Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Doanh nhân đi học

Đoàn doanh nhân tham dự khóa học "Nâng cao năng lực lãnh đạo quản lý cấp cao của doanh nghiệp thời toàn cầu hóa "chụp ảnh lưu niệm trước cổng trường MIT (Mỹ).

Những ghi nhận xung quanh khóa học “Nâng cao năng lực lãnh đạo quản lý cấp cao của doanh nghiệp thời toàn cầu hóa”, do Công ty Tư vấn kinh doanh hội nhập toàn cầu (GIBC) và Câu lạc bộ Doanh nghiệp dẫn đầu (LBC) tổ chức tại Đại học UCLA và MIT (Mỹ), từ ngày 15 đến 28-11-2010.

Học…

Trên chuyến bay dài từ TPHCM đến Mỹ, trong lúc những hành khách khác chìm trong giấc ngủ thì một khu vực với 24 hành khách ngồi gần nhau vẫn sáng đèn. Những người này chăm chú đọc bộ tài liệu dày đến nửa tấc. Nhìn kỹ, họ đang nghiền ngẫm các bài nghiên cứu tình huống (case study) trong bộ tài liệu Anh-Việt được chuẩn bị một cách công phu. Có lẽ chỉ có lúc này, họ mới hoàn toàn bứt khỏi công việc để chuyên tâm lo việc học. Họ được yêu cầu phải đọc kỹ các nghiên cứu tình huống để tự đưa ra giải pháp cho chính mình.

Đó là những doanh nhân đang điều hành, lãnh đạo những công ty lớn trong nước. Hầu hết đã qua chương trình thạc sĩ quản trị kinh doanh, nhiều người từng đi học nước ngoài hay hoàn thành các khóa đào tạo giám đốc điều hành (CEO). Họ đến Mỹ để tham dự một khóa học về nâng cao năng lực lãnh đạo doanh nghiệp thời toàn cầu hóa.

Ở khóa học này, nội dung bài giảng không nhằm đưa ra những thông tin mới mẻ, hấp dẫn mà chủ yếu là hệ thống lại những kiến thức căn bản, có đối chiếu với kinh nghiệm và trải nghiệm về quản trị. Khi những kiến thức, kinh nghiệm ấy được cọ xát, đối chiếu để những người lãnh đạo vận dụng, họ sẽ kiểm nghiệm theo cách riêng với những đối chuẩn riêng.

Khóa học chủ yếu sử dụng phương pháp nghiên cứu tình huống. Đây là mô hình học tập của trường Kinh doanh Harvard, dựa trên quan điểm quản lý là một kỹ năng mà mỗi người phải tự rèn luyện, thực hành chứ không phải thụ động nghe trình bày tổng hợp các kỹ thuật hay khái niệm.

Hiểu một cách đơn giản, cũng như học bơi hay học đàn, người học phải tập luyện, thực hành cho đến khi thuần thục. Mỗi tình huống đưa ra những vấn đề thực tiễn trong kinh doanh với những thách thức lớn nhất mà các công ty hàng đầu đang đối mặt. Học viên sẽ tự phân tích, tìm giải pháp từ mô hình mô phỏng và phải đưa ra quyết định cho chính mình. Việc học bằng phương pháp nghiên cứu tình huống thường lôi cuốn và có tính tương tác cao.

Tính tương tác là yếu tố quan trọng quyết định kết quả học tập của doanh nhân. Nếu học viên giấu dốt, thờ ơ hay giấu nghề thì sẽ không có sự cộng hưởng chung các giá trị, sự nhiệt tình, ham học, những kinh nghiệm từ nhiều ngành nghề, quy mô, bối cảnh khác nhau. Chính niềm say mê học hỏi và sẵn sàng chia sẻ giữa những học viên đã tạo nên không khí tích cực của khóa học.

Khi đến dự lễ trao giấy chứng nhận vào chiều 19-11-2010 tại trường kinh doanh Anderson, UCLA, ông Lê Quốc Hùng, Tổng lãnh sự Việt Nam tại San Francisco, cho biết ông đã gặp ban giảng huấn của trường. Họ bày tỏ sự ngạc nhiên về tính nghiêm túc, đầy nhiệt huyết của học viên Việt Nam trong khóa học. Có giảng viên bị học viên “bao vây” đến hết giờ giải lao với những câu hỏi kiến giải từ thực tế. Một không khí chung đã được tạo ra từ sự tương tác giữa các học viên, như thể họ đang thực hành một khái niệm được các giáo sư đề cập nhiều lần. Đó là “coopetition” - vừa cạnh tranh vừa hợp tác.

...Học mãi

Tại cuộc họp mặt các học viên sau khi từ Mỹ về được tổ chức ngày 9-12-2010 tại TPHCM, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại Đồng Tiến, Trịnh Chí Cường, đã trình bày bộ tài liệu tóm lược nội dung khóa học để truyền đạt lại cho các cấp quản lý trong công ty. Sau khi nghe ông Cường trình bày, bà Bùi Trân Phượng, Hiệu trưởng Đại học Hoa Sen, cho rằng doanh nhân đi học mà học thật sự, học chăm và nắm được toàn bộ nội dung đã là khó. Trong khi đó học viên sau khóa học còn viết lại thành bộ tài liệu để giảng dạy một cách nghiêm túc quả là đáng khâm phục. Đó cũng là cách học thêm một lần nữa.

