Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Xoay sở trong mùa thấp điểm

Các dòng điện thoại thông minh được kỳ vọng sẽ là động lực thúc đẩy sức mua trong mùa thấp điểm của thị trường thiết bị số. Ảnh: Công Sang.

Mùa hè được giới kinh doanh thiết bị công nghệ số đánh giá là mùa kinh doanh thấp điểm trong năm. Bên cạnh đó, sức mua trong dịp hè năm nay còn chịu tác động bởi sự thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng nhằm đối phó với tình trạng giá cả hàng gia dụng, lương thực - thực phẩm và nhiên liệu đang liên tục tăng cao.

Mặc dù xu hướng sụt giảm của thị trường thiết bị công nghệ số nói chung vẫn đang tiếp diễn nhưng giới chuyên gia nhận định rằng, người tiêu dùng vẫn chuộng mua các thiết bị với công nghệ mới, được tích hợp nhiều chức năng và có tính tiện dụng cao. Do đó, điện thoại thông minh (smartphone) và máy tính bảng được dự đoán sẽ là các thiết bị được các nhà bán lẻ đẩy mạnh khâu tiếp thị và đồng thời sẽ tạo lực đẩy cho thị trường trong thời điểm khó khăn hiện nay.

Khi mùa hè không gắn với mùa mua sắm

Ông Trần Quốc Trung, Giám đốc Chi nhánh của chuỗi cửa hàng Mai Nguyên, cho biết doanh thu các thiết bị di động vẫn đang tiếp tục giảm và chưa có dấu hiệu được vực dậy. Ước tính mức tiêu thụ ở chuỗi cửa hàng trong quý này giảm 20-30% so với quý trước đó.

Đối với phân khúc điện thoại thông minh, ông Lê Xuân Thủy, Trưởng phòng kinh doanh FPT Nokia thuộc Công ty Thương mại FPT, nói rằng lượng máy mà công ty nhập khẩu về cũng chỉ chiếm 8% trong tổng số điện thoại các loại, thấp hơn so với tỷ lệ 13% của cùng kỳ năm ngoái.

Tại Mai Nguyên, các dòng điện thoại cao cấp như Vertu, Mobiado vốn có lượng khách hàng ổn định là những người có thu nhập cao hay giới doanh nhân thì mức tiêu thụ tăng trưởng chưa đến 10%.

Thị trường máy tính các loại, bao gồm máy tính để bàn (PC), máy tính xách tay (cả notebook và netbook), máy tính bảng… cũng rơi vào tình cảnh “phiên chợ chiều”.

Bà Nguyễn Bạch Điệp, Tổng giám đốc Công ty TNHH Bán lẻ FPT (FPT Shop), nói rằng doanh số các mặt hàng công nghệ nói chung sụt giảm đều từ đầu năm đến nay. Trong đó, nguyên nhân khá quan trọng là chỉ số giá tiêu dùng tăng cao khiến người tiêu dùng cân nhắc việc chi xài, chỉ ưu tiên cho những mặt hàng thiết yếu. Có một tín hiệu vui của thị trường máy tính, đó là sự háo hức và chờ đón của người tiêu dùng đối với dòng máy tính bảng iPad 2 và điều này đã tạo nên tình trạng khan hiếm hàng trong một khoảng thời gian ngắn.

Thị trường thiết bị trò chơi cầm tay cũng không mấy khả quan khi lượng bán ra vẫn giảm dù các nhà phân phối tung ra nhiều chương trình khuyến mãi đi kèm.

Giải thích về tình trạng này, đại diện một số cửa hàng cho biết một trong những nguyên nhân chính là vòng đời của một số thiết bị trò chơi cầm tay khá ngắn (PSP Go, PSP 3000 của Sony), còn Nintendo 3DS – thiết bị thu hút khá nhiều sự chú ý vào thời điểm ra mắt – lại có điểm hạn chế là màn hình nhỏ, tuy ứng dụng công nghệ 3D nhưng nhiều người chơi phản ánh là mau mỏi mắt nên doanh số bán ra không như mong đợi.

Thiết bị đọc sách điện tử, nhờ có nhiều chương trình hỗ trợ giá tốt nên bán khá chạy, tuy nhiên, khách hàng ở Việt Nam chủ yếu là người nước ngoài nên chiếm thị phần rất thấp.

