Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Quản lý tài chính đối với DNNN: Giám sát nhưng khó... sát

Nhà nước nếu không giữ cổ phần chi phối sẽ rất khó giám sát phần vốn của mình tại DN
Để khắc phục tình trạng giám sát tài chính DNNN chỉ dựa vào báo cáo mỗi năm một lần của DN, Bộ Tài chính đang hoàn thiện dự thảo Quy chế giám sát tài chính đối với DNNN và DN có vốn nhà nước. Tuy nhiên, khi nhà nước không phải là cổ đông chi phối thì việc tiếp cận với các báo cáo tài chính đã khó chứ đừng nói đến nguyện vọng giám sá t tài chính hay bảo toàn nguồn vốn nhà nước tại DN.

Theo Dự thảo, hoạt động giám sát được thực hiện thường xuyên theo các phương thức trực tiếp hoặc gián tiếp, do DN, chủ sở hữu hoặc cơ quan quản lý nhà nước thực hiện.

Thiếu thẩm quyền

Cũng theo dự thảo, hễ DN nào có vốn nhà nước là phải thực hiện quy chế giám sát. Đây là một quy định chưa thực sự rõ ràng và tạo ra nhiều luồng ý kiến khác nhau. Ông Trần Thanh Hiển- TGĐ Cty TNHH Thép Vạn Lợi thắc mắc, khi Cty mẹ đầu tư cho Cty con thì có được hiểu là vốn nhà nước hay không ? Cũng theo lý giải của ông này, đây không hẳn là vốn nhà nước, bởi lẽ, vốn nhà nước đã được giao cho Cty mẹ, do đó khi Cty đem vốn đầu tư thì vốn này không hoàn toàn là của riêng nhà nước mà bằng nhiều nguồn vốn khác nhau. Vì vậy, Cty mẹ đầu tư cho Cty con chưa thể coi là vốn nhà nước.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nghiêm Văn Bang - Chủ tịch HĐQT Cty đầu tư xây dựng cấp thoát nước và môi trường VN cho rằng, nên thu hẹp đối tượng giám sát vì khái niệm DN có vốn nhà nước là quá rộng. Cũng theo ông Bang, chỉ nên giám sát đối với DN do nhà nước làm chủ sở hữu và DN do nhà nước nắm giữ cổ phần, vốn góp chi phối hoặc giữ quyền chi phối. Ông Lê Văn Chấn - Giám đốc Cty tư vấn đầu tư và thiết kế xây dựng VN lại có ý kiến, nếu chủ sở hữu nắm dưới 20% vốn nhà nước mà vào xin báo cáo tài chính chưa chắc DN đã cho chứ đừng nói chuyện giám sát, những đối tượng chủ sở hữu dù nắm tới 30% cổ phần cũng không đủ thẩm quyền để yêu cầu DN gửi báo cáo, giám sát.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Đức Tặng- Nguyên cục trưởng Cục Tài Chính DN Bộ Tài chính cho rằng, rất khó thực hiện việc đưa Cty cổ phần mà nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối vào giám sát vì hoạt động giám sát DN còn chịu sự điều tiết của Luật DN. Ông Tặng nhấn mạnh: Luật DN quy định, tại Cty cổ phần, cổ đông nắm giữ cổ phần nhiều hơn sẽ nhiều quyền hơn. Do đó, nhà nước giữ cổ phần chi phối thì chỉ được quản theo tư cách cổ đông lớn, chứ không được đưa vào diện bắt buộc. Mặt khác, các Cty hoạt động theo Luật DN thì chỉ giám sát theo chủ sở hữu. Với các Cty con, Cty mẹ là chủ sở hữu thì Cty mẹ sẽ giám sát chứ không thể là một đơn vị khác được. Hơn nữa, tại các Cty cổ phần, Cty TNHH nhiều thành viên, phần vốn nhà nước có thể chiếm đa số vẫn phải tuân thủ theo quy định của Luật DN và tôn trọng chủ quyền của các chủ sở hữu khác. Nói cách khác, không thể cho rằng, chiếm đa số vốn thì có thể giám sát cả Cty con, Cty cháu - ông Đặng chia sẻ.

