Để bảo vệ tác quyền, Google chỉ cho phép người sử dụng Internet xem sách ngay trên trang web Google Books nhưng không thể tải về được. |
Bắt nguồn từ thị trường giao dịch thương mại truyền thống, cùng với sự nhanh chóng và tiện lợi của Internet, thị trường thương mại điện tử đã hình thành và tăng trưởng nhanh trong suốt hai thập kỷ qua. Để phù hợp với sự phát triển này, sự hiểu biết và thực thi quyền sở hữu trí tuệ cũng phải có sự mở rộng tương ứng.
Bằng phát minh - sáng chế Trên thế giới, việc bảo hộ phát minh - sáng chế là bảo hộ tài sản vô hình có giá trị của các doanh nghiệp đã đăng ký, và trong trường hợp có doanh nghiệp khác sử dụng những kỹ thuật tương tự thì các doanh nghiệp đã đăng ký sẽ được bồi thường hoặc được chia sẻ lợi nhuận. Năm 2006, tập đoàn Google khi triển khai dịch vụ Google Talk đã phải đối mặt với vụ kiện về phát minh - sáng chế từ công ty ít tiếng tăm hơn là Rates Technology. Công ty Rates Technology đã đăng ký bằng phát minh - sáng chế về “phương pháp giảm thiểu tối đa chi phí điện thoại đường dài qua Internet”, một phát minh cơ bản của VoIP. Giá trị được yêu cầu bồi thường khởi điểm lên đến 5 tỷ đô-la Mỹ, tuy nhiên, kết quả thương thảo của vụ kiện sau này đã được hai công ty giữ kín. Vụ kiện đã thu hút sự quan tâm trong cộng đồng mạng tại Mỹ và làm tốn không ít giấy mực của báo chí trong suốt năm đó. Môi trường Internet phát triển nhanh chóng, ngoài những tiện ích to lớn mang lại cho người sử dụng cũng đồng thời kéo theo những rủi ro lớn cho việc bảo hộ phát minh - sáng chế. Điều này xuất phát từ hai yếu tố chính là khả năng tiếp cận thông tin và khả năng phát tán thông tin quá dễ dàng trong môi trường mạng. Tại Việt Nam, việc đăng ký bằng phát minh - sáng chế cho sản phẩm và dịch vụ còn gặp nhiều khó khăn về mặt thủ tục và thời gian (trung bình khoảng 12 tháng) và cũng chưa có được sự quan tâm đúng mức của doanh nghiệp. Trên thực tế, người tiêu dùng trong nước vẫn sẵn lòng chấp nhận sử dụng sản phẩm, dịch vụ mà trong đó ý tưởng, thiết kế, kỹ thuật… được nhái lại và việc một số doanh nghiệp, nhà kinh doanh sử dụng cả nội dung lẫn hình ảnh của sản phẩm hay dịch vụ đã được đăng tải trên trang web của doanh nghiệp khác vẫn đang là một thực trạng chưa được giải quyết triệt để. Bản quyền - tác quyền Ngoài những vấn đề về sở hữu trí tuệ nêu trên liên quan đến bản chất vận hành của hệ thống thương mại điện tử thì doanh nghiệp còn phải đối mặt với vấn đề bản quyền - tác quyền vốn có liên quan đến hàng hóa giao dịch trong thị trường ảo này. Rất nhiều hàng hóa trong thị trường ảo ngày nay là hàng hóa số (digital content): sách, báo, tài liệu, nhạc, phim ảnh, phần mềm, dịch vụ… Hàng hóa số thường dễ dàng nhân bản và phát tán, do đó, việc bảo vệ bản quyền - tác quyền cho nguồn gốc của hàng hóa số là vô cùng khó khăn. Một quyển sách hay có thể dễ dàng được số hóa và kinh doanh qua Internet, như vậy việc bảo vệ tác quyền gần như là không khả thi. Ứng dụng công nghệ thường được xem là một giải pháp trong việc bảo vệ tác quyền. Tại trang web Google Books, người sử dụng có thể xem sách ngay trên trang web nhưng lại không tải (download) về được. Nếu người sử dụng thích một đầu sách thì có thể mua, sau đó Google mới cho tải về. Cách làm này thật