Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Vì sao Google quyết mua Motorola Mobility?

Việc thu mua hãng di động Motorola sẽ mang lại cho Google nhiều điểm lợi, nhưng cũng sẽ có không ít khó khăn.

Theo hãng tin Bloomberg, tập đoàn Google đã đồng ý với thỏa thuận rằng, nếu thương vụ thâu tóm Motorola Mobility thất bại, Google sẽ đền bù 2,5 tỷ USD cho công ty điện thoại di động. Số tiền này cao gấp 6 lần mức phí đền bù thông thường trong các vụ mua bán tương tự.

Trước đó, vào ngày 15/8, "gã khổng lồ tìm kiếm" đã có thông báo thu hút đông đảo sự chú ý từ làng công nghệ thế giới, đó là quyết định mua lại hãng Motorola Mobility với giá 12,5 tỷ USD. Với số tiền đền bù cao như trên, có thể thấy Google quyết tâm như thế nào trong việc mua lại hãng điện thoại Mỹ.

Và điều này cũng khiến giới phân tích ngạc nhiên, vì sao Google quyết mua cho được Motorola Mobilty?

Tạp chí Thế giới Vi tính cho biết, hiện Motorola đang sở hữu hơn 14.600 bằng sáng chế, và gần 7.000 bằng sáng chế khác đang chờ cấp phép trên toàn thế giới. Đó thực sự là một kho vũ khí lớn đối với Google trong cuộc chiến về bằng sáng chế liên quan đến Android trước các đối thủ như Apple, Microsoft...

Động thái thu mua Motorola Mobility của Google được đánh giá là bước đi quan trọng để tập đoàn sở hữu cỗ máy tìm kiếm lớn nhất thế giới có thể hỗ trợ các "đồng minh" như Samsung hay HTC trong cuộc chiến pháp lý về bằng sáng chế mà Apple đang nhắm vào họ.

Hãng sản xuất điện thoại Đài Loan - HTC mới đây đã thua Apple trong một vụ kiện về bản quyền. Trước đó hãng này cũng đã phải trả tiền bản quyền một số bằng sáng chế cho Microsoft để tiếp tục duy trì mảng kinh doanh Android.

Hồi tháng 6, Microsoft cũng đã đạt được thỏa thuận về bản quyền phát minh với Velocity Micro, một hãng nhỏ sản xuất thiết bị đọc sách và máy tính bảng chạy trên Android đồng thời phản đối General Dynamics sử dụng Android do đã vi phạm bản quyền phát minh.

Ngoài ra Microsoft còn yêu cầu Samsung phải trả cho họ 15 đô la với mỗi điện thoại Android được sản xuất ra. Không chỉ Apple và Microsoft mà Oracle mới đây cũng kiện Google trong việc sử dụng Java trong Android.

Với quá nhiều vấn đề liên quan đến bằng sáng chế, có lẽ trước mắt việc quan trọng nhất của Google là tự bảo về mình và bảo vệ các đối tác sử dụng Android. Do vậy, việc mua lại Motorola Mobility với kho bằng sáng chế như vậy, rõ ràng Google muốn nâng cao sức cạnh tranh của Android.

CEO của Google, Larry Page thừa nhận, Motorola hiện là công ty di động lâu đời nhất và sở hữu danh mục bằng sáng chế khổng lồ. "Gia tài" này sẽ giúp danh mục bằng sáng chế của "gã khổng lồ tìm kiếm" trở nên vững vàng hơn, bảo vệ Android tốt hơn trước sự tấn công từ các đối thủ.

Trước đây, Google chưa từng đầu tư nhiều cho danh mục bằng sáng chế của mình và ít có khả năng tự vệ trước các đối thủ trong ngành công nghiệp di động. Tuần trước, Google đã đả kích Microsoft, Apple cùng các hãng khác cố gắng áp đặt "thuế bằng sáng chế" lên Android làm cản trở sự phát triển của hệ điều hành này.

Mặt khác, việc mua lại Motorola Mobility cũng chính là để bảo vệ Android khỏi cuộc chiến bản quyền với hãng di động Mỹ này. Chưa đầy một tuần trước, Giám đốc điều hành của công ty di động này đã ám chỉ rằng sẽ sử dụng danh mục bằng sáng chế của mình để đòi tiền bản quyền từ các hãng diện thoại Android khác.

