Bà Trần Thị Anh Đào -Trưởng phòng quản lý và thẩm định niêm yết HoSE cho biết, một trong những đặc trưng lớn nhất của QTCT tại VN là vai trò, cách thức quản trị theo mô hình quản lý của DN Nhà nước vẫn còn chi phối, đặc biệt ở những DN tuy đã là công ty cổ phần (CTCP) nhưng Nhà nước vẫn nắm giữ đa số vốn và trực tiếp kiểm soát thông qua đại diện là các thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT).
Dấu ấn quản lý theo kiểu”nhà nước
Điều này thể hiện rõ ở những DN hoạt động trong các lĩnh vực kinh doanh độc quyền (điện, dầu khí...). Ngoài ra, cơ cấu sở hữu tập trung, ít có sự phân chia giữa quyền sở hữu và quyền kiểm soát, tình trạng phân cấp chồng chéo cũng như các thể chế QTCT chưa rõ ràng và chặt chẽ, cũng là đặc trưng chung của các DN. Trong đó, với DN niêm yết (DNNY), biểu hiện rõ nhất đã là DN thì có mẫu điều lệ ban hành theo quy định, nhưng quá trình hoạt động của DN lại hầu như không “liên quan” gì đến mẫu điều lệ đã ban hành. Vì thế, mới có trường hợp công ty mẹ đầu tư vốn vào công ty con, nhưng công ty con vẫn đăng ký mua cổ phiếu của công ty mẹ, xem đó như một khoản đầu tư hạch toán của mình chứ không phải là cổ phiếu quỹ khi hợp nhất. Đến kiểm toán tài chính, lợi nhuận hợp nhất phải trừ đi khoản đầu tư cổ phiếu của công ty con và có sự điều chỉnh không mong đợi.
Một trong những nguyên nhân khiến NĐT quay lưng với TTCK
như thực trạng đang diễn ra hiện nay, là DNNY bỏ qua những chuẩn mực QTCT cơ bản
Một ví dụ khác rất phổ biến ở nhiều DNNY hiện nay là vai trò của Ban kiểm soát (BKS). Theo Quy chế QTCT áp dụng cho các DNNY ban hành kèm theo Quyết định 12/2007/QĐ-BTC, BKS phải do Đại hội đồng cổ đông bầu ra để thay mặt các cổ đông kiểm soát HĐQT, nhưng trên thực tế thì nhiều HĐQT lại... quyết định Trưởng ban kiểm soát, chỉ định quyền của BKS, hoặc BKS cũng chỉ là những người đượ đề cử, rồi... ngồi không.
Về khuôn khổ pháp lý áp dụng cho các DNNY tại VN, bà Phan Thị Tường Tâm – PTGĐ HoSE khẳng định là đã được hoàn thiện khá đồng bộ, đầy đủ. “Luật doanh nghiệp, mẫu điều lệ, quy chế quản trị công ty, các thông tư... do Bộ Tài chính ban hành đều tham khảo các nguyên tắc quản trị của Tổ chức hợp tác phát triển quốc tế (OECD). Tuy nhiên, do vấn đề QTCT còn khá mới mẻ tại VN, công tác này vẫn chưa được tuyên truyền rộng rãi và các quy định cũng chưa bắt kịp được những thông lệ, mô hình theo chuẩn mực quốc tế”. Có vẻ do “chưa được tuyên truyền rộng rãi”, nên không ít DNNY vẫn đi ngoài những quy định đã ban hành, để QTCT theo một cách... riêng ?
Cũng theo ông David Gerald, để khuyến khích dòng vốn đến với các quốc gia và các Cty thực hiện quản trị nghiêm túc, WB và OECD đã hợp tác để thành lập Ban chuyên trách IRT. Như vậy, QTCT có thể xem như một tiêu chí để các quốc gia và DN có thể đáp ứng được kỳ vọng gia tăng không ngừng của các NĐT trên trường quốc tế, cũng như cung cấp một môi trường cho phép sự phát triển có trật tự của thị trường vốn.
