Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Giải pháp phát triển thành phố thông minh

Minh họa: Khều.

Khái niệm ngôi nhà thông minh (smarthome), tòa nhà thông minh (smartbuilding) và lớn hơn là thành phố thông minh (smartcity) đang được các nhà cung cấp giải pháp công nghệ thông tin - viễn thông nhắc đến nhiều ở Việt Nam trong thời gian gần đây. Thông qua việc trình bày về những mô hình cùng xu hướng phát triển thành phố thông minh trong tương lai tại các cuộc hội thảo được tổ chức lần lượt ở Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng, các nhà cung cấp giải pháp đang nhắm tới việc kích thích một xu hướng tiêu dùng mới nơi các nhà ứng dụng.

Các chuyên gia tham dự buổi hội thảo liên quan đến chủ đề đô thị thông minh do Bộ Xây dựng phối hợp cùng Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức ở Hà Nội vào trung tuần tháng 7 vừa qua đã mang đến những khái niệm về thành phố thông minh, tựu chung lại là nơi mà cấp quản lý đô thị ứng dụng những thành tựu công nghệ thông tin - viễn thông (ICT) một cách mạnh mẽ vào hoạt động điều hành, cụ thể là trong việc cung cấp dịch vụ hành chính công, quản lý môi trường đô thị… Người dân sinh sống ở nơi đây cũng ứng dụng ICT để tương tác với chính quyền thành phố, sử dụng các dịch vụ công trực tuyến. Một số mô hình thành phố thông minh đã được thực hiện tại các thành phố San Francisco (Mỹ), Songdo (Hàn Quốc).

Từ những giải pháp đơn lẻ

Ở Việt Nam, trong mục tiêu thúc đẩy xu hướng phát triển đô thị thông minh, một số tập đoàn công nghệ cách đây vài năm đã bắt đầu ý tưởng cung cấp giải pháp thông minh ứng dụng trong một số lĩnh vực công như y tế, giáo dục. Hãng Ericsson (Thụy Điển) đang bắt đầu triển khai việc cung cấp giải pháp hệ thống kết nối thông tin trong ngành y tế nhằm hướng tới mô hình y tế điện tử ở Việt Nam, sau khi đã triển khai tại nhiều quốc gia trên thế giới. Ericsson đã phối hợp với bệnh viện đa khoa tư nhân Tràng An ở Hà Nội để thực hiện thí điểm kế hoạch nói trên. Với giải pháp này, bác sĩ và bệnh nhân có thể liên lạc để khám bệnh (những chứng bệnh phổ biến như hen suyễn, tim mạch, huyết áp) qua điện thoại di động mà không cần gặp mặt trực tiếp như cách thức truyền thống. Dự kiến sau khi việc thí điểm ở bệnh viện Tràng An có kết quả tốt thì Ericsson sẽ triển khai tại các bệnh viện khác trên cả nước.

Hệ thống kết nối thông tin trong y tế của Ericsson được cấu tạo bởi nhiều thành phần có thể hoạt động độc lập và phối hợp lại thành từng gói giải pháp tùy theo quy mô và các cấp độ đầu tư. Các thành phần này gồm: cơ sở dữ liệu về bệnh án y tế, cơ sở dữ liệu về bệnh nhân, cơ sở dữ liệu về các cơ sở y tế và các dịch vụ tích hợp cơ bản, đơn thuốc điện tử, dịch vụ tư vấn bởi bác sĩ điện tử, dịch vụ đặt chỗ khám điện tử, hệ thống báo cáo và phân tích... Theo ông Jan Wassenius, Tổng giám đốc Ericsson Việt Nam, giải pháp này được kỳ vọng sẽ góp phần làm giảm bớt tình trạng quá tải tại các bệnh viện hoặc cơ sở điều trị y tế ở Việt Nam hiện nay. Ericsson chọn thời điểm mạng di động băng thông rộng (3G) đã sẵn sàng mới bắt đầu triển khai giải pháp ở Việt Nam.

Khác với các nhà cung cấp giải pháp nước ngoài, Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghệ Ngôi nhà Thông minh (Bkav SmartHome) lại chọn lựa phân khúc thị trường nhà ở cá nhân để cung cấp giải pháp phục vụ nhu cầu sinh hoạt của hộ gia đình. Ông Vũ Thanh Thắng, Giám đốc Bkav SmartHome, cho biết hiện công ty mới đưa ra thị trường những giải pháp đơn lẻ như hệ thống xả nước cảm ứng, hệ thống chiếu sáng thông minh... Dự kiến, ngôi nhà thông minh hoàn chỉnh của SmartHome sẽ ra mắt khách hàng vào cuối năm nay với khoảng 20-30 thiết bị bên trong được lập trình sẵn. Mỗi thiết bị sẽ điều khiển một hệ thống như điện, nước, điều hòa nhiệt độ, ánh sáng… Người sử dụng có thể lập trình sẵn cho ngôi nhà của mình thông qua điện thoại di động hay máy tính có kết nối Internet.

