Nếu như các trường kinh doanh của Mỹ không tiến hành thay đổi triệt để, xã hội sẽ tin rằng MBA thật ra chỉ là tấm bằng phục vụ lợi ích cá nhân của chủ sở hữu nó mà thôi.
Ngày này, chúng ta đang tự đưa mình vào vũng lầy kinh tế, nơi mọi người trên khắp thế giới đều đang trút cơn thịnh nộ lên các tập đoàn lớn. Xã hội đã mất niềm tin vào các tổ chức kinh tế như ngân hàng đầu tư, tổ chức xếp hạng tín dụng và ngân hàng trung ương, mà nổi bật lên trong số đó là nơi tôi đã cống hiến gần hết sự nghiệp của mình: các trường kinh doanh.
Khắp nơi, người ta đều đang oán trách những Thạc sĩ quản trị kinh doanh (MBA). Tờ New York Times số ra ngày 3/3/2009 đã đăng nhiều thư phản hồi bài báo nói về áp lực mà thời buổi kinh tế khó khăn hiện nay đặt ra cho sứ mệnh giáo dục con người. Tác giả những bức thư này ám chỉ rằng nhờ nghiên cứu nghệ thuật, lịch sử các nền văn hóa, văn chương, triết học và tôn giáo, con người phát triển sức mạnh tư duy phê bình và lý luận phải trái. Các trường kinh doanh không dạy những kỹ năng này, và theo họ, điều này chính là nguyên nhân vì sao các MBA đưa ra nhiều quyết định thiển cận, phục vụ lợi ích cá nhân mà hậu quả nhãn tiền chính là cuộc khủng hoảng tài chính hiện tại.
Các trường kinh doanh đang phải trả lời câu hỏi về trách nhiệm của họ đối với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay. Ảnh: eypaedesign.com |
Hai ngày trước, một cựu sinh viên của tôi, Philip Delves Broughton, đã được bổ nhiệm phụ trách mục ý kiến nhận định của tờ Times tại London. Tôi vẫn nhớ Philip là một trong những sinh viên giỏi nhất mà tôi từng dạy ở Trường kinh doanh Harvard (HBS), và trong bài báo có nhiều chi tiết cho thấy Philip cũng nhớ về tôi. Anh viết rằng tôi đã “loan báo” công trình nghiên cứu về thiết kế tổ chức mà tôi hoàn thành vào năm 2000 về ngân hàng Royal Bank của Scotland vốn đang gặp rất nhiều khó khăn, và anh cũng đề cập đến việc các giáo sư HBS khác đã viết nên những bài học tình huống về nhiều thương vụ sáp nhập và mua lại của ngân hàng này, cũng như về dịch vụ khách hàng và chiến lược giữ chân người tài ở đó.
Anh nhấn mạnh: “Mọi ý tưởng tân thời từ các trường kinh doanh đều đang được ứng dụng, nhưng có vẻ điều thực sự đáng lưu tâm – hoạt động đánh giá rủi ro của các ngân hàng, quản lý dòng tiền và cấu trúc vốn – là mọi thứ đều sụp đổ”. Philip dành lời phê bình sắc sảo nhất cho cái mà anh gọi là sự dửng dưng của HBS trước trách nhiệm của nhiều sinh viên xuất thân từ trường này trong những vụ bê bối gần đây trong giới kinh doanh.
Tôi không đồng ý với một vài chi tiết trong mô tả của Philip và bằng thâm niên nhiều năm làm việc tại HBS, tôi hoàn toàn bác bỏ đánh giá của anh rằng ngôi trường này đang dửng dưng trước các sự kiện nói trên. Cách đây 5 năm, HBS đã áp dụng giảng dạy một khóa học bắt buộc về trách nhiệm của lãnh đạo và doanh nghiệp nhân bài học về sự sụp đổ của Enron. Hơn nữa, nhiều thành viên trong khoa đều xem cuộc khủng hoảng thời bấy giờ là bằng chứng của việc họ đã không trang bị cho sinh viên mình đủ khả năng đưa ra những đánh giá chính xác và họ cũng đắn đo nhiều về việc thay đổi chương trình và phương pháp giảng dạy.
