Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tín đồ hàng hiệu của thế giới

Trong khi kinh tế thế giới suy thoái sau cuộc khủng hoảng tài chính thì nền kinh tế Trung Quốc (TQ) vẫn tiếp tục đà tăng trưởng ấn tượng và số người giàu lên tại nước này cũng không ngừng gia tăng, tạo ra trào lưu dùng hàng hiệu ngày càng lớn.
 
Một trong vô số trung tâm mua bán hàng hiệu ở Thượng Hải
 
Tại sao người TQ thích xài đồ hiệu?

Một nếp nghĩ đã ăn sâu vào văn hóa TQ: đem tặng và mặc những sản phẩm đắt tiền là một trong những cách thể hiện sự thành đạt và đẳng cấp.

“Ở châu Á hiện đại, trang phục trên người bạn thể hiện đẳng cấp xã hội”, Ông Chadha - một chuyên gia marketing tại Hong Kong, khẳng định.

“Làm thế nào để biến một tài khoản ngân hàng lớn thành sự tôn trọng của xã hội? Hãy bước vào thế giới của những thương hiệu xa xỉ với những logo không lẫn vào đâu được. Chúng chính là dụng cụ để bạn cho thế giới biết khả năng tài chính của bạn”.

Của cải chính là phát ngôn viên của thời trang và vị trí của bạn trong xã hội được thể hiện qua bộ trang phục hiệu Chanel hay đồng hồ Rolex…. Đấy là quan niệm chung của người TQ.

Ông Chadha cũng dự đoán, rằng TQ sẽ tiến tới giai đoạn 4 – tiêu dùng bởi sự thúc đẩy của nhu cầu xây dựng hình ảnh cá nhân – trong vòng 5 đến 10 năm nữa. 5 năm sau đó, đất nước đông dân nhất thế giới sẽ bước vào giai đoạn 5 – giai đoạn mà tiêu dùng hàng xa xỉ là một phần tất yếu của cuộc sống.

Và hiện nay TQ có hơn 300.000 người được xếp vào danh sách câu lạc bộ "triệu USD". Một nghiên cứu của công ty McKinsey nhận định TQ sẽ trở thành nước có số người giàu nhiều nhất thế giới vào năm 2015, ước tính lên tới 44 triệu người, chiếm ¼ số người giàu trên thế giới. Những người càng giàu lại càng muốn khẳng định “thương hiệu cá nhân” qua những bộ cánh đắt tiền, những sản phẩm hàng hiệu thứ thiệt có giá lên tới hàng nghìn USD.

Họ xài sang như thế nào?

Không đâu trên thế giới những chiếc xe Limousine đắt nhất, với giá lên tới 1,2 triệu USD, lại được bắt gặp nhiều như ở thủ đô Bắc Kinh. Người ta còn tính được, người giàu TQ dành gần 1/2 thu nhập hàng tháng để sắm hàng hiệu và hưởng thụ kiểu vua chúa…

Đến các khu trung tâm mua sắm hàng cao cấp ở TQ, bạn sẽ thấy không khí mua sắm tại đây tấp nập hơn bao giờ hết. Những đại gia xài đồ hiệu là điều tất nhiên. Nhưng bạn cũng có thể bắt gặp những cô gái trẻ làm việc chốn công sở không hề do dự, rút ví lấy ra hàng nghìn nhân dân tệ để được sở hữu cái áo hàng hiệu, hay cái túi xách, cặp kính thời trang của những hãng thời trang danh tiếng…

Theo báo cáo của Hiệp hội Hàng hóa xa xỉ thế giới, ngay trong đầu năm 2010, mức tiêu thụ hàng hiệu ở thị trường TQ đã đạt 8,6 triệu USD, chiếm 25% toàn thị trường thế giới, vượt trên cả Mỹ. Cơ quan nghiên cứu Goldman dự báo, TQ sẽ vượt qua Nhật Bản, nước đứng đầu thế giới về tiêu thụ hàng xa xỉ, vào năm 2015.

