Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tận dụng cơ hội trong khủng hoảng

Suy thoái kinh tế không chỉ là thách thức, mà còn là cơ hội của các doanh nghiệp Việt Nam, của nền kinh tế Việt Nam và cả giới đầu tư nước ngoài. Đó là nhận định được đưa ra tại Hội nghị VNR500 Summit 2009, vừa được tổ chức tại TP.HCM.

 
Trong điều kiện kinh tế bình thường, không có suy thoái, giới phân tích kinh tế cho rằng, có 4 giới hạn tác động đến phạm vi và bản chất của hoạt động kinh doanh của một doanh nghiệp. Đó là các quy tắc, luật lệ; yếu tố cạnh tranh; thái độ của người tiêu dùng và khả năng linh hoạt của bộ máy. 

Tuy nhiên, trong thời kỳ khủng hoảng, các giới hạn này có thể dịch chuyển hoặc thay đổi nhanh chóng. Và sự dịch chuyển này không chỉ được coi là công cụ để các doanh nghiệp có thể cải thiện vị thế cạnh tranh của mình, mà còn là dư địa để môi trường kinh doanh bật lên những hấp dẫn, tạo đất cho các cơ hội, ý tưởng đặc biệt. Và sự an toàn, ổn định về chính trị, sự đồng thuận trong quyết tâm tận dụng cơ hội để cải cách của Chính phủ Việt Nam đã được giới đầu tư ghi nhận là những lợi thế đặc biệt của Việt Nam trong khu vực.

Nhìn vào sự ổn định của các doanh nghiệp cho thấy, điểm lợi thế này đang được các doanh nghiệp, các nhà đầu tư tận dụng. Các báo cáo tài chính của nhiều doanh nghiệp tiếp tục ghi nhận sự phát triển. Nhiều doanh nghiệp tiếp tục các kế hoạch đầu tư mới. Tỷ lệ vốn đầu tư nước ngoài đăng ký bổ sung tăng khá tích cực. 

Đặc biệt, theo kết quả cuộc khảo sát mới nhất của Ngân hàng HSBC về mức độ tin tưởng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tại các thị trường mới nổi vừa được công bố, mức độ tin tưởng của các DNNVV tại Việt Nam đã tăng cao hơn so với quý IV năm 2008. Trong khi hầu hết các doanh nghiệp không dự định thay đổi kế hoạch đầu tư vốn, thì vẫn có 58% các DNNVV tại Việt Nam, lớn nhất trong số các quốc gia trong diện khảo sát, có kế hoạch tăng vốn đầu tư. Chỉ số lạc quan của các DNNVV tại Việt Nam là 150, tăng 19 điểm so với 6 tháng trước, đây cũng là chỉ số lạc quan cao nhất khu vực châu Á. Không những lạc quan, các doanh nghiệp bắt đầu có những kế hoạch hoạt động thể hiện sự lạc quan của họ.

Tất nhiên, điểm lợi thế này không thay thế cho toàn bộ những nút thắt hiện hữu của môi trường kinh doanh Việt Nam, như thủ tục hành chính, hạ tầng kỹ thuật, nguồn nhân lực cũng như những lấn cấn hiện tại trong trình độ phát triển thị trường tài chính, mức độ sẵn sàng về công nghệ, quy mô thị trường, trình độ kinh doanh... Những nút thắt này tiếp tục là nguyên nhân của khoảng doãng khá lớn giữa nguồn vốn đầu tư nước ngoài đăng ký và giải ngân; của sự chậm trễ trong giải ngân nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản trong nước, kể cả nguồn vốn đầu tư của nhà nước. 

Song, về tổng thể, những lợi thế này lại tạo bàn đạp để các nút thắt được tháo gỡ nhanh chóng và quyết liệt hơn. Sự vận động tích cực của môi trường kinh doanh đang được cho là theo hướng vượt qua rào cản giới hạn của nội tại của nền kinh tế.

Trong tuần qua, nhiều đoàn doanh nghiệp từ các thị trường lớn, thị trường truyền thống và cả thị trường tiềm năng đã đến Việt Nam. Đoàn doanh nghiệp Canada quan tâm đến các lĩnh vực hợp tác về khoa học công nghệ cao, đào tạo nghề, lọc hoá dầu, xây dựng cơ sở hạ tầng… 5 nhà nhập khẩu lớn trên thế giới gồm ICA Group của Thụy Điển, Sears của Mỹ, Arena của Pháp, 360 Sourcing của Hồng Kông và MGB Metro của Đức bày tỏ nhu cầu muốn tìm nhà cung cấp Việt Nam trong lĩnh vực gồm đồ nội thất, đồ gốm trang trí trong nhà và ngoài sân, các mặt hàng thời trang giày dép, túi, ba lô, vali… Theo nhật báo Nikkei (Nhật Bản), cũng vào tuần trước, tập đoàn Nissan và Sharp của Nhật Bản dự kiến sẽ khởi động hoạt động kinh doanh ở thị trường Việt Nam trong năm nay. 

Tuy thông tin chi tiết về kế hoạch và mục tiêu kinh doanh ở Việt Nam của các doanh nghiệp này chưa được tiết lộ, song những tín hiệu về sự tận dụng cơ hội trong khủng hoảng tại Việt Nam cũng đang bắt đầu nổi rõ.


(Theo Bảo Duy // Báo đầu tư )

  • Gian nan chuyển đổi nền kinh tế từ quản lý tập trung sang thị trường
  • 10 công trình nghiên cứu kinh tế có sức ảnh hưởng mạnh nhất 100 năm qua
  • Giao thông phản ánh tình hình kinh tế?
  • TS. Alan Phan: Cách đánh giá một nền kinh tế
  • Việt Nam: Bẫy thu nhập trung bình có thể xuất hiện sớm?
  • Có cần một đạo luật riêng về độc quyền nhà nước?
  • Xu thế kinh tế thế giới cuối năm 2009
  • M&A ở VN thiếu chuyên nghiệp
  • Bẫy giăng phía trước
  • Các nước đang phát triển cần hệ thống tài chính nhỏ và đơn giản
  • Tiêu dùng ở châu Á: cần một sự chuyển dịch
  • Luận về chiến lược trong thời khủng hoảng
  • Nhận diện tập đoàn kinh tế
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com