Đó là những lời đánh giá trân trọng mà trường Đại học Harvard dành đến Samuel Huntington, người từng giảng dạy 58 năm Harvard, là một trong những nhà chính trị học nổi tiếng nhất thế giới đương đại, đã qua đời hôm 24/12/2008 vừa qua, tại Martha"s Vineyard, hưởng thọ 81 tuổi.
Huntington - người thân thuộc
Samuel Huntington (Ảnh: news.harvard.edu) |
Jorge Dominguez, phó giám đốc phụ trách đối ngoại của Harvard nhận xét Huntington là một người khổng lồ trong lĩnh vực khoa học chính trị trên toàn thế giới trong vòng nửa thế kỷ qua, người có năng khiếu thiên bẩm trong việc đặt ra những câu hỏi quan trọng nhưng thường không dễ trả lời, và có biệt tài đưa ra các phân tích vượt qua được sự thử thách của thời gian.
Henry Rosovsky, nhà kinh tế, giáo sư Harvard, viết: Samuel Huntington “đã biến Harvard trở nên vĩ đại. Mọi người trên toàn thế giới đều nghiên cứu và tranh luận về các tư tưởng của ông.
Tôi tin rằng ông chính là một trong những nhà chính trị học có ảnh hưởng nhất trong vòng 50 năm qua.... Tất cả các cuốn sách của ông đều tạo nên ảnh hưởng, tên của chúng đã trở thành thân thuộc trong vốn từ ngữ của chúng ta.”
Huntington dành cả đời mình cho việc nghiên cứu và giảng dạy trên các lĩnh vực chính quyền Mỹ, dân chủ hoá, chính trị học quân sự, nghiên cứu chiến lược, mối quan hệ quân sự - dân sự, chính trị học so sánh và chính trị học phát triển.
Ông là tác giả, đồng tác giả hoặc người biên tập của 17 cuốn sách và hơn 90 bài báo khoa học. Nhiều tác phẩm của ông đã có ảnh hưởng lớn như cuốn “Trật tự chính trị trong những xã hội biến đổi” (Political Order in Changing Societies, xuất bản 1969) được nhiều nhà chính trị học trên thế giới đánh giá cao.
Huntington cho rằng vấn đề nghiêm trọng nhất của thế giới là sự thiếu vắng trật tự chính trị và quyền lực; chính mức độ của trật tự chứ không phải là hình thức của thể chế chính trị mới là điều đáng quan tâm.
Như để nhắc lại quan điểm đó, mới đây một bài viết trên báo The Guardian cũng cảnh báo: thế giới sau khi Mỹ do suy thoái kinh tế mà đánh mất vai trò lãnh đạo sẽ có thể thể xuất hiện khoảng trống nguy hiểm.
Đặc biệt, học thuyết độc đáo của Huntington về sự đụng độ giữa các nền văn minh đã làm cho ông trở nên nổi tiếng trong giới chính trị học trên toàn thế giới.
Những "đụng độ" từ học thuyết của Huntington
Robert Putnam, giáo sư giảng dạy về chính sách công của Trường Kennedy ở Harvard, là bạn và đồng nghiệp của Huntington gọi ông là “một trong những người khổng lồ của đời sống trí thức Mỹ trong nửa thế kỷ qua" (Ảnh: squarespace.com) |
“Sự đụng độ giữa các nền văn minh” là ý tưởng chủ yếu của Huntington khi ông dự thảo một báo cáo đánh giá tình hình thế giới sau khi Liên Xô tan rã, chiến tranh lạnh chấm dứt.
Báo cáo này viết theo yêu cầu của Bộ Quốc phòng Mỹ đặt ra với Viện Nghiên cứu Chiến lược mang tên John M. Olin do Huntington sáng lập và lãnh đạo trong thời gian 1989-1999. Sau đó ông giới thiệu ý tưởng này trong bài viết "The Clash of Civilizations?" đăng trên tạp chí Foreign Affairs số mùa hè năm 1993.
Bài báo nói trên lập tức được dư luận quốc tế quan tâm bàn luận sôi nổi, nhiều người ca ngợi phát hiện độc đáo “Sự đụng độ giữa các nền văn minh” có nhãn quan của một nhà tư tưởng tầm cỡ, nhưng cũng có không ít người phản đối.
Giáo sư Edouard Said thuộc Đại học Columbia chỉ trích Huntington có quan điểm của một người phương Tây đối đầu với thế giới còn lại.
Dường như người Trung Quốc lên tiếng phản đối mạnh mẽ nhất. Đa số học giả nước này nhận xét lập luận “sự khác biệt văn minh tự nó sẽ dẫn đến sự đụng độ giữa các nền văn minh” của Huntington là “lệch lạc, thiển cận, bi quan”; theo quan điểm đó tất sẽ đi tới kết luận văn minh Nho giáo sẽ đụng độ với văn minh phương Tây – điều này người Trung Quốc được giáo dục bởi truyền thống Nho giáo nhấn mạnh bao dung và hòa hợp không thể chấp nhận.
