Minh họa: Khều |
Đã có sự đánh giá khác nhau giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp về tình hình kinh tế năm 2010. Ở cấp vĩ mô, phía cơ quan quản lý đã đưa ra những phân tích cùng số liệu chứng tỏ nền kinh tế năm nay đã có nhiều cải thiện. Trong khi đó, các doanh nghiệp thì khẳng định năm 2010 thậm chí còn khó khăn hơn năm ngoái, thời điểm Việt Nam đang trong vòng xoáy của khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Kinh tế phục hồi, nhưng doanh nghiệp khó khăn hơn
Đánh giá tổng quan tình hình kinh tế vĩ mô năm 2010 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) tại kỳ họp Quốc hội vào tháng 10-2010, tuy đề cập cả hai vế thành tựu và tồn tại, nhưng nhìn chung nó vẫn cho thấy một bức tranh kinh tế sáng sủa. Những thành quả được Bộ KH-ĐT đặc biệt nhấn mạnh là Việt Nam đã ngăn chặn thành công đà suy giảm, kinh tế phục hồi và tăng trưởng khá cao; kinh tế vĩ mô có bước cải thiện, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm; bảo đảm tốt hơn an sinh xã hội và phúc lợi xã hội cho người dân… Như để minh chứng cho nhận định trên, Bộ KH-ĐT đã dẫn ra một loạt số liệu, như: GDP tăng 6,7%, cao hơn chỉ tiêu của Quốc hội; giá trị gia tăng của công nghiệp và dịch vụ lần lượt tăng 7,6 % và 7,5%; thu ngân sách vượt dự toán 12,7%, bội chi ngân sách dưới 6%, nợ chính phủ tương đương 44,5% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 42,2%, vẫn nằm trong giới hạn an toàn.
Gần như chắc chắn, năm 2011 Chính phủ sẽ bật đèn xanh cho ngành điện tăng giá. Đồng thời, theo dự báo của Bộ Công Thương, tình trạng thiếu điện trong năm 2011 có thể còn nặng nề hơn cả năm 2010. |
Trong khi đó, nhìn nhận của các nhà doanh nghiệp thì khác hẳn. Ông Đỗ Hồng Phúc, Tổng giám đốc Công ty Vietceramics, khẳng định: “Tình hình kinh doanh năm nay thua xa năm ngoái. Lãi suất tăng cao cùng với tốc độ trượt giá của đồng tiền Việt Nam đang làm cho các doanh nghiệp nhập khẩu điêu đứng”. Theo ông, chỉ trong hai quí cuối năm, những biến động về tỷ giá và lãi suất tín dụng đã làm cho doanh nghiệp mất đứt 20 điểm phần trăm lợi nhuận. Ông nói: “Những công ty nào trước đây có tỷ suất lợi nhuận dưới 20%, thì nay coi như cầm chắc lỗ”.Theo báo cáo chính thức của các bộ và Chính phủ, càng về cuối năm tình hình kinh tế Việt Nam càng chuyển biến tốt. Nhưng theo ông Đào Duy Kha, Phó tổng giám đốc Công ty Nhựa Việt Nam (Vinaplast), thì khó khăn ngày một chồng chất hơn trong những quí cuối năm. “Những tháng đầu năm tình hình tương đối tốt và khi ấy chúng tôi đã rất lạc quan. Nhưng gần đây mọi việc đã trở nên rất khó khăn. Phải chật vật lắm Vinaplast mới có thể bảo đảm được mức chia cổ tức 10% cho cổ đông”, ông cho biết. Đối với doanh nghiệp phụ thuộc gần như hoàn toàn vào nguyên liệu nhập khẩu như ngành nhựa, ngoài khó khăn liên quan đến tỷ giá, lãi vay tín dụng, họ còn chịu áp lực rất lớn khi giá cả nguyên liệu trên thị trường thế giới tăng vọt. Tính từ đầu năm đến nay, giá các loại hạt nhựa tăng bình quân tới 30%.