Nhưng đồng thời, tôi cũng chia sẻ với Philip về sự thất vọng mà anh đang cảm nhận. Mức độ hối lỗi của không chỉ các trường kinh doanh mà còn của cả giám đốc điều hành ở nhiều công ty xem ra vẫn còn nhỏ bé so với tổng thiệt hại.
Tôi rất giận thái độ thờ ơ trước vấn đề đạo đức và hình thức lãnh đạo dựa trên giá trị tại các trường kinh doanh. Chúng ta không cần phải chờ đến cuộc khủng hoảng hiện tại mới nhận thấy điều đó; hai vụ bê bối mang tên Enron và WorldCom cách đây hơn 7 năm đã là minh chứng hùng hồn.
Tôi rất giận cái nền tảng nghiên cứu mà các trường kinh doanh dựa theo đó để tiến hành giảng dạy về quản trị. Rõ ràng tôi không nhận thấy chính sự phân chia đất nước đã ảnh hưởng đến hiểu biết của tôi về Ngân hàng Royal Bank of Scotland, nhưng nhiều năm trước, tôi thực sự nhận ra rằng xây dựng thách thức quản trị theo chức năng sẽ khiến các học giả không thể dành sự quan tâm sâu sát cho thách thức mà các MBA phải đối mặt.
Tôi rất giận vì nhiều học giả không tỏ ra tò mò về những gì đang thực sự diễn ra trong nội bộ các công ty. Họ thích xây dựng các mô hình lý thuyết mà thay vì làm rõ, chúng lại che khuất cách thức hoạt động của doanh nghiệp. Nhiều người còn tin rằng tính hợp lý của một lý thuyết là đủ để thanh minh cho lý do đưa chúng vào giảng dạy. Đó là một sự bao biện yếu ớt; hầu như không có lý thuyết nào hoàn toàn không liên quan đến kinh doanh, nhưng chỉ có một số lý thuyết thực sự quan trọng mà thôi.
Lý thuyết giảng dạy tại các trường kinh doanh đôi khi vẫn còn xa vời thực tiễn kinh doanh. Ảnh: vnbrand.net |
Những mối quan ngại này đã thôi thúc tôi đảm nhận chức hiệu trưởng của Trường quản lý Yale vào năm 2005, nơi tôi có thể giải quyết những vấn đề tôi quan sát thấy. Những thay đổi mà tôi và cộng sự của mình thực hiện tại Yale trong suốt hơn 4 năm sau đó được đông đảo mọi người công nhận là một bước cải tiến dành cho chương trình học truyền thống. Tuy nhiên, tôi nhanh chóng nhận ra rằng thất bại của chương trình đào tạo MBA hiện nay không thể khắc phục chỉ bằng những thay đổi tại một, hoặc cho dù là một vài trường kinh doanh.
Sự thật là, chính mức độ bao phủ và trầm trọng của những sai lầm về quản trị đã khiến mọi người tin rằng trường kinh doanh là nguy cơ của xã hội, đó là nơi nuôi dưỡng thói vị kỷ, vô đạo đức, và thậm chí là hành vi bất hợp pháp của nhiều sinh viên từng học tại đó. Làm thế nào mà chúng ta lại rơi vào tình huống mà MBA lại là một phần của khó khăn, thay vì phải là giải pháp?
Điều người ta không dạy bạn tại trường kinh doanh
Năm mươi năm trước, bản thân mỗi quỹ Ford Foundation và Carnegie Foundation đều đã thực hiện nghiên cứu về công tác giảng dạy kinh doanh tại Mỹ. Cả hai đều đi đến kết luận rằng chất lượng học thuật rất tệ và kiến nghị các trường kinh doanh nên tuyển dụng những chuyên gia được đào tạo trong nền học thuật truyền thống vốn chú trọng các phương pháp định lượng như kinh tế học, thống kê và nghiên cứu hoạt động.
Cái bóng của các nghiên cứu này, cũng như việc lời kiến nghị của chúng được áp dụng rộng rãi, vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Số lượng thành viên trong khoa phụ thuộc vào các phương pháp định lượng và mô hình toán học tỏ ra vượt trội số chuyên gia nhấn mạnh tầm quan trọng của kỹ thuật phân tích định tính và tiến hành theo phương pháp quy nạp.