Phản ứng nói trên được thể hiện qua nhiều bài viết đăng trên các báo in, báo điện tử và tạp chí. Năm 1995 người Trung Quốc còn xuất bản sách “Văn minh và chính trị quốc tế - Học giả Trung Quốc bình luận Thuyết Xung đột văn minh của Huntington” tập hợp quan điểm của 28 tác giả trong các ngành chính trị quốc tế và xã hội nhân văn nước này.
(Ảnh: foreignpolicy.com) |
Họ đều nhấn mạnh một ý quan trọng nhất: các nền văn minh chỉ có thể cùng tồn tại chứ không thể đụng độ với nhau như Huntington dự đoán; văn minh Nho giáo của Trung Quốc đã và sẽ cùng tồn tại với văn minh phương Tây cũng như các nền văn minh khác.
Sau đó, để đáp lại phản ứng của dư luận, Huntington đã phát triển ý tưởng của mình hoàn chỉnh hơn và trình bày trong cuốn “Sự đụng độ giữa các nền văn minh và tái lập trật tự thế giới” (The Clash of Civilizations and the Remaking of World Order, xuất bản năm 1996, về sau đã dịch ra 39 thứ tiếng.
Tác phẩm này trình bầy quan điểm của Huntington về tình hình chính trị thế giới sau khi chiến tranh lạnh kết thúc: các cuộc xung đột trên thế giới sẽ không còn là giữa các quốc gia nữa mà là xung đột do sự khác biệt văn hóa tôn giáo giữa các nền văn minh chủ yếu trên thế giới.
Đó là văn minh phương Tây (Mỹ và châu Âu), văn minh Mỹ La-tinh, văn minh Islam (ta quen gọi là Hồi giáo), văn minh châu Phi, văn minh Chính thống giáo (Orthodox, với Nga là trung tâm), văn minh Hindu, văn minh Nhật Bản và văn minh Trung Quốc (Sinic.
Khác với quan điểm phổ biến trước đó, ông đã tách Nhật Bản ra khỏi “vành đai văn hóa Nho giáo (hoặc văn hóa Trung Hoa)” coi là một nền văn minh độc lập sánh ngang với các nền văn minh lớn khác.
Trong sách này, Huntington có sửa lại một số nội dung của bài báo trước, đưa ra những ý tưởng mới, thí dụ “Để giữ gìn an ninh thế giới cần tiếp thu tính đa nguyên văn hóa toàn cầu”.
Đây là một ý kiến sáng suốt nhằm tái lập trật tự quốc tế sau khi cán cân lực lượng trên thế giới bị mất cân đối do Liên Xô sụp đổ. Huntington đưa ra ý kiến này có thể do đã cảm nhận được một thực tế là địa vị bá chủ thế giới của Mỹ đang bị thách thức bởi nhiều nhân tố mới xuất hiện.
Học thuyết của Huntington có ảnh hưởng sâu xa suốt 15 năm qua trên toàn cầu. Rất nhiều người đã bàn cãi về vấn đề liệu sẽ có hay không có sự đụng độ giữa các nền văn minh.
Vụ khủng bố kinh hoàng xảy ra ngày 11 tháng 9 năm 2001 là thí dụ cho thấy quả thật là giữa văn minh phương Tây với văn minh Islam đã xảy ra đụng độ đổ máu và cuộc xung đột này ngày càng gay gắt.
Thực tế đó chứng minh sự tiên tri của Huntington là đúng; ông quả là có nhãn quan sắc bén, bao quát, nhìn xa trông rộng của một nhà nghiên cứu chiến lược hiếm thấy. Song mặt khác có người lại nghi ngờ cách thức ông đặt vấn đề “Sự đụng độ giữa các nền văn minh” có thể là tác nhân dẫn đến vụ 11 tháng 9. Ý kiến này không thể không làm Huntington suy ngẫm.
"Đúng là có va chạm văn hóa thật"
Hugtington tốt nghiêp Đai học Yale năm 18 tuổi, bắt đầu giảng dạy tại Harvard năm 23 tuổi (Ảnh: coloradocollege.edu) |
Hiện tượng đụng độ giữa các nền văn minh là một thực tế đã xảy ra trong quá khứ, hiện tại và sẽ có thể cả trong tương lai. Văn minh phương Tây hiện nay với đại diện chính là văn minh Mỹ (Walter Russell Mead gọi là Anglo-American system), như Martin Wolf nhận xét là có tính hiếu chiến (bellicose).
Đúng vậy, người Mỹ đi đâu cũng ép thiên hạ phải tiếp nhận giá trị quan của họ, chủ yếu trên các vấn đề nhân quyền, tự do dân chủ ... do đó dễ gây ra phản ứng thù nghịch, gây ra sự đụng độ với các nền văn minh khác.
Martin Wolf viết: các nền văn minh vĩ đại nhất như văn minh Islam, văn minh Ấn Độ, thậm chí cả văn minh Trung Quốc đều bị văn minh phương Tây đánh bại tận gốc.
