Minh họa: Khều. |
Bàn về khả năng này của các giám đốc điều hành (CEO) mà để nhận định cho đúng, xin được nhắc lại cội nguồn của con người ấy.
Cội nguồn của CEO Về danh từ này, người Anh nói rằng CEO xuất phát từ ở Mỹ (Bob Tricker 2003). Tìm tài liệu của Mỹ về nó thì năm 1975 Hội Quản trị Hoa Kỳ có xuất bản quyển “Định nghĩa công việc của quản trị viên” (Defining the Manager’s Job) trong đó họ ghi kết quả một cuộc khảo sát về các chức danh (position title) trong các công ty mà họ đã khảo sát thì đã liệt kê từ trên xuống dưới các chức danh như sau: “Top management: chairman of the board; vice chairman of the board; president and chief executive officer; president; division president, chancellor”. Họ cũng cho biết các chức danh này là do các công ty đặt ra trong vòng 15 năm nay (tức là từ năm 1960) và có nhiều cách mô tả chức danh đã được áp dụng. Tuy vậy, trong quyển sách của Alfred D. Chandler Jr. “Bàn tay vô hình - Cuộc cách mạng về quản trị trong doanh nghiệp ở Mỹ”, xuất bản năm 1977, không có từ CEO trong lịch sử phát triển nêu trên. Vậy có thể suy đoán chức danh CEO xuất hiện từ sau năm 1960 khi mà nước Mỹ đã có những công ty lớn như GM, Ford, Colgate... CEO xuất phát từ cách thức quản trị công ty (management), giống như công trường đã tạo nên công nhân ngày xưa vậy. Nói vắn tắt thì từ cuối thế kỷ 19 đến nay, cách thức quản trị công ty đã phát triển qua bốn giai đoạn, hay nó có bốn trình độ, bốn cấp bậc. Đó là: quản trị theo sự thuận tiện (nhờ năng khiếu) - theo khoa học (bắt đầu từ 1910) - tiên tiến (từ 1985) - và hiện đại (từ 1990 đến nay). CEO không hề có trong trình độ quản trị theo sự thuận tiện, tại các doanh nghiệp gia đình, tức là một cơ sở do người làm cha, chồng bỏ tiền ra thành lập. Họ là chủ và một mình điều khiển cơ ngơi của mình. Họ là “owner - manager” (chủ kiêm quản trị viên) và quản trị cơ sở theo như mình thấy thuận tiện bằng cách dựa vào những người mình tin tưởng. Cách này không giúp cho doanh nghiệp lớn ra vì không có đủ người để chủ có thể tin tưởng để cho người ta quyết định thay mình khi cơ sở mở rộng. Muốn phát triển cơ sở, ông chủ phải chuyển sang cách quản trị theo khoa học và cách này sẽ tạo nên các quản trị viên (manager), được gọi là CEO. Trong cách quản trị theo khoa học, các đơn vị trong doanh nghiệp được sắp xếp một cách hợp lý (cơ cấu), chúng giao tiếp với nhau để tạo nên sản phẩm hay dịch vụ theo các thủ tục rõ ràng (cơ chế). Cơ chế đó phải được viết ra. Nhờ đó chủ kiểm soát được tiền bạc, việc áp dụng các thủ tục, tiến độ công việc, và việc ghi sổ sách kế toán. Chỉ khi ấy ông chủ mới dám giao bớt quyền đi, nghĩa là dùng các quản trị viên. Có nhiều quản trị viên làm thay mình ở nhiều địa điểm thì cơ sở của ông chủ mới trở nên to lớn được. Đó là điều kiện vật chất. Một điều kiện khác là sự mạnh dạn của ông chủ dùng người ngoài gia đình. Đấy là điều kiện tâm lý. Hai cái này tạo nên “môi trường” làm nảy sinh quản trị viên; những người có kiến thức về quản trị và làm ăn lương. Vậy CEO xuất phát từ cách thức quản trị theo khoa học. Và chính CEO đẩy trình độ quản trị từ khoa học lên tiên tiến rồi hiện đại. Ông “chủ kiêm quản trị viên” không thể làm được việc này. Khả năng thi thố tài ba của CEO ở ta Vậy CEO xuất hiện trong trình độ cấp hai của quản trị doanh nghiệp. Họ cũng là nhân vật chính của các trình độ cấp ba và bốn, và sẽ là của cấp năm, cấp sáu. Bây giờ các sách quản trị nói về quản trị bằng kiến thức (knowledged management) rồi gần đây là quản trị sáng tạo (management innovation). Trong quan niệm hiện đại, quản trị không còn chỉ là những thủ tục hay những cách tổ chức mà nó được coi là có vai trò tạo ra giá trị, đem cái sau, từ ở ngoài vào trong doanh nghiệp; hay biến đổi sự thấu hiểu thành sự nghiệp (converting insight to enterprise), giống như Microsoft và các công ty công nghệ thông tin đã làm. Diễn tả khái niệm này rõ hơn một tí thì trước kia người ta nhìn quản trị như một con trâu, con ngựa; phải có chúng mới nói