Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Toyota: Vì đâu nên nỗi (Phần 3): Niềm kiêu hãnh bị tổn thương

Báo chí Nhật coi ông Toyoda “trên thực tế là thuyền trưởng của ngành công nghiệp chế tạo Nhật Bản”.

Vậy mà Toyota hiện nay đang dính vào một vụ bê bối chưa từng thấy. Danh tiếng hàng “sản xuất tại Nhật Bản” (Made in Japan) được nuôi dưỡng và chắt chiu từ nửa thế kỷ nay, đang bị săm soi.

Ông Toyoda (bìa trái) hội kiến Thủ tướng Hatoyama hôm 8-3 tại Phủ Thủ tướng Nhật để trình bày kế hoạch cải tiến công tác kiểm tra chất lượng xe Toyota. Ảnh: REUTERS

“Made in Japan”

Ai cũng biết, sau thế chiến thứ hai, Nhật được cây dù an ninh Mỹ bảo vệ cho nên an tâm tập trung hết sức lực và tiền của vào việc xây dựng một vấn đề cơ bản của sức mạnh quốc gia: chất lượng sản phẩm.

Các chính sách công nghiệp Nhật Bản chủ trương xây dựng các công ty, nhà máy theo tiêu chí “sản xuất hàng xuất khẩu tốt nhất”. Bất chấp Trung Quốc và Hàn Quốc tăng trưởng kinh tế nhanh đến mức nào, nước Nhật muốn trấn an thế giới rằng ưu thế cạnh tranh Nhật chính là chất lượng sản phẩm “Made in Japan”.

Ryo Sahashi, chuyên gia về chính sách công Trường Đại học Tokyo, nhận xét: “Toyota là biểu tượng của sự hồi phục trong cuộc suy thoái kéo dài của chúng tôi. Nhưng giờ đây chuyện rắc rối của Toyota đã phá hỏng lòng tin ở các mô hình kinh doanh và kinh tế Nhật đúng vào lúc Trung Quốc đang vượt qua chúng tôi”.

Thật ra, theo học giả Stewart, trước vụ bê bối của Toyota đã có một số dấu hiệu cho thấy ngành công nghiệp Nhật đang trượt dài. Michael J. Smitka, một chuyên gia về xe hơi Nhật, cho biết nhiều thương hiệu hàng đầu của Nhật đã đánh mất ánh hào quang của “Made in Japan”.

Sanyo, Toshiba và Fujitsu phải tái cấu trúc bộ máy sản xuất. Sony thành công lớn ở Hollywood nhưng không phải với tư cách là một nhà sản xuất Nhật. Trong khi đó, các hãng xe hơi Mitsubishi, Mazda và Nissan không còn 100% chất Nhật.

Đầu thập niên 2000, đặc biệt dưới thời Thủ tướng Junichiro Koizumi nổi tiếng, Nhật phấn đấu trở thành đất nước của những công nghệ tiên tiến, “nano hóa” cái này, “sinh học hóa” cái nọ nhưng không có cái nào trụ vững.

Trong bối cảnh đó, Toyota vẫn là bộ mặt của ngành công nghiệp và thương mại Nhật. Với doanh số bán ra 263 tỉ USD đạt được hồi năm ngoái, Toyota vẫn giữ danh hiệu công ty Nhật lớn nhất và nhà sản xuất xe hơi lớn nhất thế giới.

Thế nhưng việc phải thu hồi 8,5 triệu xe phơi bày những vấn đề nghiêm trọng mà Toyota đang gặp phải. Giống như tất cả những công ty Nhật khác, cho dù có tầm cỡ toàn cầu, Toyota vẫn nặng tính ốc đảo và tính địa phương. Cơ cấu có thứ bậc trên dưới cứng nhắc đã làm thui chột những sáng kiến và hạn chế nhập khẩu cái mới từ bên ngoài.

Giáo sư Robert Dujarric, thuộc Trường Đại học Temple (Nhật), cho biết nòng cốt ban quản lý Toyota là người Nhật, các nhà cung cấp linh kiện và phụ tùng của Toyota cũng chủ yếu là người Nhật. Bộ phận đối ngoại của công ty chịu ảnh hưởng nặng nề của văn hóa truyền thống Nhật, theo đó người ta cố tránh xung đột và tranh cãi, thậm chí phủ nhận những mối nguy rành rành như vụ một số dòng xe Toyota tăng tốc bất ngờ gây tai nạn chết người.

Lỗi không hoàn toàn thuộc về Toyota


Du khách xem loại xe Prius đời mới nhất ở Tokyo. Ảnh: Reuters

Trở lại trường hợp của Toyota, ông Masayoshi Arai, cố vấn đặc biệt của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật, nhận định: “Toyota đại diện cho Nhật Bản trên toàn thế giới về mặt văn hóa và kinh tế. Chúng tôi rất tự hào về Toyota nhưng vụ bê bối này đã làm tổn thương niềm kiêu hãnh của chúng tôi”.

Thế nhưng lỗi không hoàn toàn thuộc về Toyota. Trong 20 năm qua, tình trạng khó ở của nền kinh tế Nhật đã ảnh hưởng sâu sắc đến xã hội. Xu hướng bám trụ ở nhà, né tránh rủi ro, tách mình ra khỏi hệ thống tổ chức xã hội truyền thống càng ngày càng lan rộng. Thế hệ 7X và 6X – lực lượng lao động chủ yếu và tạo dựng gia đình – giờ đây không muốn gặp bất cứ rủi ro nào, dù nhỏ đến mấy. Vì vậy nảy sinh hiện tượng Sugimori (nằm ổ) chỉ những người suốt ngày lên mạng tìm cơ hội mua bán tốt nhất hay hiện tượng Soshuku-kei danshi (người ăn cỏ) chỉ những người không muốn ra ngoài hay tạo dựng sự nghiệp. Điểm chung của hai loại người này là không lái xe hay mô tô, thậm chí không ăn thức ăn cay. Họ coi làm chủ doanh nghiệp là không có tương lai.

Những hiện tượng kể trên tác hại nghiêm trọng đến nền kinh tế Nhật, dẫn đến tình trạng giảm phát, gia tăng lương thấp và thất thu thuế. Tất nhiên, các công ty Nhật cũng bị ảnh hưởng lây.

(Theo NGUYỄN CAO // Nguoilaodong Online)

  • Về tay người Thái, dấu chấm hết cho hàng Việt ở Metro?
  • Dịch vụ lạ cho giới siêu giàu
  • Sản phẩm “Cơm 3 phút” hút dân công sở
  • Thành công với sản phẩm chế từ... phụ tùng xe đạp
  • Gieo cảm xúc vào chocolate
  • 4 cách để luôn dẫn trước đối thủ
  • Toyota và cuộc khủng hoảng PR
  • Ngày tàn của một đế chế (I)
  • Ngày tàn của một đế chế (phần II)
  • Chữ Tín trong kinh doanh vàng: Trông người mà ngẫm đến ta
  • Những gia sư kiếm hàng triệu đô
  • Ngành in đối đầu với thế giới ảo
  • Doanh nhân nói chuyện phong thủy
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com