Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Vì sao hàng giả có đất sống?

Hàng điện tử giả và nhái bán tràn lan tại chợ Đông Kinh, Lạng Sơn

Hệ thống pháp luật chưa hoàn chỉnh và đồng bộ, khung pháp lý chưa vững chắc, tâm lý thiếu chủ động của DN… đang là thực trạng khiến cho hàng giả, hàng nhái đang có đất tung hoành.

Hiệp hội chống hàng giả, hàng nhái và bảo vệ thương hiệu VN cho biết, nguồn hàng giả, hàng nhái sản xuất từ nước ngoài nhập lậu vào VN chiếm 60 - 75%.

Hàng hiệu càng... dễ nhái

Ông Lê Thế Bảo - Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu VN (Vatap) cho biết, các mặt hàng thuộc nhóm lương thực, thực phẩm, đồ uống và các sản phẩm có thương hiệu nổi tiếng thì lượng hàng giả, hàng nhái nhiều hơn cả. “Một số thương hiệu nổi tiếng, đối tượng làm giả còn ra nước ngoài đặt hàng giống hệt, sau đó tìm cách đưa vào tiêu thụ ở trong nước. Hơn nữa, nhiều chủ sở hữu sản phẩm vẫn chưa chú ý đến việc bảo vệ quyền lợi của mình bằng việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá. Thậm chí, các DN còn thiếu chủ động trong việc phát hiện và ngăn chặn, không phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, kiểm soát do sợ ảnh hưởng đến doanh số bán hàng.”- ông Bảo cho biết.

Đặc biệt, đối với mỹ phẩm bán ở hầu hết các chợ, đường phố, kể cả ở Hà Nội và TP HCM, đa phần là hàng giả, hàng nhái. Tốc độ làm giả trong nhóm này cũng tăng... khủng khiếp, trước đây khoảng 1 năm mới làm giả được, đến nay tốc độ chỉ trong 1-2 tháng, chủ yếu làm từ nước ngoài rồi đưa vào VN từ biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc. Tiếp đó là mặt hàng tân dược, thuốc thú y, phân bón, rượu bia... đặc biệt là rượu ngoại. Theo đánh giá của các cơ quan chức năng có từ 20-50% rượu được làm giả trên thị trường.

Đại diện Cục QLTT Hà Nội cho biết, thị trường hàng giả đã “nội địa hoá” bằng cách nhập linh kiện, bán thành phẩm vào VN qua các làng nghề chế tác, gia công, gắn bao bì nhãn, mác mới thành các sản phẩm hàng hiệu của Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản... như giày da các loại từ Hà Nam qua Bắc Ninh quay vào Hà Nội; kính mắt các loại từ Thái Bình lên thành các hàng hiệu nổi tiếng, quần áo thể thao các hiệu từ TP HCM ra, bánh kẹo, tất chân, mác nhãn các loại từ La Phù Hoài Đức vào , dụng cụ thể thao kiểu Mỹ, đồ cơ kim khí từ Thạch Thất (Hà Tây cũ) tràn vào Hà Nội.

Hàng giả đang tung hoành nhưng theo các nhà sản xuất lẫn cơ quan quản lý nhà nước, việc xử lý hàng giả không dễ. Theo lực lượng QLTT, khâu khó khăn nhất trong quá trình chống hàng giả hiện nay là khâu giám định. Trên thực tế rất nhiều vụ vi phạm khi phát hiện lại không thể giám định được vì hàng hoá có nguồn gốc từ các nước không đăng ký chất lượng tại VN, hàng hoá không có ai xác nhận là hàng giả vì không có cơ quan đại diện của nhà sản xuất tại VN...