Việc tập trung vào các phương pháp định lượng nâng cao tính chính xác cho các trường kinh doanh, tuy nhiên quá trình nghiên cứu những thách thức trong quản trị lại bị phân mảng do các học giả theo trường phái này phải tự nghĩ ra các khó khăn về quản trị để phù hợp chúng với lĩnh vực chuyên môn của mình. Điều này dẫn đến hai hậu quả ngoài ý muốn.
Mời đọc thêm: | |
Những điều trường Harvard dạy và không dạy bạn |
Đầu tiên, các trường kinh doanh phần lớn đều xem nhẹ việc giảng dạy các giá trị và đạo đức bởi đây không phải là môn học theo đòi hỏi của nền học thuật truyền thống mà các trường kinh doanh đang theo đuổi. Hậu quả của việc này đúng là một thảm họa. Lấy ví dụ, gần đây, khi giáo sư của HBS tiến hành khảo sát các sinh viên MBA, ông nhận thấy một phần ba đánh giá đúng sai dựa theo các quy chuẩn. Điều đó có nghĩa là nếu một số người theo đuổi một phương hướng hành động nào đó thì các sinh viên cũng cảm thấy ổn khi bắt chước làm theo.
Ngay cả khi các trường kinh doanh thực hiện các khóa giảng dạy về đạo đức sau thảm họa mang tên Enron, thì họ vẫn giảng dạy chủ đề này một cách hết sức xa rời thực tế. Giảng dạy khóa học về đạo đức không phải lúc nào cũng là: giáo sư marketing sẽ thảo luận các vấn đề liên quan đến quyền riêng tư khi mô tả Internet như một phương tiện marketing hiệu quả. Trái lại, có thể do không yêu thích hoặc sợ bắt đầu cuộc tranh luận về một vấn đề ngoài chuyên môn mà nhiều thầy cô trong khoa thường né tránh những khía cạnh mang tính quy chuẩn của quá trình kinh doanh.
Thứ hai, những khóa học về khả năng lãnh đạo và đạo đức ấy có vết rạn, bằng chứng là sự sụp đổ gần đây của Phố Wall. Nhiều thầy cô và sinh viên tin rằng những khóa học như thế khá dễ ở khía cạnh nó không đòi hỏi các bảng phân tích dữ liệu chi tiết. Hơn nữa, các trường kinh doanh có vẻ tin rằng một khi các sinh viên MBA vươn tới những vị trí chóp bu, họ sẽ chỉ chịu trách nhiệm xây dựng tầm nhìn, tô điểm chiến lược và phát triển chương trình làm việc.
Cấp dưới của họ sẽ thực hiện phần tiểu tiết. Các nhà lãnh đạo không cần lo lắng trừ khi số liệu xấu đi so với kỳ vọng và khi đó, cần phải thay đổi. Họ cũng cảm thấy rằng họ không phải lo lắng liệu nó hàm ý điều gì nếu kết quả tốt hơn mong đợi: Các sinh viên MBA bị dẫn dắt đến niềm tin rằng lãnh đạo không bao hàm việc nghiên cứu xem liệu có rủi ro nghiêm trọng nào tiềm ẩn bên dưới mức lợi nhuận cao ngất ngưởng ấy không.
Liệu phương pháp học qua tình huống, với sự nhấn mạnh vào ngữ cảnh, có thể giúp vượt qua những khó khăn này không? Tôi đã viết và cập nhật các tình huống thực tế suốt nhiều năm qua nhưng câu trả lời là Không. Tình huống có thể là nguồn tích hợp cho các nền tảng nghiên cứu, và là một phương tiện giúp tập trung vào các khía cạnh khác nhau của lãnh đạo, nhưng hiếm khi nào chúng phát huy vai trò đó. Các thầy cô cùng khoa và cùng nền tảng nghiên cứu thường viết nên những tình huống mà kết cục là trở nên cụ thể về chức năng.
Hơn nữa, khi sinh viên phải đọc hàng chục tình huống một tuần, họ có xu hướng cho rằng mỗi tình huống sẽ nhằm giải quyết một vấn đề hoàn toàn khác nhau. Phương pháp học qua tình huống không dạy cho sinh viên rằng kiên định trong mọi tình huống khác nhau và không ngừng chú tâm đến từng chi tiết là hai trong số các khía cạnh thách thức nhất của nghệ thuật lãnh đạo.
(Theo Hoàng Đăng//Joel M. Podolny//Tuần Việt Nam)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com