Đấu thầu trực tuyến là một trong những giải pháp quan trọng giúp tăng cường tính cạnh tranh cho lĩnh vực xuất khẩu nông sản. Ảnh: Lê Hoàng Vũ. |
Mặc dù Việt Nam đã trở thành một trong những nhà xuất khẩu lớn trên thế giới các mặt hàng nông sản như gạo, cà phê, hồ tiêu nhưng người nông dân vẫn phải đối mặt với những khó khăn về nguồn thu do giá thu mua bấp bênh. Điều này đã tác động không nhỏ đến đời sống của họ và nhu cầu thường xuyên cải tiến nâng cao chất lượng nông sản. Từ đó, thách thức đặt ra cho nền nông nghiệp Việt Nam là ngày càng trở nên kém bền vững vì phải thường xuyên thay đổi mô hình sản xuất mang tính đối phó. Trong tình thế này, việc thay đổi cung cách kinh doanh truyền thống bằng đấu thầu điện tử cả trong xuất khẩu nông lâm thủy hải sản lẫn nhập khẩu vật tư nguyên liệu nông nghiệp (thức ăn, thuốc, phân bón, máy móc) đã trở thành một trong các giải pháp cấp bách.
Đã có lúc những nhà xuất khẩu nông sản xem giá rẻ là lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế nhưng nay họ quan niệm khấu giảm lợi nhuận gây ảnh hưởng đến khả năng tái đầu tư cho cả nhà kinh doanh lẫn người sản xuất. Trong mục tiêu tăng cường tính cạnh tranh cho lĩnh vực xuất khẩu nông sản, đấu thầu trực tuyến (hay còn gọi là đấu thầu điện tử, e-bid) được xem là một giải pháp khá quan trọng. Đây cũng là xu hướng kinh doanh mới mang tính toàn cầu, nghĩa là nếu ngành nông nghiệp Việt Nam không chấp nhận hay không kịp thời chuyển đổi thì sẽ phải chịu thiệt thòi trên thị trường quốc tế. Phương thức kinh doanh nông sản kiểu cũ hiện đang bộc lộ những hạn chế như chi phí lớn, giá bán thấp, thương hiệu kém, khả năng cạnh tranh yếu.
Trong phương thức đấu thầu truyền thống hiện nay có hai phía, bên mời thầu hay gọi thầu là người đặt mua hàng hóa, dịch vụ và bên dự thầu là các nhà thầu hay nhà cung cấp. Trong đấu thầu điện tử có thêm một thành phần thứ ba là nhà cung cấp cổng điện tử hay mạng đấu thầu trực tuyến. Bên thứ ba này sẽ thực hiện từng phần hay trọn gói các giao dịch ảo thay cho cả bên bán lẫn bên mua. Trong nhiều trường hợp, người sử dụng biết đến thành phần thứ ba này dưới tên một hệ thống phần mềm chuyên dụng mà họ thuê (đăng ký) để khai thác như Bid Express, Tender Taylor, TxDOT, MERX hay dgMarket. Nắm được nguyên lý này, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản trong nước sẽ thấy việc giao dịch thông qua đấu thầu điện tử khá dễ dàng và nhanh chóng, ít tốn kém, có hiệu quả và độ an toàn cao hơn so với các thủ tục đấu thầu truyền thống vốn có nhiều khâu môi giới dẫn đến các chi phí “bóng tối” rất lớn.
Nhu cầu đấu thầu điện tử ở Việt Nam
Đấu thầu điện tử, đấu giá điện tử là loại hoạt động theo đó người mua hàng hóa hay dịch vụ đưa yêu cầu cụ thể lên mạng và đáp lại, các nhà thầu triển vọng cũng đưa lên đó những lời chào bán cạnh tranh để giành quyền giao dịch hợp đồng. Vì tất cả mọi quy trình đều diễn ra trong môi trường Internet nên việc giao dịch mang tính tức thời và hai bên không cần thiết phải gặp mặt nhau. Việc đấu thầu điện tử rất cần thiết để chọn được nhà cung cấp chính xác loại hàng hóa hay dịch vụ thích hợp với giá hợp lý nhất, cũng như chọn được nhà cung ứng thực sự đủ khả năng và kinh nghiệm để thực hiện suôn sẻ hợp đồng. Phương pháp đấu thầu điện tử thay thế đấu thầu truyền thống đang dần trở nên phổ biến ở nhiều ngành kinh tế nhằm hỗ trợ và khuếch trương hoạt động thương mại trong nước và trong ngành xuất nhập khẩu, đặc biệt áp dụng vào việc mua sắm công của các chính phủ nhằm ngăn chặn các hình thức gian lận, tham nhũng và hối lộ.
Một số kết quả nghiên cứu do các nhà tài trợ quốc tế công bố cho thấy tại các nền kinh tế đang phát triển, chi phí “bóng tối” lên đến 8-15% giá trị hợp đồng. Điều này giải thích cho việc một số mặt hàng thông dụng ở Việt Nam như thuốc tây, sữa bột, phân bón và vật tư nông nghiệp đội giá lên cao sau mỗi cấp hợp đồng. Điều này cũng giải thích cho việc nhiều mặt hàng truyền thống trong nước đã không thể cạnh tranh trên thị trường nội địa với các sản phẩm cùng loại được nhập khẩu. Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng việc chuyển đổi từ đấu thầu trực tiếp sang đấu thầu điện tử là không nên trì hoãn, bởi nhu cầu mua sắm công của chính phủ chiếm đến 40% GDP. Chỉ cần giảm bớt chi phí giao dịch trong khâu đấu thầu mua sắm công cũng giúp tiết kiệm cho ngân sách hàng triệu đến hàng trăm triệu đô la Mỹ mỗi năm. Mặt khác, việc áp dụng kỹ thuật dự thầu điện tử sẽ giúp tăng sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt sẽ tạo cơ hội tiếp cận các thị trường mua hàng giá cao – vốn là các thị trường khó tính – và làm tăng giá trị nông sản vốn liên quan trực tiếp đến đời sống hàng triệu nông dân.
