Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Bí quyết nền công nghiệp chất xám Singapore: Chiến lược nhân lực mang phong cách Việt

"Yêu nước chính là xây dựng một cộng đồng VN thật mạnh"

Nguyễn Phan Dũng cười phá lên: “Tụi tớ biết chứ. Nhưng phải biết tận dụng cơ hội phát triển của Singapore mà phát triển VN, hai bên cùng có lợi. Thời buổi bây giờ, lòng yêu nước của du học sinh không giới hạn trong khái niệm về hay không về mà theo tớ, xây dựng một cộng đồng VN thật mạnh ở nước ngoài cũng là yêu nước…”.

Dũng thuộc thế hệ du học sinh đầu tiên ở Sing và được anh em ở đây xem là… “đại ca”.

Chiến lược của sư tử biển

Công thức chung của tất cả những ai muốn tìm hiểu về du học Singapore là truy cập vào website www.singaporeedu.gov.sg. Đó là nơi chứa tất cả những gì cơ bản nhất về hệ thống giáo dục, danh sách các trường đại học, trung học, học viện… có mặt tại Sing cùng những thông tin về khóa học, lớp học và ngành học cụ thể.

Các bước lên kế hoạch thực hiện một chuyến du học, các thông tin cuộc sống, mức sống, đất nước, con người… đều được cung cấp đầy đủ bằng nhiều thứ tiếng, trong đó có tiếng Việt. Vấn đề đáng suy nghĩ là website này không do Bộ Giáo dục thực hiện mà do… một cơ quan phối hợp giữa giáo dục và du lịch thực hiện. Vì sao?

Không chỉ vì mối liên kết giữa các bộ ngành trong chính phủ rất chặt, mà vì nguồn lợi quá lớn cho du lịch từ lực lượng du học sinh. Bao nhiêu du học sinh đang sống tại Singapore? 50.000 người hiện nay chỉ là con số nhỏ so với kế hoạch đón 200.000 du học sinh trong những năm tới. Một công thức cơ bản nhưng rất hữu hiệu: mỗi du học sinh sẽ kéo theo bao nhiêu khách du lịch: 1, 3 hay 10? Câu trả lời là rất khó vì còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác, nhưng chắc chắn sẽ có.

Người thân, bạn bè… hãy đến Sing, vừa du lịch, vừa thăm thân nhân, đặc biệt là vừa được tận mắt chứng kiến cuộc sống của con em mình… Chẳng thế mà Singapore chẳng ngại ngần công bố chiến dịch “Vườn trường toàn cầu” của mình với tham vọng nâng tỉ lệ đóng góp của ngành giáo dục vào GDP từ 3,6% lên 5% (tất nhiên chủ yếu là từ hệ thống các trường tư thục mà thôi).

Con số 5% ấy thật ra chưa phải là tất cả, điều quan trọng hơn là Sing tìm được gì từ việc bỏ tiền ra chiêu dụ du học sinh các nước về học. Đáp án của câu hỏi này khá đơn giản: họ sẽ thu lợi được cho ngành kinh tế, đặc biệt là trong thời điểm cạnh tranh khốc liệt của nền kinh tế tri thức toàn thế giới. Vì thế mới có những ràng buộc ba năm làm việc nghĩa vụ, và sau đó tất cả những SV ra trường làm việc “xịn xịn” một chút đều được khuyến khích… ở lại với hàng loạt ưu đãi.

Đảo quốc sư tử quả thật rất có nghề trong việc sử dụng nguồn chất xám của nước ngoài trong công cuộc phát triển kinh tế công nghệ cao của mình. Một số vị phụ huynh lắc đầu: “Vẫn biết là đang bị chảy máu chất xám đấy thôi, nhưng điều kiện phát triển con người tốt quá, đành bấm bụng cho tụi nó đi học…”.

Nhưng có một nhân vật tuyên bố: “Không thể để chảy máu chất xám mà phải tận dụng chính cơ hội này để phát triển đất nước”. Và anh chàng đó không nói suông, mà đã thực hiện một chiến lược nhân lực mang đậm phong cách VN từ cách đây bốn năm: Nguyễn Phan Dũng, chủ tịch đầu tiên của cộng đồng du học sinh VN tại NUS.

Khát vọng của con nhà… giàu
 

 

 



Nguyễn Phan Dũng đang làm việc ở một công ty phần mềm của Singapore và đang giữ kỷ lục về tốc độ... tăng lương.


Đơn giản là vì cứ mỗi ba tháng công ty của Dũng lại tổ chức xét duyệt thi đua một lần, và những người đứng đầu trong bảng xếp hạng sẽ được nâng bậc trước thời hạn.


Dũng đang “âm mưu” một kế hoạch phát triển thương hiệu “người Việt” tại Singapore, bắt đầu từ chính mình.


“Hãy làm một người thật sự giỏi thì dù ở đâu, mình vẫn luôn tự hào mình là người Việt”.

Dũng không đi theo môtip SV nghèo vượt khó vì gia cảnh rất khá. Nên khi mới tiếp xúc, tôi hơi choáng vì sự tự tin quá mức của anh. Sáu năm cắm trụ trên đất Sing, điều đầu tiên và cũng là mấu chốt của vấn đề mà Dũng quan tâm nhất là việc SV VN luôn bị… chèn ép khi gia nhập cuộc chơi đa quốc gia, đa văn hóa. Vì sao? Dũng tự thấy mình… giỏi, bằng chứng là anh từng đại diện cho cả Singapore đi dự giải tin học toàn thế giới.

