Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

“Mạnh, nhanh, lỳ và khôn” để vượt khủng hoảng

Minh họa: Khều.
 

Cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng đến Việt Nam trên nhiều khía cạnh như sản xuất, xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, cũng như công ăn việc làm và đời sống người dân. Chính phủ các nước cũng như Việt Nam đã đưa ra những gói kích thích kinh tế nhằm chống lại những tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng.

Tuy nhiên, Chính phủ không phải là “bà đỡ” cho mọi doanh nghiệp. Để tồn tại và đứng vững trong khủng hoảng, trước hết doanh nghiệp phải tự đứng được trên đôi chân của mình. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần “lỳ” và “khôn” hơn nữa để có thể chống chọi với những thách thức đang còn ở phía trước. Muốn vậy, doanh nghiệp có thể thực hiện những biện pháp cơ bản sau.

Thứ nhất, tái cơ cấu doanh nghiệp.

Khủng hoảng là cơ hội tốt để doanh nghiệp tái cơ cấu. Các chiến lược mua bán, sáp nhập, chia tách và chuyển đổi doanh nghiệp là những cách thức để có thể vượt qua khó khăn. Doanh nghiệp phải coi khủng hoảng là cơ hội để nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của mình trên thị trường. Khi tái cơ cấu thì cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp không những phải phù hợp với tính chất của từng công việc, từng ngành nghề mà còn phải phù hợp với những chuẩn mực quốc tế, để tránh những rủi ro không đáng có khi Việt Nam dần tiến sâu hơn vào hội nhập kinh tế quốc tế.

Thứ hai, duy trì và tăng cường năng lực cốt lõi.

Trong thời gian qua rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam phát triển sản phẩm, dịch vụ mới theo thế chân kiềng gồm ngành nghề chính + tài chính + bất động sản, bên cạnh các sản phẩm, dịch vụ truyền thống.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đa dạng hóa ngành nghề một cách ồ ạt mà không tính tới khả năng quản trị, không dựa trên năng lực cốt lõi nên gặp rủi ro và khó khăn lớn. Đây là lúc doanh nghiệp nên chú trọng đến năng lực cốt lõi của mình và đưa công việc kinh doanh vào quỹ đạo chặt chẽ hơn, đặc biệt là cố gắng củng cố cốt lõi của doanh nghiệp và lĩnh vực kinh doanh cốt lõi.

Thứ ba, tăng cường xúc tiến thương mại sang các thị trường phi truyền thống, các thị trường ít bị tác động của khủng hoảng.

Khu vực Trung Đông, Ấn Độ được coi là không bị ảnh hưởng nhiều từ suy thoái kinh tế thế giới, nên sẽ thu hút hàng nhập khẩu từ nhiều quốc gia, đây là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam. Thị trường Trung Đông gồm 15 quốc gia với tăng trưởng khu vực năm 2008 là 5,9% và ước đạt 5% trong năm 2009.

Năm 2008, thị trường Trung Đông nhập khẩu 541,5 tỉ đô la Mỹ, trong khi Việt Nam chỉ xuất khẩu sang thị trường này được 1,27 tỉ. Như vậy, tăng cường xuất khẩu sang Trung Đông có thể bù đắp cho sự suy giảm của các thị trường truyền thống là Mỹ, EU, Nhật. Bên cạnh đó, các hiệp hội cùng với doanh nghiệp cần tăng cường đầu tư vào hệ thống phân phối ở các thị trường truyền thống này.

Thứ tư, phát triển các định hướng chiến lược mới và thay đổi kế hoạch marketing.

Điều tốt nhất đối với doanh nghiệp trong thời kỳ khó khăn là tập trung nhiều hơn và tập trung tốt hơn vào những mục tiêu chính. Nhờ thu hẹp nguồn lực trên thị trường, doanh nghiệp có thể tập trung chăm sóc khách hàng, các phân khúc thị trường chính, các bộ phận chủ yếu của doanh nghiệp. Phần lớn các doanh nghiệp hoạt động quá dàn trải, chủ yếu phát triển theo chiều rộng.

Vì thế cần đánh giá lại nhóm khách hàng hiện tại để tập trung nỗ lực marketing vào những nhóm khách hàng tiềm năng có nhu cầu và có sức mua cao. Chú trọng tập trung vào các công cụ “đẩy” chứ không phải “kéo” và chuyển mạnh từ marketing gián tiếp sang marketing trực tiếp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần chủ động tham gia vào các hiệp hội ngành hàng, các tổ chức kinh doanh để chia sẻ thông tin, liên kết kinh doanh và phối hợp hành động trên thị trường.

Doanh nghiệp có thể chủ động điều chỉnh hoạt động marketing cho phù hợp với những thay đổi trong chính sách điều hành vĩ mô của Chính phủ. Muốn vậy, doanh nghiệp phải theo dõi sát những thay đổi của Chính phủ và đón trước những cơ hội do các chính sách kinh tế vĩ mô tạo ra. Doanh nghiệp cần khôn ngoan và chủ động trong việc chống chọi với cơn bão suy thoái, phát huy được các đặc tính “mạnh”, “nhanh”, “lỳ” và “khôn” để cạnh tranh trong thời kỳ khó khăn này như Binh pháp Tôn Tử đã nói.

Thứ năm, chú trọng thị trường trong nước.

