Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

CEO Việt học được gì?

Quản trị sự thay đổi là một vấn đề nóng bỏng nhất của các doanh nghiệp Việt Nam. Xin giới thiệu bài viết được trích lược từ cuốn sách "CEO và Hội đồng quản trị" do ông Nguyễn Trung Thẳng, Chủ tịch Masso

Consulting và TS Phạm Trí Hùng viết.

 Chúng ta đang sống trong một thế giới đầy biến động của thế kỷ 21 mà các nhà quản lý và chuyên gia kinh tế phần lớn đều có cùng nhận định: sẽ không còn môi trường kinh doanh ổn định…

CEO thời đại mới

Trong một nền kinh tế ngày càng biến động, sự thay đổi của môi trường kinh doanh xảy ra với tần suất cao hơn, buộc lãnh đạo doanh nghiệp luôn luôn phải dự đoán và thực hiện những thay đổi cần thiết. Quản trị sự thay đổi, vì thế, đang trở nên một trong những đề tài nóng bỏng nhất của các tổ chức doanh nghiệp trong thế kỷ 21 này. Trong khi một số CEO xuất sắc có thể thích ứng và lãnh đạo doanh nghiệp thành công, cũng có những CEO không dễ dàng thích ứng được với những biến động và thay đổi… Trong những trường hợp như thế, HĐQT nên tác động thay đổi CEO.

Sự phá sản và suy thoái của hàng loạt các tập đoàn lớn như GM, Ford, JAL…trong cơn suy thoái kinh tế vừa qua là những minh chứng cho sự yếu kém về năng lực dẫn dắt chuyển đổi của lãnh đạo, mặc dù các doanh nghiệp toàn cầu này sở hữu một hệ thống quản lý chuyên nghiệp và phức tạp. Trong môi trường đầy biến động ngày nay, quản lý tốt chưa đủ, mà khả năng dẫn dắt chuyển đổi tổ chức của lãnh đạo doanh nghiệp là một trong những yếu tố sống còn.

Một trong những kết quả khảo sát của World Economic Forum được thực hiện năm 2002 về khả năng lãnh đạo (leadership) của các CEO trong bối cảnh toàn cầu hóa cho thấy, những nhân tố quan trọng cần thiết cho khả năng lãnh đạo thành công ngày nay bao gồm:

• Khả năng trình bày/chuyển tải những giá trị của tổ chức bên trong và bên ngoài. Với nhân viên là khả năng chuyển tải cho nhân viên nắm bắt được tất cả các giá trị của tổ chức và tác động họ để cùng hướng về những mục tiêu chung, góp phần xây dựng/củng cố văn hóa doanh nghiệp. Với cổ đông: khả năng thông tin và chuyển tải giá trị doanh nghiệp đến cổ đông một cách rõ ràng, từ đó cổ đông có thể nhận thức đúng toàn bộ giá trị của công ty, bao gồm cả giá trị hữu hình và vô hình.

• Lôi kéo sự ủng hộ của tập thể: Mặc dù tố chất cá nhân hết sức quan trọng đối với CEO có khả năng lãnh đạo giỏi, tuy nhiên "một con én không làm nổi mùa xuân". CEO cần biết cách tác động để đạt được sự đồng thuận của tổ chức, các hội đoàn, hiệp hội ngành nghề...

• Kết nối hội đồng quản trị vào vai trò dẫn dắt thay đổi

• Thể hiện trách nhiệm với xã hội

• Bảo vệ danh tiếng doanh nghiệp

• Xây dựng và phát triển nguồn nhân lực

• Thay đổi và cải tiến các qui trình nội bộ

• Kết nối và thường xuyên tương tác với bên hữu quan

Vai trò lãnh đạo trong việc xác định và truyền đạt lại tầm quan trọng của các nhân tố bên ngoài: Nhận định tình hình biến động/dự báo môi trường kinh doanh để chủ động thay đổi chiến lược của công ty, thích ứng với những động thái bất ổn của môi trường và cạnh tranh. CEO và các thành viên HĐQT hơn ai hết có được nhiều điều kiện thuận lợi để thực hiện những việc này. Họ không chỉ có nhiều quan hệ với bên ngoài, đối tác, chính quyền, hiệp hội ngành nghề… mà còn đủ kiến thức, trải nghiệm để nắm bắt những thông tin nhanh nhất về biến động của môi trường kinh doanh và đưa ra những dự báo tương lai cũng như khả năng phân tích tác động đến doanh nghiệp. CEO sẽ lãnh đạo doanh nghiệp thế nào khi các nhân tố sau thay đổi: Sự tác động của kinh tế vĩ mô; Thay đổi chính sách (ví dụ như tín dụng, tỷ giá); Ứng dụng công nghệ mới; Hành vi tiêu dùng thay đổi (dẫn đến công ty phải thay đổi cơ cấu sản phẩm định vị); Sự bão hòa của thị trường nội địa (dẫn đến chuyển hướng quốc tế); Thiếu nguồn lực lao động địa phương chất lượng cao (sử dụng lao động nước ngoài?); Nguồn nguyên liệu cạn kiệt (chuyển địa điểm sản xuất ra nước ngoài?); Nguồn vốn trong nước hạn chế (cần chiến lược tiếp cận đầu tư và niêm yết nước ngoài?).

