Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Ứng xử với nhân viên ra đi

Minh họa: Khều

Tháng 10-2010, ông Nguyễn Quang Hiển, Giám đốc điều hành Công ty Dịch vụ Phú Quý và Trung tâm Hội nghị White Palace, rời chức vụ của mình sang làm ở một công ty khác. Trước ngày ra đi, ông Hiển được công ty tổ chức một bữa tiệc lớn như một lời cảm ơn quãng thời gian ông làm việc ở đó.

Ở một thái cực khác, bà Nguyễn Bích N., phụ trách xuất nhập khẩu của một công ty xuất khẩu gạo có trụ sở tại Tiền Giang, lại ở trong cảnh âm thầm rời khỏi nơi mình gắn bó suốt năm năm.

Trong giai đoạn khởi nghiệp khó khăn, bà được công ty mời về. Chính nhờ sự tả xung hữu đột của bà, từ việc tìm kiếm đơn hàng đến củng cố nhân lực, công ty đã có một chỗ đứng trên thương trường.

Hơn một năm qua, vị giám đốc công ty đã âm thầm cho con cháu mình ở quê lên “phụ” bà N., nhưng thực chất là để bà đào tạo các kỹ năng xuất nhập khẩu. Rồi bà N. bắt đầu nhận được “tiếng bấc tiếng chì”, và khi nhận ra sự việc, bà đã buộc phải khăn gói ra đi.

Hiện nay, ông Hiển tự hào nói về công việc mới, và vẫn có quan hệ tốt với công ty cũ. Còn bà N., sau một vài lần nộp đơn xin việc, bà quyết định lập công ty mới, cũng về xuất khẩu gạo, dựa trên những mối quan hệ khách hàng của công ty cũ.

Bình luận về hai trường hợp này, bà Nguyễn Thị Vân Anh, Giám đốc điều hành mạng tuyển dụng nhân sự cao cấp Navigos Search, cho rằng: “Cách ứng xử của trường hợp Công ty Phú Quý là chuyên nghiệp. Nghĩa là không chỉ trong chiêu mộ, sử dụng mà còn phải chuyên nghiệp trong cách ứng xử khi nhân viên ra đi”.

Theo bà Vân Anh, hình ảnh của việc ứng xử tốt với nhân viên ra đi không chỉ để lại ấn tượng tốt cho chính người đó, mà sẽ còn đọng lại lâu dài trong tâm trí của toàn bộ nhân viên hiện tại. Sẽ có một lúc nào đó nhân viên trong công ty nghĩ rằng đã đến lúc mình cất cánh, tìm bến đậu mới. Nếu họ ra đi và bị đối xử không tốt thì những ấn tượng đó cứ tồn tại mãi và được lan truyền ra ngoài thị trường lao động, ảnh hưởng đến khả năng thu hút và gìn giữ nhân tài của công ty đó.

Đối xử tốt với nhân viên ra đi, đó cũng chính là một cách quảng bá thương hiệu về nhân sự. Hơn nữa, bằng cách đó, doanh nghiệp cũng có thể mở rộng khách hàng, đối tác từ chính những nhân viên cũ. Bà Vân Anh cho biết ở Navigos Search có rất nhiều nhân viên bị chính các khách hàng của mình “săn”, nhưng những người ra đi đó lại trở thành khách hàng thân thiết của bà.

Câu chuyện về cách ứng xử với nhân viên ra đi vẫn là một câu chuyện dài về tính chuyên nghiệp trong quản trị của các doanh nghiệp Việt Nam, mà cho đến nay, theo đánh giá của giới nhân sự là “chưa thay đổi kịp”. Các doanh nghiệp trong nước vẫn đang chật vật cạnh tranh tuyển dụng nhân sự với các doanh nghiệp nước ngoài. Bà Vân Anh cho biết có nhiều người từ chối làm việc cho doanh nghiệp Việt Nam dù mức lương cao hơn hoặc bằng, chỉ vì sự thiếu chuyên nghiệp trong việc sử dụng nhân sự.

Theo ông Tăng Trị Trọng, Giám đốc kinh doanh toàn quốc của mạng tuyển dụng Vietnamworks, môi trường làm việc chuyên nghiệp chính là một cách để giữ nhân viên. “Nhân viên ra đi không phải vì tiền, và nhân viên trở về lại cũng không vì tiền. Cái chính là một môi trường làm việc chuyên nghiệp”, ông Trọng nói.

Theo các chuyên gia nhân sự, chuyện ở chuyện đi của nhân viên là chuyện bình thường ở các doanh nghiệp. Nói theo cách của ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank, với TBKTSG thì “con người là tài sản quý giá của doanh nghiệp, nhưng họ không phải là sở hữu của mình”. Vì thế, cách ứng xử với “tài sản quý giá” ấy phải thực sự tinh tế. Cũng chính vì thế, chiến lược của Sacombank trong mười năm tới là đặt yếu tố con người lên hàng đầu, thay cho việc mở rộng mạng lưới, tăng vốn điều lệ như mười năm qua.

Theo ông Thành, khi nhân viên ra đi nghĩa là họ đi tìm một môi trường thăng tiến tốt hơn hiện tại. Chính vì thế, dù ở Sacombank, các nhân viên bị ràng buộc bằng một hợp đồng chức danh, với sự tính toán các chi phí đào tạo, nhưng ông Thành nói rằng khi một người muốn ra đi, với một lý do có thể chấp nhận được, thì sẽ tạo điều kiện cho họ ra đi. “Tôi hiểu mong ước đó là chính đáng, và biết đâu với khả năng họ có thể thăng tiến hơn ở môi trường hiện tại”, ông Thành nói.

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Phân vai lãnh đạo - quản lý
  • 7 bí quyết truyền cảm hứng của nhà lãnh đạo
  • 'Cái ghế' và chữ tâm
  • Nỗi niềm người dẫn đầu
  • 10 phát ngôn “hớ hênh” nhất của các CEO công nghệ
  • Năng lực lãnh đạo là chìa khóa thành công của các CEO
  • Hiệu trưởng Faust: "Khủng hoảng kinh tế, Harvard cũng phải tiết kiệm"
  • TT Obama: Tầm nhìn dài hạn đã được xây dựng?
  • Putin và bài học lãnh đạo từ Continental Airlines
  • 10 điều tối kỵ đối với doanh nhân
  • Học cấp tốc về khả năng lãnh đạo: 5 bước
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com