Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

DN VN trong chuỗi cung ứng toàn cầu: Ba tiêu chí để không bị thay thế

TS Eckart Dutz - thành viên Hội đồng cung ứng VN, thuộc Hội đồng cung ứng toàn cầu, giảng viên khóa MBA Trường Đại học quốc tế RMIT khẳng định: Trong chuỗi cung ứng toàn cầu, các DN VN chỉ giữ vị trí bán sản phẩm cho các nhà xuất nhập khẩu. Nếu sản phẩm không tốt, hoặc giá cao hơn nhà chế biến khác thì DN VN sẽ bị thay. DĐDN đã có cuộc phỏng vấn TS Eckart Dutz xung quanh vấn đề này.


- Ông có thể lý giải một cách dễ hiểu vị trí của DN VN trong chuỗi cung ứng toàn cầu ?


DN VN ở vị trí nhà chế biến bán hàng cho nhà XNK. Lấy ví dụ, về chuỗi cung ứng toàn cầu hàng nông thủy hải sản: 1/ người nuôi trồng, 2/ DN chế biến VN, 3/ nhà xuất nhập khẩu quốc tế, 4/ nhà bán lẻ, 5/ người tiêu dùng. Như vậy, DN VN ở vị trí thứ 2 trong chuỗi cung ứng trên, chỉ bán sản phẩm với giá khoảng 25% giá đến tay người tiêu dùng. Trong chuỗi cung ứng toàn cầu, vị trí thứ 2 thực ra là vô cùng quan trọng, nhưng cũng dễ dàng bị thay thế bởi các nhà chế biến khác nếu gặp phải một số vấn đề như: mặt hàng mà DN VN không độc quyền sản xuất như dệt may, thủy sản, đồ gỗ, gạo...
 
Eckart Dutz
Hoặc cùng một mặt hàng nhưng DN VN bán giá cao hơn DN nước khác bán do giá thành cao hơn nhà chế biến khác. Ví dụ: Hàng dệt may của VN có chi phí  cho lao động động rẻ nên giá thành thấp, nhưng Campuchia, Bangladesh cũng đang cạnh tranh với hàng VN bởi chi phí nhân công thấp hơn... Hoặc khi các nước nhập khẩu có chính sách chống bán phá giá, tăng thuế, tăng phí... với hàng VN. Ví dụ nếu hàng da giày VN bị áp thuế chống bán phá giá tại Châu Âu thì sẽ rất dễ có những nhà XNK chuyển sang mua hàng nước khác...


Tuy nhiên có thể khẳng định vị trí này không có gì bấp bênh. DN VN có khá nhiều lợi thế như nhân công rẻ sẽ giúp giảm giá thành. Có một số mặt hàng mà nhiều nước khác không có hoặc giá sản xuất cao như hàng thủ công mỹ nghệ, cao su, gạo, hạt tiêu, thủy hải sản...


- Vậy theo ông, DN VN nên làm thế nào để khó bị thay thế vị trí trong chuỗi cung ứng ?


Các DN VN phải tận dụng lợi thế riêng của mình như: Hàng hóa VN phải thể hiện nét đặc sắc, hàng độc quyền... không thể thay thế bởi hàng của nước khác. Hoặc có những thương hiệu đặc biệt... Ví dụ như hàng thủ công mỹ nghệ, hàng thủy sản cá tra, bún bò Huế... Thứ hai là phải nâng cao uy tín và niềm tin với các vị trí khác trong chuỗi cung ứng, trong đó quan trọng nhất là giữ uy tín với người tiêu dùng. Thứ ba là phải có giá rẻ nhất.


- Ông có cho rằng DN VN có thể vượt qua nhà nhập khẩu để bán hàng trực tiếp cho nhà bán lẻ ?


Ở trong nước thì việc bán hàng đến tận các siêu thị, nhà bán lẻ có thể dễ thực hiện nhưng trong chuỗi cung ứng toàn cầu thì việc đó vô cùng khó. Lý do thứ nhất là các nhà bán lẻ quan hệ chặt chẽ với các nhà XNK từ rất lâu, họ tin tưởng khi mua hàng của nhà XNK hơn là mua hàng trực tiếp từ DN sản xuất, dù mua hàng trực tiếp từ sản xuất rẻ nhưng như vậy là mạo hiểm. Thứ hai là nhà XNK bán rất nhiều hàng, nhà bán lẻ cũng cần mua rất nhiều hàng trong khi  DN VN chỉ bán vài món hàng.


- Ông có lời khuyên nào cho DN VN trong tiến trình hội nhập thị trường toàn cầu ?


Trong thời gian này, DN VN phải củng cố vị trí, làm tốt vai trò của mình. Phát huy thế mạnh và giảm dần các thế yếu, từ từ sẽ nâng cao giá trị, tích lũy nhiều kinh nghiệm để ngày càng trở thành một vị trí khó có thể thay thế. Phải khắc phục các điểm yếu như: không bám sát thị trường nên chậm giảm giá dù giá thị trường nơi tiêu thụ đã giảm. Yếu về tầm nhìn xa nên sản phẩm còn thiếu độ tin cậy, bị lỗi, bị vướng về các quy định tiêu chuẩn hàng hóa quốc tế như về quan hệ lao động, về bảo vệ môi trường, về vệ sinh an toàn thực phẩm... Lưu ý là trong chuỗi cung ứng toàn cầu, nếu bị mất uy tín một lần thì sẽ mất vị trí và rất khó lấy lại vị trí đó. Nên phát triển từng bước chắc chắn trên thế mạnh của mình, cố gắng quảng bá thương hiệu ra thế giới, tạo những nét riêng có sẵn lợi thế.


- Xin cảm ơn ông!

(Theo Khắc Dũng // Diễn đàn doanh nghiệp)

  • Thị trường mới nổi – Cơ hội cho nhiều ngành công nghiệp
  • Quản trị nhà đầu tư: DN còn lơ là
  • Khi Nhà nước quản lý kinh doanh
  • M&A tại Việt Nam: Cửa pháp lý hẹp mà chưa chặt!
  • Cách thức giảm rủi ro
  • Đau đầu vì M&A
  • Cách thức giảm rủi ro
  • Không phải trả tiền! Vì sao 0 đô la là tương lai của ngành kinh doanh (Phần cuối)
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com