Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Cơ chế giám sát các tập đoàn: Lộn xộn, lỏng lẻo...

LTS: Bộ Chính trị vừa có thông báo kết luận về việc tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, trong đó có đoạn: “Việc thực hiện chức năng quản lý và giám sát vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp có nơi, có lúc bị buông lỏng, vi phạm nghiêm trọng các quy định nhà nước về quản lý vốn đầu tư, làm thất thoát tài sản nhà nước nhưng chậm được phát hiện, xử lý, ngăn chặn, đặc biệt trong quản lý và giám sát việc mở rộng ngành nghề kinh doanh và việc sử dụng vốn đầu tư, hiệu quả đầu tư”. Bài viết sau nêu lên một số đề xuất của chính các nhà quản lý các tập đoàn để khắc phục những yếu kém nói trên.

Trao cho hội đồng quản trị, lãnh đạo của các tập đoàn, tổng công ty… những quyền hạn quá lớn trong đầu tư, kinh doanh và sử dụng vốn của Nhà nước, nhưng lại không đi kèm với cơ chế kiểm soát, giám sát hiệu quả. Đây là tình trạng chung của việc quản lý tài chính ở các doanh nghiệp nhà nước hiện nay.

Có lẽ ngoài Nhà nước ra, không một ông chủ tư nhân nào dám dành cho những người làm thuê quyền hạn rộng như vậy đối với tài sản của mình. Theo quy chế về quản lý tài chính tại các doanh nghiệp nhà nước, hội đồng quản trị có quyền quyết định các dự án đầu tư có giá trị tới 50% tổng giá trị tài sản ghi trên báo cáo tài chính của công ty được công bố tại quý gần nhất.

Bên cạnh đó, hội đồng quản trị hoặc tổng giám đốc công ty nhà nước còn được toàn quyền quyết định đầu tư ra ngoài công ty đối với các dự án có tổng đầu tư ít hơn hoặc bằng một nửa vốn điều lệ của mình. Ngoài ra, các quyền khác liên quan đến huy động vốn; bán, cho thuê, thế chấp, cầm cố tài sản cũng rất rộng rãi, như được huy động tối đa gấp ba lần vốn điều lệ hoặc bán tài sản có giá trị dưới một nửa tổng tài sản của doanh nghiệp mà không cần phải xin phép Bộ Tài chính hay Chính phủ.

“Mỗi tập đoàn, tổng công ty thường có giá trị tài sản từ hàng ngàn đến hàng chục ngàn tỉ đồng. Vì vậy, quyền hạn mà quy chế trao cho hội đồng quản trị hoặc tổng giám đốc các công ty nhà nước rất lớn”, chủ tịch hội đồng quản trị một tổng công ty khẳng định. Điều đáng lo ngại là việc trao quyền hạn rộng rãi cho doanh nghiệp nhà nước lại không đi kèm với cơ chế kiểm tra, giám sát có hiệu quả. Vị chủ tịch hội đồng quản trị trên thừa nhận: “Việc kiểm tra, giám sát hiện nay cực kỳ lộn xộn, lỏng lẻo và không có một cơ chế nào thực sự rõ ràng”. Ông cho biết thêm, cho đến nay các doanh nghiệp nhà nước chưa bắt buộc phải thực hiện chế độ kiểm toán định kỳ, điều mà tất cả công ty đại chúng phải làm. Quy chế về báo cáo đầu tư, tình hình sản xuất kinh doanh định kỳ cũng không thống nhất, mà tùy thuộc vào từng cơ quan cụ thể được ủy quyền làm chủ sở hữu vốn nhà nước. Thông thường, báo cáo chỉ phải làm mỗi năm một lần, nhưng đa phần chỉ mang tính thủ tục, nên chất lượng của báo cáo không cao, độ tin cậy thấp. Ngoài ra, Việt Nam cũng không có một quy định mang tính pháp lý nào liên quan đến việc kiểm tra, giám sát các hoạt động đầu tư của công ty nhà nước.

Trên thực tế, mỗi tập đoàn đều có ban kiểm soát. Chủ tịch hội đồng quản trị một tập đoàn nói: “Trưởng ban kiểm soát của tập đoàn do Thủ tướng bổ nhiệm và có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát hoạt động đầu tư, kinh doanh của các tập đoàn và báo cáo cho cơ quan quản lý cấp trên”. Nhưng vấn đề đặt ra là ban kiểm soát có đủ quyền lực cần thiết trong thực tế để thực hiện nhiệm vụ của mình không, và họ có bị chi phối hoặc thậm chí là vô hiệu hóa bởi lãnh đạo của tập đoàn? Ngoài ra, nhà nước còn có thể giám sát thông qua các cơ quan như thanh tra nhà nước, kiểm toán nhà nước. “Tuy nhiên, việc thanh tra, kiểm toán không phải là quy định bắt buộc và mang tính định kỳ, mà thông thường chỉ được tiến hành khi có dấu hiệu không bình thường nào đó ở các đơn vị”, ông nói thêm.

Hiện nay, các tập đoàn kinh tế nhà nước, theo quy định, đều thuộc quyền quản lý trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ. Các bộ chuyên ngành được Thủ tướng ủy quyền quản lý các tập đoàn về quy hoạch, chiến lược phát triển, kế hoạch đầu tư trung và dài hạn. Còn Bộ Tài chính được ủy quyền quản lý, kiểm tra về tài chính.

Việc trao quyền chủ động trong hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư cho các công ty nhà nước là cần thiết. Nhưng ngay lãnh đạo một số tập đoàn, tổng công ty mà phóng viên TBKTSG phỏng vấn cũng cho rằng, việc trao quyền hạn cần đi đôi với cơ chế kiểm tra, giám sát phù hợp. “Nếu quản lý theo kiểu trước đây, đầu tư gì cũng phải xin phê duyệt, cấp phép thì không ổn, vì không phải cơ quan quản lý nhà nước nào cũng có thể am hiểu hết thực tế kinh doanh của doanh nghiệp. Nhưng để lỏng lẻo như hiện nay cũng không ổn”, chủ tịch hội đồng quản trị một tập đoàn nói.

Theo ông, Chính phủ nên có quy định bắt buộc các tập đoàn phải trình kế hoạch đầu tư, kế hoạch tài chính hàng năm lên cơ quan quản lý chuyên ngành và Bộ Tài chính để phê duyệt. Còn việc đầu tư cho từng dự án cụ thể, thì vẫn thuộc quyền quyết định của hội đồng quản trị như lâu nay. Giải pháp này, vừa giúp cơ quan quản lý nhà nước nắm được kế hoạch đầu tư, kinh doanh của các tập đoàn, vừa bảo đảm cân đối ở tầm vĩ mô, tránh tình trạng đầu tư chồng chéo, phá vỡ quy hoạch chung của mỗi ngành.

(Theo Tấn Đức // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Doanh nghiệp “gia đình trị” chưa thể hết thời?
  • Nâng cao năng lực kinh doanh và quản lý bằng ERP?
  • General Electric đổi chiến lược, tăng trưởng 8%
  • Quản lý trực tuyến – Mô hình quản lý của tương lai (Phần 1)
  • Khoa học quản lý và sự cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên
  • Bắt đầu một “nỗ lực mới” trong cơn khủng hoảng
  • Cách sống sót qua bão khủng hoảng
  • Cân bằng để vượt qua thời điểm biến động
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com