Đó là đánh giá của phần lớn các đại biểu tham dự hội thảo “Mua bán và sáp nhập (Mergers&Acquisitions - M&A) doanh nghiệp trong điều kiện hội nhập và suy thoái kinh tế” do Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Báo Thế giới và VN (Bộ Ngoại giao) phối hợp tổ chức ngày 20-7 tại TPHCM.
Ông Vũ Bá Phú, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, trao đổi với báo chí TPHCM bên lề hội nghị. Ảnh: H.THÚY |
Số lượng thương vụ M&A tăng 107%
Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh Vũ Bá Phú, số lượng các thương vụ M&A tại VN tăng nhanh qua các năm. Nếu năm 2006 mới chỉ có 38 vụ, đến năm 2007 đã là 108 vụ và năm 2008 có 146 vụ. Về quy mô giao dịch, năm 2008 có sự giảm sút do ảnh hưởng của suy thoái tài chính, tuy nhiên cũng đạt giá trị khoảng hơn 1 tỉ USD. Các thương vụ điển hình thường tập trung vào lĩnh vực tài chính - ngân hàng, công nghiệp và hàng tiêu dùng. Gần đây nhất là giao dịch của Viettel mua 18,91%, trị giá 700 tỉ đồng của Vinaconex (tháng 2 – 2009) và Công ty CP ICP mua 51% của Công ty CP Thực phẩm Thuận Phát (tháng 5 – 2009). Trước đó là các thương vụ Petro Vietnam mua Oceanbank (20% - 24 triệu USD), Maybank mua Abbank (15% - 94,7 triệu USD), Qantas mua Pacific Airlines (30% - 50 triệu USD)...
Các thương vụ M&A ở VN chủ yếu vẫn là giao dịch quy mô vừa và nhỏ nhưng theo công bố của Công ty Pricewaterhouse Coopers, dù tổng giá trị của các thương vụ M&A ở VN trong nửa đầu năm 2009 giảm nhưng tổng số lượng lại tăng cao so với thế giới. Ông Ian Lydal, tổng giám đốc công ty, cho biết: Tính đến hết tháng 6 – 2009, VN có 112 vụ M&A trị giá khoảng 232 triệu USD, tăng 107% so với cùng kỳ năm trước; trong khi toàn thế giới giảm 15%, Hoa Kỳ giảm 29%, Trung Quốc giảm 21%, Đông Nam Á giảm 3%...
Vẫn tồn tại đàm phán ngầm
Mặc dù tăng trưởng về số lượng nhưng thực tế hoạt động M&A ở VN thiếu chuyên nghiệp. Theo đánh giá của một chuyên gia M&A, vẫn tồn tại đàm phán ngầm giữa bên mua và bên bán mà không có đơn vị tư vấn trung gian, điển hình là những vụ trao đổi cổ phiếu giữa hai bên để tận dụng tăng trưởng từ thị trường chứng khoán nhằm thu lợi ngắn hạn. Đại diện Ngân hàng Đầu tư và Phát triển VN thừa nhận hiện Công ty Bảo hiểm BIC (trong thương vụ mua phần vốn góp của Tập đoàn QBE – Úc để thành lập công ty bảo hiểm 100% vốn ngân hàng) phát triển mạnh nhưng nếu lúc thực hiện M&A mà có đơn vị tư vấn chuyên nghiệp thay vì tự đàm phán, chắc chắn thương vụ sẽ thành công hơn đối với bên mua.
Song không phải đơn vị tư vấn nào cũng đạt được trình độ nhất định. Nhiều doanh nghiệp than phiền thiếu hoạt động tư vấn M&A chuyên nghiệp mà chỉ là sự kết hợp của một công ty luật – một đơn vị kiểm toán – một đơn vị tài chính, cung cấp các dịch vụ riêng lẻ nên chi phí cao. Ngoài ra, hệ thống pháp luật, thiết chế tài chính vẫn chưa theo kịp thực tiễn hoạt động M&A.
Cũng theo dự báo của Pricewaterhouse Coopers, triển vọng hoạt động M&A của VN trong giai đoạn 2009 – 2011 rất lớn. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài quan tâm đến các lĩnh vực viễn thông, dược phẩm, giải trí và truyền thông... Đồng thời hoạt động M&A về chiến lược từ nước ngoài sẽ gia tăng khi kinh tế phục hồi; các giao dịch giá trị lớn nhất có khả năng xảy ra theo quá trình cổ phần hóa, chẳng hạn như Công ty MobiFone vừa được định giá 2 tỉ USD. Để theo kịp với tốc độ phát triển hoạt động M&A, ông William E. Kovacic, Ủy ban Thương mại Hoa Kỳ, đề nghị nên có sự kết hợp của các quốc gia trên nhiều cấp độ.
Về phía VN, dù Luật Cạnh tranh không quy định việc hỗ trợ tư vấn sớm hiệu quả nhưng theo ông Vũ Bá Phú, trước khi có ý định giao dịch M&A, các doanh nghiệp nên gặp Cục Quản lý cạnh tranh để được các chuyên gia phân tích về khả năng đáp ứng, phỏng vấn đối thủ cạnh tranh, người sử dụng dịch vụ, nhà cung cấp và đưa ra khuyến nghị đối với giao dịch M&A.
(Theo Mai Vân // Nguoilaodong Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com