Quy trình giao dịch đấu thầu điện tử
Các giao dịch trong đấu thầu điện tử đều được thực hiện trên mạng Internet. Các chính phủ, tổ chức kinh tế và các tập đoàn kinh doanh lớn thường có trang web thương mại điện tử riêng mà trên đó thiết kế các ứng dụng dành cho đấu thầu điện tử. Trong khi đó nhiều doanh nghiệp và các công ty nhỏ thường thuê các trang thương mại trực tuyến chuyên dụng làm nơi thực hiện các giao dịch. Các thành viên đăng ký thực hiện đấu thầu điện tử nơi một trang web được nhà mạng cung cấp một chứng chỉ số nhằm bảo đảm an toàn cho hệ thống. Người giao dịch phải có chữ ký số và phải nộp trực tuyến bản giao kèo số được bảo lãnh bởi một tổ chức tài chính nhằm thực hiện việc thanh toán chi phí đấu thầu. Thông thường mỗi trang web đấu thầu điện tử có một số phần mềm ứng dụng riêng nhằm giữ cho công việc được chính xác, đồng bộ và bảo mật tuyệt đối. Nhà mạng sẽ cung cấp bằng việc cho phép tải xuống (download) máy tính hệ thống phần mềm cùng lời hướng dẫn sử dụng một khi thành viên đăng ký bắt đầu một tiến trình đấu thầu. Trong nhiều trường hợp nhà mạng cho phép thành viên mới tham gia thực tập bằng các cuộc đấu thầu thử nghiệm.
Quy trình đấu thầu điện tử bắt đầu với việc người mua hàng hay dịch vụ công bố gói thầu gồm các yêu cầu và chi tiết cụ thể lên một trang web thương mại điện tử. Người dự thầu có thể sử dụng hệ thống phần mềm đấu thầu điện tử EBS (electronic bidding system) từ chính trang mạng đó hoặc hệ thống phần mềm bỏ thầu ETS (electronic tender submission) của một trang khác để gửi hồ sơ dự thầu đến bộ lưu trữ bảo mật trên trang gọi thầu. Quá trình mở thầu, chọn thầu và thông báo kết quả thực hiện tương tự như phương thức đấu thầu trực tiếp. Tuy nhiên, quy trình trực tuyến có phần phức tạp hơn do có sự tham gia của các trang web đóng vai thành phần thứ ba hỗ trợ các giao dịch trực tuyến. Trên thực tế, chính thành phần này làm cho công việc trở nên đơn giản vì đã được lập trình tự động cho suốt chu trình mua bán và thanh lý hợp đồng. Thêm vào đó nhà dự thầu có thể điều chỉnh hồ sơ dự thầu miễn là nộp lại (upload) trước thời hạn cuối.
Những lợi ích cụ thể
Ngày nay đấu thầu trực tuyến không phải là hoạt động mới mẻ đối với nhiều nền kinh tế trong khu vực châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia hay Đài Loan, Hồng Kông. Tất cả các hoạt động mua sắm công bao gồm cả các công trình xây dựng tại đó đều buộc phải thực hiện thông qua đấu thầu điện tử. Điều này đã trở thành nền nếp thương mại mới cho các doanh nghiệp kinh doanh ở thị trường trong nước lẫn trong lĩnh vực xuất nhập khẩu. Một ví dụ cụ thể là ở Thái Lan, nơi có nền nông nghiệp thâm canh với nhiều nông sản như Việt Nam, các doanh nghiệp đã khai thác lợi thế dự thầu điện tử để đưa hàng hóa đến các thị trường xa gần. Nhờ đó, hạt gạo Thái Lan có khả năng thâm nhập các thị trường khó tính nhưng mua hàng giá cao như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc hay Hồng Kông. Lợi nhuận lớn đã giúp cho ngành nông nghiệp tái đầu tư vào hoạt động nghiên cứu, cải tiến kỹ thuật sản xuất và bảo hiểm nông sản cùng bảo hiểm nông dân để tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu.
Vào tháng 9-2009, Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) bàn giao hệ thống mua sắm chính phủ thử nghiệm (EPPS) trong gói viện trợ 3 triệu đô la không hoàn lại cho Việt Nam. Cuộc thử nghiệm dự kiến kéo dài ba năm 2009-2011 tại ba đơn vị là Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tập đoàn Bưu chính-Viễn thông Việt Nam (VNPT). Công việc sẽ được đúc kết để làm cơ sở thực hiện đề án ứng dụng thương mại điện tử trong việc mua sắm chính phủ. Đây là bước khởi đầu cho việc phổ cập đấu thầu điện tử ở Việt Nam bên cạnh khả năng tiết giảm ngân sách và chống tham nhũng. Khai thác kỹ thuật gọi thầu và dự thầu điện tử, các doanh nghiệp trong nước có thêm sự tự tin vào sức mạnh đem đến từ lợi thế của thương mại điện tử là tăng cường hiệu quả kinh doanh, tiết giảm các chi phí và luôn cải thiện nâng cao chất lượng hoạt vụ.
____________________________________________
Tài liệu tham khảo:
- E-bidding: The New Global Business Trend http://www.articlesnatch.com/Article/E-bidding--The-New-Global-Business-Trend/876338
- Electronic bid submission overview http://marketing.merx.com/resources/EBS_overview.pdf
- Tender Tailor - Enterprise e-Tendering System http://www.tendertailor.com/
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com