Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Phong vũ biểu lòng tin trong giỏ hàng siêu thị

Khủng hoảng hay hồi phục kinh tế, theo Newsweek, nằm ở giỏ xe đẩy hàng của siêu thị. Chỉ cần quan sát thực tế tại một siêu thị Wal-Mart ở bang Colorado là nhận thấy điều đó.

Bà Karisa Sprague, 29 tuổi, điều hành siêu thị Wal-Mart ở Westminster, một thành phố nhỏ ở Denver (Colorado) từ lúc siêu thị này mở cửa vào cuối năm 2006. Siêu thị rộng 18.000 mét vuông sử dụng 425 nhân viên làm việc theo khẩu hiệu: giúp khách hàng “tiết kiệm nhiều hơn” và “sống tốt hơn”.

Trong lúc hầu hết các cửa hàng buôn bán ở Mỹ đều giảm hoạt động, chưa bao giờ siêu thị Wal-Mart kinh doanh tốt như hiện nay, lúc người tiêu dùng Mỹ đang tiết giảm chi tiêu.

Đối với bà Sprague, nhìn vào giỏ xe đẩy hàng giúp biết được thông tin tức thời về lòng tin của người tiêu dùng và có thể suy đoán chính xác họ đang chi tiêu ở mức nào. Thông thường, suy thoái kinh tế biểu hiện qua hình ảnh có rất nhiều hàng hóa bỏ lại ở quầy tính tiền.

Vị trí đặt quảng cáo

Đó là dấu hiệu rõ nhất cho thấy khách hàng trong tâm trạng lo âu, từ chối mua một số sản phẩm. Tại siêu thị của mình, bà Sprague có một phong vũ biểu khác về “kỷ luật mua sắm”: ngày càng nhiều khách hàng đi siêu thị cầm theo danh mục những mặt hàng cần mua.

Để đáp ứng khẩu hiệu đặt ra, siêu thị bắt đầu từ khu hàng thực phẩm chế biến sẵn, với những cái bánh pizza lớn (đường kính 40 cen ti mét) bán với giá 8,98 đô la Mỹ.

“Chúng tôi nhắm đến khách hàng cho đến nay thường xuyên đi ăn ngoài và thích mua thực phẩm chế biến sẵn mang về nhà để giảm chi tiêu”, bà giám đốc siêu thị giải thích.

Đối với khách hàng thích làm bếp ở nhà, họ tìm thấy cái mà các nhà kinh tế học gọi là “sản phẩm thay thế”, như các túi thịt bằm bán rất chạy, trong khi món thịt bò philê đắt tiền gần đó chẳng có ai ngó ngàng đến. Hàng rau quả đông lạnh cũng bán chạy, vì người tiêu dùng không muốn mạo hiểm mua rau tươi có thể mau hư.

Tại khắp siêu thị, bà Sprague cho biết các sản phẩm không nhãn hiệu được ưa thích nhiều đến mức tháng 3 vừa qua, Wal-Mart thông báo sẽ đầu tư nhiều hơn vào dạng sản phẩm Great Value (loại hàng giảm giá) của riêng mình.

Cũng có người giảm chi tiêu bằng cách mua hàng ít hơn, nhưng đi siêu thị nhiều lần trong tuần. Cách này, theo ông Tod Marks, trưởng dự án của tạp chí Consumer Reports, không phải là khôn ngoan. “Làm như vậy thì mất nhiều thời gian, tốn tiền xăng và có nguy cơ mua dồn theo sự thôi thúc mỗi khi đến siêu thị”, ông giải thích.

Ngoài thực phẩm, một số mặt hàng khác không thật sự là nhu cầu cấp bách cũng bán chạy, chẳng hạn như ti vi được kích thích một phần từ việc chuyển sang truyền hình kỹ thuật số. Nếu như quần áo dành cho người lớn đang bán chậm do ảnh hưởng suy thoái, các bà mẹ vẫn tiếp tục mua trang phục cho con trẻ. Người ta tìm cách sống vui với chi phí thấp. Nhờ đó mà những bộ bàn ghế sân vườn rẻ tiền và vỉ nướng thịt bán chạy.

Một chi tiết khác phản ảnh thái độ mua sắm thời khủng hoảng: khách hàng tỏ tâm trạng bồn chồn khi đến quầy tính tiền. Chính vì vậy mà ngày càng có nhiều người đi siêu thị vào ngày lãnh lương. Để thích nghi với tình hình mới, bà Sprague tổ chức lại lịch làm việc sao cho có nhiều nhân viên thu ngân vào hai ngày 1 và 15 trong tháng.

Những nhân viên này thường xuyên ấn phím tính tiền giúp khách hàng nhìn thấy tổng số tiền trên hóa đơn khi cộng dồn sản phẩm và rút ra một số món hàng để hóa đơn thanh toán không vượt quá một số tiền nào đó. “Khách hàng quyết định mua tại quầy tính tiền, dù họ đã chọn các mặt hàng được ghi sẵn trong danh mục mua sắm”, bà Sprague giải thích.

Những nhà quản lý như bà Sprague đọc rất kỹ thông tin kinh tế để tìm những dấu hiệu hồi phục, đồng thời họ cũng cố gắng đo lường lòng tin của khách hàng ở siêu thị. Don Frieson, Phó giám đốc Wal-Mart, tin rằng doanh số mặt hàng quần áo người lớn và đồ trang sức gia tăng sẽ đồng nghĩa với kinh tế hồi phục.

Ông theo dõi rất kỹ tỷ lệ doanh thu ở quầy thực phẩm so với các quầy sản phẩm khác. Khi có hơn 40% doanh số của một siêu thị như Wal-Mart ở Westminster là từ mặt hàng thực phẩm, đó là dấu hiệu cho thấy người tiêu dùng chỉ mua những thứ cần thiết cơ bản. “Cần phải nhìn vào giỏ hàng của họ để phát hiện điều gì đang xảy ra”, ông Frieson lưu ý.

(Theo Tấn Lộc // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Về tay người Thái, dấu chấm hết cho hàng Việt ở Metro?
  • Dịch vụ lạ cho giới siêu giàu
  • Sản phẩm “Cơm 3 phút” hút dân công sở
  • Thành công với sản phẩm chế từ... phụ tùng xe đạp
  • Gieo cảm xúc vào chocolate
  • Phong cách đại dương
  • Những điều Facebook không muốn nghe
  • Người cao dễ kiếm tiền hơn
  • Mười mánh để chèo tới bến
  • Ý tưởng lớn, rủi ro lớn
  • Những tranh cãi xung quanh thành công của Goldman
  • Trùm quảng cáo nhắm vào Việt Nam
  • Suýt ngất vì gói thuốc lá giá… hơn 23 triệu tỷ USD
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com