Trang thông tin chính thức của Viện Kinh tế quốc tế Peterson, ngày 16-6 vừa qua, giới thiệu báo cáo nghiên cứu của nhà kinh tế Edwin Truman, với tựa đề "Khủng hoảng kinh tế toàn cầu: Bài học và thách thức đối với các nước đang phát triển". Chúng tôi xin giới thiệu nội dung chính những phân tích của tác giả về nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay và các bài học cần rút ra để bạn đọc rộng đường tham khảo.
Nguyên nhân gây khủng hoảng
Gần hai năm nay, hệ thống tài chính và kinh tế toàn cầu rơi vào khủng hoảng nặng nề. Ðến nay, người ta vẫn chưa thể tính toán đầy đủ quy mô và hậu quả của khủng hoảng, nhưng những gì đã diễn ra có thể giúp khẳng định chắc chắn rằng đây là cuộc khủng hoảng nặng nề nhất, xét cả về mức độ ảnh hưởng và tính khốc liệt của nó đối với kinh tế toàn cầu, kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai. Cũng vì khủng hoảng chưa kết thúc, nên chưa thể rút ra những bài học đầy đủ từ cuộc khủng hoảng này.
Các chuyên gia kinh tế và các nhà hoạch định chính sách không thống nhất đánh giá về nguyên nhân gây khủng hoảng, thậm chí còn bất đồng về nguồn gốc của khủng hoảng. Nhà kinh tế Edwin Truman nhận định nguyên nhân của khủng hoảng có thể gồm một vài hoặc cả bốn yếu tố: chính sách kinh tế vĩ mô; điều tiết và giám sát lĩnh vực tài chính; kỹ thuật tài chính; các thiết chế tài chính tư nhân lớn. Trong đó, hai nguyên nhân lớn nhất là sự thất bại của chính sách kinh tế vĩ mô và trong điều tiết, giám sát tài chính. Cơ chế liên kết tài chính và toàn cầu hóa tuy không phải là nguyên nhân trực tiếp, cũng góp phần làm khủng hoảng trầm trọng hơn. Chính sách kinh tế vĩ mô của Mỹ và các nước phát triển đóng góp vào việc châm ngòi khủng hoảng. Tại Mỹ, chính sách tài chính đã làm giảm tỷ lệ tiết kiệm và cho phép duy trì trong một thời gian dài các chính sách tiền tệ lỏng lẻo. Hậu quả là bùng nổ về nhà ở, kéo theo bùng nổ tín dụng toàn cầu, làm tăng giá cổ phiếu tài chính. Sự lỏng lẻo trong quản lý và điều tiết đối với lĩnh vực tài chính, cùng với môi trường kinh tế, tài chính thiếu lành mạnh góp phần làm khủng hoảng trầm trọng hơn...
Nhưng dù nguyên nhân được xác định là gì, thì cũng có thể thấy cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính đang diễn ra khác với các cuộc khủng hoảng tài chính xảy ra trong lịch sử ở ba điểm chính. Thứ nhất, chính Mỹ đã châm ngòi cho khủng hoảng, chứ không phải quốc gia nào khác như những lần khủng hoảng trước. Thứ hai, các nhà hoạch định chính sách và chuyên gia kinh tế chưa hề được chuẩn bị trước việc Mỹ rơi vào khủng hoảng, nên chậm đưa ra giải pháp cứu nền kinh tế đầu tàu này của thế giới. Thực tế, toàn cầu hóa đã kết nối toàn bộ hệ thống tài chính và các nền kinh tế toàn cầu, tuy nhiên, mức độ liên kết này cũng không được hiểu thấu đáo trước thời điểm xảy ra khủng hoảng. Vì vậy, các giải pháp toàn diện mang tính toàn cầu đã chậm được đưa ra. Thứ ba, các cuộc khủng hoảng trước thường bắt nguồn từ khu vực tài chính, lan sang lĩnh vực kinh tế, sau đó quay lại làm suy yếu khu vực tài chính, tiếp tục làm suy yếu lĩnh vực kinh tế. Tuy nhiên, với cuộc khủng hoảng đang diễn ra, người ta không phân biệt được gốc rễ bắt nguồn từ khu vực tài chính, do sụp đổ tín dụng; hay từ lĩnh vực kinh tế, do thị trường nhà ở sụp đổ. Các nhà hoạch định chính sách phải mất khá lâu mới nhận ra thực tế họ phải đối mặt khủng hoảng kép: khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế. Trong một cuộc thảo luận về khủng hoảng kinh tế Nhật Bản cuối những năm 90 của thế kỷ trước, người ta không đạt đồng thuận khi tìm câu trả lời cho câu hỏi "chọn gà hay trứng" - phục hồi kinh tế, hay phục hồi khu vực tài chính trước. Câu trả lời "chọn đồng thời cả hai giải pháp" lúc đó không được ủng hộ rộng rãi; và đến cuộc khủng hoảng hiện nay cũng vẫn không được nhất trí...