Khao khát học tập là động lực chính khiến doanh nhân tham gia việc học. Ảnh: Lê Toàn.

Niềm đam mê học hỏi và sẵn sàng chia sẻ, tạo điều kiện cho người được chia sẻ có thể tiếp thu bằng cách giải thích từng khái niệm, từng công thức và kinh nghiệm vận dụng của mình là sự chia sẻ rất thực tâm và cởi mở. Kiến thức quản trị, điều mà các nhà quản trị Việt Nam còn đang thiếu, cần được làm giàu lên theo cách đó”, bà Phượng nói.

Bên cạnh đó, ông Cường còn bàn về vấn đề hợp tác với ông Trần Duy Hy, Tổng giám đốc Công ty Nhựa Duy Tân, một đối thủ cạnh tranh về nhựa gia dụng với Đại Đồng Tiến, để có thể chia nhau miếng bánh lớn hơn. Ông Hy cho biết ông rất cảm kích về thiện chí đó. “Qua cách chia sẻ của anh Cường, chứng tỏ đang có sự thay đổi lớn trong lớp quản lý trẻ. Họ cởi mở hơn, thẳng thắn và khôn ngoan, khiến tôi thấy rất cảm kích. Tôi càng hy vọng nhiều hơn nữa ở lớp trẻ”, ông Hy nói.

Ông Lâm Văn Hải, Phó tổng giám đốc kinh doanh của PepsiCo Đông Dương, cho biết ông thích nội dung khóa học, đặc biệt là cách học và tinh thần cầu tiến, ham học của doanh nhân. Ham học có nghĩa là phải ham chia sẻ. Khi sẵn sàng chia sẻ thì những gì nhận lại từ bạn bè không phải một phép cộng đơn giản mà là theo cấp số nhân.

Tại khóa học, các giảng viên đã chọn những gì khái quát, tinh túy, có hệ thống nhất để trình bày. Người nghe tiếp thu bằng hệ thống kiến thức và kinh nghiệm của mình. Học viên hầu hết đều là nhà quản lý cao cấp thuộc nhiều lĩnh vực, ngành nghề nên sự cộng hưởng rất phong phú. Chẳng hạn bài giảng của GS.George Abe về sáng tạo và kinh doanh các sáng kiến đổi mới, nếu đem giảng cho sinh viên, chắc chắn các em không thể hiểu được. Nhưng từ những kiến thức được cô đọng lại, các học viên đã tranh luận với thầy tới bến và đã tự mở ra nhiều hướng mới.

Đúng là việc học của doanh nhân rất khác với sinh viên. Họ không bức bách lắm việc cập nhật kiến thức, thông tin. Họ cần kiến thức được hệ thống hóa sâu từ đó, thông qua trải nghiệm, kinh nghiệm thực tiễn của bản thân và thông qua sự tương tác với đồng nghiệp mà tự tìm kiếm lời giải cho riêng mình. Những bài tập nghiên cứu tình huống đều để ngỏ. Người học tự đưa ra nhận định và giải pháp. Không có đúng sai vì người học phải chủ động và tự kết luận cho chính mình.

Ban tổ chức khóa học yêu cầu mỗi học viên ghi lại ba điều tâm đắc và dự định ứng dụng sau mỗi bài giảng, viết bài thu hoạch cuối khóa. Sau khi đọc các phản hồi ý kiến cuối mỗi bài giảng và các bài thu hoạch, tôi nhận ra ba vấn đề chung được học viên quan tâm nhiều nhất là hệ thống kiến thức về toàn cầu hóa, tư duy chiến lược - cách xây dựng chiến lược và mô hình nhà lãnh đạo không hoàn hảo. Có vẻ các học viên ưa thích cách định nghĩa về nhà lãnh đạo không hoàn hảo vì đã tìm thấy ở đó cách vận dụng tốt cho chính mình.

Có thể thấy khóa học trên chỉ là sự khởi đầu. Khao khát học tập là động lực chính khiến doanh nhân tham gia việc học. Học để hành. Môi trường cùng học tác động lan tỏa lên mỗi người. Và sự tương tác cùng tính chủ động của mỗi người lại tạo cảm hứng học tập nối tiếp không ngừng…

  • Để nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp
  • Nghịch lý doanh nghiệp báo cáo lỗ - Càng lỗ, càng lớn mạnh?
  • Cha đẻ thuyết cạnh tranh Micheal Porter: Cảnh báo về những "cái bẫy" trong cạnh tranh
  • Vinashin: Bài học quản trị cho những chủ tịch tập đoàn
  • Cần lấp những khoảng trống trong quản trị công ty
  • Không ai không thể thay thế
  • Doanh nghiệp Việt chọn cách trả lương nào?
  • Siết chặt tiêu chuẩn chọn lãnh đạo tập đoàn Nhà nước
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com