Chưa rõ, những điểm lợi trên sẽ phát huy tác dụng như thế nào, nhưng ngay sau tuyên bố của Google, các CEO từ những hãng đối tác của Google như Samsung, Sony Ericsson, HTC, và LG đã có phản ứng rất tích cực.

Chủ tịch khối Mobile Communications của Samsung, J.K. Shin cùng chủ tịch kiêm CEO Bert Nordberg của Sony Ericsson, CEO Peter Chou của HTC, và chủ tịch kiêm CEO Jong-Seok Park của LG đều có chung quan điểm rằng, họ rất hoan nghênh thương vụ M&A của Google.

Tuy nhiên, theo trang công nghệ eWeek, với việc thu mua trên, Google có thể làm tổn thương quan hệ với các hãng khác. Bởi lẽ, trước đây Google chỉ chủ yếu cung cấp phần mềm, nhưng giờ hãng có thêm một cơ sở sản xuất phần cứng mạnh mẽ không kém các hãng di động Android khác.

Theo đó, điện thoại Google thực sự sẽ sớm được ra mắt. Trước hết, sản phẩm này sẽ đối chọi với iPhone, nhưng về lâu dài nó cũng là đối thủ trực tiếp của các dòng Android từ Samsung, HTC... và có thể không còn là tin tốt lành đối với các hãng điện thoại di động khác.

Những người thua thiệt có thể bao gồm các đối thủ sản xuất thiết bị cầm tay của Motorola đang hợp tác với Google như HTC, Samsung Electronics và Sony Ericsson. Những hãng được cấp phép sử dụng phần mềm Android của Google giờ đây đối mặt với nguy cơ tăng cường từ một đối thủ cạnh tranh trực tiếp.

Vấn đề thâu tóm Motorola Mobility của Google cũng là tin xấu với Apple. Trước đây, Apple không hề có một đối thủ nào đủ sức mạnh và mức ảnh hưởng cần thiết để cạnh tranh với iPhone. Nhưng nay, Apple có thể phải đối mặt với một đối thủ có đủ tầm và lực thách thức vị trí của hãng trên thị trường smartphone.

Về việc này, chuyên gia Florian Mueller cho rằng, "bằng sáng chế của Motorola không phải là tấm khiên chắc chắn cho Android. Công ty này trước đó đã cố gắng hết mình trong cuộc chiến với Apple và Microsoft. Tuy nhiên nỗ lực của họ chẳng gây hề hấn gì đáng kể và thương vụ của Google chỉ là hành động liều lĩnh".

Ngoài ra, theo eWeek, vụ thu mua Motorola Mobility có thể còn thay đổi cục diện trên thị trường smartphone. Với thương hiệu và tiềm lực tài chính mạnh mẽ của Google, điện thoại Motorola có thể sẽ bắt đầu nhanh chóng chiếm thị phần trong những năm, tháng tới, để cạnh tranh với Apple.

Cùng với điều này, các hãng sản xuất lớn khác cũng sẽ manh nha thực hiện các vụ sáp nhập lớn để tăng sức cạnh tranh. HTC có thể sẽ tìm kiếm một đối tác, chẳng hạn như mảng kinh doanh di động của LG. RIM cũng có thể tìm một công ty để tăng thêm sức mạnh.

(Theo Vneconomy)

  • Về tay người Thái, dấu chấm hết cho hàng Việt ở Metro?
  • Dịch vụ lạ cho giới siêu giàu
  • Sản phẩm “Cơm 3 phút” hút dân công sở
  • Thành công với sản phẩm chế từ... phụ tùng xe đạp
  • Gieo cảm xúc vào chocolate
  • Tỷ phú Buffett “vỡ mộng” vì đầu tư vào hãng xe Trung Quốc
  • Coca-Cola đầu tư thêm bốn tỉ đô la Mỹ vào Trung Quốc
  • Xoay sở trong mùa thấp điểm
  • “Dẹp tiệm” vì buôn bán khó khăn
  • Kêu gọi thay đổi mô hình kinh doanh tránh vỡ nợ
  • Các hãng hàng không Bắc Phi "thập tử, nhất sinh"
  • Coca-Cola sẽ đầu tư 4 tỷ USD vào Trung Quốc
  • Những chiêu của doanh nghiệp FDI: Chuyển giá và né thuế
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com