Người ta cũng tổng kết được rằng giá trị mà người tiêu dùng TQ dành cho các thương hiệu nước ngoài phụ thuộc vào thu nhập của họ cũng như xuất xứ sản phẩm. Khách hàng TQ giàu có thường ưu ái các sản phẩm nước ngoài hơn. 52% người tiêu dùng có thu nhập hàng năm lớn hơn 250.000 Nhân dân tệ (36.765USD) tin tưởng các thương hiệu nước ngoài hơn các thương hiệu TQ, trong khi chỉ 37% nói rằng họ ưa thích thương hiệu TQ hơn.

Về thứ hạng người "nghiện" hàng xa xỉ, trước hết phải kể đến tầng lớp siêu giàu, những người có thu nhập 10 triệu USD hoặc hơn. Họ là những người sẵn sàng phung phí tiền bạc để mua bằng được những món hàng hiệu theo ý thích như một cách thể hiện đẳng cấp và sự sành điệu của bản thân. Thứ đến là những người mới giàu lên, bao gồm chủ yếu các nhà quản lý và những người lao động trí óc có mức thu nhập từ 200.000 - 300.000 USD/năm.

Ngoài ra còn phải kể đến tầng lớp "tiểu hoàng đế”, những cậu ấm cô chiêu con một sinh ra sau 1980. Sở thích của họ là hàng hiệu và tiêu tiền. Nhóm này luôn được đáp ứng bởi một hậu phương hùng hậu (bố mẹ, ông bà nội ngoại) sẵn sàng hy sinh tất cả cho quí tử độc nhất.

Đối với thế hệ 8x này, thu nhập không phải là mối bận tâm hàng đầu, bởi dù kiếm được ít hay nhiều thì họ vẫn ném phần lớn lương vào quần áo đắt tiền. Và cũng như bố mẹ, họ tôn thờ hàng hiệu vì đó là công cụ thể hiện đẳng cấp một cách hiệu quả nhất trước bạn bè.

Để tiếp cận thị trường này hiệu quả…

Mặc dù nhu cầu gia tăng của TQ đối với các thương hiệu nước ngoài là rõ rệt, nhưng nếu như các công ty đa quốc gia này không có cách tiếp thị sản phẩm hợp lý thì sẽ thất bại ngay từ khi bắt đầu.

Điểm quan trọng nhất mà các hãng kinh doanh hàng hiệu cần biết khi giới thiệu sản phẩm cao cấp tới thị trường TQ, là phải biết cải tiến sản phẩm phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng. Ví dụ, các dòng xe hạng sang bán chạy nhất ở TQ là Audi A6 và BMW 5-series, đã thay đổi thiết kế một cách đáng kể để hấp dẫn khách hàng thượng lưu của nước này – những người có lái xe riêng. Các thay đổi đó bao gồm: khoảng cách giữa trục trước và sau của xe dài hơn, giúp để chân thoải mái và hệ thống giải trí lắp trên ghế sau xe…

Nhiều mặt hàng cao cấp khác khi muốn xâm nhập thị trường TQ cũng phải nghiên cứu kỹ thị hiếu người tiêu dùng để có những thay đổi về mẫu mã, kiểu dáng và tính năng sản phẩm thích hợp nhất với thị trường này. Rõ ràng muốn thành công tại thị trường TQ, các công ty đa quốc gia không còn lựa chọn nào khác ngoài cam kết phục vụ nhu cầu của người TQ.

(Theo Châu Bội // Tamnhin)

  • Về tay người Thái, dấu chấm hết cho hàng Việt ở Metro?
  • Dịch vụ lạ cho giới siêu giàu
  • Sản phẩm “Cơm 3 phút” hút dân công sở
  • Thành công với sản phẩm chế từ... phụ tùng xe đạp
  • Gieo cảm xúc vào chocolate
  • Top 10 người giàu nhất trên TTCK Việt Nam năm 2010
  • 5 nguyên tắc để trở thành tỉ phú
  • IBM lợi nhuận quý 3 vượt dự báo
  • Cần hướng nhiều vào thị trường trong nước
  • Ăn nên, làm ra nhờ tái chế “rác” điện tử
  • Học được gì qua thành công của thương hiệu Trung Quốc?
  • General Electric công bố lợi nhuận quý 3 vượt kỳ vọng
  • Dùng mạng Twitter, CLB Vip để 'kết thân' với khách hàng
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com