Biến điện thoại di động thành tài khoản ngân hàng. |
Loại hình thương mại điện tử di động (M-commerce) đã phát triển nhanh trên toàn cầu từ những năm cuối thập niên 1990, theo sau các sáng kiến khai thác tính năng của điện thoại di động vào mục đích thông tin, quảng cáo, mua sắm, thanh toán và cung cấp chứng từ. Làn sóng ứng dụng được kỳ vọng mạnh nhất ở các nền kinh tế vẫn còn thói quen sử dụng tiền mặt trong giao dịch và những nơi người dân khó có điều kiện tiếp cận với các ngân hàng. Cầm trong tay một chiếc điện thoại di động để điều khiển dòng tiền, dòng hàng hay dịch vụ “chảy” theo ý mình, đó là một điều kỳ diệu.
Tại cuộc hội nghị cấp cao toàn cầu bàn về M-commerce hồi tháng Ba ở Sangri-la (Singapore), các nhà quản lý ngân hàng, công ty khai thác ứng dụng công nghệ thông tin và viễn thông (operator) cùng các doanh nghiệp tham dự đã cho thấy sự bùng nổ của loại hình thương mại này không đơn giản là một hiện tượng mà là một tiến trình hoàn chỉnh thương mại điện tử trong nền thương mại toàn cầu hóa và xã hội hóa ngày nay.
Bằng sự đơn giản và tiện dụng, M-commerce (Mobile e-commerce) kiến tạo thị phần bán lẻ rất quan trọng cho các chợ điện tử (electronic-based markets), điều mà thương mại trực tuyến (Internet e-commerce) với kỹ thuật phức tạp và tốn kém hơn chỉ thích hợp cho các giao dịch có giá trị lớn.
Nguyên nhân bùng nổ
Sự bùng nổ M-commerce trước hết là do số lượng điện thoại di dộng được tiêu thụ trên toàn cầu tăng lên rất nhanh, có khả năng qua mặt số lượng máy tính và máy tính xách tay kể từ năm 2013, thứ hai là do các sáng kiến khai thác thành công điện thoại di động vào việc mua sắm của các nhà triển khai (operator) tiên phong nhắm vào sở thích giản tiện của khách hàng.
Con người ngày nay cần trao đổi nhiều hơn, di chuyển nhiều hơn và tìm cách giải quyết trực tiếp các công việc hay nhu cầu sinh hoạt ở mọi nơi mọi lúc chứ không chờ đợi. Người ta thấy rằng các kỹ thuật tương tác qua đường truyền Internet cũng rất có ích cho người sử dụng điện thoại truyền qua làn sóng vô tuyến.
Từ đây bắt đầu cuộc chạy đua phát triển công nghệ truyền thông, từ hệ thống GSM (Global System for Mobile Communications) của thế hệ 2G lên 2,5G với GPRS (General Packet Radio Service) và EDGE (Enhanced Data GSM Environment) rồi 3G với hệ thống UMTS (Universal Mobile Technology System) chạy trên nền WAP (Wireless Application Protocol). Với 3G người ta có thể tích hợp đầy đủ các tương tác để biến một điện thoại di động thành một máy tính, một ti-vi, một tờ giấy, một trung tâm hội thảo video, một tạp chí, một sổ ghi nhớ, hay thậm chí là một thẻ tín dụng.
Năm 1997, lần đầu tiên điện thoại di động có thể sử dụng để mua tại các cửa hàng Coca Cola ở Helsinki (Phần Lan) thông qua tin nhắn SMS (Short Message Services). Năm sau đó cũng tại Phần Lan, Radiolinja bắt đầu bán đĩa nhạc bằng cách tải xuống điện thoại di động của khách hàng.
Việc bán các hàng hóa có khả năng số hóa (digital content) như đĩa nhạc, nhạc chuông, trò chơi điện tử và cả sách báo, tạp chí cùng với việc bán vé tàu, vé máy bay trở thành truyền thống mở màn cho thương mại di động ở nhiều nước. Năm 1999, Smart Money ở Philippines và i-Mode ở Nhật thiết lập nền tảng thương mại điện tử di động cấp quốc gia. Với sự xuất hiện của thế hệ iPhone, thương mại di động chuyển từ hệ thống SMS vốn nhiều rủi ro sang các ứng dụng hiện tại, được củng cố bởi công nghệ chứng thực và xác thực một lần gọi là OTAC (One Time Authentication Certification) vừa giản tiện vừa an toàn cho các giao dịch tài chính.
Thị phần của M-commerce
Những kinh nghiệm, các ý kiến phân tích mổ xẻ và những giải pháp đưa ra tại cuộc hội nghị Sangri-la cho thấy M-commerce dần chiếm ưu thế trong thị trường bán lẻ. Đây là một thị trường rất lớn và quan trọng vì nó tiếp cận với mọi người và cung cấp nhu yếu cho mỗi người. Đây cũng là uy lực cho các giai đoạn tăng trưởng hay phục hồi của nền kinh tế. Theo trình tự xuất hiện chúng ta có thể điểm danh năm dịch vụ thương mại điện tử di động trong thị phần này như sau:
1. Dịch vụ thông tin - giải trí: Bên cạnh việc phân phối sản phẩm giải trí số hóa như đĩa nhạc, trò chơi, phim ảnh, tạp chí thì dịch vụ cung cấp thông tin ngày càng đa dạng từ chứng khoán, thời tiết đến các chuyến du lịch, khách sạn hay chỗ đậu xe, trạm xăng và các dịch vụ trên đường.
