày sản phẩm và khai thác doanh thu.

Bên cạnh đó, cũng có những mô hình “chợ online Việt Nam” khá độc đáo và thu hút nhiều cư dân mạng tham gia, đó là mô hình sử dụng diễn đàn để trao đổi thông tin mua bán. Các diễn đàn rao vặt như trieudo.com , 5giay.vn, muare.vn, … hiện thu hút nhiều người truy cập bởi khả năng trao đổi thông tin nhanh ngay trên chủ đề sản phẩm giữa người mua và người bán.

Diễn đàn rao vặt TrieuDo.com, một điểm đến của đông đảo các cá nhân tham gia mua bán trực tuyến. - tinkinhte.com
Diễn đàn rao vặt TrieuDo.com, một điểm đến của đông đảo các cá nhân tham gia mua bán trực tuyến.

Nông dân cũng lên mạng

Các sản phẩm thủ công, gia đình thời gian gần đây đang trở thành những mặt hàng “hot” trên mạng internet. Người tiêu dùng có thể dễ dàng tìm thấy các sản phẩm đặc trưng của địa phương như bánh pía Sóc Trăng, Nhung hươu Hương Sơn, các sản phẩm điêu khắc mỹ nghệ hay vật nuôi, cây cảnh địa phương… mà không cần phải đi xa để tìm mua.

Chị Thu Trang, thành viên bán hàng tại diễn đàn rao vặt trieudo.com cho biết: “Gia đình mình ở Cà Mau, chuyên chế biến tôm khô từ loại tôm đất đặc biệt của địa phương. Trước đây, mình chỉ bán hàng qua giới thiệu và bạn bè xung quanh. Dịp tết vừa rồi, mình thử đăng quảng cáo trên mạng thì thật bất ngờ, số lượng đặt hàng rất nhiều. Có những người gọi điện lúc nửa đêm, hỏi ra mới biết người mua hàng ở tận nước ngoài”.

Những sản phẩm “nông dân” như thế này sẽ có thể thực sự vươn mình nhờ mạng internet. Ảnh minh họa.

Lối đi nào cho sự trung thực trực tuyến tại Việt Nam?

Sự bùng nổ thông tin mua bán trực tuyến, bên cạnh những yếu tố tích cực, còn tồn đọng nhiều hệ lụy xấu. Phần đông các website cung cấp dịch vụ mua bán trực tuyến chỉ mang tính chất như một cầu nối giữa người mua và người bán.

Một số cá nhân, doanh nghiệp lợi dụng thương hiệu uy tín của các website mua bán trực tuyến nhằm rao bán sản phẩm kém chất lượng hoặc lừa đảo người tiêu dùng. Sự thiếu trung thực trong giới thiệu sản phẩm, thiếu trung thực trong giao dịch khiến người tiêu dùng trở nên e dè hơn trong việc mua bán sản phẩm trên mạng.

Một thời gian dài, một số website mua bán nổi tiếng thế giới không cho phép các giao dịch đến từ Việt Nam vì lý do gian lận trong giao dịch. Việt Nam cũng đang là một trong số các nước có tỷ lệ click fraud (nhấn lừa đảo) trực tuyến đứng hàng đầu thế giới.

Ngoài yếu tố gian lận, dễ nhận thấy vấn nạn spam thông tin trên các kênh mua bán trực tuyến tại Việt Nam ngày càng trở nên nhức nhối.

Một số cá nhân, doanh nghiệp chưa hiểu rõ về cách thức tiếp cận khách hàng và khai thác hiệu quả truyền thông trực tuyến, nên gia sức đăng tải tràn ngập thông tin quảng cáo. Vô tình, các thông tin quảng cáo dày đặc đó trở thành gánh nặng cho các website thương mại điện tử tại Việt Nam.

Chủ sở hữu website phải tiêu tốn nhiều nhân lực cho việc kiểm soát thông tin trên hệ thống, các cá nhân, doanh nghiệp đó lại không thể bán được hàng do không tạo được sự tin cậy trong nội dung đăng tải, người tiêu dùng e dè và lo ngại trước vô số thông tin quảng cáo đa chiều.

Hãy là người tiêu dùng thông minh

Người tiêu dùng tham gia mua hàng trực tuyến nên trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để tự bảo vệ mình khỏi các gian lận trong mua bán trực tuyến.

Một số các gợi ý để có thể mua bán an toàn trực tuyến:

- Tìm hiểu kỹ thông tin về người bán trước khi quyết định mua hàng: Các website mua bán, diễn đàn rao vặt thường cho phép người truy cập có thể biết được thời gian đăng ký tham gia của người bán. Những người bán hàng trong thời gian dài thường sẽ tạo dựng uy tín cho mình để kinh doanh tốt và tồn tại.

Việc xác định thời gian tham gia và truy ngược lại các thông tin trao đổi trước đây của người bán sản phẩm sẽ giúp người mua có thêm thông tin về mức độ uy tín của người bán.

- Thận trọng và tìm hiểu kỹ thông tin sản phẩm muốn mua: Trên một số mạng mua bán, mô tả sản phẩm có thể được người bán sử dụng các cụm từ chuyên ngành hoặc viết tắt. Việc vội vàng hoặc bỏ qua tìm hiểu ý nghĩa của mô tả sản phẩm sẽ khiến người mua gặp phải trạng thái không hài lòng khi nhận sản phẩm và dẫn đến than phiền về chất lượng.

- Tránh xa những người bán đăng quảng cáo tràn lan: Những người bán quảng cáo tràn làn và không xác định rõ các sản phẩm cần bán phù hợp với chuyên mục trên các website mua bán.

Thông thường, đây là những người bán thiếu trung thực vì họ chỉ muốn đẩy sản phẩm đi càng nhanh càng tốt mà không quan tâm đến chất lượng sản phẩm có phù hợp với nhu cầu của người mua không.

(Theo Sơn Ngọc // Tienphong Online)

  • Về tay người Thái, dấu chấm hết cho hàng Việt ở Metro?
  • Dịch vụ lạ cho giới siêu giàu
  • Sản phẩm “Cơm 3 phút” hút dân công sở
  • Thành công với sản phẩm chế từ... phụ tùng xe đạp
  • Gieo cảm xúc vào chocolate
  • Chiêu ‘dìm’ đối thủ kinh doanh
  • VTC làm truyền hình 3D: “Đi trước để chớp thời cơ”
  • Chiếc xương sườn và bộ veste xám
  • Toyota: Vì đâu nên nỗi (Phần 3): Niềm kiêu hãnh bị tổn thương
  • 4 cách để luôn dẫn trước đối thủ
  • Toyota và cuộc khủng hoảng PR
  • Ngày tàn của một đế chế (I)
  • Ngày tàn của một đế chế (phần II)
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com