Cùng với gói chính sách hỗ trợ của Nhà nước, doanh nghiệp cần tăng cường khai thác thị trường trong nước để hướng gói kích cầu vào đúng hàng hóa trong nước chứ không phải là hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt là doanh nghiệp trong các ngành dệt may, gia dày, thủ công nghiệp, chế biến nông nghiệp và thủy sản vốn trước đây chú trọng ưu tiên thị trường xuất khẩu hơn. Doanh nghiệp nên chú trọng thâm nhập mạnh vào các vùng nông thôn, một thị trường tiềm năng lâu nay bị bỏ ngỏ.

Để có thể thâm nhập thị trường trong nước, doanh nghiệp cần: (1) nghiên cứu thị trường để nắm nhu cầu thị trường về mẫu mã, chất lượng, giá cả, cơ cấu dòng sản phẩm…; (2) chú trọng khâu phát triển sản phẩm cho thị trường trong nước. Dù doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu lớn, nhưng sản phẩm chủ yếu làm theo mẫu của khách hàng nước ngoài (đặc biệt là ngành dệt may, da giày).

Nếu muốn sản xuất để bán tại thị trường trong nước, doanh nghiệp cần phát triển các sản phẩm phù hợp với nhu cầu của khách hàng trong nước; (3) kênh phân phối là điều kiện không kém phần quan trọng. Doanh nghiệp có thể liên kết với các doanh nghiệp đã có kênh phân phối khá vững nhằm hỗ trợ cho việc tiêu thụ hàng hóa.

Mặt khác, để thành công tại thị trường trong nước, doanh nghiệp cần định vị thị trường này như một chiến lược lâu dài, phải có sự đầu tư dài hơi và thỏa đáng về các mặt nghiên cứu thị trường, phát triển sản phẩm, khâu nguyên liệu và kênh phân phối.

Thứ sáu, tận dụng gói kích cầu của Chính phủ để ưu tiên nhập khẩu công nghệ mới, nâng cấp công nghệ để đón đầu nền kinh tế phục hồi.

Chưa bao giờ giá công nghệ trên thị trường thế giới lại rẻ như hiện nay, do đó doanh nghiệp nên tận dụng gói hỗ trợ lãi suất 4% cho vay trung và dài hạn để đầu tư đổi mới công nghệ và kỹ năng quản trị doanh nghiệp. Nâng cấp công nghệ trong giai đoạn hiện nay sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trong thời gian tới, góp phần nâng cao năng suất quốc gia.

Thứ bảy, tăng cường kiểm soát tài chính chặt chẽ và hợp lý hóa các chi phí để giảm giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.

Một khi đã hiểu rõ mình bị tác động như thế nào, doanh nghiệp cần có kế hoạch để đưa doanh nghiệp vượt qua cơn bão khủng hoảng và thoát ra ở vị trí tốt nhất có thể. Việc này nên bắt đầu từ việc bảo vệ các nền tảng tài chính cơ bản của doanh nghiệp như đảm bảo dòng tiền dương, tiếp cận nguồn vốn và khả năng thanh khoản là những yếu tố cơ bản khi nền kinh tế suy thoái, thực hiện quản lý tiền mặt chặt chẽ. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần xem xét tỷ lệ vay hợp lý, đồng thời tăng cường hiệu quả hoạt động. Lãnh đạo doanh nghiệp nên làm cho mọi thành viên trong doanh nghiệp hiểu và sử dụng các khoản chi phí một cách hợp lý, giúp họ thấy được trách nhiệm lúc này của họ là cùng với doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Đó là các giải pháp tái cơ cấu vốn, tài sản và xử lý các vấn đề liên quan đến đầu tư và dòng tiền mặt bổ sung, cũng như các giải pháp kiểm soát và quản lý tiền mặt. Tổ chức lại quá trình sản xuất và phân phối, từ đó xác định tổng chi phí cần thiết. Sau đó, doanh nghiệp cần phát triển cơ cấu vốn thích hợp nhằm hỗ trợ hiệu quả cho mô hình kinh doanh mới theo dự trù của mình.

Thứ tám, tăng cường liên kết giữa Chính phủ, hệ thống ngân hàng, các hiệp hội và doanh nghiệp khác.

Doanh nghiệp nên cùng các hiệp hội ngành nghề, các cơ quan chính phủ… ngồi lại với nhau để chia sẻ khó khăn, thấy được những nguy cơ đối với ngành tài chính, ngân hàng… để đi đến một quyết tâm chung. Hiện nay, các doanh nghiệp vẫn còn hoạt động hết sức rời rạc, nhưng tự thân lại không thể ứng phó với những vấn đề lớn. Nếu các bên liên quan hợp lại như một “bó đũa” thì mới có thể vượt qua khó khăn này. Đặc biệt là hệ thống tài chính cần chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp trong việc tiếp cận nguồn vốn và giảm bớt các chi phí lãi suất trong thời kỳ khó khăn.

____________________________________________________

(Theo TS.Nguyễn Ngọc Sơn  - Giảng viên trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội)
TBKTSG

(Theo TS.Nguyễn Ngọc Sơn (*) - Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Phân vai lãnh đạo - quản lý
  • 7 bí quyết truyền cảm hứng của nhà lãnh đạo
  • 'Cái ghế' và chữ tâm
  • Ứng xử với nhân viên ra đi
  • Nỗi niềm người dẫn đầu
  • Nghệ thuật và khoa học đánh giá sự thực thi của CEO
  • Nguyên tắc xử thế của lãnh đạo
  • Chín bài học về ERP
  • Trường phái quản lý theo hệ thống
  • Trường phái quản lý hiện đại và thuyết Z
  • Sẵn sàng cho “hạ cánh cứng”
  • Bản ngã và kinh doanh
  • Mười kiểu CEO có thể đưa công ty đến bờ vực phá sản
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com