“Đâu chỉ có mình tớ, hầu như dân VN ai cũng giỏi. Dân số không phải là nhỏ, nhưng cứ chơi theo nhóm, lẻ tẻ nên chẳng bao giờ có được chút tiếng nói nào khi có những sự kiện, hoạt động qui mô lớn diễn ra”. Tính toán như thế, cộng thêm kinh nghiệm đi… bộ đội - không phải của Dũng mà do thừa hưởng từ gia đình toàn... cựu chiến binh, cùng với những bạn bè nhiệt huyết, Dũng bắt tay xây dựng cộng đồng du học sinh VN từ những năm 2000.

Hội SV đã tạo ra “một khoảng trời riêng” cho những người cùng cảnh ngộ trao đổi, thảo luận và đặc biệt là chia sẻ những vướng mắc trong cuộc sống. 15 người trong nhóm, rồi 100, 200... và con số bây giờ đã lên đến 500, không chỉ có SV NUS mà còn rất nhiều người Việt đang sinh sống tại đây cũng hăng hái tham gia.

“Hoạt động đầu tiên mà bọn tớ làm là tiếp đón SV mới sang Singapore, giúp đỡ họ trong tất cả các hoạt động thiết yếu nhất nơi xứ lạ quê người như đón tiếp tại sân bay, hướng dẫn đi lại, làm thủ tục, làm thẻ nhà băng, truyền đạt kinh nghiệm học tập, ăn ở… sau đó mới tính tới những chuyện lớn hơn… An cư lạc nghiệp mà...”.

Dũng hào hứng kể lại câu chuyện về buổi họp mặt đầu tiên của hội, cái cảm giác thiêng liêng mà lâu lắm rồi anh bạn không có được khi tất cả cùng đứng dậy và hát vang bài quốc ca hùng tráng trong hội trường… Và hoạt động cứ từ đó nhân lên, mạnh dần.

Đến giờ thì đã qua mấy “đời” chủ tịch của cộng đồng du học sinh VN nơi đây. Hoài Thu, Vũ Hải, Nguyễn Hữu Trí, Nguyễn Tuấn Anh… tất cả đang dồn sức để xây nên một cộng đồng SV VN “ô-kê” nhất tại Sing. Các bạn đã có quĩ riêng chứ không còn phải sinh hoạt bằng kinh phí tài trợ của... Dũng như những ngày chập chững nữa. Tất cả đều đã được tổ chức rất gọn gàng, qui củ.

Còn Dũng, tôi không rõ hiện giờ Dũng đã chuẩn bị cho dự án tin học tại TP.HCM đến đâu, chỉ thấy anh dán lên bàn làm việc của mình hai thông tin cắt từ báo: “Năm 2004, số lượng ngoại hối do kiều bào VN gửi về nước xấp xỉ 3 tỉ USD” và một mẩu tin nhỏ nhưng chứa rất nhiều ý nghĩa: “Ở Philippines có huân chương kinh tế để trao tặng những công dân Phi ở nước ngoài gửi tiền về xây dựng đất nước...”.

Dũng kết chuyện: “Đừng lạc quan tếu vì mình vẫn còn thua sút nước bạn khá nhiều. Nhưng những gì mình nhìn thấy được, học hỏi được thì cố gắng vận dụng vì một mục tiêu chung: mỗi người Việt ở Singapore chính là một đại diện của VN. Đại diện cho sự thông minh, sáng tạo, cần cù và khát vọng vươn lên. Tớ thích ý tưởng ví mình là một con cá chép đang cố bơi qua một cái xoáy nước lớn để trui rèn. Rồi sẽ đến ngày thành công thôi...”.
 

Hiện nay, VN và Singapore đang tích cực triển khai sáng kiến kết nối hai nền kinh tế do chính phủ hai nước thỏa thuận sau các lần tiếp xúc song phương. Lĩnh vực thứ sáu trong hệ thống này là giáo dục đào tạo.

Việc kết nối về giáo dục được củng cố thông qua khu vực tư nhân cũng như hỗ trợ các viện đào tạo của chính phủ nhằm tạo điều kiện cho nhiều người VN có thể hưởng nền giáo dục của Singapore nhiều hơn... Đây chính là một động lực tạo nên một làn sóng du học Singapore ngày càng lan rộng tại VN.

Văn phòng đại diện chính thức của hệ thống giáo dục Singapore tại VN là Cơ quan Giáo dục Singapore (trực thuộc Tổng cục Du lịch Singapore) tại lầu 3, Trung tâm Thương mại Saigontourist, 35bis-45 Lê Thánh Tôn, Q.1, TP.HCM.

Đường dây nóng: (84.8) 827 7646 (hoạt động từ 10g-19g, thứ hai đến thứ bảy); fax: (84.8) 827 7648; email: visitsingapore@hcm.vnn.vn

(Theo TRẦN NGUYÊN // TuoiTre Online)

  • Gian nan chuyển đổi nền kinh tế từ quản lý tập trung sang thị trường
  • 10 công trình nghiên cứu kinh tế có sức ảnh hưởng mạnh nhất 100 năm qua
  • Giao thông phản ánh tình hình kinh tế?
  • TS. Alan Phan: Cách đánh giá một nền kinh tế
  • Việt Nam: Bẫy thu nhập trung bình có thể xuất hiện sớm?
  • Xây dựng thương hiệu quốc gia xu hướng cho các doanh nghiệp
  • Bài học từ kinh nghiệm cổ phần hóa ở Nga
  • Khủng hoảng tài chính toàn cầu Kỳ 3: Chủ nghĩa tư bản đi về đâu?
  • Khủng hoảng tài chính toàn cầu Kỳ 2: Giải cứu và những cuộc tranh cãi
  • Khủng hoảng tài chính toàn cầu: Kỳ 1: Nguồn gốc khủng hoảng
  • Bàn về chính sách thắt chặt tiền tệ
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com