tới kéo cày, tới đi đó đây. Nay thì không như thế nữa mà người ta nhìn vào sức kéo, sức phi của chúng. Nói tới quản trị bây giờ là như thế, nói đến CEO là trông đợi họ sẽ như vậy. Nhưng! Nhưng! Sự trông đợi như thế vào CEO, hay triển vọng của CEO như đã đề cập thì chỉ có ở các nước phát triển. Đem các viễn ảnh tươi sáng ấy rồi hình dung CEO ở ta e sẽ sai lầm. Viễn ảnh kia tùy thuộc vào trình độ phát triển của cách thức quản trị doanh nghiệp; mà ở các nước phát triển nó đã chớm lên trình độ thứ năm. Riêng về trình độ quản trị doanh nghiệp ở ta thì phải xác định nó qua các loại hình doanh nghiệp nằm trong ba khu vực kinh tế: vốn nước ngoài, vốn của Nhà nước và vốn của tư nhân. Khả năng thi thố của CEO ở ta tùy thuộc vào khu vực kinh tế nào mà họ hoạt động. Thứ nhất, trong các doanh nghiệp có vốn nước ngoài, CEO được thi thố tự do. Ở đó cách quản trị đã ở mức tiên tiến hay hiện đại. Cách quản trị của các doanh nghiệp trong khu vực này giống như một chiếc xe Lexus, tài xế - là CEO - tha hồ lạng lách để làm sao vượt lên trên các xe khác. Tuy nhiên phải buộc dây an toàn! CEO nào thành công trong một doanh nghiệp loại này ở Việt Nam thì sẽ không khó khăn lắm để được thăng chức lên làm CEO của khu vực. Chúng ta đã biết và đã thấy, khỏi phải nói thêm. Thứ hai, trong doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Loại doanh nghiệp này có vài đặc điểm. Một, nó có các mục tiêu lẫn lộn đan xen nhau; do đó khó quy trách. Hai, nó không bao giờ bị phá sản. Và ba, CEO là cán bộ nhà nước, làm kinh doanh nhưng thưởng phạt theo cách của một tổ chức chính trị. Vì ba yếu tố này nên CEO của một DNNN khác hẳn về bản chất với con người CEO theo cội nguồn. Nói cách khác, nếu chiếu vào cội nguồn của CEO thì người được gọi như thế trong DNNN không phải là CEO. Do đó, bảo họ có thi thố tài ba hay không thì còn tùy cách nhìn và tùy khung cảnh họ hoạt động. Dẫu sao, không nên đưa họ vào phạm trù CEO này; họ là một dạng riêng biệt. Cuối cùng, trong khu vực tư nhân. Khu vực này chỉ mới xuất hiện hơn 20 năm cho nên đa số doanh nghiệp vẫn ít nhiều còn nằm trong trình độ quản trị theo sự thuận tiện. Ở đó quản trị viên không thể nảy sinh, khỏi nói chuyện thi thố! Ông chủ (i) không có cách kiểm soát người, tiền và công việc trên một diện rộng rãi và liên tục; (ii) không tin người ngoài; (iii) sự thành công của ông chủ cho phép họ coi các CEO là “bọn lý thuyết”; và (iv) ông ta có thể đuổi quản trị viên đi hoặc quản trị viên sẽ rời bỏ họ. “Ông chủ kiêm quản trị viên” có gọi mình là CEO, có gia nhập hội CEO của thế kỷ 22 thì vẫn là ông chủ đầy quyền uy; và do đó muốn gọi mình thế nào cũng được; thực ra thì “ông chủ” oai hơn “CEO”. Vì tính chất của cách quản trị theo sự thuận tiện, CEO ít có dịp thi thố tài ba. Doanh nghiệp ấy giống như một cái xe công nông cải tiến; còn CEO giống như một tài xế được đào tạo để lái xe Toyota, Honda, thậm chí Mercedes... Họ rất rành lái xe chứ không được dạy cách làm ra cái xe, để biết tường tận về cái xe họ lái. Với tài nghệ lái xe du lịch mà lại được thuê lái xe cải tiến thì hoặc là chiếc xe làm hỏng họ, hay họ làm hỏng chiếc xe! Thi thố tài năng gì đây? Thực sự, khả năng thi thố của CEO trong khu vực tư nhân chỉ có thể diễn ra trong các công ty không còn tính chất gia đình, đã có cách quản trị theo khoa học, và các công ty dịch vụ (Internet, phần mềm, phân phối...). Ở đó CEO tha hồ thi thố, phát huy tài năng. Tuy nhiên, nếu đánh giá nghiêm chỉnh cho mục đích phát triển, thì trong khu vực tư nhân, số doanh nghiệp đã quản trị theo khoa học ở ta chưa nhiều, các doanh nghiệp dịch vụ có nhiều nhưng không lớn. Vậy chúng ta chưa có nhiều CEO phát xuất từ “môi trường”. Khả năng thi thố tài ba của họ chưa được tha hồ như số CEO ở khu vực có vốn nước ngoài. CEO hiện có với số đông như hiện nay xuất thân từ các trường đại học, “CEO của kiến thức”, hoặc là các “chủ nhân kiêm quản trị viên”, hay là “đồng chí giám đốc”.
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com