Rút kinh nghiệm từ bài học thực tế trong năm năm về trước, khi mà hàng loạt trang web thương mại điện tử nổi đình nổi đám một thời rồi lặng lẽ ngừng hoạt động, các doanh nghiệp bám trụ lại trên thị trường đã có những chính sách kinh doanh phù hợp để tiếp tục tồn tại và phát triển.
Đại diện một số doanh nghiệp thương mại điện tử cho biết để vượt qua giai đoạn khó khăn, chủ yếu do doanh nghiệp phải đầu tư cao mà nguồn thu lại thấp trong giai đoạn ban đầu, các công ty đã xây dựng những chiến lược tiếp thị hợp lý, chú trọng xây dựng thương hiệu, chính sách bán hàng và dịch vụ hậu mãi nhằm giữ chân khách hàng.
Chọn hướng đi thích hợp
Bà Trương Tố Linh, Giám đốc tiếp thị của Công ty cổ phần Thương mại Dịch vụ Mê Kông Com, đơn vị chủ quản trang web kinh doanh sách trực tuyến Vinabook.com, cho biết công ty đã gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn ban đầu do việc mua bán trực tuyến vào thời điểm đó còn khá mới mẻ, bên cạnh đó vẫn phải bảo đảm tính hiệu quả từ nguồn vốn do các quỹ đầu tư rót vào.
Lượng khách hàng quen thuộc cùng kinh nghiệm phát triển thương mại điện tử, tiếp thị trực tuyến ứng dụng cho Vinabook.com qua sáu năm hoạt động đã giúp Mê Kông Com tiếp cận cơ hội kinh doanh mới mà mô hình kinh doanh theo nhóm thông qua trang web Hotdeal.vn là một ví dụ điển hình. Bà Linh cho biết ngay từ khi bắt đầu khai trương hôm 29-11-2010 trang web đã bán được hơn 2.000 voucher chỉ trong vòng ba ngày.
Ông Nhan Thế Luân, Tổng giám đốc NCT Corporation, cũng cho biết nhờ tận dụng sự phổ biến của trang web NhacCuaTui.com mà công ty đã tiết kiệm được hơn 80% chi phí tiếp thị khi phát triển trang web thương mại điện tử theo mô hình B2B2C (sàn giao dịch cho các cửa hàng trực tuyến) là Nava.vn. Sau hai năm hoạt động, Nava.vn có nguồn thu đủ để trang trải chi phí cho đội ngũ phát triển dự án và kỳ vọng doanh thu sẽ cao hơn trong thời gian tới.
Tại cuộc hội thảo về chia sẻ kinh nghiệm phát triển các trang web thương mại điện tử hồi tuần qua ở TPHCM, ông Nguyễn Ngọc Điệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vật giá Việt Nam, cho biết trong thời gian tới, công ty sẽ đưa Baokim.vn từ một trang web thanh toán nội bộ cho các thành viên trong Vatgia.com thành cổng thanh toán chung của các trang web ở Việt Nam.
Nhanh.vn là trang web thứ hai mà Công ty Vật giá Việt Nam chú trọng đẩy mạnh, đây là dịch vụ thương mại điện tử phục vụ các doanh nghiệp có nhu cầu vận chuyển hàng hóa trong nội thành Hà Nội.
Không có lợi thế về lượng người truy cập sẵn có hay nguồn vốn đầu tư từ các quỹ mạo hiểm, ông Nguyễn Tuyên, Giám đốc Công ty TNHH Thế giới trực tuyến, xây dựng mô hình B2C (trang web bán hàng trực tuyến đến khách hàng) bằng việc phát triển các thị trường ngách.
Công tác quảng bá trang web được thực hiện chủ yếu bằng hình thức tiếp thị trực tuyến nhằm giảm thiểu chi phí, và chọn cách liên kết với các trang web thanh toán trực tuyến hoặc các công ty chuyển mạch tài chính. Gia nhập thị trường từ cuối năm 2007, cho đến nay công ty đã có một số trang web như DangCap.vn, TangHoa.vn, ThegioiTructuyen.vn tạo được nguồn thu chính cho công ty.
