Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tận dụng nguồn lực bên ngoài

Ông Oren Michels, Giám đốc điều hành công ty Mashery.

Một công ty ở San Francisco, Mỹ, đang giúp các công ty tìm kiếm sự trợ giúp của “đội quân” các nhà phát triển phần mềm độc lập.

Apple, Facebook và Twitter thuộc số những công ty công nghệ tạo được danh tiếng và cả tiền bạc bằng cách nhờ đến sự giúp đỡ của “đội quân” các nhà phát triển phần mềm độc lập. Ý tưởng này đang ngày càng phổ biến. Giờ đây, các công ty thuộc nhiều ngành công nghiệp khác nhau, từ bán lẻ, truyền thông cho đến công nghệ, đang chạy đua để khích lệ nhà lập trình bên ngoài phát triển sản phẩm và dịch vụ mới cho họ.

Để làm được điều này, họ đang tìm đến một công ty mới thành lập gọi là Mashery. Được thành lập ở San Francisco (Mỹ) vào năm 2006, Mashery đang giúp khoảng 70 công ty, như Netflix, Best Buy… chia sẻ công việc phát triển phần mềm bên trong công ty với các nhà lập trình bên ngoài. Những người này có thể sử dụng những thông tin được chia sẻ để phát triển công cụ và sản phẩm nhanh, rẻ hơn nếu so với chính những công ty chuyên ngành phần mềm. Oren Michels, người sáng lập và hiện là giám đốc điều hành Mashery, cho biết: “Hầu hết công ty không có khả năng điều hành một trang web hoặc phát triển những trải nghiệm của người sử dụng.”

Bùng nổ nền tảng web mở

Nền tảng mở, được thúc đẩy bởi những công ty công nghệ ở Thung lũng Silicon như Amazon, eBay và Salesforce.com, đã xuất hiện trong những năm qua. Tuy nhiên, theo trang web ProgrammableWeb (www.programmableweb.com), số lượng nền tảng web mở, được gọi là giao diện lập trình ứng dụng (API), đã tăng từ 55 API vào năm 2004 lên 1.400 API vào tháng Tám năm nay. John Musser, người sáng lập ProgrammableWeb, lý giải rằng động lực cho sự gia tăng này phần nào đến từ những công ty muốn tiếp cận ngày càng nhiều người sử dụng Internet bằng nhiều cách hơn.

Vào tháng Giêng vừa qua, nhà bán lẻ Best Buy của Mỹ đã tung ra Remix, một nền tảng giúp người bên ngoài có được thông tin theo thời gian thực về giá cả và số hàng còn trong kho của công ty và tích hợp vào những trang web  khác. Giờ đây, khách hàng có thể tìm thấy sản phẩm của Best Buy trên nhiều trang web, như Camel Buy (www.camelbuy.com) chuyên về gửi thông tin cho khách hàng khi có sản phẩm nào đó được giảm giá.

Trong thời buổi ngân sách dành cho việc nghiên cứu và phát triển đang bị siết chặt, lợi ích tiềm tàng của xu hướng sử dụng tài nguyên bên ngoài đang có sức hút mạnh mẽ đối với những công ty có nguồn tài nguyên nội bộ hạn chế, như Netflix, công ty cung cấp dịch vụ cho thuê phim trực tuyến. Vào năm 2008, công ty quyết định chia sẻ với nhà phát triển thông tin về những bộ phim và danh sách phim được khách hàng thuê. Động thái này đã dẫn đến sự ra đời của hàng chục ứng dụng mà Netflix khó có thể tự phát triển, bao gồm một số ứng dụng duyệt phim dành cho điện thoại iPhone. Ông Michels nhận định: “Netflix chiến thắng vì mô hình kinh doanh của họ không phải là tăng cường lượng người truy cập trang web của họ hoặc bán ứng dụng trực tuyến. Mô hình kinh doanh của họ là cho thuê phim.”