Ông Trần Ngọc Thuận- TGĐ Tập đoàn công nghiệp cao su VN có ý kiến rằng, cần định lượng rõ số cổ phần nhà nước nắm giữ tại các DN mà nhà nước không nắm cổ phần chi phối. Thêm vào đó, tại một số DN đã có kiểm soát nội bộ, việc xây dựng đội ngũ riêng để thực hiện giám sát tài chính cho DN này có thể tiếp tục dẫn đến tình trạng chồng chéo.

Khó bảo toàn vốn

Vấn đề có bảo toàn được nguồn vốn nhà nước tại DN hay không cũng thu hút sự chú ý đông đảo của các tập đoàn, TCty và cơ quan quản lý. Tuy nhiên, ngay cả khái niệm “bảo toàn và phát triển vốn của DN” cũng rất khó xác định. Nếu theo dự thảo thì bảo toàn và phát triển vốn của DN là lợi nhuận năm sau phải cao hơn năm trước. Đây là phương pháp an toàn và luôn là kỳ vọng lớn của các nhà quản lý.

Thế nhưng, về phía DN, họ lại tỏ ra lo lắng và không “mặn mà” lắm với điều này. Bởi lẽ, theo ý kiến của ông Bùi Ngọc Hải - TGĐ TCty xăng dầu VN cho rằng, đây là một chỉ tiêu rất khó đạt được đối với các DN, đặc biệt là DN lớn, vì lợi ích cận biên có thể giảm dần. Chẳng hạn, vào thời điểm cuối năm, do giá tăng nên tỉ suất lợi nhuận trên vốn sở hữu có thể tăng lên đến 150-160%. Nhưng khi giá cả về mức bình thường thì tỉ suất lợi nhuận các năm sau không thể tăng hơn năm trước được. Hơn nữa, một DN bình thường cũng không thể tăng mãi tỉ suất lợi nhuận trên vốn- ông Hải chia sẻ. Ông Phạm Ngọc Cường - Phó chi cục trưởng Chi cục Tài chính DN Hà Nội cũng nêu quan điểm: Cty cổ phần, Cty TNHH hai thành viên trở lên mà nhà nước không nắm cổ phần chi phối thì Cty sẽ thực hiện theo điều lệ của Cty đó. Vì thế, cơ quan giám sát không đủ thẩm quyền để yêu cầu báo cáo giám sát càng không đủ thẩm quyền để đưa ra cảnh báo và yêu cầu DN thực hện khuyến nghị khi mất an toàn vốn - một đại diện chi cục nêu quan điểm.

Dự thảo được xem là sẽ bổ sung những “khiếm khuyết” của cơ chế hiện hành. Và mục tiêu quan trọng nhất của quy chế - theo ban soạn thảo - là thấy được thực trạng tài chính của DN để cảnh báo, kiến nghị với cơ quan quản lý nhà nước. Nhưng với tình trạng muốn giám sát mà không thể... sát thì rõ ràng dự thảo cần có sự thay đổi nhiều hơn nữa.

(Theo Mai Thanh // Diễn đàn doanh nghiệp)

  • 7 rào cản "giết chết" các phi vụ M&A tại Việt Nam
  • Nhìn lại các doanh nghiệp tư nhân: Những điểm yếu cố hữu
  • M&A thời kinh tế khó khăn
  • Quản trị công ty tại Việt Nam: Bao giờ theo chuẩn quốc tế?
  • Không dễ bén duyên
  • Làm ăn thời khủng hoảng
  • Doanh nghiệp có nên “dùng đũa 2 tay?”
  • Năm bước để mua cổ phần trong doanh nghiệp Việt Nam
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com