Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thanh toán trực tuyến: vẫn chờ một định hướng

Những trục trặc và sự cố kỹ thuật xảy ra trong quá trình sử dụng các phương tiện thanh toán điện tử đã phần nào khiến người tiêu dùng e ngại. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả là lĩnh vực này vẫn đang chờ một sự định hướng và kế hoạch tổng thể từ Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cho sự phát triển của mình trong dài hạn. Từ định hướng ấy sẽ có hành lang pháp lý và theo đó các chuẩn mực trong phương thức thanh toán điện tử cũng sẽ được ban hành.

Theo bản báo cáo của Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam, tính đến cuối năm 2010, tổng số lượng thẻ phát hành trên toàn thị trường đạt hơn 31,7 triệu thẻ các loại. Tuy nhiên, phần lớn người ta sử dụng thẻ chỉ để giao dịch rút tiền mặt, với doanh số chiếm hơn 80%. Ba phương tiện thanh toán điện tử chủ đạo ở thị trường Việt Nam hiện nay là thẻ ngân hàng, ví điện tử và tài khoản. Trong đó, thẻ ngân hàng hiện được sử dụng rộng rãi nhất nhưng lại không được tận dụng những lợi thế của nó. Còn dịch vụ ví điện tử, theo thống kê của Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước đã có hơn 70.000 ví được cung cấp bởi năm nhà cung ứng dịch vụ, thì lại đang rơi vào tình trạng phát triển tự phát.

Vậy những nguyên nhân nào dẫn đến việc người tiêu dùng vẫn chưa mấy mặn mà với việc thanh toán điện tử?Thứ nhất là việc thiếu hành lang pháp lý. Đã gần sáu năm trôi qua kể từ ngày Luật Giao dịch điện tử được ban hành nhưng hệ thống pháp lý về bảo vệ người tiêu dùng trực tuyến hầu như chưa có. Trong khi đó, các hình thức mua bán qua mạng phát triển tự phát và các chế tài xử lý các hành vi gian lận, giải quyết tranh chấp trong thương mại điện tử thường chưa bảo vệ được những lợi ích chính đáng cho người mua hàng.

Một ví dụ tiêu biểu là dịch vụ ví điện tử. Hơn lúc nào hết, thị trường này đang trông chờ thông tư của Ngân hàng Nhà nước quy định các điều kiện cho việc cung cấp dịch vụ, tạo điều kiện cho phương tiện thanh toán điện tử tiềm năng này phát triển trên cơ sở bảo đảm khả năng thanh toán và quản lý rủi ro. Hiện tại, một số nhà cung cấp dịch vụ ví điện tử dù chưa được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép thí điểm dịch vụ và chưa có sự kết nối với các tài khoản ở ngân hàng vẫn phát hành ví điện tử ra thị trường, điều này ẩn chứa nhiều rủi ro cho người sử dụng và xã hội.

Nguyên nhân thứ hai có thể kể đến là mối liên kết giữa Nhà nước, các ngân hàng và tổ chức cung cấp giải pháp, dịch vụ thanh toán điện tử vẫn còn lỏng lẻo, từ đó dẫn đến việc nhà cung cấp dịch vụ chưa tạo được sự tin cậy nơi người tiêu dùng.

Những năm gần đây, hoạt động thanh toán trực tuyến ở Việt Nam được thúc đẩy phát triển với sự xuất hiện của 53.952 điểm thanh toán chấp nhận thẻ (POS – Point of Sale), 11.696 ATM (theo bản báo cáo của Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam, 2010). Tuy nhiên, một điều quan trọng mà các doanh nghiệp, các ngân hàng chưa thực hiện mạnh mẽ chính là sự liên kết, hợp tác, liên thông và đồng bộ hóa.

Trong thực tế, người tiêu dùng có thể bắt gặp tại quầy thu ngân của một siêu thị cùng một lúc bày biện sáu POS, và trong một trung tâm thương mại lại có đến năm ATM của năm ngân hàng khác nhau.

Một nguyên nhân khác không thể không nhắc đến khi đề cập đến màu xám của bức tranh thanh toán điện tử là thói quen tiêu tiền mặt của người Việt Nam. Thói quen này đã cắm rễ quá lâu nên thực sự là một rào cản không nhỏ trong việc thúc đẩy thương mại điện tử nói chung và thanh toán trực tuyến nói riêng.

Ngay cả ở một quốc gia có nền thương mại điện tử phát triển hiện đại cùng hành lang pháp lý chặt chẽ cho các giao dịch điện tử là Mỹ thì chỉ riêng trong năm 2010, chính phủ vẫn phải tốn đến 615 triệu đô la Mỹ cho việc in ấn tiền mới, chưa kể các chi phí khác (theo nguồn tin từ CNBC). Con số này ở Việt Nam hiện chưa được công bố, nhưng có lẽ cũng không phải là thấp.

Điều quan trọng hiện nay là hoạt động thanh toán trực tuyến cần có hành lang pháp lý và các chuẩn mực cụ thể, chặt chẽ. Thiếu sự điều chỉnh của các chính sách và quy định vĩ mô, lĩnh vực này sẽ phát triển dưới dạng tự phát với nhiều rủi ro tiềm ẩn mang tính chất hệ thống có thể bộc phát. Mặt khác, nếu không có những chính sách khuyến khích, hỗ trợ hợp lý, lĩnh vực này cũng sẽ chỉ dừng ở mức độ tiềm năng mà không thể lớn mạnh và đem đến lợi ích cho người tiêu dùng.

Với các ngân hàng, việc cung cấp các dịch vụ thanh toán điện tử đa dạng cho mọi đối tượng khách hàng cũng là một giải pháp giúp tăng thêm lợi nhuận. Vậy nên các ngân hàng cần đồng bộ hóa phương tiện và kênh thanh toán, cũng như cân đối giữa sự thuận tiện và yêu cầu bảo mật nhằm góp phần nhanh chóng thay đổi thói quen của người tiêu dùng để họ mạnh dạn đến với phương thức thanh toán hiện đại này.

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • TVC Online hiệu quả hơn quảng cáo trên TV kênh nhỏ
  • Từ chuyện gả chồng cho Ngân Lượng
  • Quảng cáo trực tuyến: Công nghệ Re-Targeting gia tăng nhận diện thương hiệu
  • Nobel Kinh tế 2012 có ích cho… ghép thận
  • Cuộc chiến khốc liệt chợ thật – chợ ảo
  • Làm thế nào để chống lại các cuộc tấn công mạng?
  • Vì sao kết nối “đô thị thông minh” bị quên lãng?
  • Điểm nóng công nghệ: Ví điện tử sẽ lên ngôi
  • Học thương mại điện tử trực tuyến
  • Bùng nổ thị trường nội dung số
  • Hái ra vàng nhờ bảo mật di động
  • Facebook đang dần 'thất sủng'
  • Ứng phó trong môi trường di động
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com