“VN là một đất nước đầy tiềm năng và đã thực hiện cơ chế thị trường trong nhiều năm qua” - ông David nói. Do đó, việc phát triển kinh tế quốc gia sẽ dựa trên nền tảng là hoạt động của các DN nhiều thành phần. Mặt khác, sự phát triển của các DN sẽ lại xây trên cái nền QTCT, trong đó, tính liêm chính được xem như mục đích trọng tâm để theo đuổi các mục tiêu kinh tế”. Những ví dụ về các tập đoàn, thương hiệu tên tuổi đã không thực hành đúng những chuẩn mực cao về QTCT như Enron, WorldCom (Mỹ), Baring (Anh), Informatics, Citiraya (Singapore)..., mà ở mỗi một DN, cách thức vi phạm QTCT đều có sự khác biệt, đa dạng, nhưng hậu quả chung vẫn là phá sản và đổ vỡ, đã là tấm gương thực tiễn cho vấn đề QTCT tại VN.
Bài học từ thị trường chứng khoán
“Về lâu dài, ông Lê Minh Tâm – Tổng giám đốc CTCK Kim Eng nhận xét, QTCT tốt đem lại lợi ích lâu dài cho DN trong việc nâng cao hình ảnh, uy tín, huy động nguồn vốn dễ dàng với chi phí thấp. Ở cấp độ quốc gia, QTCT tốt còn đem lại hình ảnh tốt về một môi trường đầu tư minh bạch và an toàn”.
Nhưng với thực trạng hiện tại, theo ông Tâm, QTCT tại VN cần được cải tiến từ chính từng DN, chứ không chỉ bằng những quy định mang tính bắt buộc của luật pháp. Chính bản thân những người lãnh đạo DN cần hiểu rõ lợi ích và yêu cầu QTCT đại chúng. QTCT tốt không chỉ là quyền lợi của chính DN mà còn là trách nhiệm của những người lãnh đạo; trách nhiệm với các cổ đông đã bỏ tiền mua cổ phiếu của Cty mình, trách nhiệm với sự tin tưởng của các cổ đông, trách nhiệm với cộng đồng và xã hội.
Quản trị Cty tại VN cần được cải tiến từ chính từng DN, chứ không chỉ bằng những quy định mang tính bắt buộc của luật pháp. |
Nếu đúng như vậy, thì có lẽ một kết quả nghiên cứu khác trong dự án “Thẻ điểm QTCT” đã phần nào chỉ “đích danh” một trong những nguyên nhân khiến NĐT quay lưng với TTCK như thực trạng đang diễn ra hiện nay, là: DNNY bỏ qua những chuẩn mực QTCT cơ bản. Khảo sát của dự án này chỉ ra, trong 100 DNNY lớn nhất trên HXN và HoSE, chiếm hơn 90% tổng giá trị vốn hoá thị trường, có đến 80 DN chỉ đạt mức điểm 43,9%. Với những DN lớn mà còn như vậy, thì NĐT nào sẽ dám tin cậy vào 500 DNNY còn lại ?
Yếu kém trong việc công khai và minh bạch thông tin về tính độc lập của công ty kiểm toán, thông tin về kiểm soát nội bộ, không có thông tin về chính sách và chương trình quan hệ với NĐT... của các DNNY tại VN nói riêng, và các DN đại chúng nói chung, đã phơi bày những điểm hạn chế và yếu kém trong hoạt động QTCT tại VN. Bà Vũ Thị Kim Liên - P Chủ tịch SSC thừa nhận: “Các DNNY được xem là bộ phận tiên tiến nhất và minh bạch nhất trong nền kinh tế, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu chung của quốc tế. Có thể thấy được là chúng ta đang ở đâu ?”.
(Theo Mỹ Ý // Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com