Trong thời gian tới, ông Tuyên cho biết sẽ mở rộng kinh doanh theo hình thức xây dựng các trang web B2C cho các doanh nghiệp có nhu cầu và chia sẻ lợi nhuận thu về từ trang web đó. Hiện nay, công ty đã bàn thảo với một số doanh nghiệp trong ngành may mặc về việc xây dựng trang web B2C. Ngoài ra, công ty cũng đang nhắm đến việc tư vấn xây dựng trang web B2B (doanh nghiệp với doanh nghiệp) cho các doanh nghiệp ngành thủy sản.
Cùng hợp tác, cùng chia sẻ
Còn theo ông Lưu Thanh Phương, chủ sở hữu trang web 5giay.vn, do sớm nhận ra gánh nặng chi phí ban đầu cho việc xây dựng một trang web với mô hình C2C (rao vặt) theo cách truyền thống, công ty đã phát triển dựa trên vBulletin – một mã nguồn mở khá phổ biến trên thế giới và cả ở Việt Nam.
Về việc quản lý nội dung thông tin mua bán trên web – một vấn đề quan trọng trong việc tạo uy tín với người tiêu dùng – 5giay.vn chọn cách thức giao quyền quản trị trong diễn đàn (moderator) cho chính các cửa hàng hoặc thành viên tham gia, buộc họ phải có trách nhiệm với chính hàng hóa, dịch vụ mà mình cung cấp. Mặt khác, công ty có đội ngũ nhân viên kiểm tra các bản báo cáo vi phạm hằng ngày của các thành viên nhằm có hướng xử lý kịp thời.
Tuy nhiên, mô hình mà 5giay.vn hướng tới không dừng lại ở C2C mà là B2B2C. Hiện lượng khách hàng lẻ giao dịch với nhau chiếm đến 70% tổng số giao dịch trên trang web này, phần còn lại là lượng giao dịch từ các cửa hàng đến khách lẻ. Trong khi đó, 5giay.vn muốn thu hút thêm nhiều cửa hàng tham gia cho nên phải hướng đến mục tiêu xây dựng một trang web hoạt động theo mô hình B2B2C độc lập, và điều này theo ông Phương là không dễ dàng.
Thực ra, mô hình B2B2C đã được công ty đưa vào hoạt động từ ba năm về trước với trang web Batda.com nhưng vào thời điểm đó chưa thu hút được khách hàng. Trong thời gian tới, công ty sẽ đầu tư đội ngũ kỹ thuật viên để hoàn thiện Batda.com nhằm thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia với nguồn tài trợ chính là doanh thu đến từ 5giay.vn.
Đối với ông Điệp, hiện nay thách thức đặt ra cho Vật giá Việt Nam là nguồn nhân lực cho việc phát triển các dự án của công ty trong giai đoạn sắp tới. Ông chia sẻ quan điểm rằng nhiều doanh nghiệp có kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực như thương mại điện tử, tiếp thị qua mạng xã hội, điện toán đám mây, thanh toán trực tuyến… nên cùng bắt tay nhau để mạnh hơn.
Về phía ông Phương, việc xây dựng sàn B2B cho các doanh nghiệp thủy sản vẫn gặp không ít khó khăn. Nguyên nhân chính là nhiều doanh nghiệp trong ngành này chưa nhận thức được lợi ích mà mô hình kinh doanh trực tuyến đem lại. Một số đã mạnh dạn ứng dụng mô hình kinh doanh mới nhưng không đúng cách thức nên hiệu quả không như kỳ vọng.
Ông Tuyên của Thế giới trực tuyến cho biết, trong thời gian sắp tới công ty sẽ kết hợp với Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam đẩy mạnh ứng dụng trực tuyến ở các doanh nghiệp trong ngành này.
(Theo Thời báo kinh tế SG)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com