Trong môi trường đầy biến động ngày nay, khả năng dẫn dắt chuyển đổi tổ chức của lãnh đạo là một trong những yếu tố sống còn.

 Peter Drucker, cây đại thụ của quản trị hiện đại, đã từng đúc kết kinh nghiệm nghiên cứu cả đời về CEO trong một phát biểu một năm trước khi ông qua đời (tháng 11/2005): "CEO là cầu nối giữa các nhân tố bên trong với các nhân tố bên ngoài: xã hội, nền kinh tế, công nghệ, thị trường và khách hàng". 

Bắt bệnh và đốc thúc thay đổi từ bên trong tổ chức: doanh nghiệp cũng không thoát khỏi qui luật vòng đời "sinh, lão, bệnh, tử". Tuy nhiên, sự khác biệt của tổ chức là chúng ta có thể can thiệp vào tổ chức để tạo ra một vòng đời mới. Rất nhiều doanh nghiệp sau khi phát triển và tăng trưởng đến bão hòa, bắt đầu phát sinh nhiều căn bệnh trong đó một trong những bện nan y là bệnh ỳ! Có rất nhiều nguyên nhân tạo nên căn bệnh ỳ như: Sự nhàm chán của công việc; Sự già nua của cán bộ quản lý cấp cao; Sự mệt mỏi của chủ doanh nghiệp; Thiếu văn hóa sáng tạo…

Là tổng điều hành, hơn ai hết, CEO phải cảm nhận được những triệu chứng của căn bệnh ỳ này và chủ động đề xuất sự thay đổi. CEO bậc thầy, Jack Welch của GE, đã từng có đúc kết nổi tiếng dựa trên trải nghiệm điều hành của mình: "Sẵn lòng thay đổi là một thế mạnh, thậm chí nó có làm cho tổ chức bị hỗn loạn, tổn thương trong một thời gian".

Thay đổi để vươn tầm: Đây là một trong những phát biểu được nhiều CEO Việt Nam sử dụng khi tôi tiếp xúc trong quá trình tư vấn các doanh nghiệp. Chủ tịch của một trong những công ty tiêu dùng lớn đã phát biểu: "Hoạt động công ty hiện nay đang tốt, tuy nhiên chúng tôi muốn thay đổi để chuyên nghiệp hóa, làm việc bài bản hơn, năng lực quản trị cao hơn, tăng trưởng cao hơn nữa để không chỉ dẫn đầu thị trường trong nước mà còn vươn ra thị trường quốc tế. Chúng tôi muốn làm việc chuyên nghiệp như những tập đoàn nước ngoài".

Tôi có thể nhận thấy tham vọng lớn của vị chủ doanh nghiệp trong cuộc nói chuyện với ông. Các doanh nghiệp thành công không tự hài lòng với kết quả hiện có mà chủ động muốn thay đổi để phát triển hơn nữa.

CEO Việt học được gì?

Mục đích thay đổi với tầm nhìn rộng như của doanh nhân vừa kể trên là rất tốt nhưng cách thức thay đổi như thế nào thì dường như còn nhiều bất cập! Có nhất thiết phải "giống tập đoàn nước ngoài"? Nhiều doanh nghiệp Việt Nam thường lấy mô hình của các tập đoàn đa quốc gia làm chuẩn, trong khi hiệu quả của chính các tập đoàn "cá mập" ấy cũng còn là một vần đề tranh cãi. Điều này có thể hiểu được khi phần lớn các lãnh đạo doanh nghiệp Việt đều chưa trải nghiệm qua môi trường làm việc quốc tế, cộng với sự tô vẽ của giới truyền thông đã tạo nên những ảo tưởng về sự hoàn hảo về mô hình quản trị của những tập đoàn đa quốc gia.

Vây CEO Việt cần học gì và không học gì ở họ? Điều này đòi hỏi CEO và HĐQT hoặc cần đủ kiến thức để phân tích, hoặc biết sử dụng người tài, hoặc thậm chí tích hợp các nguồn lực bên ngoài (như thuê tư vấn) để hiểu và chọn một hướng đi đúng…

(Doanh nhân)

  • Sở hữu DN nhượng quyền: Xu hướng thời khủng hoảng
  • Giá & tham nhũng
  • Ít tiền, tăng lương hay cắt giảm nhân sự?
  • So găng 2 đại gia bia rượu Habeco - Sabeco
  • Bi kịch của CEO chứng khoán
  • Doanh nghiệp xã hội đang khát vốn
  • Thương hiệu và vài suy nghĩ bên lề
  • Thương hiệu thời trang Việt: Nỗ lực 'quẫy đạp' trên sân nhà
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com