Thu hút nhà phát triển

Một câu hỏi được đặt ra là các nhà lập trình bên ngoài có lợi gì. Một số được thúc đẩy bởi triển vọng tên tuổi được biết đến khi ứng dụng của họ được sử dụng rộng rãi. Trong nhiều trường hợp, những khích lệ về tài chính cũng đóng vai trò quan trọng không kém. Chẳng hạn như Camel Buy có được doanh thu mỗi khi trang web này dẫn người truy cập đến Best Buy hoặc những nhà bán lẻ khác. Trong khi đó, Apple chia sẻ với nhà phát triển một phần doanh thu từ các trò chơi (game) và công cụ được bán trên dịch vụ iTunes App Store.

Michels đúc kết: “Những nhà lập trình này có thể được thúc đẩy bởi tiền hoặc sự tôn trọng. Bạn phải biết rõ họ cần gì khi làm việc với họ.” Ông nhắc đến dịch vụ bản đồ Google Maps, mở cửa cho các nhà phát triển vào năm 2005, như là một ví dụ về loại nền tảng thu hút nhà phát triển muốn được nổi tiếng. Về vấn đề này, một trong những công việc của Mashery là giúp các công ty làm sao kiểm soát được dữ liệu của mình trong lúc vẫn cung cấp đủ sự khích lệ để thu hút những nhà phát triển thông minh.

Michels lập ra Mashery từ sự “bực bội” với một vai trò phát triển kinh doanh tại công ty Feedster, nơi ông nhận thấy việc thành lập đối tác tốn quá nhiều thời gian. Năm 2005, ông mang ý tưởng nói trên trao đổi với ông Josh Kopelman, người đồng sáng lập quỹ đầu tư mạo hiểm First Round Capital. Khi đó, ông Kopelman cũng ghi nhận một xu hướng tương tự trong những công ty mà ông đang đầu tư. Ông nói: “Những người phụ trách phát triển kinh doanh không phải bị hạn chế bởi khả năng đạt được thỏa thuận mà là khả năng thực thi những thỏa thuận đã đạt được của công ty họ.” First Round Capitcal trở thành một trong những nhà đầu tư đầu tiên của Mashery.

Để kiếm tiền, Mashery tính phí khách hàng từ 40.000 đô-la Mỹ đến hơn 100.000 đô-la mỗi năm, dựa trên hoạt động mà những nhà phát triển tạo ra. Công ty hiện có doanh số hơn triệu đô-la mỗi năm và dự kiến sẽ bắt đầu có lợi nhuận vào đầu năm 2010.

Bất chấp những câu chuyện thành công nói trên, nhiều công ty vẫn gặp phải sự phản đối trong nội bộ khi thăm dò khả năng mở cửa nền tảng của mình. Jeffrey McManus, một cựu nhân viên của eBay, cho biết những sự phản đối như thế là phổ biến ở công ty này trước khi eBay mở cửa nền tảng cho các nhà phát triển thứ ba vào năm 2003. Giờ đây, ứng dụng bên ngoài chiếm khoảng 60% tổng số ứng dụng trên trang web này.

 

 

(Theo Minh Phương // Thời báo kinh tế Sài Gòn // BusinessWeek)

  • Về tay người Thái, dấu chấm hết cho hàng Việt ở Metro?
  • Dịch vụ lạ cho giới siêu giàu
  • Sản phẩm “Cơm 3 phút” hút dân công sở
  • Thành công với sản phẩm chế từ... phụ tùng xe đạp
  • Gieo cảm xúc vào chocolate
  • Điện thoại của Chúa
  • Hậu kích cầu ôtô: Thị trường xe Mỹ lao dốc
  • Kinh doanh bất cần khách trung thành
  • Mê đầu tư cổ phiếu, dân Australia thiệt hại nặng
  • Cạnh tranh cũng không dễ
  • Nhà hàng Mỹ thời khủng hoảng
  • Nhật Bản: Hàng giá “bèo” gặp thời
  • Baidu và Google đọ sức trên điện thoại di động
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com