Bài học từ khủng hoảng
Do thiếu nhất trí về nguyên nhân gây khủng hoảng, cho nên có thể hàng chục năm nữa các học giả và các nhà làm chính sách sẽ vẫn còn tiếp tục tranh cãi về các bài học đúc kết từ cuộc khủng hoảng hiện nay. Tuy nhiên, theo Edwin Truman, có 11 bài học được xếp theo năm nhóm như sau:
Nhận định quá tốt đẹp có thể sai lầm: Kinh tế thế giới tăng trưởng mức bình quân 4,7% giai đoạn 2003 - 2007. Tháng 4-2007, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự đoán tăng trưởng kinh tế toàn cầu tiếp tục tăng mức 4,9% trong các năm 2007 và 2008. Tháng 4-2008, tiếp tục dự báo mức tương tự năm 2008 và 3,8% năm 2009. Ðến tháng 4-2009, IMF dự báo, kinh tế toàn cầu tăng trưởng âm 1,3% năm 2009 và phục hồi nhẹ năm 2010. Trên thực tế, các con số trên đều sai lệch. Dự báo của IMF cùng chung nhận định với các thể chế kinh tế, tài chính và tổ chức dự báo quốc tế khác. Ðiều này cho thấy, hầu hết các nhà kinh tế không dự đoán được sự đảo chiều của chu kỳ kinh tế. Bài học rút ra: Khi kinh tế thế giới tăng trưởng nhanh và liên tục trong nhiều năm, thì sự đảo chiều là tất yếu và gây ra hậu quả nặng nề. Toàn cầu hóa thương mại và tài chính đã liên kết các quốc gia ở mức độ cao hơn nhiều so với mười năm trước. Mọi cuộc khủng hoảng tác động đến một nước, hoặc một nhóm nước này cũng tác động đến một nước, hoặc một nhóm nước này khác.
Cần chuẩn bị tốt hơn: Xuất phát từ quan điểm mọi quốc gia, mọi nền kinh tế đều "bình đẳng" trước khủng hoảng, Edwin Truman không nhất trí với đánh giá rằng, các nước đang phát triển là nạn nhân và chịu hậu quả nặng nề từ cuộc khủng hoảng hiện nay, xuất phát từ nước giàu, chứ không phải do chính sách kinh tế - tài chính của những nước này. Tuy nhiên, nếu được chuẩn bị tốt hơn và có khả năng đối phó các cú sốc từ bên ngoài thông qua việc sử dụng các công cụ chính sách trong nước, thì các nước có thể vững vàng đối phó khủng hoảng.
Cần xây dựng khuôn khổ chính sách tài chính - tiền tệ lành mạnh: Edwin Truman không đồng ý với nhận định rằng các quốc gia cần chuẩn bị về mặt tài chính để tự bảo hiểm trước các cuộc khủng hoảng trong tương lai. Việc các chính phủ cất giữ lượng dự trữ ngoại tệ lớn không có lợi cho sự vận hành của hệ thống tài chính và nền kinh tế toàn cầu. Việc này chỉ giúp hạn chế, chứ không bảo đảm để một quốc gia có thể đứng vững trong khủng hoảng, khi thương mại quốc tế suy giảm, giá cả hàng nhập khẩu tăng mạnh và nguồn vốn đầu tư bị rút về. Thay vào đó, các nước cần tự bảo hiểm đề phòng khủng hoảng bằng cách xây dựng khuôn khổ chính sách tài chính - kinh tế lành mạnh.
Vai trò của IMF: Những bài học có thể rút ra từ khủng hoảng đối với vai trò của IMF có thể bao gồm: IMF vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ tài chính cho các chính phủ thành viên. Nhóm G20 đã thông qua quỹ cho vay 250 tỷ USD để bảo đảm IMF có đủ nguồn lực hỗ trợ các nước trong trường hợp khẩn cấp; hệ thống tài chính mang tính toàn cầu, do đó các nước đang phát triển cần phối hợp IMF để điều tiết và kiểm soát tài chính, giám sát việc các nước áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế đã được thông qua, nhằm giữ ổn định hệ thống tài chính quốc gia, cũng như lưu chuyển dòng tiền tệ quốc tế.
Tương lai toàn cầu hóa: Toàn cầu hóa là yếu tố tác động không nhỏ đến khủng hoảng tài chính, kinh tế, tuy nhiên các nước không nên quay lưng với toàn cầu hóa. Việc cần làm là tìm các biện pháp tăng cường vai trò của các thể chế quốc tế, như IMF hay WB và các ngân hàng phát triển khu vực; chống sức ép bảo hộ mậu dịch và tài chính. Vì trên thực tế, tình hình chắc chắn xấu đi, nếu hệ thống thương mại quốc tế và lưu chuyển tài chính sụp đổ. Và, hậu quả của khủng hoảng đối với kinh tế các quốc gia và hệ thống tài chính toàn cầu sẽ càng trầm trọng.
(Theo Nhân dân điện tử)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com