Trong lịch sử, văn minh phương Tây khi tràn sang phương Đông đã có va chạm với các nền văn minh bản xứ, song không phải đều xảy ra xung đột vũ trang, hoặc có xảy ra nhưng đều kết thúc bằng thắng lợi của phương Tây.
Nhìn chung phương Đông đã từng bước tiếp thu các mặt tiên tiến của văn minh phương Tây rồi tự phát triển và mạnh lên dần, điển hình là Nhật Bản từ thời Duy Tân Minh Trị đã gắng hết sức tiếp thu văn minh phương Tây và qua đó phát triển nhanh chóng.
Trung Quốc mới đầu có chống lại sự xâm nhập của văn minh phương Tây nhưng không xảy ra đụng độ lớn mà ngược lại ngày càng thắt chặt quan hệ. Tất cả đã chứng minh sự đụng độ giữa các nền văn minh là không tránh khỏi.
Nguyên bộ trưởng Văn hóa Trung Quốc nhà văn Vương Mông từng nói “Toàn cầu hóa đưa lại cái gọi là sự va chạm văn hoá. Nhiều người TQ không tán thành quan niệm va chạm văn hóa do Huntington đề xuất, nhưng đúng là có va chạm văn hóa thật.”
Huntington đã từng là Giám đốc Viện nghiên cứu quan hệ quốc tế của Đại học Harvard từ năm 1978 đến năm 1989 (Ảnh: coloradocollege.edu) |
Người Trung Quốc tự hào thấy nền văn minh lâu đời của họ đã hấp thu các yếu tố của các nền văn minh khác để làm cho nền văn minh của mình càng phong phú hơn.
Việc Trung Quốc chuyển từ đóng cửa, cô lập sang hội nhập toàn cầu chứng tỏ sự khác biệt văn minh không nhất thiết tất yếu dẫn đến sự đối kháng mà lối thoát vẫn là các nền văn minh cùng tồn tại.
Song có lẽ Trung Quốc chỉ là một trường hợp đặc biệt. Hiện nay các cuộc xung đột ở Trung Đông, Nam Á, Trung Á ... đều có màu sắc khu vực, văn hóa, tôn giáo.
Cho tới nay vẫn có những ý kiến đánh giá khác nhau về học thuyết Đụng độ giữa các nền văn minh. Trong bài trả lời phỏng vấn tạp chí Islamica năm 2007, Huntington vẫn cho rằng bản sắc văn hoá, sự đối kháng và đồng hoá không những có vai trò mà còn có vai trò lớn trong mối quan hệ giữa các quốc gia.
Huntington giải thích: ông không muốn thúc đẩy sự đụng độ đó mà chỉ muốn nhắc nhở thế giới nên tránh để xảy ra xu thế đụng độ. Ông muốn nước Mỹ cần cảnh giác trước khả năng sự biến chuyển văn minh trên thế giới có thể gây nguy hiểm cho Mỹ.
Chẳng hạn ông từng nêu vấn đề Mỹ phải đề phòng Nhật Bản sẽ có lập trường chính trị dao động, vì Nhật vốn là một phần của văn minh phương Đông, tuy ngày trước đã “Thoát Á nhập Âu”, và sau đại chiến II lại “Thoát Á nhập Mỹ”, nhưng trong tương lai xu hướng của nước này sẽ ra sao? – sẽ dần dần trở về phương Đông theo đà trỗi dậy của Trung Quốc mà ngả theo Trung Quốc, hay là vẫn tiếp tục ở lại phương Tây?
Australia cũng tương tự Nhật. Châu lục da trắng này là một phần của văn minh phương Tây nhưng gần đây cùng với sự phồn vinh của châu Á và sự trỗi dậy của Trung Quốc, đã xuất hiện yêu cầu hòa nhập với châu Á – đây là một khuynh hướng sẽ làm thay đổi cán cân lực lượng mà nước Mỹ cần cảnh giác.
Ngược lại, Thổ Nhĩ Kỳ vốn bị Mỹ coi là theo đạo Islam, nhưng người A Rập lại coi là theo châu Âu, cả đến bóng đá cũng dự Cúp châu Âu; nghĩa là nước này giao động giữa hai phía, Mỹ cần cảnh giác.
Nam Phi ngày trước do người da trắng cai trị, nay người da đen thế chỗ, phải chăng nước này sẽ rời bỏ văn minh phương Tây để đi theo con đường tự chủ của văn minh châu Phi da đen? Sự lựa chọn của Nam Phi phản ánh ảnh hưởng của học thuyết “Đụng độ văn minh” ...
Không thể không nhận thấy Huntington rất sáng suốt khi đặt ra các vấn đề nói trên. Dĩ nhiên, là một công dân Mỹ và tiến hành nghiên cứu theo đặt hàng của Bộ Quốc phòng Mỹ, Huntington đã đưa ra các quan điểm nói trên xuất phát từ mục tiêu phục vụ lợi ích an ninh chiến lược của nước Mỹ.
Có điều, ông phục vụ với tư cách một nhà khoa học chính trị chứ không phải một chính khách.
(Theo báo VietNamNet)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com