Chế tài chưa đủ mạnh

Ông Nguyễn Hùng Dũng - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết: 10 năm qua, các văn bản pháp luật về chống hàng giả, hàng nhái đã góp phần tạo dựng cơ sở pháp lý vững chắc cho công tác đấu tranh chống sản xuất và buôn bán hàng giả. Tuy nhiên, các văn bản pháp luật về hàng giả còn tồn tại nhiều hạn chế. Đặc biệt pháp luật về đấu tranh chống hàng giả còn chưa đầy đủ, thiếu quy định cần thiết để giải quyết tranh chấp về lĩnh vực này...

Đồng tình với quan điểm này, đại diện Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết: Đến nay tại Hà Nội chưa có cơ quan nào được phân công và có cơ chế thu thập, tổng hợp thông tin đầy đủ về hoạt động thực thi đấu tranh chống sản xuất, buôn bán hàng giả do vậy khó có cái nhìn tổng hợp về lĩnh vực này khi còn bất cập về thông tin.

Vị đại diện Ban chỉ đạo 127 tỉnh Lạng Sơn, địa bàn “nóng” về buôn lậu hàng giả, hàng nhái lại cho rằng việc quy định hành vi vi phạm về nhãn hàng hoá vẫn còn tồn tại song song hai nghị định (Nghị định 06/2008/NĐ – CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại và Nghị định số 54/2009/NĐ – CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường chất lượng sản phẩm) nên gây lúng túng trong việc áp dụng văn bản pháp luật để xử lý, cá biệt việc xử lý còn đối với hành vi vận chuyển hoá đơn giả, chưa sử dụng, chưa có chế tài để xử lý. Mặt khác, nếu áp dụng các quy định khác của pháp luật thì chưa tương xứng với tính chất, mức độ hậu quả gây ra cho xã hội.

Sẽ nâng chế tài

Trao đổi với DĐDN, ông Nguyễn Hùng Dũng - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cho biết: Bộ Công Thương đang lấy ý kiến các bộ, ngành và DN để góp ý về dự thảo Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả và sẽ sớm trình Chính phủ trong thời gian tới. Theo đó, chế tài xử phạt sẽ cao gấp nhiều lần so với trước đây để tạo sức răn đe. Nói như ông Dũng, việc ra đời nghị định này là cơ sở pháp lý, là “cơ hội mới” cho ngành QLTT để đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng nhái. Bên cạnh đó, việc trao thêm quyền xử phạt cho các lực lượng chức năng trong đó có QLTT sẽ rất thuận lợi trong công tác chống hàng giả, hàng nhái. Đặc biệt, nghị định mới sẽ  làm rõ giữa xử lý hành chính và xử lý hình sự, phân biệt rõ ràng tạo điều kiện cho lực lượng QLTT thực thi nhiệm vụ.

Sắp tới, Cục Quản  lý thị trường sẽ rà soát lại toàn bộ hệ thống pháp luật để tránh chồng chéo. Đặc biệt sẽ lên danh sách các đơn vị sản xuất hàng giả , hàng nhái để công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời nâng cao trách nhiệm tự bảo vệ hàng hoá của mình của các DN...

Nhưng liệu vấn nạn hàng giả, hàng nhái có giảm ? Điều này vẫn chờ... tương lai trả lời.

(Theo Quốc Anh // Diễn đàn doanh nghiệp)

  • Về tay người Thái, dấu chấm hết cho hàng Việt ở Metro?
  • Dịch vụ lạ cho giới siêu giàu
  • Sản phẩm “Cơm 3 phút” hút dân công sở
  • Thành công với sản phẩm chế từ... phụ tùng xe đạp
  • Gieo cảm xúc vào chocolate
  • Từ đầu cơ thành lừa đảo
  • Cuộc chiến hạ giá tivi 3D
  • Mười người kiếm nhiều tiền nhất trên Youtube
  • Đầu tư thời trang nội địa - Đường dài mới đến thành công!
  • Giải mã thành công vượt trội của Toyota
  • "Lội ngược dòng" trong biến cố thu hồi sản phẩm
  • Tính xác thực, công khai và lợi thế cạnh tranh
  • 10 điều tối kỵ đối với doanh nhân
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com