Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tiếp xúc với người Hàn Quốc

Không nên kiệm lời khen đối với món kim chi; nên sử dụng đối tác trung gian để tiếp cận đối tác Hàn Quốc; quan hệ cá nhân đóng vai trò quyết định trong giao dịch, làm ăn với người Hàn, đó là vài điều mà doanh nhân Việt cần lưu ý.


Xưng hô, làm quen


Người Hàn Quốc rất để ý đến cách thức làm quen và xưng hô. Bạn không được sử dụng tên gọi của người Hàn Quốc trong xưng hô, lại càng không được bỏ qua những chức tước, phẩm hàm mà họ có. Không được bắt tay chặt quá, không nên tỏ ra vồn vã, thân thiện quá. Không nên tranh thủ cả những lúc nghỉ để trao đổi công việc.


Cạnh tranh


Giới lãnh đạo của công ty Hàn Quốc thường chỉ thích đề cập đến những vấn đề lớn, ý tưởng to tát, còn chuyện cụ thể thì để cho cấp dưới đảm nhận


Văn hóa cạnh tranh ở Hàn Quốc có khác so với ở các nơi khác. Vì thế, nếu muốn thiết lập quan hệ làm ăn với đối tác nào ở Hàn Quốc, bạn nên tìm hiểu và lưu ý thỏa đáng tới những đối thủ cạnh tranh của đối tác đó ở Hàn Quốc. Ở người Hàn Quốc, tình cảm và lý trí trong hợp tác kinh doanh không phải lúc nào cũng tách biệt được với nhau.


Trật tự quyền lực


Không chỉ trong công việc mà còn cả trong cuộc sống, trật tự quyền lực như một nguyên tắc luôn phải được coi trọng ở Hàn Quốc. Tôn ti trật tự, quan hệ cấp trên cấp dưới và công khai thể hiện điều đó được thực hiện như thể ở trong quân đội.


Đàm phán


Đối tác nước ngoài muốn tiếp xúc với đối tác Hàn Quốc nên sử dụng dịch vụ của trung gian môi giới. Tìm cách tiếp xúc trực tiếp với đối tác Hàn Quốc thường không đem lại kết quả gì. Người trung gian này có chức quyền hay địa vị xã hội càng cao thì càng có cơ hội tiếp xúc được với lãnh đạo cấp cao trong đối tác Hàn Quốc.

 

Trong đàm phán với người Hàn Quốc, mối quan hệ cá nhân đóng vai trò quyết định nhất chứ không phải danh tiếng của đối tác bởi câu hỏi mà người Hàn Quốc muốn được trả lời đầu tiên không phải là sản phẩm của bạn như thế nào, mà là: tôi có thể tin tưởng vào bạn hay không? Vì thế, lập luận khúc triết, logic hay chứng tỏ có phong cách đàm phán đặc thù, tỏ ra hiểu biết quá chi tiết về kỹ thuật…. đều không gây ấn tượng tích cực ở đối tác Hàn Quốc bởi giới lãnh đạo thường chỉ thích đề cập đến những vấn đề lớn, ý tưởng to tát, còn chuyện cụ thể, đi vào chi tiết thì để cho cấp dưới đảm nhận.


Thận trọng và cảnh giác trong đàm phán với người Hàn Quốc là chuyện không hề thừa. Người Hàn Quốc được tiếng là giữ chữ tín, nhưng họ cũng rất khôn ngoan và sành sỏi. Những hợp đồng được thỏa thuận và ký kết tuy quan trọng, nhưng chỉ như vậy thôi thì chưa đủ. Quá trình thực hiện cụ thể cũng là quá trình đàm phán và thỏa thuận tiếp về những chi tiết cụ thể của hợp đồng đã thỏa thuận.


Khi thấy đối tác Hàn Quốc gật đầu, bạn không nên chủ quan tin rằng đối tác đã hiểu hết những gì bạn vừa trình bày. Tốt nhất là bạn hãy nhắc lại những điểm quan trọng nhất và rồi đề nghị ghi chúng lại trong một biên bản làm việc.


Ăn uống


Sẽ là sai lầm lớn nếu vì công việc mà sao nhãng thời giấc bữa ăn đối với người Hàn Quốc. Kim chi, thịt nướng và uống rượu thường không thể thiếu sau những vòng đàm phán khô khan. Bạn sẽ làm cho đối tác Hàn Quốc thích thú nếu không hà tiện lời ca ngợi món kim chi. Người Hàn Quốc uống nhiều rượu, nhưng cũng không phật ý nếu bạn nói không uống được rượu, dù vậy, bạn vẫn nên để cho họ rót chút rượu vào cốc của bạn.


Việc mời đối tác đi ăn tiệc, ăn trưa hay ăn tối là chuyện thông lệ ở Hàn Quốc và được đánh giá cao, coi như sự thể hiện thiện chí muốn hợp tác với nhau, nhưng không phải để tiếp tục câu chuyện đang bàn bạc dở. Khi dự tiệc, chỉ uống rượu và nói chuyện vui thôi.


Ngoại ngữ


Khi đàm phán, giao thương với đối tác người Hàn Quốc có thể dùng tiếng Anh, đương nhiên nếu sử dụng được tiếng Hàn thì sẽ thuận lợi hơn nhiều. Tuyệt nhiên không được sử dụng tiếng Nhật Bản.


Danh thiếp


Danh thiếp là một phần không thể thiếu trong xây dựng quan hệ đối tác với người Hàn Quốc. Bạn nên chuẩn bị đầy đủ số lượng, tốt nhất là cả bằng tiếng Hàn, tuyệt đối không được ghi bằng tiếng Nhật. Người Hàn Quốc rất coi trọng các chức danh và tước hiệu, vì thế, bạn không nên quá khiêm nhường khi ghi các chức danh của bạn trên danh thiếp.

(Theo Lạn Kha // Diễn đàn doanh nghiệp)

  • 8 cách giải tỏa bế tắc trong công việc
  • 10 cách để trở thành người lạc quan hơn
  • 3 cách để giao tiếp thuyết phục hơn
  • Người lãnh đạo có cần phải biết nhận lỗi? (Phần 1)
  • Bảy lỗi giao tiếp phổ biến của các nhà quản lý
  • Bí quyết nói trước công chúng
  • Tiếp xúc với người Nga
  • “Cách” để giao tiếp thuyết phục hơn?
  • Tiếp xúc với người Ấn Độ
  • Nghệ thuật đối nhân xử thế
  • Tiếp xúc với người Nhật
  • Giao tiếp với người Pháp
  • Sáu bí quyết để mở đầu bài thuyết trình ấn tượng
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com