Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Toan tính kinh doanh mùa Tết

Tháng 9 năm nào cũng là thời điểm các doanh nghiệp sản xuất, phân phối hàng hóa bắt đầu lên kế hoạch chuẩn bị cho mùa lễ Tết cuối năm.
 
Chạy đua mùa cuối năm

Từ đầu năm đến nay, mức tiêu thụ của hầu hết các mặt hàng đều giảm sút khiến các doanh nghiệp rơi vào cảnh doanh thu và lợi nhuận không cao. Song song với điều đó, chi phí đầu vào như nguyên vật liệu, nhân công, lãi suất ngân hàng,… đều tăng khiến nhiều doanh nghiệp hầu như không có lời nên đã chủ động tiết giảm sản xuất. Tuy nhiên, với việc Ngân hàng Nhà nước đang nỗ lực kéo lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại giảm xuống dưới 20%/năm và lạm phát cũng đang dần có dấu hiệu hạ nhiệt so với những tháng đầu năm, các doanh nghiệp đang kỳ vọng sản xuất và sức mua sẽ tăng trở lại. Ông Đinh Anh Huân, Giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần Thế giới Di động cho rằng, thông thường, doanh số bán ra trung bình của hệ thống siêu thị điện thoại - laptop này trong 30 ngày trước Tết âm lịch sẽ tăng từ 30 - 50%. Riêng thời gian 1-2 tuần trước Tết, doanh số sẽ tăng mạnh lên đến 100%, thậm chí 200% so với những tháng bình thường. Tương tự, theo ông Cao Tiến Vị, Tổng giám đốc Công ty Giấy Sài Gòn, sức tiêu thụ trong những tháng cuối năm sẽ tăng dần tùy vào chủng loại sản phẩm và ông cũng dự báo sức mua sẽ tăng khoảng 10%. Ở lĩnh vực may mặc, nhiều chủ doanh nghiệp, tiểu thương cũng dự đoán sức mua tăng để có kế hoạch chuẩn bị tài chính, nguồn nguyên liệu, trữ hàng và thời điểm kinh doanh, khuyến mãi. Không chỉ các doanh nghiệp, những cá nhân, hộ tiểu thương cũng đang lên kế hoạch kinh doanh mùa Tết. Anh Minh, Trưởng phòng marketing của một doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng tại TP.HCM đang hỏi vay bạn bè khoản tiền từ 500 triệu -1 tỷ đồng để "ôm" hàng. Theo tính toán của anh, công ty đang có chương trình khuyến mại cho các đại lý mua hàng với số lượng lớn. Chỉ cần mua số hàng cùng chiết khấu cao hơn bình thường này và đến sát Tết tung ra bán, anh sẽ lời được từ 35-40%. Tương tự, chị Thanh Lan, chủ một cơ sở may quần áo bỏ sỉ cho các chợ trong TP.HCM tính toán, từ đầu năm đến nay chị chỉ bán được tổng số hàng tương đương khoảng 30% so với năm ngoái. Đến thời điểm này là lúc chị phải lo vốn để chạy hết công suất, tăng cường lượng hàng cho các cửa hàng đầu mối bán đón đầu mùa lễ Noel, Tết.

Ðau đầu với vốn

Doanh nghiệp chỉ cần được hỗ trợ lãi suất trong 1-2 tháng cao điểm cuối năm cũng sẽ tạo điều kiện để bình ổn giá trên thị trường khá tốt.

Nếu như ở thời điểm cuối năm 2010, hệ thống siêu thị Thế giới Di động chỉ có khoảng 70 siêu thị trên toàn quốc thì đến cuối năm nay, hệ thống này sẽ có tổng cộng 200 siêu thị điện thoại và khoảng 10 siêu thị điện máy. Mức độ tăng trưởng chóng mặt khiến công ty phải lo đảm bảo nguồn tài chính. Ông Đinh Anh Huân cho biết, vốn phải huy động từ nhiều nguồn. Không chỉ vay từ ngân hàng, công ty ông đã chủ động tăng vốn điều lệ để huy động tiền từ các cổ đông để có nguồn tài chính đáp ứng cho nhu cầu hoạt động. "Lãi suất của ngân hàng dù không giảm thì đến thời điểm cần thiết chúng tôi cũng vẫn phải chấp nhận vay để sản xuất đủ hàng khi nhu cầu tăng. Hi vọng những tháng tới lãi suất cho vay sẽ giảm để hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp gia tăng, bù lại phần nào cho những tháng đầu năm", ông Huân nói.

