|
WikiLeaks từng khiến thế giới Internet chao đảo suốt tháng 12/2010. |
Pháp là quốc gia năng động nhất về gián điệp công nghiệp trong số các quốc gia châu Âu, thậm chí vượt trội hơn cả Trung Quốc và Nga, nhật báo Na Uy Aftenposten dẫn một bức điện tín mật của Đại sứ quán Mỹ ở Berlin cho biết.
Tháng trước, tờ báo này cho biết đã nắm giữ toàn bộ 250.000 bức điện tín ngoại giao của các sứ quán Mỹ mà WikiLeaks "móc" được.
Aftenposten còn công bố lời than phiền của chủ tịch một tập đoàn công nghiệp Đức mà bức điện mật của sứ quán Mỹ trích lại. Ông Berry Smutny, Tổng giám đốc tập đoàn chế tạo vệ tinh OHB Technology được kể lại là vào tháng 10 năm 2009 có nói rằng “Pháp là đế chế của cái Ác về việc đánh cắp công nghệ và nước Đức biết rõ chuyện này”.
OHB đã trở thành công ty đại chúng hồi tháng 1/2010, sau khi hãng này giành được hợp đồng cung cấp nhiều vệ tinh cho cho hệ thống dẫn đường Galileo sau khi loại đối thủ Astrium, một chi nhánh của tập đoàn hàng không không gian châu Âu EADS.
Báo Aftenposten cho biết, Pháp và Đức cạnh tranh nhau trong lãnh vực vệ tinh do thám. Theo những tài liệu mật của WikiLeaks, Đức nghiên cứu một chương trình vệ tinh quan sát riêng với sự giúp đỡ của Mỹ, bất chấp sự phản đối từ Pháp. Trong khi, Paris muốn chủ động chỉ đạo một hệ thống vệ tinh Hélios chung cho châu Âu, độc lập với Mỹ.
Tuy nhiên, Andreas Schuetz, phát ngôn viên Trung tâm hàng không vũ trụ Đức cho biết, dự án về vệ tinh nhân tạo quang học có độ phân giải cao tên là “HIROS” đã được hai bên thảo luận trong vòng hai năm qua. “HIROS không phải là vệ tinh do thám, cũng không phải là một dự án bí mật”, ông Schuetz nhấn mạnh. Tuy nhiên, ông từ chối cung cấp thêm bất cứ thông tin chi tiết nào về dự án này.
Cũng liên quan tới WikiLeaks, ngân hàng Bank of America đang hoảng sợ trước những lời đe dọa rằng trang web này sẽ công bố thông tin chứng minh tình trạng tham nhũng của một trong các ngân hàng lớn nhất nước Mỹ vào đầu năm 2011.
Hôm 29/11/2010, nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange khẳng định ông có ý định “lật đổ” một ngân hàng lớn của Mỹ và tiết lộ hệ thống tham nhũng ở đó bằng tài liệu từ ổ cứng của một ủy viên quản trị. Tuy vậy, Assange chưa từng khẳng định rằng tài liệu ông ta có được xuất phát từ Bank of America hay từ đâu.
Tờ New York Times tiết lộ, Bruce R. Thompson, trưởng bộ phận đối phó với các nguy cơ của Bank of America, đã thành lập một ủy ban điều tra gồm khoảng 15-20 quan chức hàng đầu để tập trung nghiên cứu hàng ngàn tài liệu nội bộ với nỗ lực xác định nguồn gốc rò rỉ thông tin, đồng thời, xem xét từng trường hợp mất máy tính và săn tìm mọi dấu hiệu cho thấy các hệ thống hoạt động của ngân hàng có thể bị tổn hại.
Thêm vào đó, ngân hàng trên còn mời hãng tư vấn Booz Allen Hamilton đến hỗ trợ vụ này. Ngân hàng cũng tìm lời khuyên từ một số hãng luật hàng đầu về các vấn đề pháp lý có thể nảy sinh, kể cả trách nhiệm pháp lý của ngân hàng nếu thông tin cá nhân của khách hàng bị tiết lộ.