Doanh nghiệp nhập khẩu gặp khó khăn là điều dễ hiểu, nhưng ngay những công ty chuyên xuất khẩu cũng chẳng khá hơn là bao, dù tỷ giá tăng về lý thuyết có lợi cho xuất khẩu. Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần May Sài Gòn 3, khẳng định: “Năm nay tuy tỷ giá thay đổi có lợi cho xuất khẩu, thị trường tiêu thụ và số lượng đơn đặt hàng dồi dào hơn trước, nhưng hiệu quả kinh doanh vẫn không tăng lên được”. Như nhiều ngành công nghiệp khác, ngành dệt, may cũng phải nhập gần như toàn bộ nguyên liệu thô và từ đầu năm đến nay giá bông, xơ và sợi lại tăng rất mạnh. Trong khi đó, giá bán thành phẩm lại không theo kịp. Theo Tổng cục Thống kê, giá bông nhập khẩu hiện nay tăng bình quân trên 40% so với cùng kỳ năm ngoái, sợi dệt tăng gần 30%. Bên cạnh đó, lạm phát cùng với biến động tỷ giá còn làm cho hàng loạt chi phí khác tăng mạnh, như điện, nước, vận tải, kho bãi… Nhưng đó vẫn chưa phải là điều khó khăn nhất. Theo ông Hồng, bài toán nan giải của ngành dệt, may xuất khẩu hiện nay là thiếu hụt nhân công. “Các doanh nghiệp lớn, có hiệu quả kinh doanh cao thì còn có khả năng tăng lương để giữ công nhân. Còn những công ty nhỏ, tỷ suất lợi nhuận thấp thì hầu như bế tắc”, ông nói.
Theo tổng hợp của Bộ KH-ĐT, thu nhập bình quân của người lao động ở Việt Nam trong năm qua tăng xấp xỉ 9%.Nếu tính luôn yếu tố trượt giá thì mức tăng lên đến gần 20%. Còn tại thành phố lớn như TPHCM, một số doanh nghiệp ngành may thậm chí tăng lương lên 25-30%, nhưng vẫn không thể tuyển đủ lượng nhân công cần thiết.Ngay những doanh nghiệp chuyên xuất khẩu và không phải vay tiền ngân hàng, hiệu quả kinh doanh trong năm qua cũng không cải thiện. Ông Nguyễn Như Khuê, Giám đốc Công ty Lotus Chemicals, doanh nghiệp chuyên sản xuất bao bì xuất khẩu, cho biết biến động tỷ giá giữa đồng euro và đô la Mỹ trong thời gian qua gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp ông. Thêm vào đó, tiền lương công nhân tăng, cộng với các chi phí khác ở trong nước tăng vọt đã ảnh hưởng không ít đến hiệu quả kinh doanh.
Tuy nhiên, các nhà doanh nghiệp cũng ghi nhận một xu hướng tích cực trong năm nay, đó là sức mua của thị trường trong nước tốt hơn hẳn so với năm trước và tương tự với thị trường xuất khẩu. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trong nước tăng trên 25%. Còn ở nước ngoài, bất chấp nguy cơ khủng hoảng nợ ở một số nước châu Âu, kim ngạch xuất khẩu những sản phẩm công nghiệp chủ lực, như đồ gỗ, hàng dệt may, da giày, hàng điện tử, máy móc thiết bị vẫn tăng mạnh, bình quân từ trên 22% tới trên 50% so với năm trước, góp phần đưa tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm tăng trên 19%. Nhưng tín hiệu vui này chưa chắc duy trì được lâu, nhất là ở thị trường nội địa.
Năm 2011 với nhiều nỗi lo
Nhìn về năm 2011, Bộ KH-ĐT lạc quan dự báo tốc độ tăng GDP đạt 7-7,5%, kim ngạch xuất khẩu tăng 10% và lạm phát không quá 7%. Còn các nhà doanh nghiệp lại không lạc quan như vậy.
Ông Đỗ Hồng Phúc cho rằng, tình hình kinh tế vĩ mô hiện nay và xu hướng trong những tháng đầu năm tới rất không thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Sau Tết Nguyên đán chưa biết tỷ giá sẽ như thế nào. Thêm vào đó, với lãi suất vay vốn hiện đang lên tới 19-20%, ông Đào Duy Kha dự báo trong nửa đầu năm tới giá cả hàng hóa, dịch vụ ở thị trường trong nước sẽ có biến động mạnh, từ đó gây nên lạm phát cao và ảnh hưởng tiêu cực tới sức mua của thị trường nội địa. Nếu chuyện này xảy ra, đây sẽ là khởi đầu không thuận lợi cho nền kinh tế Việt Nam trong năm 2011. Cũng theo ông Kha, với mức lãi vay cao ngất như hiện nay, chắc chắn nhiều doanh nghiệp không dám đầu tư để đổi mới công nghệ, mở rộng sản xuất và điều này sẽ để lại hậu quả lâu dài cho nền kinh tế.
Một vấn đề đáng ngại khác là nguồn điện. Gần như chắc chắn, năm 2011 Chính phủ sẽ bật đèn xanh cho ngành điện tăng giá. Đồng thời, theo dự báo của Bộ Công Thương, tình trạng thiếu điện trong năm 2011 có thể còn nặng nề hơn cả năm 2010. Đó là những yếu tố khiến cho nền kinh tế Việt Nam trong năm tới chưa thể ra khỏi tình trạng bấp bênh, cho dù tốc độ tăng trưởng kinh tế đã hồi phục và có khả năng tiếp tục chiều hướng đi lên.
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com