Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thị trường viễn thông di động Việt Nam - Cạnh tranh hay giẫm đạp nhau?

Với 7 nhà khai thác, hiện trên thị trường di động Việt Nam có hàng chục các gói cước khác nhau. Trong khi thuê bao trả sau của các mạng chiếm chưa tới 10%, thì phát triển thuê bao trả trước hiện nay, các mạng đang “giẫm đạp” lên nhau về cách thức phát triển cũng như chạy đua khuyến mại...

Sau vùng nông thôn là sinh viên, học sinh

Khoảng 3 năm trước, các đại gia Viettel, VinaPhone và MobiFone đều đã tuyên bố hướng mạng di động của mình về vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Một cuộc chạy đua đã diễn ra đến mức có người gọi là “đại gia lôi kéo người nghèo”. Đó là việc 3 mạng này đều có những gói cước linh hoạt để người nghèo ở thành thị, hoặc nông dân có thể dễ dàng sử dụng, chi phí hàng tháng thấp.

Đặc điểm chung của các gói cước này là không bị giới hạn, hoặc giới hạn không đáng kể về thời gian nghe gọi. Một người có thu nhập thấp có thể sử dụng chỉ để nghe, không cần gọi mà vẫn không bị khóa tài khoản trong một thời gian rất dài. S-Fone cũng có gói cước tương tự là Forever...

Thực ra, đối với thị trường nông thôn, vùng sâu và vùng xa, chủ yếu là “cuộc chơi” của Viettel và VinaPhone. Cùng với di động là chuyện “cố định không dây” giữa Viettel và VinaPhone, rồi EVN Telecom với các sản phẩm HomePhone, Gphone và E-com.

Một cuộc “náo loạn” thực sự ở những vùng nông thôn giữa 3 dịch vụ này trong khoảng 2 năm vừa qua. Đây chính là sự biểu hiện rõ nhất của việc “giẫm đạp lên nhau” trong việc phát triển thị trường. Cạnh tranh đủ mọi hình thức và cuối cùng đều gây ra một sự lãng phí lớn vì người dân liên tục bỏ mạng này dùng mạng khác.

Trong vài tháng trở lại đây, đối tượng sinh viên, học sinh lại trở thành “tiêu điểm” của các mạng di động. Đầu tiên là Viettel tung ra “Gói cước sinh viên” trả trước, dành cho đối tượng khách hàng đang là sinh viên với mức giảm cước khoảng 30% so với thông thường.

MobiFone thì cuối tháng 8 vừa rồi giới thiệu 2 gói cước Q-Student và Q-Teen dành riêng cho đối tượng sinh viên và học sinh. Đây là 2 gói cước với nhiều ưu đãi về giá cước và những dịch vụ đi kèm gần giống như của Viettel.

Mạng Vietnamobile cũng có gói cước dành riêng cho học sinh và sinh viên là Ucard được tung ra thị trường cùng dịp với MobiFone. Mới đây nhất, ngày 4-9, VinaPhone chính thức ra mắt 2 gói cước đặc biệt dành cho sinh viên và học sinh, thanh niên có tên gọi Talk-Student và Talk-Teen, với những ưu đãi về giá cước, dịch vụ giống như MobiFone và Viettel...

Như vậy, sau thị trường nông thôn, các mạng di động lại đang “giẫm lên chân nhau” ở phân khúc thị trường sinh viên, học sinh. Một cuộc chạy đua kiểu “anh có, tôi cũng có” giữa các mạng di động lại tiếp tục diễn ra. Một sự lãng phí về kho số, về khuyến mãi chắc chắn sẽ diễn ra đối với các mạng ở phân khúc thị trường này.

Tính sáng tạo và câu chuyện khuyến mại

Tính sáng tạo, đi đầu trong việc tạo ra các gói cước, dịch vụ được xem là yếu tố quan trọng, sau giá cước để các mạng phát triển thị trường, nhất là đối với đối tượng trả trước. Nếu xét về yếu tố phân khúc thị trường bằng những gói cước dịch vụ khác nhau thì chính S-Fone là mạng tiên phong cho điều này. Những gói cước như “Forever” và “1 đồng” đều được đánh giá rất cao về tính sáng tạo, nhưng do yếu tố thị trường, nên S-Fone không thể “bật lên” như các mạng GSM được.

Vinamobile cũng đã thể hiện điều đó với các gói cước bổ trợ VM 24, VM18; đặc biệt, đây là mạng tính cước theo từng giây chứ không phải theo block 6+1 giây như các mạng khác.

Với Viettel, gói Tomato chính là sự thành công lớn nhất. Sau gói cước Tomato là hiệu ứng “...365” mà các mạng MobiFone và VinaPhone đã phải theo.

Với Beeline, không phải là doanh nghiệp đầu tiên đưa ra khái niệm “miễn phí nội mạng”, nhưng chính mạng này đã đẩy vấn đề này lên một tầm mới với gói cước “Big Zero”, khiến nó như là thương hiệu của Beeline và khiến các mạng khác phải xem xét lại chính sách nội mạng của mình...

Tất cả những điều đó nói rằng, tạo ra được một gói cước mới, một dịch vụ mới thực sự khác biệt, được thị trường chấp nhận là một điều rất khó. Nếu làm được, nó sẽ là một trong những yếu tố đảm bảo cho việc phát triển thị trường thuận lợi.

Cùng với đó là câu chuyện khuyến mại. Mặc dù dư luận đã nói nhiều, Bộ TT-TT cũng đã có ý kiến, nhưng cuộc chạy đua khuyến mại cho thuê bao trả trước giữa các mạng vẫn chưa hề giảm bớt chút nào.

Có thời điểm, Viettel, VinaPhone, MobiFone đã “đồng loạt” ghìm vấn đề này lại. Thế nhưng với sự xuất hiện của những mạng mới như Vietnamobile và Beeline, cuộc chạy đua đã trở lại.

Một điều dễ dàng nhìn thấy là ngay trong chuyện khuyến mại, tất cả các mạng cũng na ná giống nhau, mà không có sự khác biệt nào. Điều đó cũng giống như chuyện tiếp cận những đối tượng khách hàng khác nhau, các mạng đều đang “giẫm lên chân nhau”, mà chưa có một hướng đi mới cho mình.

(Theo Trần Lưu // SGGP online)

  • Về tay người Thái, dấu chấm hết cho hàng Việt ở Metro?
  • Dịch vụ lạ cho giới siêu giàu
  • Sản phẩm “Cơm 3 phút” hút dân công sở
  • Thành công với sản phẩm chế từ... phụ tùng xe đạp
  • Gieo cảm xúc vào chocolate
  • Tài xế velotaxi - một nghề thú vị ở Nhật Bản
  • “Cùng trong một “tổng” dùng hàng của nhau”
  • Walkman của Sony qua mặt iPod của Apple
  • Alice.com: Công ty bán hàng qua mạng khổng lồ
  • Kinh doanh cá cảnh xuất khẩu phát triển mạnh
  • Doanh số bán máy tính cá nhân trên toàn cầu giảm
  • Hệ thống điện không dây
  • Walt Disney chi 4 tỷ mua “Người Nhện”
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com