Đây là bảng hiệu từng được treo tại TPHCM để quảng bá cho liên doanh hàng không giá rẻ VietJet AirAsia. Nhưng AirAsia đã chính thức xác nhận là không tham gia vào kế hoạch thành lập liên doanh này nữa - Ảnh: Mộng Bình |
Không có gì ngạc nhiên khi tập đoàn hàng không giá rẻ hàng đầu châu Á, AirAsia không tiếp tục kế hoạch tham gia liên doanh với hãng hàng không tư nhân của Việt Nam là VietJet Air để lập ra hãng hàng không giá rẻ mang thương hiệu của AirAsia.
Trong thư điện tử gởi đến Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online ngày 13-10, AirAsia đã chính thức xác nhận thông tin không tiếp tục theo đuổi kế hoạch thành lập liên doanh hàng không giá rẻ với VietJet AirAsia theo như hai bên đã thỏa thuận vào tháng 2-2010.
AirAsia cho rằng thời hạn để hoàn tất các thủ tục pháp lý cho việc thành lập liên doanh trên đã hết theo như thỏa thuận giữa 2 bên. Bên cạnh đó, một trong các điều kiện để thành lập liên doanh hàng không giá rẻ tại Việt Nam là VietJet Air phải được phép sử dụng thương hiệu AirAsia cho các hoạt động thương mại.
Do điều kiện thương hiệu không được đáp ứng nên AirAsia đã quyết định không tiếp tục theo đuổi kế hoạch thành lập liên doanh hàng không giá rẻ với VietJet Air. AirAsia cũng khẳng định không có bất cứ rằng buộc về pháp lý cũng như ảnh hưởng của việc hãng hàng không này không tiếp tục theo đuổi liên doanh với VietJet Air theo như thỏa thuận 2 bên đã đạt được.
Vào tháng 2-2010, chính AirAsia đã thông báo với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online về thỏa thuận mua 30% cổ phần của VietJet Air để thành lập liên doanh VietJet AirAsia. Với VietJet AirAsia, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia thứ tư mà tập đoàn hàng không giá rẻ này tham gia liên doanh hàng không tại khu vực ASEAN sau Malaysia, Thái Lan và Indonesia.
Tháng 4-2010, AirAsia tiến thêm một bước với kế hoạch thành lập liên doanh VietJet AirAsia khi ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với VietJet Air tại Hà Nội để giúp hãng hàng không tư nhân này sớm khai thác các hoạt động bay tại thị trường Việt Nam.
Thỏa thuận trên sẽ giúp VietJet Air về lĩnh vực chuyên môn, nhân sự…. và VietJet AirAsia dự kiến sẽ cất cánh vào cuối tháng 7 hoặc đầu tháng 8-2010, với 4 máy bay Airbus A320 trong giai đoạn đầu cho các chuyến bay nội địa và quốc tế.
Tuy nhiên, không lâu sau khi kế hoạch thành lập liên doanh hàng không giá rẻ trên được công bố, Vietnam Airlines đã có ý kiến phản đối trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và kiến nghị không chấp thuận đầu tư hợp tác của AirAsia vào VietJet Air dưới mọi hình thức để thành lập hãng hàng không giá rẻ tại Việt Nam.
Cục Hàng không Việt Nam cũng khuyến cáo VietJet Air phải có thương hiệu, biểu tượng riêng và không được nhầm lẫn với bất kỳ hãng hàng không nào khác, nhất là hãng hàng không nước ngoài.
Do gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện kế hoạch liên doanh với VietJet Air, AirAsia cũng đã từng bày tỏ ý định thoái vối khỏi hãng hàng không tư nhân này của Việt Nam. Sau gần 2 năm chờ đợi và đeo đuổi liên doanh với VietJet AirAsia thì AirAsia đành phải từ bỏ kế hoạch này.
Đây là lần thứ hai AirAsia đành phải thôi kế hoạch tham gia vào việc thành lập liên doanh hàng không giá rẻ tại Việt Nam vì vào tháng 8-2007, tập đoàn đã ký ý định thư với tập đoàn Vinashin để thành lập một liên doanh hàng không giá rẻ tại Việt Nam nhưng ý định này cũng không thành công.
Mặc dù AirAsia đã từ bỏ kế hoạch tham gia liên doanh, VietJet Air khẳng định với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online ngày 13-10 rằng hãng vẫn đang cố gắng xúc tiến kế hoạch để thực hiện chuyến bay đầu tiên vào tháng 12-2011. Đây có thể được coi là cơ hội cuối để VietJet Air tham gia vào thị trường hàng không Việt Nam vì nếu không bay thì có nguy cơ bị rút giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không như Cục Hàng không đã từng cảnh báo.
Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online ngày 13-10, Cục Hàng không cho biết VietJet Air chưa hoàn tất quy trình xin cấp chứng chỉ nhà khai thác tàu bay (AOC) cũng như chưa báo cáo về kế hoạch thuê tàu bay.
Hiện, AirAsia và các hãng thành viên đang thực hiện các chuyến bay từ Kuala Lumpur, Bangkok và Jakarta đến TPHCM và Hà Nội. AirAsia nói với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online ngày 13-10 rằng hãng đang lên kế hoạch bay 4 chuyến/tuần giữa Kuala Lumpur và Đà Nẵng vào các ngày thứ Hai, Tư, Sáu và Chủ Nhật. AirAsia cũng đang bán vé cho đường bay mới này.
VietJet Air được Bộ Giao thông Vận tải cấp phép vào tháng 12-2007 với số vốn là 600 tỉ đồng và là hãng hàng không tư nhân đầu tiên được cấp phép tại Việt Nam. Từ đó đến nay, VietJet Air đã phải nhiều lần dời kế hoạch bay vì nhiều lý do khách nhau. |
(Theo Thời báo kinh tế SG)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com