Tạo lực đẩy cho thị trường

Các hãng nghiên cứu thị trường cuối tháng 7 vừa qua đã đưa ra những dự báo rằng nhu cầu sử dụng điện thoại thông minh và máy tính bảng ở Việt Nam vẫn ở mức cao, mặc dù tình hình kinh doanh các mặt hàng này đang chịu những tác động từ khó khăn chung của nền kinh tế. Sự kiện Samsung Galaxy S II đạt 2.000 đơn đặt hàng sau hai ngày ra mắt (1.000 chiếc thông qua kênh trực tuyến tại www.samsung.com/vn/galaxys2 và 1.000 chiếc thông qua hệ thống kênh phân phối) cùng với việc hãng Research In Motion (RIM), nhà sản xuất BlackBerry, mới đây chính thức bước vào thị trường Việt Nam cho thấy dự báo nói trên có phần đúng.

Ông Trịnh Khắc Toàn, Giám đốc tiếp thị ngành hàng điện thoại di động của Samsung, cho biết yếu tố “thời vụ” ảnh hưởng khá lớn đến sức mua các thiết bị số trên thị trường nhưng đối với các dòng sản phẩm cao cấp thì mức ảnh hưởng này không đáng kể. Mặt khác, người tiêu dùng vẫn chú trọng vào hai yếu tố: giá cả và sự tiện dụng và trên thực tế, tính tiện dụng vẫn được đánh giá cao và quan tâm nhiều hơn.

Cũng cùng quan điểm kể trên, ông Dany Bolduc, Phó chủ tịch RIM phụ trách thị trường Thái Lan, Malaysia và Việt Nam, đánh giá phân khúc thị trường điện thoại thông minh ở Việt Nam rất tiềm năng và đây là cơ hội cho các thương hiệu lớn.

Trong khi đó, những dự báo về sự thay thế của máy tính bảng đối với máy tính cầm tay mỏng nhẹ (netbook) đã là động lực thúc đẩy các nhà phân phối xây dựng những kế hoạch kinh doanh và chiến lược cạnh tranh phù hợp.Ông Trung của Mai Nguyên nói rằng bên cạnh việc phân phối các dòng điện thoại cao cấp như Vertu, Mobiado thì điện thoại thông minh và máy tính bảng đang được công ty tập trung cho khâu tiếp thị kèm theo các dịch vụ hỗ trợ khách hàng để đẩy mạnh doanh số.

Bà Mỹ Vân, Phó tổng giám đốc chuỗi cửa hàng Thành Công Mobile – nhà phân phối điện thoại Philips và Bavapen, cũng chia sẻ kế hoạch phân phối thêm dòng điện thoại thông minh và máy tính bảng cao cấp bên cạnh việc đẩy mạnh tiếp thị dòng sản phẩm chủ lực là điện thoại sử dụng hai thẻ SIM.

Tính cạnh tranh trên thị trường cũng ngày càng cao, theo tổ chức nghiên cứu thị trường GfK, bên cạnh các yếu tố như kiểu dáng, cấu hình và thương hiệu, khách hàng đang chú ý nhiều hơn đến yếu tố “thông minh” của thiết bị cũng như sự phong phú của kho ứng dụng.

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Về tay người Thái, dấu chấm hết cho hàng Việt ở Metro?
  • Dịch vụ lạ cho giới siêu giàu
  • Sản phẩm “Cơm 3 phút” hút dân công sở
  • Thành công với sản phẩm chế từ... phụ tùng xe đạp
  • Gieo cảm xúc vào chocolate
  • “Dẹp tiệm” vì buôn bán khó khăn
  • Kêu gọi thay đổi mô hình kinh doanh tránh vỡ nợ
  • Các hãng hàng không Bắc Phi "thập tử, nhất sinh"
  • Coca-Cola sẽ đầu tư 4 tỷ USD vào Trung Quốc
  • Những chiêu của doanh nghiệp FDI: Chuyển giá và né thuế
  • Phơi bày "Nghệ thuật hắc ám" của báo chí
  • Chạy đua kinh doanh sách điện tử
  • Apple tiến thoái lưỡng nan với iPod
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com