Riêng đối với những đơn vị sản xuất như Công ty Giấy Sài Gòn, hoạt động phải được đảm bảo liên tục chứ không riêng gì đến gần Tết mới trữ hàng. Theo ông Cao Tiến Vị, thông thường doanh nghiệp của ông phải chuẩn bị nguyên vật liệu trong kho gối đầu từ 2-3 tháng để sản xuất. Với lãi suất ngân hàng trên 20%/năm/doanh nghiệp rất khó đạt hiệu quả cao. Ông nhấn mạnh, thời điểm cuối năm ngoài việc gia tăng nguyên vật liệu, hàng hóa khi sức tiêu thụ tăng, các doanh nghiệp cũng thường phải thanh toán nhiều công nợ. Nếu lãi suất chỉ giảm 1-2 điểm phần trăm thì vẫn còn cao hơn năm trước nên doanh nghiệp buộc phải nghiên cứu sức mua của thị trường và lên kế hoạch kỹ hơn. Bởi nếu quá lạc quan thì dễ dẫn đến hiện tượng hàng hóa tồn kho quá nhiều khiến cho chi phí tài chính cũng gia tăng mạnh. Ông Vị cho rằng, với những chương trình kích cầu mà các thành phố lớn đang áp dụng, doanh nghiệp chỉ cần được hỗ trợ lãi suất trong 1-2 tháng cao điểm cuối năm cũng sẽ tạo điều kiện để bình ổn giá trên thị trường khá tốt, đồng thời giúp doanh nghiệp kinh doanh đạt hiệu quả tốt hơn, từ đó tái sản xuất tốt hơn.

4,8% GDP là mức bội chi ngân sách dự kiến năm trong 2012

Giám đốc một doanh nghiệp may ở TP.HCM kể rằng, bà đang chạy nhiều phương án tài chính cho những tháng này. Khoản vay vốn từ ngân hàng với lãi suất 23%/năm chỉ mới vừa giải ngân được hơn một tháng qua. Theo hợp đồng, cứ 3 tháng bà mới được điều chỉnh lãi suất một lần. Bà đang kỳ vọng mức lãi suất cho vay được giảm mạnh và tối đa lãi suất trên hợp đồng của bà sẽ được điều chỉnh còn 19%/năm. "Nếu lãi suất 23%/năm kéo dài đến hết năm, doanh nghiệp cũng không dám làm nhiều vì không thấy lãi đâu. Lãi suất giảm xuống doanh nghiệp có thể vay thêm để sản xuất, đáp ứng nhu cầu tăng của thị trường vào những tháng cuối năm".

Năm 2012 dự kiến GDP tăng 6 -6,5%

Hai kịch bản tăng trưởng cho năm 2012 đã được Chính phủ trình, xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dựa trên mức tăng GDP dự kiến là 6,5% và 6%.

Ở kịch bản cao (với mức tăng GDP 6,5%), tổng thu ngân sách ước khoảng 740,5 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 25% GDP, tăng 10,6% so với 2011. Tương ứng, tổng chi ngân sách là 903,1 nghìn tỷ đồng, bội chi khoảng 141,6 nghìn tỷ đồng, bằng 4,8% GDP. Tuy nhiên, ở mức tăng trưởng GDP 6%, bội chi ngân sách vẫn là 4,8% GDP, với tổng chi 897,6 nghìn tỷ đồng. Tổng thu là 736 nghìn tỷ đồng, vẫn bằng khoảng 25% GDP.

Với phương án GDP tăng 6,5%, đầu tư phát triển ước khoảng 1.000 nghìn tỷ đồng, tương đương gần 34% GDP. Trong đó, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách khoảng 180 nghìn tỷ đồng. Vốn tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước khoảng 56 nghìn tỷ đồng, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) dự kiến khoảng 175 nghìn tỷ đồng. Với mức tăng GDP thấp hơn (6%), tổng vốn đầu tư toàn xã hội sẽ giảm, còn khoảng 977 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 33,5% GDP. Tuy nhiên, trong trường hợp này, dự kiến số vốn đầu tư từ ngân sách và đầu tư trực tiếp nước ngoài không giảm. Về chỉ tiêu xuất nhập khẩu, ở kịch bản 1 tổng kim ngạch xuất khẩu đạt trên 101,7 tỷ USD, tăng 13% so với năm 2011, nhập siêu khoảng 13,1 tỷ USD, chiếm 12,9% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Theo kịch bản 2, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt trên 100,8 tỷ USD, tăng 12%, nhập siêu khoảng 13,6 tỷ USD, chiếm khoảng 13,5% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Một tin vui cho các doanh nghiệp là, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngay cả với tốc độ tăng trưởng GDP 6,5% (kịch bản 1), nếu các dự án nguồn điện thực hiện đúng tiến độ và các biện pháp tiết kiệm điện có hiệu quả, nhu cầu điện về cơ bản sẽ được đáp ứng đầy đủ. Dự kiến, với việc đưa vào vận hành thêm 2.800 MW nguồn điện mới, nguồn điện có đến hết năm 2011 có thể đạt 24.000 MW.

(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)

  • Về tay người Thái, dấu chấm hết cho hàng Việt ở Metro?
  • Dịch vụ lạ cho giới siêu giàu
  • Sản phẩm “Cơm 3 phút” hút dân công sở
  • Thành công với sản phẩm chế từ... phụ tùng xe đạp
  • Gieo cảm xúc vào chocolate
  • “Trận chiến” máy tính bảng giờ mới khai hỏa
  • Con đường Techcombank
  • Xoay xở để tồn tại
  • Kiếm bộn tiền nhờ công nghiệp sáng tạo
  • Kiếm tiền thời Facebook và iPhone
  • Sinh viên chia sẻ cách kiếm vài nghìn USD/tháng
  • Chào hàng bằng hành vi
  • Thị trường ngách : “Cửa lớn” cho doanh nghiệp nhỏ
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com