2. Dịch vụ chi trả nhỏ (micropayment): Các chi phí thường nhật và hằng tháng như điện nước, tiền mua vé tàu xe, máy bay hay vé vào cửa câu lạc bộ, hoặc tiền trả taxi và các dịch vụ giao thông đều có thể thanh toán và nhận lại vé hay chứng từ ngay trên điện thoại di động.
3. Dịch vụ mua sắm: Cuộc cạnh tranh giành khách mua sắm qua điện thoại di động sẽ rất sôi nổi với việc nhiều cửa hàng chấp nhận thanh toán, nhiều dây chuyền hàng chuyên dụng và hệ thống siêu thị mở các trang web mua sắm cho khách hàng di động, và cả việc hình thành những siêu thị ảo làm giảm đáng kể giá bán các mặt hàng. Bất cứ lúc nào và ở đâu người sử dụng điện thoại di động đều có thể mua hàng, trả tiền và nhận hàng đúng lúc, đúng địa điểm.
4. Dịch vụ quảng cáo: Khả năng cá nhân hóa đang là thế mạnh của thương mại di động. Khác với việc phải tiếp nhận quá nhiều quảng cáo qua pano, brochure, trang web hay ti-vi, người sử dụng điện thoại di động chỉ cho phép một đoạn quảng cáo mà họ thấy cần xuất hiện trên màn hình. Ngược lại nhà quảng cáo cũng chọn được đúng đối tượng, cung cấp thông tin tức thời và thực hiện chế độ giao tiếp hai chiều vừa giới thiệu vừa lắng nghe chất vấn hay đặt hàng (offer - request).
5. Dịch vụ tài chính nhỏ (microfinance): Trong khi các dịch vụ tài chính lớn thuộc lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm hay chứng khoán đòi hỏi những quy định chặt chẻ và thủ tục phức tạp thì nhiều dự án cung cấp dịch vụ tài chính nhỏ như tín dụng di động và ví điện tử đang đem lại hiệu quả trong việc cải thiện đời sống và đầu tư xóa đói giảm nghèo ở nhiều nước đang phát triển như Philippines.
Tương lai của M-commerce
Nói đến thương mại chúng ta nói đến thanh toán và khi nói đến thương mại điện tử chúng ta phải nói đến ngân hàng, nơi dòng tiền thực được cất trữ để từ đó đi và đến. Cũng tại cuộc hội nghị Sangri-la người ta chia dịch vụ ngân hàng trong thương mại di động làm hai gói với hai khẩu hiệu “Banking the Banked”và “Banking the Unbanked & Microfinance Services”.
Trong đó, gói dịch vụ thứ nhất nhằm tạo cơ sở pháp lý và giải pháp công nghệ an toàn cho việc sử dụng điện thoại di động thực hiện đầy đủ các giao dịch ngân hàng thay thế cho việc phải tới quầy hay nối vào mạng. Còn việc cung cấp gói dịch vụ thứ hai xuất phát từ việc sẽ có hơn 1,2 tỉ người kể từ năm 2012 sử dụng điện thoại di động nhưng không có tài khoản ngân hàng. Người tiêu dùng chờ đợi các sáng kiến và những chính sách để các điện thoại di động trở thành các tài khoản ngân hàng thích ứng với các khoản tài chính nhỏ.
Trên thực tế điện thoại di động đang làm thay đổi cuộc sống và nếu được tích hợp công nghệ cần thiết chúng sẽ trở thành vừa là công cụ liên lạc (communicative), công cụ kết nối (connective), công cụ giao dịch (transactional) vừa là công cụ khảo sát tìm kiếm (intelligence). Trong trường hợp này sự thành công và năng lực cạnh tranh của thương mại di động tùy thuộc vào bốn yếu tố, bao gồm tính sáng tạo của mô hình kinh doanh, khả năng chấp nhận của cộng đồng đối với mô hình, các công nghệ hỗ trợ bảo đảm mô hình vận hành tốt, và cuối cùng khả năng phối hợp triển khai giữa ngân hàng (banker) và công ty triển khai (operator) nhằm khai thác thế mạnh và hạn chế các điểm yếu. Ba yếu tố vẫn tiếp tục chi phối thị hiếu của người áp dụng thương mại di động là tiện nghi, đơn giản và chi phí thấp.
______________________________________
Tài liệu tham khảo:
- M-Commerce World Summit 2010
http://www.symphonyglobal.com/index.php/event/page/m-commerce/programme
- Mobile commerce- Opportunities and Challenges
http://www.gs1.org/docs/mobile/GS1_Mobile_Com_Whitepaper.pdf
- M-Commerce: Challenges and Opportunities
http://www.wireless-center.net/Mobile-and-Wireless/2460.html
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com