ra cũng chỉ có thể bảo hộ được tác quyền tại trang web của Google, còn sau khi người mua tải về rồi thì việc nhân bản và phát tán tiếp vẫn không thể kiểm soát được. Cuộc chiến công nghệ thường là cuộc chiến không có hồi kết, chỉ sau một thời gian, đã xuất hiện phần mềm Google Books Downloader trên Internet, có thể cho người sử dụng tải sách trong quá trình xem tại Google Books (đương nhiên là không được sự cho phép của Google). Câu chuyện nói trên cho thấy các doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa số thường phải tính toán trước những rủi ro, có những biện pháp phòng ngừa hữu hiệu hoặc có những giải pháp kinh doanh phù hợp. Sở hữu trí tuệ trong giá trị doanh nghiệp Sở hữu trí tuệ (nhãn hiệu hàng hóa, phát minh - sáng chế, bản quyền - tác quyền) chính là tài sản vô hình liên quan trực tiếp đến giá trị của doanh nghiệp. Ngày nay, việc Việt Nam đã là một thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và là quốc gia đang phát triển, vấn đề sở hữu trí tuệ càng đóng vai trò quan trọng trong việc hoạch định các kế hoạch cạnh tranh toàn cầu và bảo hộ toàn cầu. Từ chương trình hành động chung của WTO về thương mại điện tử, khởi động từ năm 1998, có thể nhận thấy chương trình này xoay quanh năm vấn đề lớn xuyên suốt. Thứ nhất, đó là cuộc tranh luận xoay quanh câu hỏi: Thương mại điện tử là thương mại hàng hóa hay thương mại dịch vụ. Kế tiếp là thuế quan đối với hàng hóa được truyền tải bằng phương tiện điện tử. Mối quan tâm thứ ba đó là xuất xứ hàng hóa, tiếp theo là quyền sở hữu trí tuệ và các vấn đề có liên quan. Vấn đề cuối cùng là hiệu lực của Hiệp định Công nghệ thông tin (ITA). Bảo vệ tài sản trí tuệ số là một vấn đề đa dạng và phức tạp nhưng lại là một nhu cầu không thể thiếu được để một doanh nghiệp có thể phát triển bền vững trong môi trường toàn cầu hóa hiện nay và trong thời đại mà nền kinh tế tri thức đang dần trở thành định hướng phát triển của tất cả các quốc gia. Các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ và bảo vệ tài sản trí tuệ đã được đưa vào một trong năm vấn đề nghị sự lớn được thảo luận xuyên suốt trong chương trình Hành động chung của WTO về Thương mại điện tử toàn cầu từ năm 1998 đến nay. Để có thể bảo vệ tài sản trí tuệ số, doanh nghiệp trước hết cần xác định rõ những tài sản vô hình quan trọng của công ty mình. Qua đó, không những giúp họ có thể định giá tài sản vô hình của công ty mà còn là tiền đề để đưa ra những chính sách về bảo vệ và phát triển hợp lý những tài sản vô hình đó. Bảo vệ tài sản trí tuệ số của doanh nghiệp có thể được phân thành ba vấn đề chính: bảo mật nội bộ (tránh thất thoát dữ liệu, thông tin từ bên trong công ty), bảo mật vận hành (phòng chống tấn công, đánh cắp dữ liệu từ bên ngoài) và phòng chống sử dụng dữ liệu bất hợp pháp (khách hàng vi phạm các luật về sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm số của công ty). Đã đến lúc doanh nghiệp thương mại điện tử Việt Nam nên có sự quan tâm nghiêm túc đến vấn đề sở hữu trí tuệ và tất cả các góc độ liên quan để có thể cạnh tranh tốt với các đối thủ nước ngoài ngay trên “sân nhà” và giảm thiểu rủi ro khi mở rộng kinh doanh ra “sân khách”.
(Theo Nguyễn Hoàng Ly // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com