Đến một hệ sinh thái giải pháp

Hướng tới mục tiêu mang tính dài hạn, một số tập đoàn công nghệ nước ngoài đã có chiến lược xây dựng cả một hệ sinh thái giải pháp cho đô thị thông minh ở Việt Nam. Có  thể kể đến những gương mặt tiên phong như Cisco, IBM, HP, Siemens… với nhiều ý tưởng và mô hình khá phong phú. Cisco mang đến thông điệp “Cộng đồng thông minh + kết nối” trong khi IBM là “Hành tinh  thông minh”. Có một điểm đặc biệt là các tập đoàn này chưa cung cấp giải pháp trọn gói cho mô hình thành phố thông minh mà chỉ một phần trong đó, phần còn lại do các đối tác của họ – những nhà cung cấp giải pháp ICT khác – cung cấp. Tuy nhiên, không thể phủ nhận việc các tập đoàn này đang dẫn dắt một xu hướng mới về việc thúc đẩy ứng dụng vào việc phát triển đô thị thông minh ở thị trường Việt Nam.

Ông Phan Thanh Sơn, Giám đốc công nghệ của Cisco Việt Nam, cho biết xu hướng thành phố thông minh đã mở ra một thị trường mới cho cả ngành cung cấp dịch vụ ICT, trong đó có cả các đối thủ cạnh tranh của chính Cisco. Tuy nhiên, những doanh nghiệp đi tiên phong trong xu hướng này đã cho thấy vai trò của người đi đầu trong việc đưa ra tầm nhìn và là những nhà cung ứng đầu tiên tiếp cận với khách hàng. Bên cạnh đó, họ có thể đi trước thị trường một bước về công nghệ và trở thành nhà cung cấp đầu tiên trên thị trường và có khả năng chiếm thị phần cao. Theo ông Sơn, Cisco có thể tham gia xây dựng thành phố hay tòa nhà thông minh từ khâu tư vấn ý tưởng đến khâu triển khai. Tùy theo yêu cầu của mỗi khách hàng mà doanh nghiệp sẽ lựa chọn đối tác khác nhau.

Dịch vụ tư vấn trong quy hoạch đô thị đã có từ lâu nhưng cùng với khái niệm thành phố thông minh, Cisco đã đưa công nghệ thông tin (CNTT) trở thành một thành phần trong công tác tư vấn quy hoạch phát triển đô thị.

Hiện tại, ARUP – một tập đoàn chuyên về tư vấn thiết kế, quy hoạch đô thị – cũng là một nhà tư vấn độc lập nằm trong hệ sinh thái các đối tác của Cisco. Ông Michael Tormody, Giám đốc khu vực châu Á, phụ trách CNTT và tư vấn thực tiễn về rủi ro của ARUP, cho biết doanh nghiệp này sẵn sàng tư vấn cho các cấp quản lý ở các thành phố, khu đô thị ở Việt Nam muốn phát triển theo xu hướng thành phố thông minh.

Nằm trong hệ sinh thái các đối tác của Cisco còn có nhiều doanh nghiệp như APC, nhà cung cấp phần mềm, phần cứng và những dịch vụ về gia tăng hiệu quả năng lượng, TE Connectivity chuyên về năng lượng điện và dữ liệu, Dimension Data chuyên về quản lý nâng cao chất lượng và cải tiến cơ sở hạ tầng CNTT, Panduit chuyên cung cấp giải pháp về điện và hệ thống mạng. Chưa kể đến Korean Telecom, nhà cung cấp dịch vụ vận hành đô thị thông minh, cũng đã thông qua Cisco để tiếp cận thị trường Việt Nam.

Cơ hội từ thị trường mới

Đà Nẵng được xem là một trong những thành phố đầu tiên ở Việt Nam hướng đến mô hình thành phố thông minh. Ông Phạm Kim Sơn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông của Đà Nẵng, cho biết thành phố này đang hướng đến đến mục tiêu là thành phố điện tử vào năm 2020. Để đạt được mục tiêu này, Đà Nẵng đang xây dựng nền tảng kết nối cho thành phố, xây dựng chính quyền điện tử để thích ứng với yêu cầu quản lý hiện đại và ứng dụng các giải pháp ICT trong công tác quản lý các nguồn lực, giám sát và xử lý ô nhiễm môi trường, chỉnh trang và phát triển hạ tầng đô thị. Trong ba năm liên tiếp, 2008, 2009 và 2010, Đà Nẵng luôn đứng đầu về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Ngoài Đà Nẵng, chính quyền hai thành phố Hà Nội và TPHCM cũng đã có các cuộc tiếp xúc với các tập đoàn công nghệ quốc tế để chọn lựa đối tác cho việc lập quy hoạch chiến lược và triển khai mô hình thành phố thông minh.

(Vân Ly)

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • TVC Online hiệu quả hơn quảng cáo trên TV kênh nhỏ
  • Từ chuyện gả chồng cho Ngân Lượng
  • Quảng cáo trực tuyến: Công nghệ Re-Targeting gia tăng nhận diện thương hiệu
  • Nobel Kinh tế 2012 có ích cho… ghép thận
  • Cuộc chiến khốc liệt chợ thật – chợ ảo
  • Phương thức thanh toán di động Facebook tệ nhất
  • 10 dấu ấn công nghệ của Steve Jobs
  • Yevgeny Kaspersky – Hiệp sĩ trong cuộc chiến tranh mạng
  • Smartphone sẽ mạnh hơn cả PlayStation 3?
  • Văn phòng ảo – giải pháp thời khó khăn
  • Thanh toán trực tuyến: vẫn chờ một định hướng
  • Làm thế nào để chống lại các cuộc tấn công mạng?
  • Vì sao kết nối “đô thị thông minh” bị quên lãng?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com